Thế giới tuần qua: Những cuộc đua nước rút

Mỹ Nga 06/09/2020 12:23

(Baonghean.vn) - Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã gửi công văn yêu cầu các bang tăng tốc cấp phép cơ sở phân phối vaccine phòng, chống Covid-19 để người dân có cơ hội tiếp cận vaccine trước ngày 1/11; Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide đã chính thức bày tỏ ý định tham gia cuộc cạnh tranh cho chức lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do LDP, cũng đồng nghĩa với chức vụ Thủ tướng. Đây là những vấn đề quốc tế được chú ý trong tuần qua.

Tăng tốc nước rút phân phối vaccine trước bầu cử

CDC Mỹ đã gửi 3 tài liệu kế hoạch cho cơ quan y tế các bang, trong đó có các mốc thời gian về thời điểm vaccine có thể xuất hiện. Các tài liệu này sẽ được sử dụng để xây dựng kế hoạch tiêm chủng sớm. Tài liệu cũng nêu ra kịch bản vaccine có thể sẵn sàng để đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10, hoặc “hoạt động đầy đủ vào ngày 1/11”. Những hướng dẫn này cho thấy, chính quyền của Tổng thống Trump đang tìm cách gấp rút phân phối vaccine chỉ 2 ngày trước ngày bầu cử tổng thống 3/11.

Theo tờ New York Times, vaccine sẽ ưu tiên cho các nhân viên y tế, quan chức an ninh quốc gia và các nhóm có nguy cơ cao theo các kịch bản phân phối 1 hoặc 2 loại vaccine khác nhau trong trường hợp nguồn cung bị hạn chế.

Tổng thống Trump tới thăm một trung tâm phát triển và thử nghiệm vaccine. Ảnh: Reuters
Tổng thống Trump tới thăm một trung tâm phát triển và thử nghiệm vaccine. Ảnh: Reuters

FDA đang bị chỉ trích rằng đang cúi đầu trước áp lực chính trị từ Tổng thống Trump.

Theo quy trình thông thường, cơ quan kiểm duyệt vaccine phải chờ đợi trong nhiều tháng để xác minh các ứng viên vaccine hoạt động an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra khả năng rằng một loại vaccine có thể được cấp phép khẩn cấp trước khi kết thúc quá trình thử nghiệm lâm sàng. Điều này đã khiến FDA phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt ngày càng lớn từ phía cộng đồng giới chức y tế, rằng FDA đang cúi đầu trước áp lực chính trị từ Tổng thống Trump.

“Điều này có nghĩa là việc tiêm chủng hàng loạt trên toàn quốc có thể bắt đầu sau 59 ngày. Liệu vaccine Covid-19 nào có khả năng hoàn thành các thử nghiệm lâm sàng về tính an toàn và hiệu quả của giai đoạn 3, cũng như kết thúc quá trình đánh giá khoa học đầy đủ chỉ trong 59 ngày hay không?” - một nhà dịch tễ học của Mỹ đã viết trên Twitter. Theo nhà dịch tễ này, chưa một ứng viên vaccine nào của Mỹ hoàn thành việc đăng ký thử nghiệm giai đoạn 3. Do đó, việc gấp rút hoàn thành trong 59 ngày là rất nguy hiểm.

Một số chuyên gia y tế cộng đồng chỉ ra rằng CDC đang đưa ra một thời gian biểu táo bạo, và việc thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối vẫn đang tuyển tình nguyện viên và xa nhất mới chỉ được nửa chặng đường. Do đó, họ không hiểu bằng cách nào có thể có đủ dữ liệu về việc vaccine có hiệu quả và an toàn trước ngày 1/11.

“Chúng tôi tuyệt đối không dung thứ hay chấp nhận cho phép sử dụng khẩn cấp bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào mà không có dữ liệu tin cậy về tính hiệu quả và an toàn từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3”.

Tiến sĩ Angela Rasmussen, nhà virus học, Đại học Columbia

Mỹ đã chi hàng tỷ USD để đặt hàng những ứng cử viên vaccine hàng đầu. Ảnh: Scitechdaily
Mỹ đã chi hàng tỷ USD để đặt hàng những ứng cử viên vaccine hàng đầu. Ảnh: Scitechdaily

Tuy nhiên, Giám đốc FDA Stephen Hahn đã phủ nhận việc ông bị ảnh hưởng bởi áp lực chính trị khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang trong giai đoạn nước rút. Ông cho hay, tiêu chuẩn để cấp phép “vì lợi ích cao cả khi sức khỏe cộng đồng đang gặp nguy cơ khẩn cấp”, và bất kỳ sự chấp thuận vaccine nào đểu là “một quyết định dựa trên khoa học, y học và dữ liệu”, không phải quyết định dựa trên chính trị. Eric Topol, nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu dịch thuật Scripps nhận định: Dù Stephen Hahn có chịu ảnh hưởng từ Trump thì việc rút ngắn sẽ giáng đòn mạnh vào lòng tin vốn đã bị tổn hại của công chúng đối với việc tiêm chủng

Lợi thế cuộc đua

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Suga Yoshihide đã chính thức bày tỏ ý định tham gia cuộc cạnh tranh cho chức lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do LDP, cũng đồng nghĩa với chức vụ Thủ tướng, do LDP đang nắm thế đa số tại Quốc hội. Đây được xem là một động thái quan trọng do ông Suga đang nổi lên như ứng cử viên số một cho chiếc ghế thủ tướng.

Việc gia nhập “đường đua" của Suga bắt nguồn từ mong muốn nhiệt thành của đảng nhằm xây dựng tính liên tục trong đường lối chính sách của Thủ tướng Abe. Sebastian Maslov, giảng viên cao cấp về quan hệ quốc tế tại Đại học Sendai Shirayuri cho biết: Là một trong những “trung úy" chính của Abe, ông Suga sẽ cầm tấm vé vận động tranh cử và hứa hẹn tính liên tục, ổn định. Việc ứng cử của ông đồng nghĩa đã có được sự ủng hộ của hầu hết các phái lớn, hay các thành viên có ảnh hưởng trong đảng LDP. Thậm chí giành được sự ủng hộ của Toshihiro Nikai, Tổng thư ký đảng cầm quyền - người có tầm ảnh hưởng đáng kể, nắm quyền kiểm soát cách đảng phân bố quỹ vận động tranh cử.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga là cánh tay phải của Thủ tướng Abe trên mặt trận đối ngoại. Ảnh: Reuters
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga là cánh tay phải của Thủ tướng Abe trên mặt trận đối ngoại. Ảnh: Reuters

Trong 8 năm qua, Suga, 71 tuổi, chính trị gia kỳ cựu của đảng LDP, là gương mặt đại diện của chính quyền Thủ tướng Abe với tư cách người phát ngôn hàng đầu của chính phủ, song ông không mấy nổi tiếng. Ông Suga chỉ được công chúng biết đến nhiều hơn kể từ khi công bố tên “Reiwa” của thời đại mới vào năm ngoái, khoảnh khắc đánh dấu sự lên ngôi của vị hoàng đế mới. Kể từ đó, Suga còn có biệt danh là “Uncle Reiwa”.

Ông Suga Yoshihide đã đóng vai trò quan trọng trong việc chế ngự các đối thủ phe phái trong đảng cầm quyền.

Các cộng sự và nhà phân tích cho rằng, Suga đã đóng vai trò quan trọng trong việc chế ngự các đối thủ phe phái trong đảng cầm quyền. Suga được cho là sẽ kế thừa các chính sách của người tiền nhiệm đề ra, duy trì các chính sách kích thích tăng trưởng “Abenomics” nhằm mục đích đưa Nhật Bản thoát khỏi tình trạng lạm phát, và giữ cho nền kinh tế trụ vững trong đại dịch Covid-19. Ông Suga cũng khẳng định quyết tâm xây dựng một chính phủ đáng tin cậy, làm chỗ dựa bảo vệ sinh kế cho người dân. Các nhà phân tích nhận định, ông Suga có thể đoàn kết nội bộ đảng LDP trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến sẽ diễn ra vào năm tới.

Việc ông Suga tham gia ứng cử được coi là bước tiến lớn trong cuộc chạy đua tìm người kế nhiệm Thủ tướng Abe. Trước đó Abe từ chối đề cử người kế nhiệm bởi ông không muốn tạo ảnh hưởng trong quá trình lựa chọn người thay thế. Điểm khác biệt của Suga là ông không phải thành viên, cũng không lãnh đạo bất cứ phe nào trong LDP.

Ông Suga nhận được nhiều sự ủng hộ từ các đảng phái. Ảnh: WSJ
Ông Suga nhận được nhiều sự ủng hộ từ các đảng phái. Ảnh: WSJ

LDP sẽ tổ chức cuộc họp đại hội đồng vào thứ 3 tới để quyết định cuộc bầu cử sẽ được tiến hành như thế nào. Một ứng viên phải được ít nhất 20 thành viên Đảng Cộng hòa tán thành để đủ điều kiện, và cuộc bầu cử sẽ được tổ chức vào ngày 15/9, kết quả công bố vào ngày 17/9. Người được bầu làm chủ tịch LDP gần như nắm chắc ghế Thủ tướng Nhật Bản.

Thông thường, một cuộc bỏ phiếu mở rộng sẽ được tổ chức, với một nửa quyền bỏ phiếu thuộc về hơn 1 triệu đảng viên, nửa còn lại dành cho các nghị sĩ LDP. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định do ông Abe từ chức đột ngột, LDP nhiều khả năng sẽ chọn phương án bỏ phiếu khẩn cấp, thành phần chỉ bao gồm các thành viên của đảng trong Quốc hội. Trường hợp này đồng nghĩa với việc 394 nghị sĩ thuộc đảng LDP chiếm thế áp đảo và có thể định đoạt cuộc bầu cử. Nếu LDP chọn phương án này, ứng cử viên hàng đầu kế nhiệm ông Abe được cho là Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga - “cánh tay phải” của Thủ tướng Abe./.

Mới nhất

x
Thế giới tuần qua: Những cuộc đua nước rút
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO