Tết sum vầy của những cặp vợ chồng đặc biệt hồi hương về Nghệ An tránh dịch bằng xe máy

Tiến Hùng 31/01/2022 09:50

(Baonghean.vn) - Nhờ những tấm lòng hảo tâm, những nghĩa tình đồng bào, họ từ những người bị rơi vào cảnh khốn cùng, đang sửa soạn cho một cái Tết ấm áp.

Ngôi nhà tình nghĩa

Những ngày cuối năm, Xồng Bá Xò (22 tuổi, bản Phà Lõm, xã Tam Hợp, Tương Dương), vẫn đang cùng nhóm thợ tất bật với những công đoạn cuối cùng để dựng nhà. Gặp lại phóng viên, Xò không khỏi xúc động khi khoe sắp được đón cái Tết trong căn nhà mới dựng. “Có được như thế này là nhờ vào báo chí kêu gọi, nhờ vào tấm lòng các nhà hảo tâm hết cả đó anh ạ. Ngày trước, vợ chồng em có nằm mơ cũng chưa dám nghĩ đến một căn nhà như này ”, Xò nói, chỉ tay vào đứa con trai nay đã bụ bẫm, từng phải theo bố mẹ vượt hành trình bão táp khi còn chưa đầy 10 ngày tuổi.

Căn nhà Xò dựng từ tiền hỗ trợ của cộng đồng. Ảnh: Tiến Hùng
Căn nhà Xò dựng từ tiền hỗ trợ của cộng đồng. Ảnh: Tiến Hùng

Xò sinh ra trong gia đình nghèo, như phần lớn những người Mông khác ở bản biên giới này. Một năm trước, Xò lấy vợ, gia cảnh vợ cũng chẳng khá giả hơn là bao. Vì thế, cả gia đình hơn 10 người đành phải chen chúc trong một ngôi nhà chật chội, được thưng sơ sài bằng những tấm gỗ tạp. Không chịu được cảnh nghèo khó, hai vợ chồng Xò quyết định vào miền Nam làm thuê, bất chấp đại dịch Covid-19 đang hành hoành. Ở Bình Dương, 2 vợ chồng trẻ thuê một căn phòng trọ nhỏ rồi vào làm ở một công ty gỗ. Xò kể rằng, công việc dù nặng nhọc nhưng thu nhập cao hơn nhiều so với ở nhà đi rẫy.

Đứa con trai từng theo bố mẹ hồi hương khi mới 10 ngày tuổi. Ảnh: Tiến Hùng
Đứa con trai từng theo bố mẹ hồi hương khi mới 10 ngày tuổi. Ảnh: Tiến Hùng

Nhưng chỉ vài tháng, đại dịch ập đến. Vợ chồng Xò cũng như nhiều công nhân khác, phải chịu cảnh thất nghiệp, suốt ngày quanh quẩn trong phòng trọ. Lúc này, vợ Xò, chị Giàng A Tránh (19 tuổi), lại đang mang bầu những tháng cuối cùng, khiến cuộc sống lại càng thêm bí bách. Ngày 21/7, vợ Xò sinh một bé trai nặng 2,6 kg. Sau 4 ngày nằm viện, quay trở về phòng trọ thì tất cả nhóm công nhân đã về quê bằng xe máy".

Lúc đó thấy con đang nhỏ quá mà chở về quê bằng xe máy cũng tội. Nhưng không còn cách nào khác, tiền thì đã gần hết, không thể vay mượn được nữa. Đường cùng lắm em mới phải về”, Xò kể. Khi vợ sinh được đúng 7 ngày, cặp vợ chồng bắt đầu hành trình hồi hương để đời.

Người bố trẻ điều khiển chiếc xe máy cà tàng, phía sau là chị Tránh với đôi bàn tay ôm chặt đứa con bé bỏng đang cố bám theo đoàn người hồi hương vì sợ bị bỏ lại phía sau. Nhưng chiếc rách nát ấy không chịu nghe lời, dọc đường liên tục bị hỏng giữa trời mưa gió. Vợ chồng Xò vì thế bị bỏ lại phía xa. May mắn, sau 3 ngày vật vã, vợ chồng Xò đã gặp được một nhóm thiện nguyện khi đã về tới địa phận Đà Nẵng.

Hàng nghìn lao động Nghệ An hồi hương bằng xe máy để tránh dịch. Ảnh: Tiến Hùng
Hàng nghìn lao động Nghệ An hồi hương bằng xe máy để tránh dịch. Ảnh: Tiến Hùng

Nhóm này sau đó tình nguyện sửa xe, rồi dùng ô tô chở cặp vợ chồng trẻ về tới quê nhà an toàn. Sau khi báo chí đăng tải câu chuyện, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến hình ảnh đứa trẻ bé bỏng theo bố mẹ hồi hương vì đại dịch. Và trong những lúc khốn khó vì dịch ấy, tình nghĩa đồng bào đã được thể hiện. Nhiều nhà hảo tâm sau đó đã chủ động hỗ trợ gia đình Xò.

“Đến nay, vợ chồng em nhận được hỗ trợ hơn 500 triệu đồng rồi. Đây là số tiền quá lớn với gia đình em. Em dành 100 triệu để dựng căn nhà này, số còn lại vẫn gửi tiết kiệm trong ngân hàng để dành cho con”, Xồng Bá Xò nói và cho hay, anh dự kiến ra Tết sẽ để cho vợ con ở nhà chăn nuôi, làm rẫy. Còn anh vẫn sẽ tiếp tục lên thành phố để làm thuê. Số tiền mà các nhà hảo tâm đã tặng, anh không dám tiêu phung phí.

Từ những phận đời bị rơi vào hoàn cảnh khốn cùng vì đại dịch, cuối cùng, nhờ tình nghĩa đồng bào, vợ chồng Xò đang sửa soạn cho một cái Tết đầm ấm, sum vầy bên nhau. Hai vợ chồng nói rằng, chưa bao giờ họ lại hân hoan đón Tết như năm nay. Khi chúng tôi đến, chị Giàng A Tránh gửi đứa con trai 5 tháng tuổi cho hàng xóm để chạy xuống thị trấn mua sắm Tết trở về. Những đồ Tết mà Tránh mua cũng khá ít ỏi, chỉ là ít gói bánh kẹo, nước ngọt và một vài bộ đồ mới cho cả gia đình cũng như các vật dụng cần thiết để hai vợ chồng ra ở riêng. Tránh không giấu nổi niềm vui khi khoe, đây là lần đầu tiên, cô được đi mua sắm Tết.

Vợ chồng anh Bách cũng đang dần ổn định cuộc sống nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng. Ảnh: Tiến Hùng
Vợ chồng anh Bách cũng đang dần ổn định cuộc sống nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng. Ảnh: Tiến Hùng

Cách nhà Xò không xa, vợ chồng Lương Văn Bách (28 tuổi, bản Văng Môn), cũng từng lâm vào cảnh tương tự. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của cả cộng đồng, cuộc sống của cặp vợ chồng trẻ hiện đã ổn định nơi quê nhà.

Vợ chồng anh Bách vào TP.HCM làm thuê kiếm sống từ đầu năm 2020. Anh Bách làm nghề tự do, chị Kha Thị Ánh, vợ anh, làm công nhân may mặc. Từ tháng 6/2021, hai vợ chồng phải nghỉ việc vì dịch Covid-19, “sống mòn” trong căn phòng trọ chật chội. Cuộc sống của họ càng trở nên bí bách hơn khi đứa con đầu lòng ra đời giữa đỉnh điểm của đại dịch.

Ngày 4/10/2021, không còn cách gì khác, vợ chồng anh Bách cùng đứa con mới sinh 20 ngày tuổi được bọc trong chiếc khăn và lỉnh kỉnh đồ đạc rời thành phố về quê. Hành trình về quê dài hơn 1.500 km bằng chiếc xe máy cũ nát.

Khi vừa qua đèo Hải Vân, anh Bách kiệt sức, không chạy được nữa. May mắn, vợ chồng anh gặp được nhóm thiện nguyện tại đây và được họ hỗ trợ xe ô tô về Nghệ An, khi quãng đường về nhà còn hơn 500 km. Ngoài ra, vợ chồng Bách cũng được cộng đồng hỗ trợ một khoản tiền không nhỏ để ổn định cuộc sống.

Tết ấm áp của đứa trẻ bị đẻ rơi trên đường

Chia tay vợ chồng Xồng Bá Xò, Lương Văn Bách, chúng tôi ngược lên bản Huồi Mới xa xôi ở xã Tri Lễ, Quế Phong, để tìm gặp vợ chồng Và Bá Sao (22 tuổi). Tuy nhiên, cũng phải chờ đến khi nhá nhem tối, chúng tôi mới được toại nguyện vì vợ chồng Sao phải đi làm rẫy, dù ngày Tết đã cận kề. “Chúng nó siêng lắm. Dù bây giờ nhiều tiền rồi nhưng vẫn địu con lên rẫy suốt ngày”, một hàng xóm của Sao kể.

Hồi đầu năm, vợ chồng Sao mang theo đứa con trai đầu lòng mới hơn một tuổi vào Bình Phước cạo mủ cao su. Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng của đại dịch, một ngày đầu tháng 10, vợ chồng trẻ quyết định hồi hương bằng xe máy hàng nghìn lao động khác. Tuy nhiên, khi tới địa phận Quảng Trị thì vợ Sao, chị Thò Y Dũng (19 tuổi), trở dạ rồi đẻ rơi một bé gái ngay bên Quốc lộ 1A.

Lúc này, cặp vợ chồng cũng chẳng còn một đồng xu nào dính túi. Sản phụ không có bảo hiểm y tế, cũng chưa chuẩn bị áo quần, đồ dùng cho việc sinh đẻ. Cả gia đình sau đó được hỗ trợ đưa vào một trung tâm y tế gần đó. Sau khi Báo Nghệ An đăng tải câu chuyện, nhiều nhà hảo tâm đã chủ động liên hệ, hỗ trợ tiền và các vật dụng cần thiết cho sản phụ. Cả gia đình sau đó còn được xe cấp cứu chở về tới tận quê nhà.

Vợ chồng Sao được giúp đỡ, chở về tận quê nhà sau khi sinh con giữa đường. Ảnh: TH
Vợ chồng Sao được giúp đỡ, chở về tận quê nhà sau khi sinh con giữa đường. Ảnh: TH

Gặp lại chúng tôi, Sao khoe được các nhà hảo tâm hỗ trợ gần 100 triệu đồng. Nhưng vợ chồng anh đến nay vẫn chưa dám đụng đến khoản tiền ấy, mà vẫn gửi tiết kiệm. Sao dự kiến sắp tới để rút ra một ít để chuẩn bị cho đứa con bị đẻ rơi trên đường ấy một cái Tết thật đầm ấm. “Em cầu mong cho chúng ta sớm chiến thắng được đại dịch. Để không còn cảnh như bọn em đã từng gặp phải”, Sao xúc động nói.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong năm 2021, hàng nghìn lao động Nghệ An đã phải vượt chặng đường dài từ các tỉnh phía Nam để hồi hương. Dọc hành trình bão táp, đã có không ít mất mát, những tai nạn đau lòng xảy ra. Nhưng cũng chính những lúc khốn khó đó, tình nghĩa đồng bào đã được phát huy.

Dọc đường thiên lý là những gian hàng từ thiện của các tổ chức, cá nhân. Nhiều nhóm được thành lập để sửa xe máy, lo từng bữa ăn, áo quần… cho đồng bào mình. Tại Nghệ An, ngay ở cửa ngõ gần như thời điểm nào cũng có những nhóm thiện nguyện, những tổ chức xã hội, cơ quan chức năng để trao quà, hỗ trợ cho bà con lúc nguy khó. Những việc làm ấy đã khiến cho hành trình bão táp của lao động hồi hương dường như ngắn lại.

Mới nhất

x
Tết sum vầy của những cặp vợ chồng đặc biệt hồi hương về Nghệ An tránh dịch bằng xe máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO