Thất bại sau trưng cầu, Thủ tướng Italy tuyên bố từ chức
(Baonghean.vn) - Ngày 5/12, Thủ tướng thuộc phe trung tả Matteo Renzi tuyên bố sẽ từ chức sau khi thừa nhận thất bại “hết sức rõ ràng” trong một cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp của nước này.
Thủ tướng Italy tuyên bố sẽ từ chức. Ảnh: AFP. |
Ông Renzi nói với những người ủng hộ: “Ngày mai Tổng thống Cộng hòa Italy sẽ có cuộc gặp với tôi và tôi sẽ đệ đơn xin từ chức. Tôi nhận toàn bộ trách nhiệm về thất bại này và tuyên bố rằng tôi đã thua cuộc, chứ không phải các bạn”.
Thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân đã gây chấn động mạnh, khi gần 60% số người đi bỏ phiếu chọn nói “không” với phương án cải cách hiến pháp.
Ngược lại, đây được xem là chiến thắng của các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy theo đường hướng hoài nghi châu Âu, vốn đã vận động kịch liệt phản đôi Renzi và hứa hẹn của ông về việc kích thích nền kinh tế trì trệ của Italy.
Renzi phát biểu: “Khi thất bại, người ta không thể vờ như chưa có chuyện gì xảy ra rồi lên giường đi ngủ. Chính phủ của tôi đã kết thúc tại đây, ngày hôm nay”.
Tin Thủ tướng Italy từ chức đăng trên trang nhất nhiều tờ báo lớn. Ảnh: Guardian. |
Điều gì sắp tới?
Tổng thống Italy sẽ quyết định đưa ra động thái gì kế tiếp. Ông có thể ghép nhiều mảnh nhỏ từ Quốc hội hiện nay để tạo thành một chính phủ mới, hoặc kêu gọi một cuộc tổng tuyển cử mà theo đó đảng Phong trào năm sao phản đối giới cầm quyền, do diễn viên Beppe Grillo đứng đầu nhiều khả năng sẽ giành được nhiều kết quả vang dội.
Cuộc trưng cầu vừa qua cũng diễn ra trong bối cảnh nhiều lo ngại về làn sóng chủ nghĩa dân túy lan nhanh khắp châu Âu.
Lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia của Pháp viết trên mạng xã hội Twitter: “Người Italy đã bác bỏ Liên minh châu Âu và Renzi. Chúng ta phải lắng nghe khao khát được tự do của các của gia cũng như khao khát được bảo vệ này!”
Với các ngân hàng thì sao?
Hiện cũng có nhiều lo lắng cho rằng kết quả bỏ phiếu có thể làm rung chuyển hơn nữa tình hình tài chính của nước này, nhất là trong tình cảnh hệ thống ngân hàng tại đây đang vướng vào nợ xấu.
Các nhà đầu tư lo sợ rối ren chính trị, có thể đòi hỏi mức lãi suất cao hơn nhiều khi rót tiền vào các ngân hàng đang trong tình cảnh cần tiền gấp.
Một số ngân hàng có thể không đủ khả năng chi trả trước cái giá đó, hoặc cũng không thể tìm những bên khác sẵn lòng hậu thuẫn, dẫn tới viễn cảnh ngân hàng lâm vào cảnh khó khăn, cần nhà nước cứu trợ tài chính.
Phú Bình
(Theo CNN)
TIN LIÊN QUAN |
---|