Thế giới tuần qua: Bữa tiệc Giáng sinh 'chưa an lành'

Mỹ Nga 27/12/2020 06:59

(Baonghean.vn) - Thông tin về việc liên tiếp phát hiện các biến thể mới của virus SARS-Cov-2 tại nhiều quốc gia khiến nhiều người lo lắng. Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công khai xin lỗi và đính chính những phát biểu của mình trước Quốc hội vào năm ngoái về bê bối các khoản thanh toán bất hợp pháp, mặc dù các công tố viên từ chối truy tố. Đây là những vấn đề quốc tế đáng chú ý nhất trong tuần qua.

Cuộc rượt đuổi giữa virus và vaccine

Theo hãng truyền thông Bloomberg, đến thời điểm này, các nhà khoa học đã ghi nhận được 4.000 biến thể khác nhau của virus SARS-Cov-2 trên toàn cầu, con số đầy đủ chắc chắn còn cao hơn. Nhưng một biến thể xuất hiện ở miền Đông Nam nước Anh đang gây lo ngại đặc biệt, dẫn đến việc phong tỏa khẩn cấp Thủ đô London vào dịp Giáng sinh.

Hàng loạt nước châu Âu đóng cửa với Anh do biến thể mới. Ireland, Đức, Pháp, Italia, Hà Lan và Bỉ đều tạm ngưng các chuyến bay và việc di chuyển đến hoặc xuất phát từ Anh. Liên minh châu Âu cũng đã có cuộc họp để thảo luận về các hành động phối hợp nhằm đối phó với tình hình. Đại dịch đang “phủ bóng đen” lên Giáng sinh “chưa an lành” ở nhiều quốc gia.

Thủ đô London, Anh vắng lặng do lo ngại biến thể mới của virus. Ảnh: Getty
Thủ đô London, Anh vắng lặng do lo ngại biến thể mới của virus. Ảnh: Getty

Biến thể mới tại Anh có tên VUI - 2020 1201, có nhiều đột biến ở gai protein. Phân tích sơ bộ của giới khoa học Anh cho thấy, đột biến này có thể giúp virus xâm nhập tế bào dễ dàng hơn, và dễ lây từ người sang người hơn, với tỷ lệ 70% so với những biến thể khác. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào cho thấy biến thể này có khả năng gây bệnh nặng hoặc tử vong. Do đó, nó sẽ được tiếp tục theo dõi và phân tích trong những tuần tới.

Một lý do khiến biến thể mới trở nên phổ biến hơn là bởi sự xuất hiện của nó rơi vào thời điểm mùa lễ hội truyền thống, khi mọi người thường xuyên tụ tập, thăm hỏi nhau. Các nhà khoa học đã đưa ra giả thuyết rằng, biến thể này có thể là kết quả của việc lây lan virus từ một bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 mãn tính. Peter Horby - Chủ tịch Nhóm tư vấn về các mối đe dọa virus hô hấp mới nổi cho hay: “Biến thể mới có một số loại lợi thế sinh học khiến nó lây lan nhanh hơn. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa có bức tranh hoàn chỉnh để giải thích lý do tại sao, song một vài giả thuyết khác nhau đang được nghiên cứu”.

Paul Hunter - Giáo sư Y khoa tại Trường Norwich, thuộc Đại học East Anglia cho biết, biến thể mới là nguyên nhân gây ra 62% ca nhiễm SARS-Cov-2 ở London tính đến ngày 9/12, tăng 28% kể từ đầu tháng 11.

Ngoài Anh, các trường hợp nhiễm bệnh khác đã được xác định ở Bỉ, Đan Mạch, Iceland, Italia, Hà Lan và Australia. Các chuyên gia y tế cũng đưa ra quan điểm về việc liệu biến thể mới này có thể vô hiệu hóa vaccine ngừa Covid-19 hay không.

Nhiều nước châu Âu như Pháp đã đóng cửa biên giới với Anh, do lo ngại biến thể virus mới. Ảnh: AP
Nhiều nước châu Âu như Pháp đã đóng cửa biên giới với Anh, do lo ngại biến thể virus mới. Ảnh: AP

Hiện chưa rõ biến thể của SARS-Cov-2 có thể chống lại khả năng miễn dịch từ việc tiêm chủng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, những bằng chứng hiện tại cho thấy biến thể mới không có bất kỳ tác động nào đến các loại vaccine đang có mặt trên thị trường. Các nhà sản xuất vaccine hàng đầu gồm BioNTech, AstraZeneca và CureVac khẳng định rằng, tính hiệu quả của vaccine không hề bị ảnh hưởng.

Khác với bệnh cúm mùa, đột biến luôn thay đổi và khó lường theo từng năm, coronavirus có cơ chế tự điều chỉnh di truyền để giảm thiểu đột biến. Do đó, các nhà sản xuất vaccine cho hay, các mũi tiêm Covid-19 đã chứng tỏ hiệu quả trong các lần thử nghiệm, và có thể dễ dàng điều chỉnh, nếu cần thiết. BioNTech khẳng định sẽ chỉ mất 6 tuần, một khoảng thời gian ngắn kỷ lục, để có thể tạo ra loại vaccine mới có thể khống chế biến thể mới của virus.

Bê bối chính trị

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, bản thân cần chịu trách nhiệm do nhiều lần phủ nhận việc văn phòng của ông thực hiện các khoản thanh toán liên quan đến tiệc tối cho những người ủng hộ ông trong mùa hoa anh đào nổi tiếng của Nhật Bản. Ông cũng khẳng định không biết tới quá trình quyết toán các khoản chi này, song vẫn cam kết hành động để sửa chữa những sai phạm của mình.

Ông Shinzo Abe từ chức vào tháng 9/2020 với lý do sức khỏe không tốt. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, việc từ chức có thể có lý do khác. Chính phủ Nhật Bản đã chứng kiến sự tín nhiệm sụt giảm từ công chúng do các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bị trì hoãn, và một loạt bê bối liên quan đến các cựu bộ trưởng trong chính quyền của ông Abe.

Cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước truyền thông tại Nghị viện hồi đầu tháng 12/2020. Ảnh: Reuters
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu trước truyền thông tại Nghị viện hồi đầu tháng 12/2020. Ảnh: Reuters

Văn phòng Công tố quận Tokyo quyết định không truy tố ông Abe, do không có đủ bằng chứng. Tuy nhiên, cơ quan này đã chính thức truy tố một phụ tá lâu năm của ông Abe với cáo buộc không báo cáo các khoản phí và thanh toán cho các buổi tiệc chiêu đãi từ năm 2016 đến năm 2019. Theo đó, các trạng cáo buộc phụ tá Hiroyuki Haikawa, 61 tuổi, đã không khai báo 11,6 triệu yên (111.600 USD) phí vào cửa đã được thu từ khách dự tiệc, và khoản thanh toán 18,7 triệu yên (180.000 USD) cho khách sạn.

Việc không kê chi phí này vào báo cáo chi tiêu thường niên được coi là vi phạm về quỹ chính trị. Số tiền kể trên có thể là không lớn so với mức độ tham nhũng chính trị ở các nước khác, nhưng chúng lại trở thành vấn đề nghiêm trọng, thu hút sự chú ý ở Nhật Bản - nơi các chính trị gia đã bị cách chức vì những vi phạm nhỏ nhất về các quy tắc tài chính.

Ngoài ra, các công tố viên cũng đã điều tra xem ông Abe, cùng trợ lý và 2 giám đốc điều hành từ nhóm ủng hộ chính trị của ông đã trợ cấp đảng phí, có vi phạm luật vận động và gây quỹ bầu cử hay không. Luật pháp Nhật Bản nghiêm cấm các chính trị gia tặng quà cho những người ủng hộ bầu cử.

Trước đó, ông Abe đã phủ nhận cáo buộc và cho biết, ông không biết gì về các khoản thanh toán bất hợp pháp cho đến khi có báo cáo của cuộc điều tra vào tháng 11/2020. Phát biểu trong cuộc họp báo, cựu Thủ tướng Abe nói: “Mặc dù việc hạch toán đã được thực hiện mà tôi không hề hay biết, nhưng tôi nhận thức rõ ràng về trách nhiệm đạo đức của mình. Tôi muốn gửi lời xin lỗi sâu sắc và chân thành đến mọi người”.

Vụ bê bối tài chính lần này phủ bóng đen lên chính quyền của Thủ tướng Suga, người từng là phát ngôn viên hàng đầu của ông Abe. Ảnh: AP
Vụ bê bối tài chính lần này phủ bóng đen lên chính quyền của Thủ tướng Suga, người từng là phát ngôn viên hàng đầu của ông Abe. Ảnh: AP

Không chỉ cựu Thủ tướng Abe công khai xin lỗi, mà Thủ tướng đương nhiệm Yoshihide Suga cũng đã lên tiếng xin lỗi vì những tuyên bố trước đó. Ông Suga, từng là Chánh Văn phòng Nội các dưới thời ông Abe, đã trở thành người kế nhiệm ông Abe làm thủ tướng hồi tháng 9, không bị cáo buộc có hành vi sai trái. Tuy nhiên, ông Suga với tư cách là người phát ngôn hàng đầu trong 8 năm cầm quyền của ông Abe, đã lên tiếng bảo vệ cựu thủ tướng trước Quốc hội và truyền thông về những cáo buộc tài chính.

Dư âm của vụ bê bối luật bầu cử và tài chính chính trị lần này đã có ảnh hưởng lớn đến uy tín của chính quyền của Thủ tướng Suga, vốn đang quay cuồng với sự phẫn nộ của công chúng trước việc xử lý đại dịch Covid-19. Một cuộc thăm dò mới đây của tờ nhật báo Asahi Shimbun cho thấy, mức độ uy tín của Thủ tướng Suga đã giảm mạnh, từ mức cao 65% khi ông nhậm chức, xuống còn 39% ở hiện tại.

Mới nhất

x
Thế giới tuần qua: Bữa tiệc Giáng sinh 'chưa an lành'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO