Thách thức trong giải quyết ô nhiễm môi trường hồ, kênh ở TP. Vinh

Tại bài viết “Hàng loạt hồ, kênh ở TP. Vinh ô nhiễm: Vấn đề bức xúc!” ra ngày 9/2/2023, Báo Nghệ An đã nhắc đến phiên chất vấn ngày 15/12/2022, kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố Vinh, về việc lựa chọn, tổ chức chất vấn công tác quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường ở một số hồ, kênh trên địa bàn.

Vì vậy, cần thiết thông tin nội dung Thông báo số 170/TB-HĐND Kết luận phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 ban hành ngày 20/12/2022 của HĐND thành phố Vinh. HĐND thành phố đánh giá: “Phiên chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, sôi nổi, xây dựng, cử tri và dư luận đánh giá cao. Các đại biểu HĐND thành phố đặt câu hỏi thẳng thắn, trách nhiệm, đúng vào những vấn đề thời sự đang được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Lãnh đạo UBND thành phố, trưởng phòng, ban, đơn vị thành phố liên quan được phân công nắm rõ chức năng, nhiệm vụ được giao và thực trạng các vấn đề được đại biểu HĐND thành phố nêu, đã trả lời đúng trọng tâm, rõ ràng, đầy đủ các câu hỏi; đồng thời, đã giải trình, làm rõ thêm các nội dung đại biểu HĐND thành phố quan tâm”.

Bìa một số bài viết về tình trạng ô nhiễm môi trường tại hồ, kênh trên địa bàn thành phố Vinh.
Bìa một số bài viết về tình trạng ô nhiễm môi trường tại hồ, kênh trên địa bàn thành phố Vinh.

HĐND thành phố Vinh giao UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị liên quan triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, đồng bộ các giải pháp đã nêu trong báo cáo trả lời chất vấn để khắc phục những hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các nội dung chất vấn, báo cáo kỳ họp thường lệ giữa năm 2023 của HĐND thành phố.

Để công tác quản lý và xử lý ô nhiễm môi trường ở một số hồ, kênh đạt kết quả tốt, HĐND thành phố nhấn mạnh các nội dung trọng tâm như sau: “Cần có sự đánh giá một cách đầy đủ, khoa học các nguyên nhân về hạ tầng kỹ thuật, công tác vận hành, đề xuất các giải pháp căn cơ, phù hợp để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm môi trường tại các hồ, kênh trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, đảm bảo đúng quy trình được duyệt, không để nước thải tràn ra hồ, kênh. Tổ chức khảo sát, đánh giá lượng bùn tích lũy trong từng hồ, kênh để xây dựng kế hoạch nạo vét lượng bùn thải trong hồ và kênh. Giao cho các phòng chuyên môn liên quan tham mưu công tác quản lý, vận hành tài sản công này một cách toàn diện, xác định rõ trách nhiệm, không chỉ quản lý thoát nước mà còn quản lý hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, vệ sinh môi trường…

Hào Thành cổ là một trong những điểm nóng ô nhiễm môi trường.
Hào Thành cổ là một trong những điểm nóng ô nhiễm môi trường.

Cần xây dựng quy chế phối hợp quản lý giữa đơn vị quản lý thoát nước, chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong quản lý, khai thác hồ; xác định trách nhiệm chính, sự phối hợp trong công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường hồ khi có sự cố xảy ra. Bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng hạ tầng kỹ thuật, nạo vét bùn lắng, trồng cây xanh, xử lý khi có sự cố về môi trường. Đầu tư, nâng công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung tại xã Hưng Hòa (hiện nay 25.000m3/ngày đêm), Trạm bơm số 1. Thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, vận hành, xử lý ô nhiễm môi trường. Cần có chế tài đủ nghiêm để xử lý, quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm vấn đề bảo vệ môi trường…

Tăng cường công tác truyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ cảnh quan ở khu vực ao, hồ; chỉ đạo UBND các phường, xã, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp vứt rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường huy động sức dân, xã hội hóa nguồn lực của nhân dân trong công tác giao thông, thủy lợi, xây dựng, nạo vét kênh mương, xử lý ô nhiễm môi trường ngay từ đầu nguồn”.

Vì nước thải tràn vào, tuyến kênh Bắc như “sông Tô Lịch”.
Vì nước thải tràn vào, tuyến kênh Bắc như “sông Tô Lịch”.

Trao đổi với Báo Nghệ An, ông Trần Quang Lâm – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh nhìn nhận tình trạng ô nhiễm tại nhiều hồ, kênh trên địa bàn là thực sự đáng lo. Vì vậy, những nội dung trọng tâm HĐND thành phố nêu ra là sát, đúng, UBND thành phố đang khẩn trương thực hiện. Cụ thể, từ ngày 30/12/2022, UBND thành phố đã có Văn bản số 7021/UBND-TNMT giao nhiệm vụ cho từng phòng, ban và các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung sau chất vấn của kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố.

Hiện tại, các phòng, ban và đơn vị liên quan đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhưng dù vậy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cũng bày tỏ băn khoăn: “Những tồn tại, hạn chế đều đã được báo cáo giải trình tại kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố. Nhưng để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm hồ, kênh trên địa bàn, thực sự có rất nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra cho thành phố, nhất là về nguồn lực!”.

Ông Trần Quang Lâm - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh.
Ông Trần Quang Lâm - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh.

Về vấn đề nguồn lực, theo ông Trần Quang Lâm, thì kinh phí sự nghiệp thị chính của thành phố rất eo hẹp, không thể đáp ứng để cùng một lúc xử lý được hết các tồn tại. Ông Lâm dẫn ra một ví dụ, để nạo vét toàn diện bùn thải ở hồ Vinh Tân, đơn vị quản lý hồ tính toán cần khoảng 14 tỷ đồng. Trong khi đó, kinh phí hàng năm thành phố bố trí cho công tác quản lý, vận hành xử lý nước thải và nạo vét bùn thải ở một số tuyến mương ách yếu chỉ được 4 tỷ đồng.

Nguồn lực hạn chế, vì vậy, song song với chỉ đạo tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ, kênh, mương liên quan và việc quản lý, vận hành xử lý nước thải, thành phố đã chỉ đạo thực hiện một số giải pháp tình thế trước mắt. Cụ thể, đang cho xây dựng phương án thông thủy một số hồ, kênh có mùi hôi, gồm hào Thành cổ và kênh Bắc; các khu vực này, khi có hệ thống mương dẫn nước vào pha loãng, làm sạch sẽ giải quyết được mùi ô nhiễm.

Hồ sinh thái Vinh Tân bị ô nhiễm nên người dân sống trong khu vực hết sức băn khoăn, lo lắng.
Hồ sinh thái Vinh Tân bị ô nhiễm nên người dân sống trong khu vực hết sức băn khoăn, lo lắng.

Giải pháp tiếp theo là xây dựng phương án nạo vét bùn thải ở các hồ, kênh. Đối với hồ doanh nghiệp quản lý, khai thác (gồm hồ Trung tâm, hồ Tecco, hồ điều hòa Vinh Tân), thành phố chỉ đạo các phòng chức năng, UBND các phường, xã liên quan làm việc, yêu cầu doanh nghiệp xây dựng phương án, có kế hoạch nạo vét bùn thải. Đối với những hồ do Nhà nước quản lý, chỉ đạo khảo sát, lập dự toán, kế hoạch, để phân kỳ bố trí nguồn lực tổ chức nạo vét bùn thải. Thành phố cũng đã chỉ đạo tập trung công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, các hộ gia đình trên toàn địa bàn giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả thải rác xuống hồ, kênh. Một giải pháp sẽ sớm thực hiện là huy động nguồn lực trồng trong các hồ, kênh một số loài cây thủy sinh giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước…

“Hạ tầng thoát nước của thành phố còn quá bất cập, yếu, không đồng bộ. Vì vậy, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện khẩn trương những giải pháp tình thế trước mắt để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm. Cần nhìn xa hơn, khi thành phố đầu tư nâng cấp, nâng công suất được các trạm bơm, Nhà máy xử lý nước thải tập trung; đồng thời thực hiện được Dự án Hạ tầng ưu tiên và Phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu thành phố Vinh thì mới mong giải quyết cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường ở hồ, kênh…” – Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh Trần Quang Lâm nhấn mạnh.

Hồ chứa trạm bơm Đông Nam cũng đang trở thành nơi chứa nước thải sinh hoạt.
Hồ chứa trạm bơm Đông Nam cũng đang trở thành nơi chứa nước thải sinh hoạt.

Thời gian qua, công tác vận hành, xử lý nước thải của thành phố có những sự cố không hay. Như ở tuyến kênh Bắc, từ tháng 11/2022, do bùn thải lắng đọng trong một số tuyến cống bao, giếng tách, hố ga dẫn đến ách tắc, ùn ứ nước thải vào kênh. Sự cố này đến nay vẫn chưa được xử lý vì chưa có kinh phí. Hay như mới đây, ngày 8/2, Nhà máy xử lý nước thải tập trung trong khi vận hành thì gặp sự cố cháy nổ biến áp máy thổi khí số 5, dẫn đến công suất xử lý nước thải sút giảm…

Nhưng bên cạnh đó, đã có những thông tin tích cực. Đó là việc Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Handico Vinh Tân (1 trong 3 doanh nghiệp được Nhà nước giao quản lý, khai thác hồ) đã thống nhất xây dựng kế hoạch, tổ chức nạo vét tổng thể, toàn diện hồ sinh thái Vinh Tân. Tổng Giám đốc công ty, ông Nguyễn Văn An đã thông tin: “Hội đồng quản trị quyết nghị, giao công ty khảo sát, lập dự toán, thuê đơn vị nạo vét chuyên nghiệp có máy móc, xà lan… nạo vét tổng thể, toàn diện hồ”.

Giải pháp trồng một số loại cây thủy sinh mà ông Trần Quang Lâm đã trao đổi ở trên là khả thi. Khẳng định vậy bởi tháng 9/2022, UBND phường Cửa Nam trồng thử nghiệm 3 loại cây sen, súng và thủy trúc trong hào Thành cổ. Với cây sen, cây súng đang cần chờ đến mùa Hè, là thời điểm hai loại cây này sinh trưởng mới có đánh giá chính xác. Riêng cây thủy trúc, đang phát triển rất tốt. Thủy trúc là loại cây có khả năng xử lý nước thải, dễ trồng, không tốn quá nhiều kinh phí, bởi vậy, thực sự phù hợp để nhân rộng, xử lý ô nhiễm môi trường nước, bùn trong các hồ, kênh của thành phố Vinh.

Cây thủy trúc phường Cửa Nam trồng thử nghiệm trong Hào Thành cổ để giảm thiểu ô nhiễm, tạo cảnh quan.
Cây thủy trúc phường Cửa Nam trồng thử nghiệm trong Hào Thành cổ để giảm thiểu ô nhiễm, tạo cảnh quan.