Thầy giáo vùng cao Nghệ An làm video trực tuyến, dạy học trò trong mùa dịch
(Baonghean.vn) - Giáo viên làm clip, tổ chức các phòng học trực tuyến là những giải pháp đã được các nhà trường đưa ra để đối phó với kỳ nghỉ dài do dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV gây ra.
Tấm lòng thầy giáo trong mùa dịch
Thầy giáo Nguyễn Văn Khai là giáo viên đầu tiên ở Trường THPT Quế Phong tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh sau khi UBND tỉnh có quyết định cho học sinh nghỉ học do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV. Clip đưa lên, dù người xem không đông như nhiều clip giải trí khác nhưng thầy Khai cũng đã rất hài lòng vì đã nhận được tương tác của hầu hết học sinh trong trường do mình đứng lớp. Thầy còn nhận được nhiều ý kiến trao đổi của một số đồng nghiệp. Dù khen hay góp ý thì thầy Khai vẫn lưu lại để xem đó làm kinh nghiệm cho mình.
Chia sẻ về điều này, người thầy giáo sinh năm 8X và có 15 năm đứng lớp ở huyện vùng cao Quế Phong nói rằng: Từ năm ngoái sau khi xem các video của các đồng nghiệp khác trên mạng, tôi đã có ý tưởng sẽ làm video để giảng bài trực tuyến cho học trò. Chính vì thế, trong hơn 1 năm qua tôi đã làm thử khá nhiều lần và tập nói sao cho khi lên video mọi người dễ nghe, tiếp theo là tập dựng các video.
Dụng cụ để làm những video trực tuyến dạy học của thầy giáo Nguyễn Văn Khai. Ảnh: PV |
Nói về việc làm của mình, thầy Khai cũng nhắc lại rất nhiều lần là “mình làm vì học trò chứ không phải bất cứ vì mục đích kinh doanh gì”. Điều này cũng xuất phát từ đặc điểm ở ngôi trường vùng cao Quế Phong, khi học sinh chủ yếu là con em người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Học sinh ở đây chủ yếu là học ở trường, hầu hết không được đi học thêm. Vì thế, với những bài giảng trực tuyến, thầy Khai hy vọng học sinh có thêm một kênh thông tin để tham khảo. Thầy Khai cũng cẩn thận lựa chọn rất kỹ các bài giảng sao cho phù hợp với đối tượng học trò của trường.
Thầy giáo Nguyễn Văn Khai trao đổi thêm với học trò sau những bài giảng trực tuyến. Ảnh: Chiến Thắng |
Trước đó, ở Trường THPT Quế Phong, thầy giáo Nguyễn Văn Khai cũng là một trong những giáo viên trẻ, đam mê công nghệ thông tin và nhiều năm nay thầy luôn là người “tiên phong” của nhà trường trong việc áp dụng công nghệ thông tin vào dạy học.
Kể thêm về việc dựng video các bài giảng mà thầy mới thực hiện trong thời điểm dịch cúm viêm đường hô hấp cấp nCoV đang khá phức tạp, thầy nói thêm: Khi học sinh nghỉ học tôi rất lo các em mải chơi rồi quên hết bài. Thế nên tôi đã tự “đóng cửa” làm video và sau đó chia sẻ lên mạng cho học trò theo dõi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi thực hiện chính thức nên ban đầu khá lúng túng. Vì thế, phải mất gần 15 phút đầu tôi mới quen với máy quay và sau đó mới thoải mái giảng bài như đứng trên bục giảng.
Qua những video mà thầy giáo Nguyễn Văn Khai chia sẻ trên mạng cũng dễ thấy nhiều video hình ảnh chưa rõ, có đoạn hình còn rung và khung hình cũng chưa chuẩn. Thầy Khai thì nói vui: Toàn bộ video là do tôi “tự biên tự diễn” một mình trong phòng. Máy quay chính là điện thoại cá nhân được gắn thêm chân máy.
Giáo viên Trường THPT Quế Phong thảo luận về hình thức dạy học trực tuyến. Ảnh: Chiến Thắng |
Từ việc làm của thầy Khai, một số giáo viên ở Trường THPT Quế Phong cũng đã bắt đầu làm quen và ứng dụng hình thức này vào dạy học. Thầy Khai cũng nói thêm: Vì dịch nCoV nên kế hoạch của tôi được triển khai sớm hơn và tôi sẽ còn duy trì đến những năm sau để tập trung ôn tập cho học sinh thi THPT Quốc gia. Tôi cũng thấy rằng việc dạy trực tuyến rất ý nghĩa vì có thể tương tác trực tiếp với học sinh và các em có thể lưu, xem đi xem lại nhiều lần nếu chưa hiểu bài.
Học sinh Trường THPT Quế Phong tham gia vệ sinh để phòng, chống virus Corona. Ảnh: Chiến Thắng |
Thầy giáo Nguyễn Hồng Tư - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quế Phong cũng nói thêm: Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cho học sinh nghỉ học, nhà trường cũng đã có hướng dẫn cho giáo viên việc chuẩn bị cho học sinh bài làm ở nhà và khuyến khích các giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học trực tuyến trong mùa dịch. Và việc làm của thầy Khai và một số giáo viên khác trong trường tuy phạm vi còn nhỏ nhưng rất đáng khích lệ.
Ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ học sinh học tập
Trong dịp học sinh nghỉ học để phòng tránh dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV, Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng cũng đã tiên phong tổ chức dạy học trực tuyến cho tất cả học sinh của nhà trường vào các buổi tối từ 19h30 đến 21h với sự giám sát và hỗ trợ của phụ huynh.
Thầy giáo Trần Văn Phương - Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ: Trước khi tổ chức dạy học trực tuyến nhà trường cũng đã tổ chức tập huấn cho giáo viên và cho các lớp học thử. Qua triển khai thấy việc thực hiện khá thuận lợi, giáo viên và học sinh cũng rất thích thú. Tôi cũng hy vọng, chương trình này không chỉ triển khai trong những dịp đặc biệt mà sẽ còn được triển khai thường xuyên để từng bước thay đổi về thời gian, thói quen, tâm lý, cách thức dạy - học của cả giáo viên - học sinh và tăng cường sự đồng hành của phụ huynh với nhà trường.
Một buổi học thử trực tuyến ở Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng. Ảnh: NTCC |
Trong thời gian học sinh nghỉ học, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản yêu cầu các nhà trường cần phân công giáo viên phụ trách từng địa bàn theo khối, xóm, thôn, bản nắm chắc tình hình liên quan đến học sinh, hỗ trợ, tư vấn cha mẹ trong chăm sóc trẻ, nhất là chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân, phòng tránh lây nhiễm tại gia đình và cộng đồng.
Sở cũng chỉ đạo các nhà trường tùy vào điều kiện cụ thể, chủ động có các giải pháp phù hợp hướng dẫn học sinh tự ôn tập bài ở nhà; khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin để hướng dẫn học sinh ôn tập, làm bài tập qua mạng internet, qua hệ thống học trực tuyến nhằm tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của người học; có phương án hỗ trợ, giúp học sinh củng cố kiến thức, kỹ năng cơ bản khi nhập học trở lại sau thời gian nghỉ học tại nhà.
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng phòng Giáo dục trung học - Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Trong thời gian đang phòng, chống dịch để thuận lợi cho việc trao đổi bài, chúng tôi cũng khuyến khích các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn bằng nhiều hình thức khác nhau như qua email, các trang mạng xã hội Zalo, Facebook... qua Facetime, tin nhắn, cung cấp tài liệu ôn tập.
Đồng thời, phối hợp với cha mẹ học sinh hướng dẫn học sinh lập thời gian biểu để hoàn thành bài tập, ôn tập các kiến thức đã học; đọc bài trong sách giáo khoa và nghiên cứu bài mới của tuần tiếp theo; chủ động lựa chọn, tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn khác nhau và linh hoạt như sách giáo khoa, sách tham khảo, internet… Thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh để nắm được tình hình sức khỏe của học sinh và việc tự học ở nhà.
Ngoài ra, cần hướng dẫn học sinh gửi kết quả bài làm, kết quả ghi chép việc tự học qua email, Zalo và qua hệ thống học trực tuyến…, để giáo viên giải đáp, giúp đỡ kịp thời.