Tháo gỡ khó khăn trong hoạt động giám định tư pháp
(Baonghean) - 5 năm thực hiện Đề án 258 của Chính phủ về Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (GĐTP) cho thấy những kết quả quan trọng nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động tố tụng và yêu cầu của người dân. Song, thực tiễn đang đặt ra nhiều khó khăn về đội ngũ giám định viên, cơ chế chính sách, cơ sở vật chất...
Những kết quả đạt được...
Từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động GĐTP" (gọi tắt là Đề án 258); trong 5 năm qua, đề án 258 đã được triển khai sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, tạo được bước chuyển tích cực trên địa bàn tỉnh. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 258, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành các văn bản triển khai kịp thời nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả hoạt động GĐTP. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giám định viên tư pháp được thực hiện có hiệu quả.
Lực lượng công an khám nghiệm tang vật thu giữ. |
Từ năm 2010 đến nay, các cơ quan chức năng đã thực hiện giám định 5.195 vụ việc pháp y, 1.147 vụ việc pháp y tâm thần, 7.095 vụ việc kỹ thuật hình sự và 8 vụ việc liên quan đến lĩnh vực tài chính - thuế. Kết quả giám định tư pháp của các tổ chức giám định tư pháp ở các lĩnh vực đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng phục vụ điều tra, truy tố, xét xử giải quyết vụ án. Việc thực hiện giám định đảm bảo yếu tố khách quan, chính xác, đáp ứng cơ bản về thời gian, chưa để xảy ra khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác giám định.
Nhìn chung, hoạt động GĐTP cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, góp phần hỗ trợ đắc lực cho hoạt động tố tụng, giúp các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật. Trong đó, đối với Công an tỉnh xác định công tác giám định tư pháp là một “mắt xích” quan trọng, góp phần mở hướng điều tra các vụ án. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của hoạt động giám định tư pháp, Công an tỉnh xây dựng các kế hoạch đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sỹ; tổ chức tuyển dụng cán bộ tốt nghiệp ngoài ngành về công tác tại phòng Kỹ thuật hình sự như: y khoa, các kỹ sư hóa học, tin học...
Thực hiện việc phân cấp giám định của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an (từ năm 2007), công tác GĐTP của Công an tỉnh thực hiện 10/10 lĩnh vực được Bộ Công an giao. Nhiều trường hợp từ năm 2010 trở về trước phải đề nghị chuyển cấp trên giám định, thì nay đã kết luận được ngay tại địa phương, phục vụ kịp thời công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự (bắt, giam giữ, khởi tố...), tránh oan sai, không bỏ sót tội phạm. Đến nay, Phòng Kỹ thuật hình sự đã tiến hành và giám định được hơn 8.700 vụ việc với hơn 36.350 yêu cầu trên 10 lĩnh vực giám định. Đại tá Đậu Xuân Đông, Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Hoạt động giám định tư pháp đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tránh oan sai; là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, người bị hại, các bên đương sự trong vụ án hình sự, dân sự, hành chính.
...Và khó khăn, bất cập
Mặc dù đạt được kết quả quan trọng nhưng hiện nay công tác GĐTP còn gặp nhiều khó khăn. Tính đến tháng 9/2015, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 126 giám định viên tư pháp được bổ nhiệm. Hầu hết, hoạt động giám định của các giám định viên tư pháp tại các sở, ngành cấp tỉnh chủ yếu là kiêm nhiệm. Trong đó, thiếu giám định viên pháp y có tâm huyết, kinh nghiệm thực tế và năng lực chuyên môn làm việc tại các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 4 địa phương là TP. Vinh, TX.Hoàng Mai, TX.Thái Hòa, Diễn Châu chưa có giám định viên pháp y, 4 huyện có giám định viên pháp y, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà khi được trưng cầu họ đã không thực hiện việc giám định. Có nhiều giám định viên tư pháp đã nghỉ hưu và chuyển công tác không thực hiện giám định tư pháp khi được trưng cầu. Trình độ ngoại ngữ của hầu hết đội ngũ giám định tư pháp còn hạn chế nên việc cập nhật thông tin khoa học kỹ thuật của các nước tiên tiến gặp nhiều khó khăn.
Tại Trung tâm pháp y hiện nay quản lý trên 60 giám định viên pháp y kiêm nhiệm và giám định viên chuyên trách của tuyến tỉnh và huyện. Hiện vẫn còn một số bệnh viện huyện chưa bổ nhiệm được bác sỹ là giám định pháp y (GĐPY). Phần lớn, các bác sỹ pháp y cấp huyện chưa được trang bị phương tiện chuyên dùng để phục vụ công tác GĐPY tử thi. Một số huyện tuy có bác sỹ pháp y nhưng kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên khi cơ quan điều tra trưng cầu giám định không thực hiện, hoặc thực hiện chậm, ảnh hưởng đến hoạt động điều tra. Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Pháp y (Sở Y tế) cho biết: Chế độ, chính sách cho bác sỹ pháp y cấp huyện chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đầy đủ nên chưa tạo được sự chuyên tâm trong công việc.
Bên cạnh đó, mặc dù Luật Giám định tư pháp đã có hiệu lực thi hành nhưng chưa có cơ chế, chính sách, giải pháp để đẩy mạnh công tác xã hội hóa nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giám định tư pháp. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có văn phòng GĐTP nào đăng ký hoạt động. Điều đó là một hạn chế đối với một địa bàn rộng, có tính chất phức tạp về tội phạm như Nghệ An. Chế độ, chính sách đãi ngộ dành cho đội ngũ GĐTP tuy đã có cải thiện, nhưng so với hoàn cảnh kinh tế - xã hội hiện nay vẫn còn thấp, điều kiện làm việc còn gặp nhiều trở ngại. Chính sách thu hút bác sỹ làm giám định viên tư pháp theo Nghị quyết số 34/2011/NQ-HĐND, và Quyết định số 17/2012/QĐ-UBND vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả...
Theo bà Nguyễn Thị Quế Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp: Hiện nay, tình hình tranh chấp trong các quan hệ, giao dịch, hành vi phạm tội trong các vụ án ngày càng nhiều, với tính chất phức tạp, tinh vi và mức độ nghiêm trọng, thì nhu cầu về GĐTP trong hoạt động tố tụng ngày càng lớn và trở nên bức thiết hơn. Để nâng cao hiệu quả hoạt động này thì việc xây dựng chính sách nhằm thu hút người dân tham gia thành lập văn phòng GĐTP nhằm hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa hoạt động GĐTP là rất quan trọng. Bên cạnh đó, quan tâm hơn đến công tác đào tạo bổ nhiệm giám định viên tư pháp; tăng cường tập huấn chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác GĐTP của địa phương; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của GĐTP.
Nguyên Hưng
GĐTP là việc người GĐTP sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật. Hoạt động có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả và chất lượng của hoạt động tố tụng, nhằm làm sáng tỏ vụ án, tránh tình trạng oan sai, thiếu vô tư, khách quan từ các cơ quan tiến hành tố tụng. |
TIN LIÊN QUAN |
---|