Thế giới tuần qua: Covid-19 giáng đòn mạnh vào kinh tế thế giới

Mỹ Nga 15/03/2020 09:18

(Baonghean) - Thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến sự tụt dốc mạnh nhất trong hàng chục năm qua với chuỗi phản ứng bán tháo ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tạm dừng các chuyến bay giữa Mỹ và châu Âu trong vòng 30 ngày. Và quyết định của người đứng đầu xứ sở cờ hoa cũng làm chao đảo thị trường giá dầu thế giới, vốn đang chịu nhiều áp lực từ căng thẳng cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia. Đây là những vấn đề quốc tế đáng chú ý trong tuần vừa qua.

Ngày thứ Năm đen tối

Các thị trường chứng khoán toàn cầu đã lao dốc, trong phiên giao dịch ngày 12/3, được ví như “ngày thứ Năm đen tối” nhất trong lịch sử, kể từ sau “Ngày thứ Hai đen tối” hồi tháng 10/1987. Một số thị trường giảm điểm mạnh nhất trong hàng chục năm qua. Các biện pháp mà ngân hàng trung ương các nước thực hiện đã không xoa dịu được những hoảng loạn trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Thị trường chứng khoán London (Anh) mất điểm 10,87%, giảm mạnh nhất kể từ năm 1987. Thị trường ở Pháp và Đức giá cổ phiếu giảm mạnh 12%, ở Tây Ban Nha -14%, còn ở Italia - tâm chấn dịch Covid-19 của châu Âu, giảm gần 17%.

Thị trường chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ trong ngày 12/3 sau lệnh cấm di chuyển từ châu Âu của Tổng thống Mỹ. Ảnh: Chicago Sun Times
Thị trường chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ trong ngày 12/3 sau lệnh cấm di chuyển từ châu Âu của Tổng thống Mỹ. Ảnh: Chicago Sun Times

Thị trường bất ổn “được kích hoạt”, gây nên phản ứng bán tháo được giải thích do quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc dừng khai tháng 1 tháng các chuyến bay đi lại giữa Mỹ và châu Âu. Cùng với đó Ngân hàng Trung ương châu Âu đã quyết định không hạ lãi suất, dù tuyên bố sẽ có gói kích thích kinh tế để đối phó đại dịch Covid-19.

“Tôi không muốn nói đến sự hoảng loạn nhưng thực sự không rõ mọi thứ sẽ diễn ra như thế nào. Nước Mỹ luôn là người bảo vệ thị trường tự do và thương mại tự do. Nếu như mọi người không còn đi du lịch thì đó không còn là dấu hiệu tích cực. Bây giờ chúng ta đã thấy rõ cuộc khủng hoảng Covid-19 đã bắt đầu tấn công nền kinh tế”.

Robert Halver - Giámđốc phân tích thị trường vốn, Ngân hàng Baader

Còn tại phố Wall, các chỉ số lớn như Dow Jones, S&P đều giảm mạnh khi mở cửa giao dịch. S&P 500 giảm mạnh 9,5%, với tổng mức giảm 26,7% so với mức cao nhất được thiết lập vào tháng trước. Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm 10%, mức giảm lớn nhất kể từ ngày “Thứ Hai đen tối” cách đây 33 năm. Các phiên giao dịch cổ phiếu đã giảm quá nhanh đến nỗi Mỹ đã kích hoạt lệnh dừng giao dịch tự động trong vòng 15 phút lần thứ hai trong tuần này để ngăn đà sụt giảm. Trong bối cảnh đó đã phải buộc Ngân hàng Trung ương Mỹ chi hàng nghìn tỷ USD vào thị trường trái phiếu trong nỗ lực mạnh mẽ ngăn chặn sự lặp lại của cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008.

Trên thị trường châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản sụt đáy trong hơn 3 năm, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng trên đà giảm tốc lên tới 4,8%. Bitcoin ghi nhận cú trượt 25% trong sự biến động mạnh của thị trường tiền điện tử. Trong khi đó, dịch Covid-19 lây lan khiến nhu cầu đi lại của người dân giảm đặc biệt tác động đến ngành hàng không trong vài tuần qua. Ngày 12/3, Cục Hàng không dân sự Trung Quốc cho biết, các hãng hàng không nước này đã báo cáo khoản thua lỗ tổng cộng 20,96 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 3 tỷ USD) trong tháng 2. Lượng khách đi lại bằng máy bay trong tháng qua đã giảm 84,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thất thần khi chứng kiến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán New York. Ảnh Reuters
Nhân viên sàn chứng khoán thất thần khi chứng kiến sự sụt giảm của thị trường chứng khoán New York. Ảnh: Reuters

Giới phân tích cho rằng, lệnh mới của Tổng thống Donald Trump cấm mọi hoạt động đi lại từ các nước châu Âu tới Mỹ trong vòng 1 tháng, sẽ gây thêm áp lực đối với các ngành hàng không vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đặc biệt, quyết định này sẽ giáng đòn mạnh vào các hãng hàng không nước ngoài như Lufthansa của Đức và Air France KLM của Pháp, vốn thống lĩnh thị trường khách qua lại giữa châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, các chuyên gia dự báo động thái của chính quyền Mỹ có nguy cơ gây hỗn loạn tại hàng chục sân bay trên khắp châu Âu khi hành khách tìm cách đáp chuyến bay cuối cùng đến Mỹ trước khi lệnh cấm có hiệu lực. “Lệnh cấm đi lại tới châu Âu là một quyết định khiến giới đầu tư không lường trước được. Đó sẽ là cú đánh tài chính thực sự tới ngành du lịch, vốn đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch bệnh” - Tim Anderson, Quỹ đầu tư Tjm cho biết.

Cuộc chiến giá dầu leo thang

Căng thẳng kịch liệt giữa Nga và Saudi Arabia về giá dầu; nhu cầu nhiên liệu máy bay, xăng và dầu diesel giảm do ảnh hưởng từ lệnh tạm dừng đi lại giữa đại dịch Covid-19… đã khiến thị trường dầu thế giới phải đối diện với kịch bản ác mộng.

Giá dầu thô của Mỹ đã giảm thêm 6%, xuống còn 31 USD/thùng, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hạn chế đi lại với châu Âu. Trên bình diện chung, giá dầu thô thế giới đã giảm xuống mức thấp 30,02 USD/thùng, giảm mạnh 27% trong tuần này. Ngân hàng Goldman Sachs đã cắt giảm dự báo giá dầu thô thế giới quý 2 và 3 năm nay xuống còn 30 USD/thùng và cảnh báo giá có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng trong những tuần tới. Đồng thời, các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang chạy trốn khỏi các đầu tư rủi ro bao gồm cổ phiếu. Đánh dấu của đợt đại suy thoái.

Công nhân tại một cơ sở khai thác dầu ở Texas (Mỹ). Ảnh: Reuters
Công nhân tại một cơ sở khai thác dầu ở Texas (Mỹ). Ảnh: Reuters

Vấn đề lớn nhất đối với thị trường dầu mỏ hiện nay là nhu cầu nhiên liệu máy bay đang bị sụt giảm. Hàng ngàn chuyến bay đã bị hủy và nhiều khả năng sẽ còn bị xáo động mạnh vì những hạn chế, và lo ngại di chuyển của khách du lịch. Các nhà quan sát cho rằng, lệnh cấm du lịch chỉ làm tăng thêm nỗi sợ hãi và phá hủy nhu cầu đối với các sản phẩm năng lượng. Rystad Energy ước tính rằng, lệnh cấm đi lại với châu Âu trong vòng 30 ngày sẽ gây ra tổn thất 600.000 thùng mỗi tháng trong nhu cầu nhiên liệu máy bay. Hệ lụy từ lệnh cấm du lịch cũng đang đè nặng niềm tin của các nhà đầu tư.

“Điều này còn dẫn đến việc mất niềm tin hơn nữa vào việc xử lý khủng hoảng từ chính phủ, và làm gia tăng sự không chắc chắn về mức độ ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế nói chung”.

Bjoernar Tonhaugen - Giám đốc thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy

Sự tụt dốc của giá dầu đã đánh sập các công ty năng lượng lớn và nhỏ. Nếu giá dầu tiếp tục giảm sâu như hiện nay, thì hầu hết các hoạt động sản xuất dầu đá phiến và dầu cát sẽ không đem lại lợi ích kinh tế. Nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất nhỏ và vừa, sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi việc khai thác bằng thủy lực - quá trình khoan sâu vào lòng đất để hút dầu và khí từ các mỏ đá phiến - cần rất nhiều vốn.

Trong bối cảnh như vậy, cuộc chiến giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia, bằng việc giữ giá dầu ở mức thấp, cũng sẽ khiến thị trường dầu thêm chao đảo. Mặc dù, cả hai sẽ tạm thời loại bỏ được rất nhiều đối thủ cạnh tranh và đặt hai nước vào vị trí là những bên được hưởng lợi nhiều nhất khi giá dầu tăng trở lại. Song, cả Nga và Saudi Arabia cũng đang gây tổn thương cho chính mình.

Giá dầu được dự đoán tiếp tục giảm sâu trong tuần tới. Ảnh: CNN

Tiến sĩ Garbis Iradianng- trưởngg phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi thuộc Viện Tài chính quốc tế có trụ sở ở Washington phân tích: Xuất khẩu dầu mỏ chiếm khoảng 1/2 tổng sản phẩm quốc nội và 70% nguồn thu từ xuất khẩu của Saudi Arabia. Thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia trong năm 2020 dựa trên mức giá 58 USD/thùng. Với việc giá dầu giờ đây giảm nhiều hơn trước đó, Riyadh sẽ phải gia tăng thâm hụt, rút hơn 500 tỷ USD dự trữ ngoại tệ.

Về phía Nga, mặc dù nền kinh tế đa dạng hơn Saudi Arabia, song Moskva vẫn có thể để mất thị phần vào tay đối thủ, nếu Riyadh giảm giá mạnh cho Tây Âu - vốn là thị trường xuất khẩu dầu khí chính của Nga. Ngoài ra, với giá dầu thấp hơn, Nga sẽ mất đi nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ. Tuy nhiên, do doanh thu từ dầu mỏ chiếm chưa đến 1/2 tổng thu ngân sách nên Moskva có thể cân bằng ngân sách của mình với giá dầu ở mức 42 USD/thùng.

Mới nhất

x
Thế giới tuần qua: Covid-19 giáng đòn mạnh vào kinh tế thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO