'Thái tử' Samsung và con đường 'nối ngôi'

Chi Nguyễn 30/10/2020 07:07

(Baonghean.vn) - Tại Hàn Quốc, Samsung là một “đế chế” khổng lồ, nơi đóng góp đến 1/5 GDP cho đất nước, còn Chủ tịch Tập đoàn này Lee Kun-hee được xem như một biểu tượng của giới kinh doanh. Sau khi ông Lee qua đời hôm 25/10, câu chuyện về người thừa kế “đế chế” Samsung Lee Jae-yong trở nên nóng hổi tại xứ sở Kim chi.

“Tất cả những gì mà Samsung muốn”

Đó là những gì tạp chí Fortune từng nhận định về ông Lee Jae-yong - người đang giữ chức Phó Chủ tịch Samsung và cũng là con trai duy nhất Cố Chủ tịch tập đoàn Lee Kun-hee. Lee Jae-yong sinh năm 1968 còn được biết đến với tên gọi Jay Y. Lee, bản thân ông cũng thường được truyền thông xứ Hàn gọi với biệt danh “Thái tử Samsung” hoặc “Người thừa kế Samsung”.

Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, ông Lee Jae-yong là người giàu thứ ba Hàn Quốc với khối tài sản khoảng 6,7 tỷ USD, nằm trong danh sách những người quyền lực nhất Hàn Quốc.

Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong. Ảnh: Yonhap
Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong. Ảnh: Yonhap

Sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Seoul và nhận bằng thạc sĩ tại Nhật Bản, Lee Jae-yong học tại Trường Kinh doanh Harvard trong 5 năm trước khi gia nhập Samsung. Ông là người thông thạo tiếng Anh và tiếng Nhật, có các mối quan hệ với giới thượng lưu và doanh nhân khắp châu Á và phương Tây vì thế ông được kỳ vọng sẽ tăng cường quan hệ ngoại giao của Samsung trong tương lai.

Lee bắt đầu làm việc tại Samsung trong năm 1991. Ông bắt đầu với chức vụ Trưởng phòng Kế hoạch và Chiến lược và sau đó là Chánh Văn phòng phụ trách chăm sóc khách hàng - một vị trí quản lý tạo ra để dành riêng cho Lee. Triển vọng làm lãnh đạo tương lai cho tập đoàn này trở nên mơ hồ khi cha ông từ chức chủ tịch do trốn thuế. Tuy nhiên, trong tháng 12 năm 2009, hy vọng kế nhiệm lại hồi sinh khi Jae-yong trở thành Giám đốc điều hành của Samsung Electronics.

Một cách từ từ, gia đình họ Lee dần dần thay đổi để tăng trách nhiệm và quyền lực cho Lee Jae-yong khi ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Samsung vào năm 2012. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, khi Tập đoàn đang phát triển hùng mạnh, gia đình Lee đối mặt với biến cố bất ngờ. Ông Lee Kun-hee phải nhập viện sau một cơn đau tim và mất khả năng làm việc ở độ tuổi 72. Kế hoạch “kế vị” bắt đầu sớm hơn nhiều so với dự kiến.

Chủ tịch Samsung Electronics Lee Kun-hee (thứ 3 từ trái sang) và con trai cùng các nhân viên của công ty bước tại tòa nhà văn phòng Samsung Electronics ở Seoul năm 2011. Ảnh: Yonhap
Chủ tịch Samsung Electronics Lee Kun-hee (thứ 3 từ trái sang) và con trai cùng các nhân viên của công ty bước tại tòa nhà văn phòng Samsung Electronics ở Seoul năm 2011. Ảnh: Yonhap

Cũng từ đây, “Thái tử Samsung” nắm giữ vai trò người điều hành tập đoàn trong bối cảnh nhiều thách thức ập đến. Đầu tiên là việc chính phủ Hàn Quốc cấm sử dụng hình thức sở hữu cổ phần chéo và áp dụng chính sách ưu đãi thuế để các công ty tái cấu trúc nhằm nâng cao tính minh bạch và quản trị doanh nghiệp trong các chaebol (tập đoàn gia đình). Tình hình càng căng thẳng hơn sau khi chính phủ của Tổng thống Park Geun Hye sụp đổ khi bà Park bị cáo buộc quá thân với một số chaebol, trong đó có Samsung.

Đầu năm 2017, gần 2 năm sau khi trở thành nhà lãnh đạo không chính thức của Samsung, ông Lee Jae-yong bị buộc tội hối lộ Tổng thống Park và các cố vấn để được phép sáp nhập 2 công ty con của Samsung nhằm bảo vệ quyền kiểm soát của gia đình Lee đối với đế chế và tránh khoản thuế thừa kế khổng lồ. Bê bối đó trở thành bão truyền thông ở Hàn Quốc. Trong “phiên tòa thế kỷ” cùng năm, ông Lee Jae-yong bị buộc tội hối lộ, biển thủ và khai man với mức án 5 năm tù. Nhưng sau khi thụ án gần 1 năm, ông được thả nhờ kháng cáo và được giảm án.

Tất cả những điều này thể xem là những “phép thử” cho người lãnh đạo trong tương lai của Samsung và ông đã chứng tỏ khả năng vượt qua “bão tố” khi tiếp tục đưa tập đoàn gia đình phát triển. Nhiều người nói rằng, Jae-yong không có phong thái lãnh đạo như cha mình. Nhưng các nhân viên cấp dưới của ông lại cho rằng ẩn sâu trong vẻ ngoài trầm tĩnh của ông là một ý chí quyết đoán và sự kiên trì đối với công việc. “Ông ấy rất nhạy bén và có những ý tưởng thực sự đột phá”, một giám đốc trong Samsung nhận xét.

Sở hữu hồ sơ khá hoàn hảo, một vẻ ngoài lịch lãm, không có quá nhiều bàn cãi về việc Lee Jae-yong sẽ là người kế nhiệm chính thức của đế chế Samsung.

Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong (thứ 2 từ trái) cùng mẹ của ông Hong Ra-hee và các thành viên khác trong gia đình tham dự lễ an táng cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee hôm 28/10/2020. Ảnh: Yonhap
Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong (thứ 2 trái sang) cùng mẹ của ông Hong Ra-hee và các thành viên khác trong gia đình tham dự lễ an táng cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee hôm 28/10/2020. Ảnh: Yonhap

Kỷ nguyên mới của Samsung

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Lee Kun-hee, Samsung Electronics Co. đã trở thành một cái tên nổi tiếng trên toàn thế giới với TV màn hình phẳng và những chiếc điện thoại thông minh bóng bẩy. Chương đó khép lại đối với gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc vào 25/10 sau sự ra đi của ông Lee. Giờ đây, áp lực đặt lên vai người kế nhiệm Jae-yong trong việc tạo dựng một “kỷ nguyên mới” cho Samsung.

Tuy nhiên, việc tiếp quản tập đoàn khổng lồ này chắc chắn không suôn sẻ và ông Lee Jae-yong có thể phải chờ lâu hơn để ngồi vào chiếc ghế cao nhất tại Samsung.

Thứ nhất, ông Lee đang vướng vào các cáo buộc hối lộ và sử dụng “thủ đoạn” kế toán để “bôi trơn” quá trình thừa kế. Dù phủ nhận mọi hành vi sai trái, ông Lee đối mặt với khả năng quay lại tù lần nữa nếu bị kết án. Vì thế, Samsung có thể trì hoãn việc bổ nhiệm ông Lee vào ghế Chủ tịch Samsung Electronics, ít nhất đến khi phiên xử đầu tiên kết thúc trong vài tháng tới để tránh viễn cảnh tân Chủ tịch phải ngồi tù. Tất nhiên, trong giai đoạn này, ông Lee với tư cách Phó Chủ tịch vẫn có quyền đưa ra quyết định chiến lược sâu rộng cho tập đoàn.

Thị trường điện thoại thông minh của Samsung đang phục hồi sau 5 năm sụt giảm, nhưng công ty phải đối mặt với những thách thức mới về chip. Ảnh: AP
Thị trường điện thoại thông minh của Samsung đang phục hồi sau 5 năm sụt giảm, nhưng công ty phải đối mặt với những thách thức mới về chip. Ảnh: AP

Thứ hai là những thủ tục liên quan đến chuyện thừa kế. Cố chủ tịch Lee, người giàu nhất Hàn Quốc, sở hữu khối tài sản ròng hơn 20 tỷ USD, trong đó phần lớn là cổ phần của ông trong Samsung. Luật của Hàn Quốc quy định mức thuế lên tới 60% đối với cổ phiếu thừa kế từ các cổ đông lớn, và mức thuế lên tới 50% đối với bất động sản và các tài sản thừa kế khác. Theo đó, nhà họ Lee có thể phải đóng số thuế thừa kế lên tới 10 tỷ USD, và đây sẽ là hóa đơn thuế thừa kế lớn nhất từ trước đến nay ở Hàn Quốc. Hầu hết các chaebol lựa chọn trả thuế bằng tiền mặt thay vì cổ phiếu để duy trì quyền lực, nhưng với khoản tiền khổng lồ như vậy quả là một bài toán khó.

Theo các chuyên gia, dù còn nhiều trở ngại song việc “nối ngôi” của “Thái tử Samsung” chỉ là chuyện sớm muộn. Samsung không mong muốn có bất kỳ một sự thay đổi lớn nào khác bởi tập đoàn này đang đối mặt với loạt thử thách từ đối thủ cạnh tranh mới nổi cũng như việc xây dựng chiến lược dài hạn. Để chuẩn bị tốt nhất cho tương lai lãnh đạo tập đoàn một cách “danh chính ngôn thuận”, Lee Jae-yong sẽ phải chứng tỏ được rằng ông có thể quản lý đế chế Samsung và đưa nó lên một kỷ nguyên “hậu Lee Kun-hee”.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, Jae-yong là người có chiến lược quản lý mở rộng hơn so với triết lý của cố Chủ tịch Lee Kun-hee là “Thay đổi mọi thứ trừ vợ và con cái của bạn”. Thực tế, ông góp phần tích cực vào những thành công của Samsung như dòng smartphone Galaxy. Phân khúc điện thoại màn hình lớn đã giúp tập đoàn này “hốt bạc” cho đến khi Apple nhận ra sai lầm và cho ra mắt iPhone 6 và 6 Plus.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Samsung, hôm 20/10 khi ông thăm Việt Nam và các cơ sở sản xuất của Samsung, cùng với đó là những cam kết mạnh mẽ về đầu tư. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Lee Jae Yong, Phó Chủ tịch Samsung, hôm 20/10 khi ông thăm Việt Nam và các cơ sở sản xuất của Samsung, cùng với đó là những cam kết mạnh mẽ về đầu tư. Ảnh: VGP

Ở vị trí phó Chủ tịch Samsung trong thời điểm tập đoàn đang gặp khó khăn, Lee Jae-yong đã “ghi nhiều điểm cộng” khi thực hiện các cuộc cải tổ lớn. Những lãnh đạo thiếu năng lực sẽ bị thuyên chuyển sang vị trí khác hoặc bị sa thải. Đồng thời, ông tập trung vào các thương vụ sáp nhập và bán các mảng kinh doanh không hiệu quả như trong lĩnh vực hóa chất và quân sự. Gần đây, Phó chủ tịch của Samsung chọn phân khúc ôtô thông minh tự lái làm một trong những mảng phát triển mũi nhọn tiếp theo. Các nhà phân tích nhận định, hành động này là một bước đi đúng hướng, sẽ tiếp thêm cơ hội cho lĩnh vực điện thoại di động đang mất đà và củng cố cho sự phát triển bền vững của Samsung.

Chưa thể khẳng định rõ định hướng chiến lược sắp tới của Samsung ra sao và Lee Jae-yong có thể làm gì để thoát khỏi “vầng hào quang” của cha mình để lại nhưng nếu quyết tâm để “được công nhận là lãnh đạo của một công ty toàn cầu hàng đầu”, như lời trần tình của ông trong một phiên tòa mới đây, người kế vị này có thể tạo nên kỷ nguyên mới cho Samsung.

Mới nhất
x
'Thái tử' Samsung và con đường 'nối ngôi'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO