Bệnh trầm cảm học đường - cần lắm sự sẻ chia

Mỹ Hà 28/12/2023 12:43

(Baonghean.vn) - Tuổi học đường với nhiều thay đổi về tâm sinh lý khiến các em dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều tác động từ học tập, bạn bè và các mối quan hệ khác. Ở lứa tuổi này, các em cần sự sẻ chia, động viên tích cực để tránh những ảnh hướng xấu về tâm lý và hạn chế nguy cơ dẫn đến bệnh trầm cảm.

Chuyện ghi ở bệnh viện

Đầu tháng 12 vừa qua, nữ sinh 17 tuổi hiện đang học lớp 11 tại một trường THPT công lập ở Nghệ An phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Ở độ tuổi của em, thông thường em sẽ được điều trị ở khoa Nhi - Lão khoa. Tuy nhiên, do bệnh của em có những biểu hiện nặng, thậm chí đã có ý định tự sát nên em được chuyển sang điều trị tại khoa Tâm thần nữ.

Gần 2 tuần điều trị, bệnh nhân từ một người sống khép kín, buồn rầu, chán nản, em đã có những chuyển biến tích cực, hợp tác với bác sĩ trong quá trình thăm khám. Em cũng đã cởi mở hơn khi bắt đầu chia sẻ về suy nghĩ của mình.

bna-so-luong-hoc-sinh-bi-nhap-vien-do-cac-roi-loan-tam-ly-ngay-cang-gia-tang-3801.jpg
Số lượng học sinh bị nhập viện do các rối loạn tâm lý ngày càng gia tăng. Ảnh: Mỹ Hà

Đồng hành với con trong quá trình điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, chị Nguyễn Thị L. nói rằng, chị rất đau lòng khi phải đưa con đến viện trong tình trạng tâm lý không bình thường. Trước đó, gia đình vì chủ quan nên không thấy những dấu hiệu bất thường của con vì thấy con hàng ngày vẫn đi học, ăn uống và chơi, nói chuyện bình thường.

Dấu hiệu bất thường chỉ được phát hiện cách đây 4 tháng khi gia đình thấy cháu lười học, suốt ngày sử dụng điện thoại và đóng kín cửa ở trong phòng. Sợ con học kém, chị có mắng con và cố tình lấy điện thoại thì cháu phản ứng, thậm chí nằm lăn ra nhà. Lo sợ sức khỏe của con, gia đình chị đã đưa con đến Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Bạch Mai nhưng vẫn không biết rõ bệnh tình của con vì trong quá trình thăm khám, cháu đều yêu cầu mẹ ra ngoài.

bna-tham-kham-cho-mot-hoc-sinh-bi-tram-cam-o-benh-vien-tam-than-nghe-an-8168.jpg
Thăm khám cho một học sinh bị trầm cảm ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Gần đây, bệnh của cháu càng ngày càng nặng, có khi không kiểm soát được cảm xúc, gia đình quyết định đưa cháu vào bệnh viện điều trị. Sau khi nhập viện, chị cũng mới biết con bị trầm cảm...

Qua quá trình thăm khám và điều trị ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, phụ huynh này cũng nói rằng: Thực ra con tôi có thể đã có những diễn biến về tâm lý bất thường từ năm lớp 8 khi gia đình cho cháu vào học với dì tại Đắk Lắk. Lúc đó, môi trường sống thay đổi cộng với người dì quá nghiêm khắc khiến cháu luôn bị ức chế. Lên THPT, cháu lại hay bị các bạn trên lớp trêu đùa, chê bai và cô lập nên bệnh của cháu càng nặng nề hơn. Trong khi đó, bố mẹ và anh chị lại không thường xuyên chia sẻ, hỗ trợ nên cháu ngày càng chuyển biến xấu, có tình trạng tự ti, mặc cảm, hồi hộp, lo sợ, buồn chán...

Một trường hợp khác cũng đang được bác sĩ ở Bệnh viện Tâm thần Nghệ An điều trị. Bệnh nhân hiện đang học lớp 11 ở một trường chuyên tại thành phố Vinh với rối loạn ám ảnh nghi thức. Căn bệnh này xuất hiện ở bệnh nhân này, cách đây 3, 4 năm với nhiều biểu hiện khá khác lạ. Ví dụ, bệnh nhân này thường ám ảnh về số 7 và làm bất cứ một việc gì, kể cả học, chơi hay tham gia các hoạt động đều cố gắng phải làm đến 7 lần liên tục. Điều này, ảnh hưởng rất nhiều đến em trong quá trình học tập, chẳng hạn một câu thơ em phải viết đến 7 lần rồi mới có thể diễn đạt sang ý khác. Gia đình cũng đã đem em đi điều trị nhiều nơi nhưng bệnh vẫn chưa thuyên giảm.

Bệnh nhân này không điều trị nội trú mà xin điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo ngại đó là khi bệnh nhân càng học lên cao, áp lực bài vở càng nhiều thì bệnh lại có xu hướng xuất hiện nhiều hơn và ảnh hưởng khá nhiều đến sức khỏe của em. Nếu bệnh kéo dài, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác. Bệnh nhân này cũng thừa nhận, em chịu khá nhiều áp lực về thành tích vì môi trường học tập ở trường chuyên khá nặng nề.

bác sĩ Trần Đình Ngọc - Trưởng khoa Tâm thần - Bệnh viện Tâm thần Nghệ An

Căn bệnh học đường

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đã tiếp nhận 144 bệnh nhân dưới 18 tuổi vào khám và điều trị nội trú với nhiều triệu chứng về rối loạn tâm lý ở lứa tuổi học đường. Số lượng không nhiều so với tỷ lệ học sinh nhưng điều này cũng cho thấy, các căn bệnh về tâm lý ở tuổi học đường đã không còn hiếm. Trong số này, có không ít học sinh bệnh diễn biến nặng và đã từng có ý định tự sát.

bna-xay-dung-moi-truong-giao-duc-hoc-duong-than-thien-se-giam-ap-luc-cho-hoc-sinh-trong-hoc-tap-7492.jpg
Xây dựng môi trường giáo dục học đường thân thiện sẽ giảm áp lực cho học sinh trong học tập. Ảnh: Mỹ Hà

Nói thêm về điều này, bác sĩ Trần Đình Ngọc - Trưởng khoa Tâm thần - Bệnh viện Tâm thần Nghệ An cho biết: Số lượng bệnh nhân vào nhập viện chúng tôi ngày càng trẻ hóa, nhiều nhất là từ 14 - 23 tuổi, trong đó có nhiều em bị trầm cảm do stress, vấn nạn bạo lực học đường. Đáng nói, số lượng học sinh ở các thành thị bị mắc các bệnh trầm cảm nhiều hơn ở nông thôn, vì có thể các em thường chịu nhiều áp lực hơn về học tập, các em không có thời gian để vui chơi, để tái tạo năng lượng. Bên cạnh đó, các em chịu nhiều tác động ở bên ngoài như chơi game, mạng xã hội và nhiều mối quan hệ xã hội khác.

Thực tế cũng cho thấy, những số liệu học sinh đang điều trị tại bệnh viện chỉ là con số nhỏ. Trong khi đó, số học sinh mắc các bệnh về tâm lý, trầm cảm ở các trường học cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Hơn thế, đã có những trường hợp khi bị phát hiện thì bệnh đã diễn biến nặng hoặc các em đã có những hành động tiêu cực như tự sát và không kịp cứu chữa.

bna_Học sinh đọc sách trong thư viện trường học. Ảnh Mỹ Hà.jpeg
Đọc sách, thư giãn cũng là cách để các em giảm căng thẳng trong học tập. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Tại Trường THPT Nam Yên Thành (Yên Thành), gần đây nhóm học sinh của trường đang làm một đề tài với chủ đề về công tác hỗ trợ học sinh vượt qua tâm lý và trầm cảm. Đề tài được xuất phát từ thực tế về một số học sinh trong trường bắt đầu có những biểu hiện tâm lý bất thường về hành vi, lời nói, ứng xử và có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình phát triển của bản thân.

Công tác tâm lý học đường giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì cũng như ổn định tình trạng tâm lý của học sinh, giúp các em tư duy, suy nghĩ và nhìn nhận các vấn đề xung quanh một cách đúng đắn. Ở trường chúng tôi, luôn quán triệt với giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp và đoàn trường phải thường xuyên nắm bắt tâm tư của các học sinh. Nếu có những dấu hiệu bất thường cần thông tin cho nhà trường, cho phụ huynh để có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ.

Thầy giáo Hoàng Vĩnh Thắng - Hiệu trưởng trường THPT Nam Yên Thành (Yên Thành)

Qua nhiều năm làm công tác giáo viên chủ nhiệm, làm quản lý, cô giáo Nguyễn Thị Vững - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đại Sơn (Đô Lương) và đồng nghiệp cũng đã thực hiện một đề tài sáng kiến kinh nghiệm về giải pháp để cải thiện chứng rối loạn tâm lý trong học tập và cuộc sống của học sinh.

Qua quá trình phân tích từ thực tế, cô giáo Nguyễn Thị Vững nói thêm rằng: Trầm cảm học đường hiện hữu ngày càng rõ rệt và trở nên phổ biến, bởi ở lứa tuổi học sinh các em rất dễ bị tác động bởi các yếu tố xung quanh. Khi chịu quá nhiều áp lực từ gia đình, bạn bè, thành tích,… các em dễ có xu hướng suy nghĩ tiêu cực. Để hạn chế tình trạng này, tôi cho rằng công tác tư vấn tâm lý đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Qua đó, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách. Đồng thời, phát hiện, tham vấn giúp đỡ học sinh có hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.

bna_Một buổi giáo dục kỹ năng sống do các trung tâm phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An.jpg
Một buổi giáo dục kỹ năng sống do các trung tâm phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu Mỹ Hà

Liên quan đến chứng rối loạn tâm lý, trầm cảm ở lứa tuổi học đường, bác sĩ Trần Đình Ngọc cho rằng có thể dễ dàng phát hiện với những triệu chứng điển hình như rối loạn về mặt hành vi, đó là giấc ngủ các em không đảm bảo, không ngủ được. Trong ăn uống có khi thất thường, cảm giác ăn không ngon miệng... Ngoài ra, các em còn những triệu chứng khác như cảm xúc buồn chán, giảm các mối quan tâm dù có thể trước đây các em thích mua sắm, thích làm đẹp, thích thể thao, giảm các hoạt động giảm năng lượng, không muốn lao động. Bên cạnh đó, các em có các biểu hiện như giảm khả năng học tập, nhìn mọi thứ với con mắt tiêu cực, tự ti về bản thân, không muốn ra chỗ đông người, run tay vã mồ hôi.

Với những học sinh có những triệu chứng trên, bác sĩ Ngọc khuyến cáo, ngoài đến các cơ sở y tế có uy tín để kiểm tra, khám sức khỏe và điều trị thì điều quan trọng hơn cả đó là sự quan tâm của gia đình: Đối với lứa tuổi học đường, điều quan trọng nhất là mối quan tâm của bố mẹ, bố mẹ càng sâu sát, càng thường xuyên trao đổi thì con càng thoải mái, càng cởi mở. Chúng ta cũng không nên nhìn các con như đứa con nhỏ cần chỉ dạy mà xem con là những người bạn để định hướng cho các con theo góc nhìn của người lớn. Ngoài ra, nên dành thời gian cho các con được thoải mái, tạo thời gian để các con được vận động thể dục, thể chất để các em có sức khỏe và làm cơ sở để cải thiện về mặt cảm xúc

bác sĩ Trần Đình Ngọc - Trưởng khoa Tâm thần - Bệnh viện Tâm thần Nghệ An

Mới nhất
x
Bệnh trầm cảm học đường - cần lắm sự sẻ chia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO