Tuyến đường ĐH 360, nối Quốc lộ 46C (tại ngã ba, xã Thanh Liên) với đường Hồ Chí Minh, đi qua 3 xã Thanh Liên, Thanh Mỹ, Hạnh Lâm của huyện Thanh Chương. Đây là con đường “huyết mạch” quan trọng, nhất là xã Thanh Mỹ nằm giữa trung tâm cung đường, đi từ Quốc lộ 46C hay đường Hồ Chí Minh cũng đều vào con đường này. Tuy nhiên, suốt hàng chục năm về trước, tuyến đường này trong cảnh xuống cấp nghiêm trọng, trở thành vấn đề bức xúc của Nhân dân các xã vùng Cát Ngạn.
Đến năm 2020, tuyến đường ĐH 360 chính thức được động thổ nâng cấp và đưa vào sử dụng trong năm 2022 với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 10 km, nền đường 7,5m và mặt đường nhựa 5,5m; tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng. Đồng chí Hoàng Tiến Thọ – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết: Đường ĐH 360 được nâng cấp, bên cạnh tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, nhất là học sinh ở các xã Thanh Sơn, Hạnh Lâm, Thanh Mỹ, Thanh Liên hàng ngày đến Trường THPT Thanh Chương 3, Trường THPT Cát Ngạn; thì còn tạo điều kiện phát triển toàn diện về kinh tế – xã hội của xã Thanh Mỹ, kết nối với các xã trong vùng và trung tâm huyện.
Đặc biệt là phát triển kinh tế dịch vụ, thương mại, nhiều hộ dân đã tái mở lại các ki-ốt, cửa hàng kinh doanh, hoặc đầu tư mở rộng quy mô, có nhiều hộ mở mới. Hiện tại trên địa bàn xã có 340 hộ kinh doanh dịch vụ thương mại; trong đó, có 2 siêu thị mi ni, một số nhà hàng ăn uống; đại lý phân phối hàng tạp hóa; xưởng sửa chữa ô tô, xe máy; cơ sở cơ khí, dịch vụ vận tải…
Trong vòng hơn 2 năm qua, huyện Thanh Chương đã tập trung huy động các nguồn lực, triển khai đầu tư nhiều dự án nhằm khắc phục các “điểm nghẽn” về giao thông, thúc đẩy phát triển. Như tại xã Thanh Lâm, tuyến đường nối Quốc lộ 46C tại cầu Mồng đi xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) được làm bằng bê tông, thay đường đất, mưa xuống là lầy lội, ảnh hưởng việc đi lại của hơn 400 hộ dân thuộc xóm 5, xóm 6, xã Thanh Lâm và kết nối giao thương giữa các xã vùng Bích Hào, huyện Thanh Chương với huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Hay cây cầu Nhẳng trên con đường độc đạo vào xóm 1, xã Thanh Lâm – nơi sinh sống của gần 300 hộ dân cũng được đầu tư xây dựng, khắc phục tình trạng chia cắt, cô lập xóm 1 với bên ngoài vào mùa mưa lũ.
Một số tuyến đường, như đường từ cây Sanh, xã Thanh Hương nối đường Hồ Chí Minh, đường từ chợ Chùa, xã Phong Thịnh đi các xã Thanh Hòa, Thanh Đức; đường nối Quốc lộ 46 qua xã Xuân Tường (Thanh Chương) đi xã Nam Hưng (Nam Đàn)… được đầu tư nâng cấp, mở rộng cũng đã giải quyết nhiều bức thiết về hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi đi lại của người dân và tăng cường kết nối, giao thương giữa các vùng trong huyện và giữa địa phương với các huyện bạn.
Đặc biệt, đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Chính từ phát triển, tháo gỡ một số “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông những năm qua đã tạo thuận lợi cho huyện Thanh Chương thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển, nhất là các cơ sở chế biến chè dọc tuyến đường Hồ Chí Minh; nhà máy viên nén sinh khối tại xã Thanh Hương; nhà máy may Matsuoka của Nhật Bản tại xã Thanh Liên; nhà máy may tại xã Thanh Phong;…
Cũng từ phát triển về hạ tầng giao thông đã thúc đẩy việc kết nối, phát triển một số điểm du lịch trên địa bàn huyện, như đảo chè, khu du lịch sinh thái HDT, điểm du lịch cộng đồng thác Liếp, Cửa khẩu Thanh Thủy…; đồng thời, góp phần chuyển dịch và phát triển, hình thành thêm nhiều “cực”, trung tâm, thị tứ phát triển mới trên địa bàn huyện.
Với tư duy, hạ tầng giao thông phát triển đến đâu thì kinh tế – xã hội phát triển đến đó, những năm qua, huyện Thanh Chương quan tâm thu hút các nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và coi đây là khâu đột phá quan trọng để tập trung thực hiện. Trong 10 công trình, dự án trọng điểm được huyện xác định cần đầu tư xây dựng ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, có tới 6 công trình, dự án giao thông.
Bằng sự chủ động, tham mưu, đề xuất và tranh thủ sự ủng hộ của Trung ương, của tỉnh, huyện Thanh Chương tiếp tục được tỉnh bổ sung, đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 thêm 7 công trình, dự án giao thông trọng điểm. Tiêu biểu là cầu cứng Đò Cung bắc qua sông Lam; Quốc lộ 46, từ xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) đi xã Nam Hưng (Nam Đàn) nối với Quốc lộ 15A; đường giao thông liên xã Thanh Tường, Thanh Văn, Thanh Hưng nay là xã Đại Đồng (giai đoạn 2); cầu Mô Vĩnh, xã Thanh Khê… Đến thời điểm này, trong 13 công trình giao thông trọng điểm, có 7 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng và 6 công trình đang tiếp tục được huyện đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đưa vào sử dụng trong năm 2024 này.
Đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ thêm: Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm vận động Nhân dân hiến đất, hiến tài sản và đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng giao thông nông thôn, tạo sự phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện. Đặc biệt, triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã có kế hoạch đầu tư tuyến cao tốc Viêng Chăn – Hà Nội, trong đó, ưu tiên bố trí vốn đầu tư tuyến đường từ Cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương) về TP. Vinh để kết nối tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Đây là cơ hội, động lực quan trọng cho huyện Thanh Chương phát triển mạnh mẽ hơn khi tuyến đường này được thi công, đưa vào sử dụng trong thời gian tới.