Thành tựu nông thôn mới trên quê hương Bác Hồ

Bài: Trân Châu - KT: Lâm Tùng 16/08/2019 08:28

(Baonghean) - Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Đảng ta phát động phong trào “Xây dựng đời sống mới”. Vào tháng 3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đời sống mới” với bút danh Tân Sinh. Trong tác phẩm, Bác viết: “Người là gốc của làng, nước, nếu mỗi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới thì dân tộc nhất định phú cường”. Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ kính yêu, Nghệ An quê hương Người đã luôn nỗ lực thi đua xây dựng đời sống mới, nông thôn mới.

Thấm nhuần và quán triệt tư tưởng về đời sống mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã khởi xướng và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới từ Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X).

Đây là một cuộc cách mạng to lớn đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân. 10 năm qua, trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới, đủ để đánh giá được những thành tựu to lớn của chương trình. Đến nay, nông thôn Nghệ An nói riêng đã có những chuyển biến sâu sắc thay đổi hẳn diện mạo, chất lượng cuộc sống.

Diễn Châu
Một góc nông thôn mới ở Diễn Châu. Ảnh: Sách Nguyễn

Khắc ghi lời căn dặn của Bác Hồ “phải hết sức chăm lo đời sống nhân dân” trong bức thư cuối cùng Người gửi Đảng bộ tỉnh Nghệ An ngày 21/7/1969, từ bấy đến nay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An ra sức thi đua đẩy mạnh các phong trào cách mạng, phát triển kinh tế - xã hội, và gần đây là tích cực thực hiện công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Ở giai đoạn nào, mục tiêu cải thiện, nâng cao đời sống của người dân cũng được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Trong xây dựng nông thôn mới cũng vậy, và vì thế phong trào này của tỉnh quê hương Bác đã thu được nhiều thành tựu to lớn...

Thu hoạch lúa trên cánh đồng xã Kim Liên (Nam Đàn). Ảnh: Trung Hà

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nhận xét: “Nghệ An là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiên phong đi đầu trong nhiều lĩnh vực. Ở Nghệ An, xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, được cả hệ thống chính trị đồng lòng, chung sức vào cuộc. Nghệ An đã xây dựng được nền nông nghiệp phát triển. Nghệ An có những vùng chuyên canh cây nguyên liệu rộng lớn (cam, cao su, mía, chè, cà phê, chanh leo, dứa, lạc, sắn…) và hàng trăm nhà máy công trình khắp các huyện, thành thị".

Hiện nay, Nghệ An đã phê duyệt quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 8 nhóm cây trồng (rau, lúa, lạc, chè, mía, cây ăn quả, cây dược liệu, giống cây lâm nghiệp), 5 con vật nuôi (bò sữa, bò thịt, lợn thịt, gia cầm và tôm thẻ chân trắng) chủ lực để thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính như giống, canh tác, nuôi trồng và bảo quản sau thu hoạch.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu của quá trình sản xuất đã đạt 9.502 ha (chiếm 3,1% diện tích canh tác nông nghiệp); giá trị sản xuất bình quân của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm.

Sản xuất rau sạch công nghệ cao ở xã Quỳnh Liên (thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Thanh Yên

Hiện cả tỉnh có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, có 158 làng nghề. Sản xuất hàng hóa tập trung phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đến nay giảm chỉ còn 5,54% theo chuẩn nghèo (năm 2011 là 18,79%).

Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14,16 triệu đồng năm 2010 đến nay đã đạt gần 38 triệu đồng/người/năm; riêng khu vực nông thôn Nghệ An từ 12 triệu đồng/người/năm 2010 nay tăng lên hơn 27,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,3 lần). Những di tích lịch sử, phong tục làng xã tốt đẹp ngàn đời từng bước được lưu giữ và phát triển.

Cả hệ thống chính trị đồng sức đồng lòng xây dựng NTM là cảm nhận rõ được ở Nghệ An hôm nay. Phong trào hiến đất mặt đường, đất vườn, đất ở có giá trị để làm đường giao thông... sôi nổi trong nhân dân. Chủ trương xây dựng NTM được các cấp triển khai hiệu quả từ tuyên truyền đến thực hiện, kiểm tra, giám sát và được nhân dân đồng lòng hưởng ứng. Để xây dựng NTM, nông dân Nghệ An đã đóng góp hàng triệu ngày công, trên 5.500 tỷ đồng.

Xây dựng Nông thôn mới, nhiều lĩnh vực đã và đang đạt nhiều kết quả quan trong. Ảnh: Tư liệu

Như ở huyện Tân Kỳ, nhân dân đã hiến cả hàng ngàn mét vuông đất để mở rộng Quốc lộ 15 không hề đòi hỏi đền bù. Hội Phụ nữ huyện Nghi Lộc là tổ chức đã thực hiện rất tốt mô hình “đường hoa thay cỏ dại”, đến nay toàn huyện Nghi Lộc đã có 60 km đường hoa, cây xanh.

Huyện miền núi Con Cuông nổi bật thành tựu xây dựng NTM thôn bản và bảo vệ môi trường sống. Huyện Diễn Châu, TX. Hoàng Mai có nhiều nông dân đầu tư hàng chục tỷ đồng nuôi trồng thủy sản; ngoài ra là hàng ngàn mô hình nâng cao thu nhập ở khắp các huyện, thành, thị...

Trong hành trình phấn đấu trở thành tỉnh khá, Nghệ An tập trung đầu tư hiệu quả hạ tầng phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, có nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động có hiệu quả, tạo được nhiều việc làm và nộp ngân sách lớn, như: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa TH True milk; các nhà máy bia: Sài Gòn - Sông Lam, Hà Nội - Nghệ An; Bao bì Sabeco; Nhà máy gỗ MDF; 2 Nhà máy Tôn Hoa Sen; Nhà máy xi măng Sông Lam 1, Sông Lam 2 của Tập đoàn xi măng Vissai, xi măng Tân Thắng; các Trang trại chăn nuôi bò thịt và bò giống; Trung tâm thực phẩm Masan Miền Bắc; Các nhà máy may và lắp ráp linh kiện điện tử của các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản…

Cánh tay tưới khổng lồ dài 500m của TH true MILK. Ảnh tư liệu

Về làng Sen (Nam Đàn) vào những ngày đầu Thu, bên vườn bưởi đang cho thu hoạch, ông Nguyễn Văn Nhân ở xóm Sen 3, xã Kim Liên trải lòng: “Là người dân quê Bác, chúng tôi tự hào và luôn thấm nhuần lời Bác dạy. Hơn chục năm trước, bà con trong xóm đã biết tự nguyện hiến đất mở đường, như nhà tôi hiến hơn 60m2 vườn, nhờ vậy ô tô, xe máy đi lại trong xóm thuận lợi. Đường làng, ngõ xóm ở đây luôn sạch sẽ, nhà nào cũng dọn vệ sinh, trồng hoa, nhân dân tự bỏ tiền ra đầu tư hệ thống đèn sáng suốt đêm, an ninh trật tự rất tốt. Chiều về chị em lo tập luyện thể thao, văn nghệ, đời sống văn hóa tinh thần được nâng lên, ai ai cũng phấn khởi.

Về kinh tế, nhà nào cũng cần cù làm lụng, gia đình tôi ngoài làm lúa, còn trồng mít, 15 cây bưởi mỗi năm thu được 1.000 quả bưởi, rồi vải, mít… nên thu nhập mỗi năm được gần 40 triệu đồng. Cả 3 đứa con tôi đều học đại học và có việc làm. Các gia đình trong xóm đều thi đua làm vườn mẫu đẹp, ngày ngày đều chăm sóc cây hoa, vườn nhà, vừa có kinh tế vừa đảm bảo môi trường”.

Quang cảnh thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường
Quang cảnh thị trấn Nam Đàn (huyện Nam Đàn). Ảnh: Thành Cường

Một đời sống mới, tinh thần mới đã hiện hữu rõ trên quê hương Nghệ An. Gia đình người nông dân Nguyễn Văn Nhân cũng như bao gia đình nông dân khác ở các làng quê xứ Nghệ đang song hành giữa phát triển kinh tế và cố gắng góp sức mình từ những việc nhỏ vào xây dựng quê hương.

Nói về nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Xây dựng NTM ở Nghệ An sẽ tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương cần trăn trở nâng cao đời sống thu nhập cho người dân, coi đây là thước đo quan trọng nhất để hiệu quả xây dựng nông thôn mới được bền vững. Ở các xã đã về đích NTM, tiếp tục phấn đấu giữ vững và nâng cao các tiêu chí, đảm bảo giữ gìn môi trường, môi sinh, xây dựng nền văn hóa tiên tiến...

Đảng bộ chính quyền và nhân dân Nghệ An đang đưa hết nhiệt huyết xây dựng quê hương Nghệ An giàu đẹp, ý thức và hiểu rõ vai trò “đi đầu dậy trước”, thực hiện thật tốt Di chúc của Bác Hồ; quyết tâm xây dựng Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu, xây dựng thành phố Vinh trở thành trung tâm vùng Bắc Trung bộ. Việc tập trung thu hút đầu tư đặc biệt thu hút đầu tư vào Nam Đàn, thành phố Vinh như là một giải pháp quan trọng xây dựng Nghệ An “trở thành tỉnh khá” như sinh thời Bác căn dặn, mong muốn.

Xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An, nhiều làng quê đang đổi mới từng ngày. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Báo cáo của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nghệ An cho biết: Đến tháng 7/2019, Nghệ An có 226/431 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm 50,6%, cao hơn bình quân cả nước. Có 3 đơn vị hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới là: Thị xã Thái Hòa, thành phố Vinh và huyện Nam Đàn. Về nông thôn mới, Nghệ An đặt mục tiêu đến 2020, toàn tỉnh có 214 thôn bản được lựa chọn để xây dựng thôn, bản nông thôn mới.

Mới nhất
x
Thành tựu nông thôn mới trên quê hương Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO