'Tên lửa ICBM Mỹ còn lâu mới sánh được Sarmat'
Theo RIA Novosti, Mỹ còn lâu mới tạo ra được một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới sánh ngang với tên lửa Sarmat của Nga.
Quân đội Mỹ dự kiến sẽ thay thế hoàn toàn 450 ICBM Minuteman 3 được tiếp nhận từ những năm 1970 vào năm 2027.
Tổng chi phí của kế hoạch "thay máu" này sẽ tiêu tốn khoảng 62,3 tỷ USD.
Cùng với đó, Không quân Mỹ cũng thay thế các đơn vị tên lửa hành trình chiến lược không đối đất AGM-86B, tiếp nhận từ những năm 1980, bằng thế hệ tên lửa hành trình thế hệ mới.
Hãng RIA Novosti dẫn lời chuyên gia Sivkov, chủ tịch Học viện nghiên cứu các vấn đề chính trị ở Moscow nhận định rằng, Mỹ còn lâu mới tạo ra được một ICBM mới sánh ngang với tên lửa Sarmat của Nga.
Tên lửa ICBM Minuteman 3 trong hầm phóng. |
Theo chuyên gia Nga, Washington đã nhắc tới loại tên lửa mới từ một thập kỉ trước nhưng đến nay, công đoạn phát triển mới bắt đầu ở việc đề ra các thông số kĩ thuật. Do đó, ông Sivkov cho rằng, sẽ mất thêm ít nhất là 10 năm nữa để Mỹ tạo ra được một tên lửa ngang tầm Sarmat.
Chuyên gia Nga cũng phán đoán ICBM mới của Mỹ sẽ sử dụng nhiên liệu rắn, có tầm bắn 12.000km và mang được 3 - 10 đầu đạn, có khả năng tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc với sai số từ 50 đến 100m.
Không chỉ cho rằng tên lửa ICBM Mỹ đi sau Nga 10 năm, tờ Lenta còn nhận định rằng rất có thể Mỹ sẽ học Nga trong việc phát triển tên lửa thay thế ICBM Minuteman 3.
Theo nguồn tin này, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman 3 là trụ cột trong sức mạnh răn đe hạt nhân trên đất liền của Mỹ. Tuy nhiên, toàn bộ số ICBM của Mỹ đều được triển khai từ các silo phóng cố định trong lòng đất. Điều này khiến khả năng giữ bí mật vị trí phóng tương đối hạn chế.
Vì vậy, nhà phân tích James Hasik – thành viên cao cấp tại Trung tâm Brent Scowcroft về An ninh Quốc tế cho rằng, để tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng tên lửa hạt nhân, Mỹ cần cơ động hóa chúng tương tự các ICBM di động của Nga. Các tên lửa đặt trên xe phóng cơ động hoặc trên đường sắt sẽ ít tốn kém hơn so với các tên lửa đặt trên tàu ngầm.
Các tên lửa di chuyển liên tục cũng làm giảm nguy bị tấn công hạt nhân vì vị trí phóng liên tục thay đổi, đảm bảo yếu tố bí mật. Việc đặt các tên lửa lên xe phóng cơ động chắc chắn không phải là vấn đề quá khó khăn đối với Mỹ, vì ngay cả Triều Tiên cũng có thể thực hiện điều này.
Nga đang duy trì một số loại tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ silo cố định và cơ động trên mặt đất. Điển hình là tên lửa R-36 Satan phóng từ silo và loại cơ động RT-2PM2 Topol-M. Gần đây, lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã đưa vào hoạt động loại ICBM di động RS-24 Yars mới có khả năng mang tới 10 đầu đạn hạt nhân.
Các ICBM di động đem lại cho Nga khả năng đáp trả nếu xảy ra tấn công hạt nhân nhắm vào các silo cố định của họ, đồng thời đảm bảo yếu tố bí mật trong triển khai lực lượng và che giấu vị trí phóng.
Theo Baodatviet
TIN LIÊN QUAN |
---|