P.V: Trước nay Tết Trung thu được nhiều tư liệu khẳng định có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vậy nhưng Trung thu – Rằm tháng Tám (âm lịch) của người Việt Nam ta có những nét rất riêng, rất đặc sắc. Ông có thể chia sẻ về điều này?
TS. Lê Thanh Nga: Trung Hoa và Giao Chỉ – Đại Việt có yếu tố Đồng Văn, thậm chí, không cần phải nghi ngờ về sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa đến văn hóa nước ta. Vậy nên hầu hết, trừ Tết Độc lập, tết mùa màng của đồng bào các dân tộc thiểu số hay lễ hội địa phương, còn hầu hết những cái tết mà chúng ta đón đều liên quan đến những cái tết của Trung Hoa, và Tết Trung thu có lẽ nằm trong số đó. Nhưng dẫu gì, tôi vẫn cảm thấy chỗ có lý nhất, nên thơ nhất của Tết Trung thu chính là vẻ đẹp của ánh trăng phảng phất chút sương Thu gió lạnh. Có lẽ vì cái đẹp ấy, cái thơ ấy mà những câu chuyện về Tết Trung thu thường gắn với người đẹp, và trăng Thu, trăng Rằm tìm được cho mình trong đời sống của thi họa. Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai câu thơ giản dị mà khắc khoải. Sự khắc khoải có lẽ đến bởi nỗi nhớ thương lấp lánh ánh trăng “Trung thu trăng sáng như gương/Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”.
Cho đến nay thì tuyệt đại đa số các tài liệu đều cho rằng, Tết Trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Có truyền thuyết kể rằng, vì bắn chết chín người con của Ngọc Hoàng (chín mặt trời) nên Hậu Nghệ cùng vợ là Hằng Nga bị đày xuống nhân gian. Hậu Nghệ sau đó được Tây Vương mẫu cho thuốc trường sinh, dặn hai vợ chồng mỗi người uống nửa viên, nhưng Hằng Nga trong một lần chồng đi vắng đã tò mò lấy ra uống cả, nàng bị bốc về trời. Và vì thương Hằng Nga, nên mỗi năm vào Rằm tháng Tám, trời cho phép nàng về thăm chồng và nhân gian. Đó cũng là ngày nàng lộng lẫy nhất (truyện này còn vài dị bản).
Có thuyết kể rằng, vào một đêm Rằm tháng Tám, Đường Minh Hoàng dạo chơi trong vườn Thượng uyển thì được một đạo sĩ làm phép đưa lên cung trăng cùng Dương Quý Phi. Trở về, vì say mê tiên cảnh, cứ Rằm tháng Tám, Vua xuống chiếu toàn dân phải tổ chức mở hội hoa đăng. Lễ hội này từ đó trở thành ngày của toàn dân, và là dịp để những người giàu có, văn nhân thi sĩ dạo chơi, xướng họa. Trong tác phẩm Thủy hử có ít nhất hai lần kể về Tết Trung thu, một lần Tống Giang bị Lưu tri trại bắt, một lần bọn Tống Giang vào kinh sư để liên hệ chiêu an… Ngoài ra còn những truyền thuyết khác nữa.
Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên… mỗi nơi đón Trung thu theo cách riêng của mình, đấy là một yêu cầu tự nhiên xuất phát từ bản lĩnh văn hóa dân tộc. Việt Nam chúng ta phải chịu 1.000 năm Bắc thuộc mà không bị đồng hóa, điều đó cho thấy sự kháng cự văn hóa để bảo đảm sự trường tồn của dân tộc là rất mạnh mẽ. Thế nên, hiển nhiên việc đón Trung thu của chúng ta cũng có những điểm khác.
Ở Việt Nam, Tết Trung thu trước đây gắn với ý nghĩa phồn thực – một quan niệm rất nổi bật của đời sống tinh thần của hầu hết các dân tộc trên lãnh thổ nước ta. Ngoài việc từ dáng vẻ của trăng Trung thu để đoán các điềm báo trước tương lai của đất nước, trong đó có mùa vụ, Tết Trung thu ở nhiều địa phương trước đây còn là “tết dạm hỏi”. Ở đó, nam nữ gặp gỡ, hò hát để tìm kiếm duyên tình.
Và điều đặc biệt là, nếu ở các nước khác, Tết Trung thu thường là ngày hội chung cho toàn xã hội, thì ở Việt Nam, Tết Trung thu, không biết từ lúc nào, còn có ý nghĩa đặc biệt là cái Tết dành cho trẻ em. Không phải ngẫu nhiên mà các trò chơi, đồ chơi Tết Trung thu thường mang trong nó cái hồn nhiên sinh động bằng con mắt trẻ thơ: Đèn ông sao, đèn kéo quân, tò he, trống bỏi… Riêng hát trống quân hình như có từ thời Quang Trung, do vị anh hùng có tâm hồn lãng mạn này tổ chức cho tướng sĩ hát để đỡ nhớ nhà.
P.V: Tết Trung thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của săn sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên. Ông có đồng ý về nhận định trên? Với ông, Tết Trung thu có ý nghĩa như thế nào và ông hãy chia sẻ với độc giả một vài kỷ niệm về những Tết Trung thu đã qua của mình?
TS. Lê Thanh Nga: Tôi nghĩ rằng, với người Việt Nam ta, thì tết nào cũng có thể coi là Tết đoàn viên, bởi đó là lúc người ta có thể sum họp, chia sẻ… Tuy nhiên, ý nghĩa đoàn viên có lẽ sâu đậm hơn ở Tết Nguyên đán, vì đó là dịp mà người Việt được nghỉ nhiều ngày theo quy định của Nhà nước. Tất nhiên như thế không có nghĩa là mất đi tinh thần đoàn viên, chia sẻ, giữa người với người, nhất là người thân, mất đi cơ hội để bày tỏ lòng hiếu nghĩa, tinh thần trách nhiệm của con người trong Tết Trung thu.
Với tôi, Tết Trung thu, ngoài ý nghĩa trên, là dịp để tôi có thể ngắm những đứa con của mình được vui một niềm vui đúng nghĩa. Và trong niềm vui ấy, tự tôi sẽ thắp lên một chút hy vọng, dù nhỏ, gửi gắm trong bọn trẻ, để thấy cuộc đời nhiều khi vẫn thật sự đáng sống. Đó cũng là lúc tôi nhớ lại tuổi thơ bùn đất của mình. Tôi sinh ra và lớn lên ở làng, một cái làng xúi xó và nhiều khi tăm tối. Ở tuổi thơ của tôi, đèn ông sao là một cái gì đó rất xa xỉ và đèn kéo quân là thứ chỉ nghe trong sách vở. Những đêm Trung thu tôi thường đi xem văn nghệ thiếu niên (nếu tổ chức vào Trung thu), năm nào chương trình này tổ chức vào Tết Độc lập thì đêm Trung thu tôi theo anh chị tự chế vài thứ đồ chơi từ bùn đất hoặc củ chuối và chơi với nhau ở góc sân nhà mình.
P.V: So với trước đây, Tết Trung thu đã có những sự khác biệt. Theo ông, đó là gì và có điều nào khiến ông nuối tiếc?
TS. Lê Thanh Nga: Khác là hiển nhiên thôi, cuộc sống luôn vận động mà. Tết Trung thu ngày nay giàu có hơn, thực dụng hơn và tôi thấy mỗi tâm huyết bỏ ra dường như đều gắn với câu chuyện tiền bạc. Trước đây không phải bán mua, đều tự làm lấy là chính. Trước đây việc huy động tài chính hình như chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà thôi. Ngày nay, nhiều nơi, như tôi chứng kiến, Tết Trung thu thường có một đội múa lân đi khắp làng và có khi còn xin tài trợ.
Ngoài ra, có thể thấy Tết Trung thu ngày càng thiếu đi chiều sâu của văn hóa. Và rất vội vàng, vì các cháu còn phải chơi nhanh để dành thời gian làm bài tập về nhà. Chưa nói, có kẻ còn biến Tết Trung thu thành cơ hội để biếu tặng tạo quan hệ. Chưa nói, có một số nơi, một số sự kiện được tổ chức hình như đang phá vỡ theo hướng tiêu cực cấu trúc và định dạng văn hóa truyền thống… Tôi tiếc những Trung thu xưa – những Trung thu đẹp và trong như vẻ đẹp của ánh trăng phảng phất chút sương Thu gió lạnh…
P.V: Nói đến Tết Trung thu, những năm gần đây, Tết Trung thu – Hội trăng Rằm tháng Tám còn là dịp để các ban, ngành, các tổ chức cá nhân quan tâm hơn đến những đối tượng các em nhỏ và những học sinh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, những học sinh mồ côi, có hoàn cảnh éo le. Đây phải chăng cũng là một nét mới về Tết Trung thu chỉ có ở Việt Nam và theo ông điều này có ý nghĩa như thế nào?
TS. Lê Thanh Nga: Tôi nghĩ đây là nét mới. Và tôi đoán, đoán thôi nhé, cũng chỉ có ở Việt Nam, vì Việt Nam hội đủ ba đặc điểm: Vừa có Tết Trung thu, vừa nhiều trẻ em nghèo, lại có tinh thần tấm lòng tương thân tương ái. Có nhiều ý nghĩa ở những hoạt động này, nhưng theo tôi, bao trùm và lớn lao nhất là Tết Trung thu đã kéo người ta lại gần với nhau hơn, nhắc người ta sống có trách nhiệm hơn.
P.V: So với trước, việc đón và vui Tết Trung thu của trẻ em đã có nhiều thay đổi. Nhiều người cho rằng, điều này là một lẽ tất yếu, khi cuộc sống đã phát triển và nhu cầu về cuộc sống, cách suy nghĩ về cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Nhưng, nếu nhìn rộng ra, ông có cho rằng, trẻ con ngày nay, không còn được vô tư, không còn được hồn nhiên như trước đây khi các em đã phải chịu quá nhiều áp lực?
TS. Lê Thanh Nga: Thú thật là tôi đã nhiều lần, trên nhiều diễn đàn nói về trăm nghìn thứ áp lực mà trẻ con phải chịu trong thời hiện tại. Và đương nhiên các em không còn được hồn nhiên như trước. Nguyên nhân thì ai cũng biết rồi. Tôi chỉ nhấn mạnh lại một lần nữa là trẻ con không đáng bị như thế.
P.V: Chúng ta vừa bước vào năm học mới với nhiều băn khoăn, trăn trở, suy tư. Là một người làm công tác giáo dục, mùa Trung thu năm nay, ông mong ước gì cho các con trẻ, cho các học trò?
TS. Lê Thanh Nga: Hình như cái sứ mệnh “được thay đổi” ấy là quá tầm đối với tôi, mặc dù tôi rất muốn điều đó, thậm chí, với tư cách là một người làm trong ngành giáo dục, tôi còn liên đới phải chịu trách nhiệm trước thực trạng này. Tuy nhiên, cái ý nguyện mang đến hạnh phúc cho con trẻ sẽ mãi mãi chỉ là ý nguyện, một khi không có một tư duy và hành động đồng bộ từ nhiều phía. Vậy thì mong ước nhé (và đó cũng là điều tôi muốn tất cả đều hành động để đạt được), đấy là trẻ em có thể trút hết mọi ràng buộc, mọi áp lực không cần thiết; ví dụ: Cái ba lô đến trường nhẹ đi một tí, bài tập về nhà ít đi một tí, người lớn bớt kỳ vọng ở con em một tí, tất cả bớt thực dụng đi một tí, trả tuổi thơ, trả Trung thu lại cho các em. Và trên hết, trong dịp Trung thu (cũng như lễ, Tết nói chung), không còn em nào phải là đối tượng của sự chăm sóc trên tinh thần lá lành đùm lá rách.
P.V: Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện!