Cách đây 61 năm, ngày 18/5/1963, tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng. Đến ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Tại Nghệ An, ngành Khoa học và Công nghệ đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần to lớn vào tiến trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Hoạt động khoa học và công nghệ luôn bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và cơ bản gắn với thực tiễn, có tính cấp thiết, phù hợp với đặc thù của địa phương, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Thể hiện qua chỉ số năng suất tổng hợp (TFP) đóng góp trong GRDP của tỉnh giai đoạn 2017-2022 đạt 42,1%. Đặc biệt, trong giai đoạn 2017 – 2020, hiệu quả ứng dụng của các đề tài, dự án đạt 89,7%, cao hơn bình quân cả nước (khoảng 68%).
Giai đoạn gần đây, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiếp tục ưu tiên 6 lĩnh vực trọng điểm: Nông nghiệp; khoa học xã hội và nhân văn; y dược; phát triển kinh tế – xã hội các huyện, thành, thị; công nghệ thông tin; môi trường. Trong đó, tập trung tác động khoa học công nghệ theo chuỗi giá trị các sản phẩm, góp phần thiết thực và thực hiện thành công Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nổi bật, trong lĩnh vực nông nghiệp, các nghiên cứu ứng dụng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 4,7%, giai đoạn 2021-2023 đạt 4,73%. Toàn tỉnh hiện đã có 567 sản phẩm OCOP, bao gồm 529 sản phẩm đạt 3 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao và một sản phẩm đạt 5 sao. Ứng dụng các thành tựu nghiên cứu giống nhằm tuyển chọn, nhân nhanh và thâm canh, nuôi trồng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt. Khoa học và công nghệ tập trung đầu tư đồng bộ theo chuỗi giá trị, tiêu biểu chuỗi sản phẩm: trà hoa vàng, chanh leo, lúa japonica, cam, chè, trám đen, lạc, rau hữu cơ… Bảo tồn, khai thác và phát triển các nguồn gen quý hiếm.
Đối với lĩnh vực khoa học y dược, đã ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, công nghệ cao, chuyên môn sâu để nâng cao năng lực khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân góp phần đưa thành phố Vinh trở thành Trung tâm y tế vùng Bắc Trung Bộ với các bệnh viện chuyên sâu, đội ngũ y bác sĩ kỹ thuật cao.
Việc ứng dụng khoa học xã hội và nhân văn trong khoa học quản lý, làm sáng tỏ một số vấn đề trong lịch sử, đồng thời đã tư liệu hóa, văn tự hóa những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, nghiên cứu lịch sử của địa phương, ngành và đóng góp cho quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử.
Bên cạnh đó, các hoạt động quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ cũng đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật là thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị, quan tâm ứng dụng phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành trong xử lý công việc, mang lại hiệu quả cao.
Hoạt động sở hữu trí tuệ góp phần nâng cao ý thức của nhà sản xuất về chất lượng của sản phẩm, đồng thời bảo vệ uy tín, phát triển thương hiệu sản phẩm Nghệ An, hiện tỉnh có 1.933 đối tượng được bảo hộ. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tỉnh được hình thành và phát triển khá vững chắc, có đầy đủ các nhân tố cấu thành hệ sinh thái. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Nghệ An là 1 trong 3 tỉnh được danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp năm 2022”.
Lĩnh vực hợp tác khoa học và công nghệ được chú trọng để tranh thủ sự giúp đỡ về trí tuệ, nhằm triển khai ứng dụng nhanh, có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ. Thông qua các hợp tác, năng lực nội sinh khoa học và công nghệ ngày càng được bổ sung, phát triển.
Hoạt động khoa học công nghệ cấp huyện, ngành cũng đã được chú trọng phát triển, như nghiên cứu phát triển các cây, con giống mới; khai thác và phát triển các nguồn gen đặc sản của địa phương; chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống gắn liền với giới thiệu, quảng bá du lịch, cảnh quan môi trường; ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực; thúc đẩy hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm.
Bên cạnh các thành tựu đạt được, khoa học và công nghệ vẫn còn một số hạn chế: Vai trò quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ của các cấp, ngành chưa đổi mới kịp so với yêu cầu của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu, mới chỉ đạt khoảng 0,34%/quy định 2%. Đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp còn yếu. Tính kết nối giữa kết quả hoạt động khoa học và công nghệ với các nguồn lực sự nghiệp kinh tế chưa tập trung.
Hoạt động khoa học và công nghệ của các ngành và cấp huyện chưa ngang tầm. Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ chưa mạnh, thiếu chuyên gia giỏi ở một số ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chưa ban hành chính sách đủ mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết 39-NQ-TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về phát triển Nghệ An, xác định Nghệ An là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về khoa học và công nghệ. Với định hướng đó, để khoa học và công nghệ trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội, thời gian tới, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An sẽ tập trung tham mưu để Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến 2030, xây dựng Nghệ An thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về khoa học và công nghệ, trọng tâm là ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học và công nghệ và công nghệ cao.
Cùng đó, ngành nghiên cứu xây dựng Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Bắc Trung Bộ. Tái cơ cấu hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và các lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của tỉnh. Đồng thời tăng cường nguồn lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cả về tài chính cũng như con người; xã hội hóa đầu tư cho khoa học và công nghệ. Đi cùng với đó là đẩy mạnh hợp tác quốc tế lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đáp ứng bối cảnh mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng cần xác định việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm gắn khoa học và công nghệ trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, thời gian tới cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, doanh nghiệp và cộng đồng khoa học trong việc xác định chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với từng ngành, lĩnh vực; đầu tư nguồn lực cho việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ; tạo môi trường thuận lợi cho sự sáng tạo và đổi mới; và nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển bền vững.
Tự hào về sự trưởng thành của ngành Khoa học và Công nghệ về đóng góp xứng đáng của ngành vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, đoàn kết vượt mọi khó khăn, thách thức, phát huy vai trò động lực phát triển nhanh và bền vững của khoa học và công nghệ trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.