“Ở khu vực đồi Động Dẻ xã Nam Thanh, theo đường chùa Viên Quang đi vào đang có tình trạng khai thác đất trái phép. Khu vực này có các khu nghĩa trang của người dân trong vùng, vì vậy, chúng tôi rất lo hành vi khai thác trái phép đất có thể sẽ gây ảnh hưởng xấu. Rất mong Báo Nghệ An xác minh, có phản ánh để cơ quan chức năng xử lý…”. Đây là thông tin Báo Nghệ An nhận được dịp trung tuần tháng 9/2023 từ một công dân sống trên địa bàn xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn.
Cùng với phản ánh khẩn thiết này, công dân xã Nam Thanh còn gửi thêm một số hình ảnh, clip. Như ông trao đổi, là để minh chứng thông tin là có cơ sở. Xem trong đó, thấy có một vùng đất đồi đã bị khoét với diện tích khá lớn, và có một chiếc máy xúc đang hoạt động xúc, gom đất. Thống nhất thời gian, ngược Nam Đàn thực địa khu vực đồi Động Dẻ, nhưng ngày hôm sau công dân xã Nam Thanh chủ động liên lạc đề nghị tạm hoãn. Lý do vì: “Thời tiết xấu, có mưa lớn, đường vào lầy lội nên chưa thấy hoạt động khai thác đất…”.
Đến chiều ngày 18/9, công dân xã Nam Thanh lại thông tin: “Có lẽ vì đường vào đồi Động Dẻ còn xấu nên vẫn chưa thấy có hoạt động khai thác đất trở lại. Nhưng tôi nhận được tin cũng ở xã Nam Thanh, tại vùng lòng đập Hổng Cốc đang có tình trạng khai thác đất trái phép quy mô lớn. Thời gian qua ở đây liên tục có hàng chục xe vào ra khai thác, vận chuyển đất. Người dân vùng lân cận rất bức xúc vì họ hoạt động công khai, vận chuyển đất gây ô nhiễm môi trường; trong khi với người dân chỉ cần san gạt đồi dịch chuyển đất đi nơi khác để làm vườn thì bị cấm đoán…”.
Hỏi công dân xã Nam Thanh: Có khi nào vùng lòng hồ đập Hổng Cốc được phép khai thác tận thu để tăng khả năng tích nước hay không? Được trả lời: Tôi cũng có chút kiến thức về lĩnh vực này nên khi nghe tin thì đã tìm hiểu sơ bộ. Không có chuyện này đâu…”. Liên hệ với một số cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường, được các anh xác định ở huyện Nam Đàn chưa có mỏ đất nào được Nhà nước cấp phép khai thác. Với vùng lòng hồ đập Hổng Cốc cũng vậy, chưa có chuyện cấp phép khai thác tận thu…
“Người dân đã thông tin cụ thể vị trí khai thác trái phép thì nên thực địa, xác minh. Chúng tôi sẽ cử người tham gia…” – một cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường trao đổi.
Sáng ngày 19/9, cùng một số cán bộ Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường), chúng tôi ngược lên vùng lòng hồ đập Hổng Cốc. Đập nằm ở vị trí cách chùa Đại Tuệ chừng 2 km, khá sát tuyến đường mới nối với thị trấn Nam Đàn. Vào lúc 8h45, đi trên thân đập quan sát thấy lòng hồ cạn nước trơ đáy, nhưng có mở đường dẫn xuống. Trong lòng hồ, đã có một số xe tải nhẹ dừng nghỉ. Ở khu dân cư lân cận đang có một xe máy xúc chầm chậm đi tới.
Đoán chắc đây là nhóm “đất tặc” đang chuẩn bị khai thác, đoàn rời đi vào sâu trong khu dân cư kế bên đập để tránh bị phát hiện. Chừng 15 phút sau, dùng flycam quan sát lòng đập Hổng Cốc thì thấy xe máy xúc đã xuống đến khu vực ô tô tải đậu đỗ và đang “ung dung” xúc, ngoạm đất. Cũng thời điểm này, lòng hồ đã xuất hiện thêm 2 chiếc xe ô tô trọng tải lớn “xếp hàng” chờ đến lượt “ăn” đất. Tiếp tục dõi theo các diễn biến trong lòng đập, nhận thấy dù là khai thác đất trái phép nhưng các phương tiện xe máy chuyên dụng có mang đầy đủ biển hiệu hoạt động rất thoải mái. Như thể việc khai thác được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Cứ thế, lần lượt từng chiếc xe tải “ăn” no đất, ung dung rồ máy lặc lè rời khỏi lòng hồ…
Trước diễn biến này, sau gần một giờ đồng hồ chúng tôi quyết định trở lại tuyến đường xuống lòng đập Hổng Cốc. Thời điểm này đúng 9h50’, có một chiếc xe trọng tải lớn vừa rời đi. Tuy nhiên, dưới lòng hồ đập còn 1 chiếc xe trọng tải lớn đang được máy xúc tiếp đất; gần đó, có thêm 6 chiếc xe tải kích thước nhỏ hơn đang sắp hàng chờ đến lượt “ăn” đất. Các cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường sử dụng xe ô tô cá nhân chắn đường, mục đích không cho các phương tiện vận chuyển đất khai thác trái phép rời đi. Một cán bộ liên hệ qua điện thoại với người của UBND huyện Nam Đàn để thông báo có “đất tặc” tại đập Hổng Cốc, đề nghị cử người xuống hiện trường chứng kiến, cùng lập biên bản xử lý vụ việc. Ông này nói: “Chúng tôi cùng với PV Báo Nghệ An đang có mặt tại hiện trường. Đề nghị các anh gọi thêm xã Nam Thanh xuống hiện trường để phối hợp xử lý…”.
Ngay lúc này, có 2 người đã đứng tuổi đi xe máy từ trong khu dân cư tiếp cận xe của thành viên đoàn. Họ đề nghị hạ kính xe rồi hỏi: “Các anh từ đâu tới”. Trả lời qua quýt rằng chúng tôi ở tỉnh lên, rồi hỏi lại: Thế các bác có trách nhiệm gì ở đây. “Chúng tôi nuôi cá ở đập” – một người đáp rồi lảng đi chỗ khác rút máy điện thoại gọi cho ai đó và báo: “Có người đến, họ đang ghi hình, chụp ảnh…”. Một thành viên hỏi người còn lại: Các bác có biết khai thác đất như thế này là vi phạm pháp luật hay không? Ai cho các bác khai thác đất ở đây? Người này lúng túng: “Tôi không biết…”.
Chừng dăm ba phút sau, có 2 chiếc ô tô đi tới. Có 2 người xấp xỉ 40 tuổi bước xuống, liên tục gõ nhẹ vào xe, đề nghị cho được “nói chuyện”. Thấy các thành viên đoàn từ chối không “hợp tác”, họ ra hiệu cho các phương tiện rời khỏi lòng đập. Chiếc xe có trọng tải lớn lúc này đã “ăn” no đất cũng dựng đứng thùng trả đất lại lòng hồ rồi chậm chậm ngược lên. Xem đồng hồ đã 10h7’. Vì không thấy cán bộ huyện, xã ra hiện trường như đã đề nghị, chúng tôi quyết định “mở đường” cho các phương tiện ô tô tải, máy xúc rời đi…
Trước những gì tận thấy tại lòng hồ đập Hổng Cốc, cũng trong ngày 19/9, chúng tôi đã thực địa thêm một số khu vực đồi thấp thuộc xã Nam Thanh. Bởi có cán bộ chuyên môn đi cùng, chỉ trong một thời gian ngắn đã xác định thêm hai vị trí có tình trạng khai thác, trong đó có khu vực đồi Động Dẻ.
Đúng như công dân xã Nam Thanh mô tả, đường vào đồi Động Dẻ gần với chùa Viên Quang. Khu vực này tuy có nhà ở của người dân, nhưng thưa thớt, rải rác. Vị trí đồi Động Dẻ có tình trạng khai thác thuộc xóm 3, xã Nam Thanh, khá gần nghĩa trang của dòng họ Nguyễn Hữu. Vào khu vực khai thác, ở đó có nhiều vết tích ngoạm, xúc và vết bánh xe của phương tiện vận chuyển còn khá mới. Khu vực bị khai thác có diện tích khá lớn, đã tạo ra mặt bằng rộng đến cả nghìn m2, còn thân đồi đã bị cắt, xẻ để lại hốc lớn với chiều cao từ 1,5m – 4m. Qua đó cho thấy, các đối tượng khai thác trái phép đã lấy đi một lượng đất không hề nhỏ. Quan sát gần với khu vực có tình trạng khai thác trái phép, có một công trình cống và đường dân sinh đang thi công dang dở. Ở đó, mới được đắp đất, khối lượng khá lớn. Trước thực tế này, các thành viên đoàn có chung nghi vấn tình trạng khai thác đất đồi Động Dẻ là nhằm kiếm lợi từ chi phí vận chuyển, và đất san lấp ở dự án này.
Ở vị trí thứ hai, là tại một số đồi đất thấp thuộc xóm 4, xã Nam Thanh. Những vị trí có tình trạng khai thác đều khuất lấp sau nhà ở của người dân, phải nhờ tới flycam mới rõ được tình trạng khai thác. Qua flycam, đoàn xác định ở xóm 4 có 2 vị trí đồi đất đã bị khai thác đất trái phép. Vị trí đồi đã bị khai thác được cắt có ý đồ, bằng bặn và đã san gạt, tạo mặt bằng với diện tích khá lớn. Cũng tại khu vực này, đang có dự án khu chia lô đất ở đang được xây dựng hạ tầng mương, đường và san lấp mặt bằng. Bởi vậy, đoàn đã có nghi vấn tương tự như ở khu vực đồi Động Dẻ, việc khai thác đất nhằm thu lợi từ chi phí vận chuyển và đất san lấp…
Bởi có cán bộ cùng tham gia thực địa, phát hiện tình trạng “đất tặc” tại lòng đập Hổng Cốc và một số khu vực trên địa bàn xã Nam Thanh nên ngay sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản số 6477 /STNMT-KS về việc “xử lý trình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện Nam Đàn” gửi UBND tỉnh, UBND huyện Nam Đàn và Báo Nghệ An.
Văn bản số 6477 /STNMT-KS khẳng định: “Sở Tài nguyên và Môi trường nhận được phản ánh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại một số khu vực trên địa bàn xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn (khu vực Động Dẻ, khu vực đập Hổng Cốc). Sáng ngày 19/9/2023, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với phóng viên Báo Nghệ An đã đi thực địa tại các vị trí nêu trên, phát hiện có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép”.
Dẫn ra chức năng, nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 28/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 1562/QĐ-UBND ngày 01/6/2023 của UBND tỉnh ban hành chương trình hành động thực hiện Kế hoạch số 123-KH/TU ngày 12/9/2022 và Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 28/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định số 47/2017/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh…, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND huyện Nam Đàn rà soát, kiểm tra trên địa bàn toàn huyện nói chung và các khu vực trên địa bàn xã Nam Thanh nói riêng về tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu UBND huyện Nam Đàn triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 28/12/2022, theo nội dung “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý khoáng sản phải chủ động nắm chắc tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo đảm an ninh, trật tự. Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý để mọi hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản phải được phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, vụ lợi cho bản thân hoặc bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức để người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, để xảy ra vi phạm hoặc không cương quyết xử lý sau khi phát hiện vi phạm về khoáng sản trên địa bàn…”.
Đồng thời, đề nghị báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật gửi về UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường và Báo Nghệ An trước ngày 26/9/2023.
Ngày 19 và 20/9, Báo Nghệ An cũng đăng tải một số thông tin về tình trạng “đất tặc” tại lòng hồ đập Hổng Cốc và những vị trí đã được xác minh trên địa bàn xã Nam Thanh. Trước thông tin báo đưa, có nhiều ý kiến cho rằng đằng sau tình trạng “đất tặc” có vấn đề không bình thường. Vì với số lượng xe máy, phương thức khai thác đất trên lòng đập Hổng Cốc, sẽ không có chuyện qua mặt được chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương! Quả thực, Chỉ thị số 20-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã ban hành tròn 9 tháng. Bởi vậy, rất khó để lý giải vì sao “đất tặc” lại dám hoành hành giữa thanh thiên bạch nhật trên lòng đập Hổng Cốc. Vấn đề này, cấp ủy và chính quyền huyện Nam Đàn cần phải làm rõ, để có câu trả lời!