Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An

Bài: Châu Lan - KT: Lâm Tùng 17/06/2020 16:35

(Baonghean.vn) - Từ tác động của dịch Covid-19, lúa gạo lên ngôi, giá gạo trên thế giới trở nên đắt đỏ, xuất khẩu gạo của Việt Nam trở nên lợi thế, hay thịt lợn giá cao ngất ngưởng thời gian dài... điều đó cho thấy cần có sự thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp thời hội nhập. Quan tâm phát triển những đặc sản, nhưng vẫn cần chú trọng những mặt hàng có tính “sống còn”, “đại chúng”, nằm trong bộ cây, con chủ lực của quốc gia.

Khi lúa gạo lên ngôi

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Bộ Nông nghiệp và PTNT gần đây thường về kiểm tra sản xuất lúa gạo ở Nghệ An. Ngoài một số dự án lúa gạo mà bộ đang phối hợp triển khai thì an ninh lương thực đang là vấn đề hết sức quan trọng, nhất là khi dịch bệnh đang hoành hành trên thế giới, thất nghiệp, cách ly, sụt giảm mạnh kinh tế thì những nhu cầu cơ bản của con người như cái ăn đang được quan tâm hàng đầu.

Trong bối cảnh đó, Nghệ An vẫn là địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn, đạt hơn 180.000 ha, đặc biệt sau nhiều năm chú trọng sản xuất lúa gạo có năng suất cao với các giống lúa lai, thì hiện nay nhiều địa phương đang coi trọng việc sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ tiêu dùng chính gia đình mình và bán cho các doanh nghiệp.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng của xã Xuân Thành, huyện Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Huyện Diễn Châu là địa phương có nhiều tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp. Dù thương mại - dịch vụ, công nghiệp cũng phát triển, nhưng những vùng chuyên canh lúa, rau màu vẫn được giữ và hiện huyện có 55% lúa chất lượng cao trong tổng số 9.000 ha lúa của toàn huyện. Sản xuất lúa chất lượng cao giá bán cao hơn lúa thường từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, quan trọng hơn là có gạo ngon để ăn, dễ bán nên người dân rất phấn khởi.

Nông dân các xã Diễn Bình, Diễn Thái, Diễn Quảng, Diễn Liên, Diễn Tân đang sản xuất các loại lúa chất lượng cao trên các cánh đồng lớn như NA6, ADI 28, nếp…Vụ thu hoạch, doanh nghiệp liên kết đưa xe vào đóng bao thu mua luôn tại ruộng. Vụ đông xuân năm 2020, riêng xã Diễn Liên liên kết sản xuất được 1.500 tấn lúa khô chất lượng cao, doanh nghiệp đưa máy đến gặt riêng đem về luôn, giá bán cho nông dân đạt 8.000 đồng/kg, trong khi lúa thường là 6.700 đồng/kg.
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Diễn Châu cho biết, lúa chất lượng cao đang rất có giá, sản xuất không đủ nhu cầu. Vụ đông xuân vừa qua còn có doanh nghiệp ở Hà Nội và Công ty Vĩnh Hòa liên kết sản xuất nếp, lúa giống AC5… đạt hiệu quả cao.

Những giống lúa có năng suất cao được trồng tại xã Diễn Thái. Ảnh: Văn Trường

Thực tế đó cho thấy sản xuất lúa vẫn rất có giá trị và vẫn là cây đảm bảo lương thực. Hiện huyện Diễn Châu đã có chỉ thị về đảm bảo an ninh lương thực, yêu cầu tổ chức sản xuất hết diện tích lúa, không được bỏ hoang và quy trách nhiệm người đứng đầu các địa phương để xảy ra hiện tượng bỏ hoang. Trong sản xuất, huyện Diễn Châu cũng đi đầu trong ứng dụng KHKT từ các khâu: làm đất, cấy, gặt…. Để ứng phó với biến đổi khí hậu, chính quyền chỉ đạo sử dụng các giống ngắn ngày, tưới nước tiết kiệm.

Huyện Yên Thành là địa phương có diện tích lúa chất lượng cao lớn nhất cả tỉnh, mỗi năm gieo cấy từ 7.000 - 8.000 ha/tổng số 25.000 ha lúa, còn sản xuất lúa giống là 500 ha.

Ông Nguyễn Văn Dương - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Vụ đông xuân vừa qua, huyện Yên Thành liên kết với gần 10 doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân và tiếp tục thực hiện kế hoạch hỗ trợ Tập đoàn TH mở rộng quy mô diện tích sản xuất lúa chất lượng cao để khi có đủ điều kiện sẽ chế biến các sản phẩm như: sữa gạo, bánh kẹo và gạo hàng hóa chất lượng cao phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Huyện Yên Thành liên kết với gần 10 doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ảnh: Xuân Hoàng - Quang An
Với những thực tế nói trên cho thấy, lúa gạo là một sản phẩm chủ lực của quốc gia và của tỉnh, đây là một nông sản sống còn. Việc đầu tư hệ thống tưới đáp ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng các giống ngắn ngày, chống chịu hạn, sâu bệnh và sản xuất các giống lúa chất lượng cao tham gia vào chuỗi xuất khẩu của quốc gia sẽ là giải pháp bền vững cho những vùng sản xuất lúa chủ lực của Nghệ An.

Trăn trở các cây, con chủ lực

Hội thảo khoa học về xác định cây, con chủ lực của Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được tỉnh tổ chức vừa qua thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học và các chuyên gia, các nhà quản lý. Bởi đây là một dịp quan trọng đánh giá lại hiệu quả đầu tư và giá trị của các cây, con chủ lực trên địa bàn tỉnh để có bước đầu tư nguồn lực tiếp theo.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Nghệ An đến nay nông nghiệp vẫn có vai trò vô cùng to lớn, tỉnh hết sức quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Đề án cây, con chủ lực giai đoạn 2014 - 2019 đã giúp cho Nghệ An phát triển nông nghiệp rất ổn định, tăng trưởng khoảng 4,8%/năm. Sản lượng lương thực đạt 1,2 triệu tấn/năm; đàn trâu, bò của Nghệ An lớn nhất cả nước với 57.000 con, chiếm 7,5% tổng đàn trâu, bò cả nước; đàn bò sữa Nghệ An hiện có 60.000 con, chiếm 20% cả nước và chiếm 5,28% giá trị sản xuất toàn ngành sữa...

Cùng đó, tổng đàn lợn hơn 1 triệu con; diện tích dược liệu khoảng 1.200 ha; có 3 nhà máy đường, 3 nhà máy sắn, 7.500 ha chè, 180.000 ha lúa hàng năm… Những thành tựu đó đã giúp cho Nghệ An đảm bảo an ninh lương thực, ổn định vùng nông thôn, tạo ra giá trị hàng hóa lớn. Tuy nhiên, thời gian tới cần có những thay đổi trong tư duy sản xuất, có bước đột phá lớn.

Đàn gia cầm của Nghệ An trong những năm qua cũng tăng mạnh, do người dân trên địa bàn các huyện trung du, miền núi đầu tư chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại bán thả đồi ngày càng nhiều. Ảnh: P.V
Đàn gia cầm của Nghệ An trong những năm qua cũng tăng mạnh, do người dân trên địa bàn các huyện trung du, miền núi đầu tư chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại bán thả đồi ngày càng nhiều. Ảnh: P.V

Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở KHCN cho rằng, sản phẩm cây, con chủ lực của Nghệ An hiện chưa tạo sự đột phá, chưa làm nổi bật được tiềm năng, thế mạnh của Nghệ An. Tỉnh Lâm Đồng chỉ đưa có một số sản phẩm chủ lực nhưng tạo được danh tiếng: Rau, hoa, cà phê, chè, bò sữa...

Vì vậy, thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp Nghệ An hiện nay là rà soát lại đối tượng, khí hậu thổ ngưỡng, phát triển những cây, con có giá trị gia tăng và có giá trị xuất khẩu. Cũng cần chú ý giai đoạn đầu tư, trước, sau, theo từng giai đoạn và từng vùng, miền. Hơn nữa không thể thiếu vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp.

Một số ý kiến lưu ý về bộ cây, con chủ lực của Nghệ An không thể nằm ngoài các sản phẩm chủ lực quốc gia. Đó là lúa gạo, rau, củ, quả, chè, lợn, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ (Theo Thông tư 37/Bộ NN và PTNT, Việt Nam có 13 sản phẩm thuộc sản phẩm chủ lực quốc gia: 1 - Lúa gạo; 2 - Cà phê; 3 - Cao su; 4 - Điều; 5 - Hồ tiêu; 6 - Chè; 7 - Rau, quả; 8 - Sắn và sản phẩm từ sắn; 9 - Thịt lợn; 10 - Thịt và trứng gia cầm; 11 - Cá tra; 12 - Tôm; 13 - Gỗ và sản phẩm từ gỗ).

Ngoài ra, cần phát triển các loại sản phẩm đặc trưng khác: Cam Vinh, hươu, nai, dê…và số lượng không cần nhiều. Ví dụ tỉnh Hà Giang chỉ có 6 đối tượng: cam, chè, cây dược liệu, trâu, bò và đàn ong. Hay cũng là nuôi tôm, nhưng Cà Mau đã đưa mặt hàng tôm có mặt tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỉnh phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD trong năm 2019.

Thu hoạch tôm ở xã Diễn Trung (Diễn Châu). Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Hồ Xuân Hùng - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT cho rằng, một đối tượng mà ngành Nông nghiệp Nghệ An cần trăn trở là con hươu, đó là một đặc sản của Nghệ An hiện mới khai thác nhung hươu nhưng chưa khai thác sản phẩm thịt từ hươu, nai. Tổng đàn hươu Nghệ An hiện có 13.500 con, sản lượng nhung đạt khoảng 8-10 tấn/năm, giá trị đóng góp khoảng 95 tỷ đồng/năm, bằng 0,2% vào giá trị sản xuất của ngành.
Hiện nay, có thể thấy tỉnh vẫn chưa công bố danh mục cây, con chủ lực giai đoạn tới. Tuy nhiên, có thể thấy cây lạc, chanh leo đã bị loại ra. Trong khi đó, qua nhiều cố gắng, cây cam Vinh vẫn chưa khẳng định được thương hiệu mạnh trên thị trường, khi nặng về số lượng chưa chú trọng chất lượng.

Cam xa đoài đặc san của Nghệ An vẫn chưa nhân rộng được. Ảnh: Châu Lan
Cam Xã Đoài - đặc sản của Nghệ An vẫn chưa nhân được rộng. Ảnh: Châu Lan

Con cá nước ngọt chưa có tăm tiếng vẫn nằm trong kế hoạch là cây, con chủ lực trong giai đoạn sắp tới. Cây sắn - một loại cây bạc đất xuất khẩu còn khá phập phù vẫn được “ngồi” trong bộ cây chủ lực. Việc tổ chức hội nghị để đánh giá lại cây, con chủ lực là việc làm hết sức cần thiết, nhưng việc thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp không thể nằm ngoài diễn biến khốc liệt của thời tiết như hiện nay, tiềm năng, thế mạnh của từng vùng và những định hướng phát triển nông thôn mới của Quốc gia. Khai thác sản phẩm OCOP của tỉnh có khả năng xuất khẩu.

Một báo động khác nữa đó là việc đang dư thừa các sản phẩm trái cây như ổi, cam, táo… ở một số địa phương do sản xuất chưa tính đến nhu cầu thị trường cũng lên tiếng trong bối cảnh người nông dân vẫn đang sản xuất “những gì mình có”.

Nghệ An: Xác định đúng cây con chủ lực để tái cơ cấu nông nghiệp

Nghệ An: Xác định đúng cây con chủ lực để tái cơ cấu nông nghiệp

(Baonghean) - Hội thảo khoa học về xác định cây, con chủ lực của Nghệ An đến năm 2025, định hướng 2030 được tổ chức nhằm đánh giá tổng quan kết quả sau gần 6 năm thực hiện Đề án phát triển cây, con chủ yếu theo Quyết định số 3079/QĐ-UBND ngày 03/7/2014 của UBND tỉnh.

Mới nhất
x
Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO