Thế giới năm 2022: Xung đột, bất ổn từ Đông sang Tây

Mỹ Nga 31/12/2022 11:07

(Baonghean.vn) - Nhìn lại bức tranh tổng thể toàn cầu năm 2022, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an.

P.V: Chuyển động thế giới trong suốt năm 2022 cho thấy một điều rằng, bầu không khí “nóng” hay “lạnh”, ổn định hay biến động chủ yếu phụ thuộc vào thái độ ứng xử của 3 cường quốc: Mỹ, Nga, Trung Quốc. Thiếu tướng có đánh giá gì về quan điểm này của dư luận quốc tế?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trên hành tinh này có 226 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng Nga, Mỹ, Trung Quốc đang đóng vai trò quyết định đến diễn biến chính trị, an ninh toàn cầu. Tại châu Âu, hiện đang xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine. Cuộc xung đột này không chỉ giữa hai bên, mà lôi cuốn các nước châu Âu tham gia cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Xét đến cùng, đây là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga.

Sự ổn định hay biến động của thế giới chủ yếu phụ thuộc vào thái độ ứng xử của 3 cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc. Ảnh minh họa: Tư liệu

Có thể nói rằng, ở châu Âu - Đại Tây Dương, tình hình chính trị an ninh biến động như thế nào, chủ yếu do Nga và Mỹ quyết định... Tại châu Á - Thái Bình Dương, mọi thăng giáng, biến động của mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc tạo ra bức tranh chính trị, an ninh ở khu vực.

Như vậy, 3 quốc gia Mỹ, Nga và Trung Quốc chi phối đến chính trường thế giới. Sức ảnh hưởng này sẽ còn kéo dài, ít nhất trong vài thập niên tới.

P.V: Nổi bật trên nền bức tranh thế giới 2022 là cuộc chiến Nga - Ukraine. Cuộc xung đột này đánh dấu nhiều kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Vậy nó mang những đặc điểm nổi bật nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cuộc chiến Nga - Ukraine có thể định hình bằng 5 đặc điểm sau: Thứ nhất, đây là cuộc chiến lớn nhất xảy ra ở “trái tim” châu Âu, kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Thứ hai, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là cách mà Moskva phản ứng lại trước những chiến lược chèn ép, làm suy yếu Nga của Mỹ. Thứ ba, đây là cuộc chiến có quy mô lớn trên thế giới, từ sau năm 1945. Cả Nga và Ukraine đều sử dụng vũ khí công nghệ cao, đặc biệt là máy bay không người lái, tên lửa hành trình, thiết bị bơi không người lái… Những thiết bị này đã thay đổi tính chất cuộc xung đột.

Thứ tư, xét đến cùng cuộc chiến này là sự đối đầu giữa hai quan điểm: Nga chủ trương thiết lập thế giới đa cực, trong khi Mỹ muốn duy trì thế giới đơn cực do nước này dẫn dắt. Thứ năm, xung đột Nga - Ukraine đã làm rung chuyển thế giới trên mọi lĩnh vực, đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng kinh tế, năng lượng, lương thực, bất ổn chính trị, an ninh. Chính cuộc chiến này cũng đã thúc đẩy thành lập những lực lượng mới giữa các phe phái với nhau.

Cuộc chiến Nga - Ukraine. Ảnh minh họa: Skynews

P.V:Đến nay, bên nào chịu thiệt hại, bên nào hưởng lợi, và cuộc chiến Nga - Ukraine có thể kết thúc bằng con đường ngoại giao hay không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về thiệt hại, Ukraine là quốc gia chịu nhiều tổn thất nhất. Khoảng 1/5 người dân Ukraine đã di cư, các cơ sở sản xuất bị phá hủy. Năm 2015, Kissinger đã từng nhận định: “Các bạn Ukraine, con đường độc đạo duy nhất của các bạn là hãy trung lập, đừng biến mình thành tiền đồn của bên này chống bên kia. Như vậy sẽ thành thảm họa”. Và nay, điều nhận định của 7 năm trước đang diễn ra.

Châu Âu là bên thua thiệt lớn về kinh tế, chính trị, suy yếu về mọi mặt, và ngày càng lệ thuộc Mỹ. Cuối cùng, châu Âu là con rối trong tay Mỹ.

Còn Nga là bên chịu tổn thất cực lớn, về con người, vũ khí, nguồn lực tài chính. Tôi cho rằng, tổn thất này là hậu quả mang tính tất yếu; bởi Nga, trước khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt, đã không đánh giá đúng đối phương.

Không ai khác, Mỹ là bên hưởng lợi nhất. Nhờ xung đột Nga - Ukraine, Mỹ thu về 3 nguồn lợi lớn: Thị trường năng lượng châu Âu, với việc chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu khí hóa lỏng và dầu mỏ; các tập đoàn công nghiệp quân sự “bỏ túi" lợi nhuận cao, trong 10 tháng năm 2022 thu về 19 tỷ USD; đồng đô la Mỹ lên giá, củng cố vị thế “chúa tể" của đồng tiền này trên toàn cầu. Vì những món lợi này, Mỹ rất thiết tha thúc đẩy kéo dài cuộc chiến.

Trong thời gian tới, cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ diễn ra ngày càng khốc liệt. Cả Nga và Ukraine không phải là bên sẽ quyết định ngừng chiến, mà theo tôi, Mỹ mới là bên đang “cầm bóng".

Trong cuộc chiến Nga - Ukraine, chính Ukraine là quốc gia chịu nhiều tổn thất nhất. Ảnh: Tư liệu

P.V: Tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bầu không khí căng thẳng cũng bao trùm trong năm 2022, nhất là mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang rơi vào trạng thái tồi tệ nhất. Thiếu tướng có thể làm rõ vấn đề này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở thời kỳ xấu nhất, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ từ năm 1979. Về công nghệ, tháng 3/2022, Mỹ lập liên minh cùng với Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc nhằm ngăn chặn Trung Quốc làm chủ công nghệ sản xuất chip điện tử cao cấp. Với chính sách này, chính quyền Joe Biden đã từ bỏ duy trì khoảng cách vượt trước công nghệ bán dẫn của Trung Quốc 2 bước, nay chuyển sang chính sách triệt hạ và bóp nghẹt nền công nghiệp chế tạo chip điện tử cao cấp của Trung Quốc. Cuộc cạnh tranh này sẽ quyết định thành bại của mâu thuẫn Mỹ - Trung trong thế kỷ XXI.

Về chính trị, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Loan đã gia tăng tột độ căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung. Bắc Kinh đã phản ứng dữ dội trước hoạt động này. Chính vì vậy, tháng 8/2022, cả thế giới nín thở, lo lắng xảy ra chiến tranh giữa Trung Quốc - Đài Loan - Mỹ.

Chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ đến Đài Loan đã gia tăng tột độ căng thẳng quan hệ Mỹ - Trung. Trong ảnh: Phái đoàn quan chức Quốc hội Mỹ do bà Nancy Pelosi (thứ 4 từ phải qua) sau khi đến Đài Bắc tối ngày 2/8. Ảnh: The Guardian

Cũng trong năm 2022, Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia, trong đó xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất. Trung Quốc là quốc gia đang muốn thay đổi trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, và thiết lập một trật tự mới với Trung Quốc là trung tâm.

Trong bối cảnh kiềm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2022 chứng kiến liên tục các cuộc họp 2+2 giữa Mỹ - Nhật, Mỹ - Australia, cũng như tần suất hội nghị Bộ tứ Quad hay AUKUS.

Tất cả đều minh chứng rằng, quan hệ Trung - Mỹ trong năm 2022 đã rơi xuống đáy. Cả 2 bên đều muốn đưa mối quan hệ song phương vượt qua thảm họa. Do đó, cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden tại Bali (Indonesia) bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 cho thấy những nỗ lực hàn gắn. Tuy nhiên, cuộc gặp đó không hướng đến mục đích giải quyết bất đồng, mà là thăm dò, và đưa ra những lằn ranh đỏ của nhau xung quanh các vấn đề như: Đài Loan, kinh tế, xung đột Nga - Ukraine. Như vậy, cuộc gặp tại Bali chỉ là “một ngày nắng đẹp giữa lạnh giá”.

Cuộc hội đàm của ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình ở Bali ngày 14/11. Ảnh: Reuters

P.V:Khu vực Đông Bắc Á được đánh giá là một điểm nóng đầy bất ổn trong năm 2022, với việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo các loại và hàng trăm quả đạn pháo, ghi nhận những kỷ lục mới. Có thể lý giải những hành động này của Triều Tiên như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nguyên nhân có thể lý giải rằng, Triều Tiên đang bất mãn với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Mỹ để ngỏ khả năng đối thoại, nhưng vẫn siết chặt các biện pháp trừng phạt; cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản tiến hành các cuộc tập trận lớn. Như vậy, những lần thử nghiệm phóng tên lửa là phản ứng đáp trả của Bình Nhưỡng đối với những chính sách của Washington. Đồng thời, việc phóng hàng loạt tên lửa nhằm củng cố lòng tự hào dân tộc, đoàn kết trong nước của Triều Tiên.

P.V:Vậy các điểm nóng ở khu vực Trung Á, Trung Đông trong năm 2022 có điểm gì đáng lưu ý không, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có thể nói, Trung Á và Trung Đông là những khu vực tranh giành của 3 cường quốc: Mỹ, Nga, Trung Quốc. Bởi vậy, năm 2022 chứng kiến nhiều bất ổn ở những khu vực này như: Hàng nghìn người biểu tình gây ra cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất làm rung chuyển Kazakhstan; xung đột vũ trang Armenia - Azerbaijan.

Một điều đáng chú ý là, dường như sức ảnh hưởng của Nga tại Trung Á ngày càng suy giảm, trong khi Trung Quốc tìm cách gia tăng bằng cách đầu tư mạnh mẽ về kinh tế. Khu vực Trung Á đang ở ngã ba đường: Duy trì mối quan hệ truyền thống với Nga, song tìm kiếm những đối tác mới như Trung Quốc và Mỹ.

Mỹ, Nga và Trung Quốc hiện đang tranh giành ảnh hưởng tới các khu vực trên thế giới. Nguồn: scmp.com

Tại Trung Đông cũng chứng kiến sự tranh giành sức ảnh hưởng của các “ông lớn”. Ở khu vực này có thể nhìn thấy “bàn cờ” khá thú vị: Nga và Iran là một bên; Mỹ, Israel, Ả Rập Xê Út một bên; Trung Quốc bắt tay với cả hai phía. Cũng giống như khu vực Trung Á, Trung Đông duy trì quan hệ truyền thống với Mỹ, đồng thời mở rộng, tăng cường quan hệ với Trung Quốc, Nga...

Tựu trung lại, có thể nói thế giới năm 2022 chứa đựng nhiều bất ổn có tính toàn cầu...

P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Theo Thực hiện
Copy Link
Mới nhất
x
Thế giới năm 2022: Xung đột, bất ổn từ Đông sang Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO