Tháng Bảy về, khắc khoải niềm thương...

Công Kiên 12/07/2022 06:49

(Baonghean.vn) - Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn đeo đẳng không ít gia đình nước Việt, khi người thân vẫn còn nằm ở phương xa. Tháng Bảy về, nỗi nhớ thương như con sóng cuộn lên trong lòng người ở lại, nỗi đau mất mát không dễ gì nguôi ngoai. Câu chuyện của gia đình cụ Nguyễn Văn Duyệt và gia đình cụ Nguyễn Thị Phương là hai trong muôn vàn nỗi đau dai dẳng do chiến tranh để lại…

“Con ra đi mang nặng lời thề…”

Hơn một tuần trước, con cháu trong gia đình, dòng họ và bà con xóm giềng đã đưa tiễn cụ Nguyễn Văn Duyệt ở làng Nhạn Tháp, xã Hồng Long (Nam Đàn) về nơi yên nghỉ cuối cùng. Là bậc lão thành Cách mạng với 103 tuổi đời và Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, cụ Duyệt đã sống một cuộc đời trọn vẹn nghĩa tình với đất nước, quê hương và gia đình.

Chân dung liệt sĩ Nguyễn Viết Lam. Ảnh: GĐCC

Có điều nỗi xót thương của con cháu, họ hàng dường như tăng thêm bội phần khi trước lúc về với tổ tiên, cụ vẫn chưa hề có được tin tức về phần mộ của con trai - liệt sĩ Nguyễn Viết Lam. Bởi, hơn nửa thế kỷ qua, người bố ấy đã cất công tìm kiếm, mong chờ thông tin của người con trai hy sinh ở chiến trường miền Nam nhưng bặt vô âm tín.

Người bố đã gắng gượng vượt qua những đau đớn, bệnh tật để đi qua hơn một thế kỷ, chờ ngày đón hài cốt con trai về với quê nhà. Nhưng rồi, cũng đến lúc sức cùng lực kiệt, như ngọn đèn đã cạn dầu, cụ Nguyễn Văn Duyệt không thể chờ đợi thêm được nữa…

Mấy ngày trước khi từ giã cuộc đời, đôi bàn tay cụ Duyệt vẫn nắm chặt tờ giấy ghi bài thơ của người con trai liệt sĩ. Đây là kỷ vật duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Viết Lam, được đồng đội đưa về cho gia đình sau khi anh Lam hy sinh. Có thể xem bài thơ là bức thư của người chiến sỹ, ở đó có sự gửi gắm tình cảm của người con ở chiến trường với bố mẹ, gia đình ở hậu phương. Và cao hơn là tấm lòng, là ý chí, quyết tâm của người con trai đất Nghệ khi Tổ quốc lâm nguy.

Bài thơ của liệt sĩ Nguyễn Viết Lam viết trước lúc hy sinh. Ảnh: GĐCC

Bài thơ được sáng tác ngày 27/2/1970 với những câu thơ giản dị nhưng rất đỗi chân thành và xúc động: “Đảng đã trao cho con đôi mắt/Dù có phải phút giây còn mất/Vẳng bên tai bố mẹ dặn con/Con không thể ngồi yên xem miền Nam rực lửa/Máu tim con rồi nóng bừng bừng/Con ngước mắt nhìn lá cờ giải phóng/Lòng ngậm ngùi nhớ mẹ thương cha…”.

Kết thúc bài thơ của mình, người lính Nguyễn Viết Lam thể hiện niềm tin và gửi gắm quyết tâm chiến đấu để đi đến thắng lợi cuối cùng: “Con ra đi mang nặng lời thề/Dẹp tan giặc Mỹ con về quê hương”. Do vậy, trong bài thơ, tình cảm của người con với gia đình và trách nhiệm của người lính với Tổ quốc quyện chặt làm một, khiến ai đọc được đều rưng rưng, nghẹn ngào.

Nỗi đau và nhớ thương khắc khoải của người mẹ bên mộ con ở Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào (Anh Sơn). Ảnh: Công Kiên

Bài thơ của con trai được cụ Nguyễn Văn Duyệt nâng niu và cất giữ cẩn thận, hơn 50 năm đã đi qua nhưng nét chữ vẫn rõ ràng. Và đến lúc sắp sửa đi xa, người bố vẫn không muốn rời bức thư, kỷ vật duy nhất của người con trai ngã xuống ở chiến trường. Chứng kiến cảnh ấy, không ai cầm được nước mắt…

“Xin hãy để nụ cười bên cơi trầu của mẹ”

Cũng mang nặng nỗi đau chiến tranh nhưng cụ Nguyễn Thị Phương (82 tuổi) ở thôn Hồng Sơn, xã Thọ Sơn (Anh Sơn) may mắn hơn cụ Nguyễn Văn Duyệt khi đã tìm thấy mộ của con trai ở đất phương Nam. Con trai cụ Phương - liệt sĩ Nguyễn Văn Luận (SN 1960) hy sinh năm 1983 ở chiến trường Campuchia, trong một trận chiến đấu với tàn quân Pôn Pốt.

Giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Văn Luận. Ảnh: GĐCC

Giấy báo tử ghi rõ liệt sĩ Luận được mai táng tại Nghĩa trang Mũi Nai - Hà Tiên - Kiên Giang. Về sau, gia đình đã mấy lần vào tận Kiên Giang tìm mộ nhưng không có thông tin, mỗi lần đi là một lần thất vọng. Điều ấy khiến cụ Nguyễn Thị Phương càng thêm đau buồn, héo úa vì tháng ngày mong ngóng tin con.

Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Lĩnh (SN 1979) - con trai út của cụ Phương, hàng ngày mẹ của anh có thói quen đứng trước cửa như để ngóng chờ ai đó trở về. Rồi những đêm khuya rét buốt, trong giấc ngủ mê, cụ Phương luôn gọi tên người con trai đã hy sinh. Thương mẹ, dù hoàn cảnh khó khăn, anh Lĩnh đã mấy lần vào biên giới Tây Nam tìm mộ anh trai.

Cựu chiến binh thuộc Ban liên lạc Sư đoàn 320 tại Nghệ An - Hà Tĩnh tham gia thi công Nhà bia điểm cao 1049, huyện Sa Thầy (Kon Tum). Ảnh tư liệu: CK

Sau những lần lên đường kiếm tìm, với niềm xúc cảm từ đáy lòng, anh Nguyễn Văn Lĩnh đã làm bài thơ “Tìm anh”. Bài thơ đã khắc họa hình ảnh người mẹ già đau đáu nỗi nhớ thương và mong chờ tin tức của người con trai đã hy sinh; cũng là tiếng lòng của chính tác giả với người anh đã ngã xuống và mong một “phép màu” trong cuộc sống để bậc sinh thành nguôi ngoai phần nào nỗi đau.

Vì thế, những câu thơ được viết nên bằng tất cả nỗi lòng: “… Anh lên đường khi đất nước đã gọi tên/Sau trận đánh sao anh không về với mẹ?/Sao chẳng báo tin dù chỉ vài dòng thư ngắn?/Để mẹ chờ mòn mỏi héo buồng cau.../Mẹ 80 còn đâu bước chân mau/Chỉ còn bàn tay run và ánh mắt mờ xa lắm/Dù thời gian có chôn những điều sâu thẳm/Nhưng em biết trái tim buồn của mẹ vẫn chờ tin/Anh ở đâu?/Anh có nghe tim mẹ đập mỗi đêm/Tiếng mẹ ho, tiếng ú ớ gọi anh trong đêm tối”.

Anh Nguyễn Văn Lĩnh bên mộ anh trai (liệt sĩ Nguyễn Văn Luận). Ảnh: GĐCC

Những câu thơ cuối thật giàu hình ảnh và sức gợi, như chạm đến tận trái tim của mỗi người: “Anh hãy về dù là trong sương khói/Hãy để mẹ cười dù là trong những cơn mơ/Tổ quốc ơi!/Tổ quốc linh thiêng xin chỉ chỗ anh nằm/Xin hãy để nụ cười bên cơi trầu của mẹ...”.

Năm 2019, anh Nguyễn Văn Lĩnh tiếp tục lên đường và tìm thấy mộ anh trai ở Nghĩa trang liệt sĩ Rạch Giá - Kiên Giang. “Tìm thấy mộ anh Luận, mẹ có phấn chấn hơn nhiều, khỏe mạnh hơn, đi lại hoạt bát và giúp đỡ con cháu một số việc nhà. Tuy nhiên, do nội thương quá lâu nên trí nhớ của mẹ đã lẫn đi nhiều lắm, có lúc nhớ nhớ, quên quên, thực ảo lẫn lộn. Mộ của anh vẫn còn ở Kiên Giang nên hàng ngày mẹ vẫn thường ngồi trước nhà ngóng đợi”, anh Lĩnh cho biết.

Cụ Nguyễn Thị Phương có thói quen ngồi trước nhà khắc khoải ngóng chờ… Ảnh: CK

Cuộc sống hòa bình đã trở lại trên quê hương, đất nước gần 50 năm nhưng nỗi đau chiến tranh vẫn hiện hữu trong bao gia đình có người thân ngã xuống để viết nên bài ca chiến thắng. Tháng Bảy lại về, hàng triệu gia đình lại rưng rưng…

Mới nhất

x
Tháng Bảy về, khắc khoải niềm thương...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO