Nga hoàn tất thử nghiệm tiền lâm sàng vaccine chống ung thư
Các nghiên cứu thử nghiệm tiền lâm sàng về vaccine chống ung thư của Nga đã hoàn thành.
Tại cuộc họp báo tại hội nghị đa phương tiện quốc tế, trung tâm báo chí "Nước Nga ngày nay" ngày 6/9, Andrei Kaprin, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nga, bác sĩ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ung thư của Bộ Y tế, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y học Quốc gia về X quang, cho biết các nghiên cứu tiền lâm sàng về vắc-xin chống ung thư của Nga đã hoàn thành.
“Chúng tôi đã vượt qua giai đoạn tiền lâm sàng. Hiện nay có công văn gửi Bộ Y tế để chúng tôi được phép tiến hành giai đoạn thử nghiệm đầu tiên”, nhà khoa học Kaprin cho biết.
Ông nói thêm rằng, ngay sau khi Bộ Y tế cấp phép, một thông báo tuyển dụng tình nguyện viên có chỉ định y tế sẽ được đăng tải trên website. Các chuyên gia sẽ quyết định có nên tham gia thử nghiệm hay không.
Như chuyên gia Kaprin đã nêu vào đầu tháng 7/2024, vắc-xin chống ung thư dựa trên công nghệ mRNA là một sự phát triển hứa hẹn nhiều tiềm năng. Cơ sở công nghệ mRNA - công nghệ đã được các nhà sản xuất thuốc Pfizer và Moderna sử dụng để sản xuất vaccine chống lại COVID-19.
Bản chất của vắc-xin chống ung thư này là thu thập vật liệu khối u từ bệnh nhân, phân tích các đặc điểm của nó và tạo ra một hồ sơ khối u, sau đó được sử dụng cho vắc-xin một cách cá nhân hóa. Loại vắc-xin mới có thể được sử dụng cho bất kỳ loại ung thư nào.
"Chúng sẽ là riêng lẻ, được thiết kế cho từng người cụ thể. Công nghệ này có thể tạo ra trong tế bào một nồng độ rất lớn kháng nguyên mục tiêu - loại protein mà nhà phát triển vắc-xin đã mã hóa trong mRNA. Điều này là cần thiết để chỉ cho hệ thống miễn dịch của người mắc bệnh ung thư cách phân biệt tế bào khỏe mạnh với tế bào ác tính" - Người đứng đầu Viện Gamaleya, Aleksandr Gintsburg giải thích.
Việc công bố mới của Nga diễn ra trước thềm Diễn đàn quốc tế về ung thư và xạ trị lần thứ VII “Vì cuộc sống”, sẽ được tổ chức vào ngày 16-20/9 tới.