Tên lửa Trung Quốc xâm nhập nhiều nước Đông Nam Á

07/11/2016 07:32

Với lợi thế giá rẻ, các tên lửa phòng không của Trung Quốc đang ngày càng được nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á quan tâm.

Trung Quốc đạt thỏa thuận mới với Indonesia

Vừa qua, Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc dẫn báo chí Anh cho biết Công ty công nghiệp Phương Bắc Trung Quốc (Norinco) sắp đạt được thỏa thuận cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Thiên Long 50 (Sky Dragon 50) cho Indonesia.

Nguồn tin cho hay, trong cuộc Triển lãm quốc phòng Indonesia 2016 được tổ chức ở Jakarta hôm 2/11, một quan chức của Norinco đã tiết lộ, công ty này mới đệ trình một phương án cung cấp hệ thống tên lửa Thiên Long cho Không quân Indonesia.

“Hiện nay, chúng tôi đang đợi thời gian mở thầu chính thức”, vị quan chức nói. Tuy nhiên ông không tiết lộ những yêu cầu phía Không quân Indonesia đưa ra trong thương vụ mua bán này.

Trung Quốc sắp đạt được thỏa thuận cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Thiên Long 50 (Sky Dragon 50) cho Indonesia.
Trung Quốc sắp đạt được thỏa thuận cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Thiên Long 50 (Sky Dragon 50) cho Indonesia.

Theo tiết lộ, một hệ thống Thiên Long gồm có radar chỉ thị mục tiêu 3D Type IBIS150, một xe phân phối hỏa lực và 3 - 6 xe phóng tên lửa. Mỗi xe phóng trang bị 4 quả tên lửa lắp sẵn, tên lửa để ở ống phóng kiêm thùng có mặt cắt ngang hình tròn.

Đặc biệt với cách bố trí này, một hệ thống Thiên Long có thể đồng thời tấn công 12 mục tiêu, trong vài giây có thể bắn 12 quả tên lửa tới các mục tiêu độc lập.

Thậm chí, hệ thống tên lửa này có thể tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 30m tới 20km, tầm bắn từ 3-50km. Các mục tiêu mà nó bắn hạ được gồm máy bay, trực thăng, UAV.

Đại diện Công ty công nghiệp Phương Bắc Trung Quốc cho biết ưu thế chủ yếu của hệ thống này so với các hệ thống phòng không tầm trung khác là giá rẻ và dễ sử dụng.

“Chúng tôi tin hệ thống này thao tác dễ hơn so với hệ thống phòng không của các đối thủ cạnh tranh. Hệ thống Thiên Long không cần có kế hoạch huấn luyện quan trọng.

Tên lửa được máy dò radar chủ động tiên tiến hỗ trợ. Điều này đã làm tăng mạnh độ chính xác. Ngoài ra, giá cả của Thiên Long rẻ hơn 40% so với các hệ thống phòng không tầm trung khác”, vị đại diện nói.

Trước đó, hồi cuối tháng 8 năm nay, Jane’s Defence Weekly của Anh cho biết, Hải quân Indonesia (TNI-AL) vừa ký hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tầm cực gần Type 730 do Tổng công ty Công nghiệp Bắc Trung Quốc (NORINCO) sản xuất.

Theo nguồn tin này, hệ thống Type 730 sẽ thay thế cho pháo AK-230 30 mm lắp ở phía trước trên tàu hộ tống KRI Silas Papare (386), lớp Parchim do Liên Xô chế tạo. Indonesia đã mua lại 16 tàu loại này từ Đông Đức.

Nhiều nước Đông Nam Á cùng quan tâm

Thời gian gần đây, với lợi thế giá rẻ cũng như dễ dàng sử dụng, các tên lửa phòng không của Trung Quốc đang ngày càng được nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á quan tâm sử dụng.

Trước Indonesia, Campuchia được coi là quốc gia đầu tiên đã mua các tên lửa phòng không FN-6 của Trung Quốc để tăng cường khả năng phòng không, sau đó tới Myanmar mua các tổ hợp tên lửa phòng không KS-1 (HQ-12)…

Mới đây, Tạp chí quốc phòng Kanwa Asian Defence cũng tiết lộ, Thái Lan vừa hoàn tất bản hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không HQ-12 với Trung Quốc. Hợp đồng này cũng đồng nghĩa với việc đưa Thái Lan trở thành nước thứ 2 tại Đông Nam Á (sau Myanmar) mua vũ khí này của Trung Quốc.

Nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á cũng lựa chọn các vũ khí phòng không của Trung Quốc
Nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á cũng lựa chọn các vũ khí phòng không của Trung Quốc

Dù cho biết bản hợp đồng đã được Thái Lan và Trung Quốc ký kết nhưng Kanwa không cho biết số lượng mua sắm, thời điểm tiếp nhận cũng như tổng giá trị của bản hợp đồng này.

Ngay trước thời điểm công khai thông tin Thái Lan mua HQ-12, theo nguồn tin quân sự Trung Quốc, Thái Lan đã được tiếp nhận lô radar RA3 đầu tiên từ Trung Quốc - loại radar chuyên dùng cho lực lượng pháo binh. Việc tiếp nhận này sau đó đã được Thái Lan lên tiếng xác nhận.

Theo giới thiệu của nhà sản xuất Norinco, Trung Quốc, RA3 là hệ thống radar quét mảng pha điện tử chủ động (AESA), được thiết kế cho nhiệm vụ xác định vị trí các trận địa pháo, pháo phản lực và các bệ phóng tên lửa đất đối đất của đối phương ngay sau khi bắn, và hỗ trợ điều khiển hỏa lực pháo binh quân ta trong phản pháo.

Ngoài ra, radar RA3 cũng có thể được sử dụng trong việc điều chỉnh hỏa lực pháo binh, tên lửa của lực lượng sử dụng. Với một số sửa đổi nhỏ trong các thông số phần mềm. Đặc biệt, RA3 còn có thể làm nhiệm phát hiện và theo dõi các mục tiêu bay thấp như máy bay hạng nhẹ, máy bay trực thăng và UAV...

Trước thương vụ mua sắm radar RA3 của Thái Lan, theo số liệu thống kê của chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin, Bangkok cũng đã thực hiện nhiều thương vụ vũ khí khác với Trung Quốc. Gần đây có tin hai bên đã ký thỏa thuận về việc Thái Lan mua xe tăng MBT-3000 của Trung Quốc.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Tên lửa Trung Quốc xâm nhập nhiều nước Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO