Tàu thuyền ở Nghệ An gặp khó khăn vì tình trạng bồi lắng ở các cảng cá, ngư dân phải đậu tàu lớn ngoài biển, thuê thuyền nhỏ chuyển hải sản vào bờ
Đang vào thời điểm cao điểm đánh bắt hải sản, thế nhưng, nhiều ngư dân Nghệ An lại đối mặt khó khăn khi luồng lạch ra vào các cảng cá và khu neo đậu bị bồi lắng làm cho nhiều tàu thuyền mắc cạn.
Nhiều tàu cá mắc cạn
Tại cảng cá Lạch Vạn (xã Diễn Châu), một trong những cảng lớn của tỉnh Nghệ An, tình trạng bồi lắng đã diễn ra trong thời gian dài. Theo ngư dân Trần Văn Hậu (xã Diễn Châu), trước đây các tàu cá có thể cập bến dễ dàng, nhưng nay nhiều tàu công suất lớn phải neo ngoài cửa biển rồi thuê thuyền nhỏ vận chuyển hải sản vào bờ. "Mỗi chuyến như vậy vừa tốn thời gian, vừa phát sinh thêm chi phí. Cá không còn được tươi ngon , gây ảnh hưởng lớn đến giá bán và chất lượng giao nhận hàng hóa” - ông Hậu chia sẻ.

Việc ra vào luồng lạch hiện nay đòi hỏi người điều khiển tàu phải tập trung cao độ. Bởi chỉ cần một chút sơ suất là tàu có thể mắc cạn. Khi tàu bị mắc cạn, thiệt hại là rất lớn, từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng để sửa chữa, đồng thời mất cả thời gian ra khơi, ảnh hưởng đến thu nhập ngư dân.
Thực tế, đã có nhiều vụ mắc cạn để lại hậu quả nặng nề cho ngư dân. Cách đây không lâu, tại cửa Lạch Vạn, một tàu cá bị mắc cạn đã khiến hàng trăm người dân trong xã đã phải huy động máy móc, và nhiều dụng cụ thô sơ để xử lý.

Năm 2019, tỉnh Nghệ An từng phê duyệt dự án nạo vét cửa Lạch Vạn với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thời gian, tình trạng bồi lắng tiếp tục tái diễn do ảnh hưởng của thủy triều, biến đổi dòng chảy và tác động từ tự nhiên.
Ông Nguyễn Văn Lợi – Chủ tịch UBND xã Diễn Châu cho biết: "Nghề cá là nguồn sống chính của người dân trong xã với gần 400 tàu thuyền. Cửa lạch bị bồi lấp khiến tàu lớn không thể ra vào, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế địa phương. Thậm chí, nhiều ngư dân không dám đầu tư đóng tàu công suất lớn".
Không chỉ cửa Lạch Vạn, tình trạng tương tự còn diễn ra ở cảng cá Lạch Quèn (xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu cũ). Theo ngư dân Trần Minh Chiến – một chủ tàu cá, đối với tàu công suất trên 500 CV chỉ có thể vào cảng khoảng 10 ngày mỗi tháng, tùy theo con nước. "Nếu tính sai thời điểm, tàu mắc cạn là chắc chắn. Sóng lớn đập vào thân tàu, có khi va vào đá, gây hư hỏng nặng, thậm chí chìm tàu", anh Chiến lo lắng.
Không ít trường hợp tàu cá vào cửa lạch gặp sóng lớn đã bị xoay ngang, va vào đá ngầm dẫn đến hư hỏng, thậm chí chìm toàn bộ phương tiện.

Tình trạng trên cũng xảy ra tại khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi xã Quỳnh Phú. Theo nhiều ngư dân địa phương, đoạn luồng từ Đồn Biên phòng Lạch Thơi ra đến cửa biển dài khoảng 800 mét, nay thường xuyên xảy ra va chạm và sự cố, khiến tàu gãy trục chân vịt, mắc kẹt hoặc chìm.
Ông Cao Xuân Điệp – Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Phú cho biết: “Hiện xã đang quản lý hai cảng cá là Lạch Thơi và Lạch Quèn, với hơn 600 tàu cá đang hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng bồi lắng kéo dài đang cản trở sự phát triển của nghề cá và các dịch vụ hậu cần. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng sớm có biện pháp nạo vét, gia cố và kè luồng lạch, vì đây là khu vực bãi ngang thường xuyên bị bồi lấp”.

Cần có giải pháp khơi thông luồng lạch
Với gần 3.000 tàu, thuyền đang hoạt động khai thác hải sản, kinh tế biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cảng cá do Nhà nước đầu tư gồm: Quỳnh Phương, Lạch Quèn, Lạch Vạn và Cửa Hội. Ngoài ra, còn có 5 khu neo đậu tránh trú bão là Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Vạn, Lạch Thơi và Lạch Lò. Tuy nhiên, hạ tầng nghề cá tại địa phương hiện đang bộc lộ nhiều hạn chế.
Theo tìm hiểu, từ năm 2020 đến nay, Nhà nước đã bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp một số cảng cá và khu neo đậu. Tuy nhiên, do đặc thù địa hình bãi ngang và tác động của thủy triều, các luồng lạch thường bị bồi lắng chỉ sau thời gian ngắn được nạo vét. Điển hình là khu vực Lạch Thơi, dù đã được cải tạo nhưng hiện nay vẫn tiếp tục cạn trở lại.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Nghệ An, ông Trần Xuân Học cho biết: “Chỉ nạo vét luồng lạch là chưa đủ. Cần kết hợp với các giải pháp kỹ thuật như kè bờ, giữ ổn định dòng chảy. Tuy nhiên, đây là các hạng mục cần nguồn kinh phí lớn và dài hạn”. Hiện Sở đang tiếp tục trình cấp trên bố trí vốn để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng bồi lắng, đảm bảo an toàn cho hoạt động nghề cá lâu dài.