Quốc tế

Reuters: Mỹ thừa nhận đã phát tán thông tin sai lệch về vắc-xin Covid của Trung Quốc

Hoàng Bách 27/07/2024 16:10

Lầu Năm Góc được cho là đã tạo ra hàng trăm tài khoản mạng xã hội giả mạo để thuyết phục người dân Philippines tin rằng mũi tiêm Sinovac là "giả".

66a3dcd685f5401c0569b2a9.jpg
Ảnh minh hoạ: Getty

Theo RT, hãng thông tấn Reuters mới đây đưa tin, quân đội Mỹ đã thừa nhận rằng họ đã tiến hành một chiến dịch bí mật nhằm làm mất uy tín của vắc-xin Sinovac của Trung Quốc tại Philippines và khắp châu Á cùng Trung Đông.

"Đúng là đã gửi thông điệp cho công chúng Philippines đặt dấu hỏi về tính an toàn và hiệu quả của Sinovac", các quan chức Lầu Năm Góc đã viết cho các đối tác Philippines trong một lá thư đề ngày 25/6 và được Reuters đưa tin vào hôm 26/7.

Theo tài liệu trên, Lầu Năm Góc thừa nhận rằng họ "đã có một số bước đi sai lầm trong thông điệp liên quan đến covid" nhưng đã đảm bảo với Manila rằng họ đã dừng hoạt động này vào cuối năm 2021 và kể từ đó đã "cải thiện đáng kể việc giám sát và trách nhiệm giải trình của các hoạt động thông tin".

Một cuộc điều tra của Reuters tiết lộ vào tháng trước, chiến dịch đang được đề cập bắt đầu vào năm 2020, sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ phân phối miễn phí các mũi vắc-xin Sinovac tại Philippines. Trong nỗ lực chống lại lợi ích của quan hệ công chúng này đối với Bắc Kinh, Lầu Năm Góc đã ra lệnh cho trung tâm chiến dịch tâm lý của mình tại Florida tạo ra ít nhất 300 tài khoản truyền thông xã hội giả mạo để hạ thấp uy tín vắc-xin của Trung Quốc.

"COVID đến từ Trung Quốc và VẮC-XIN cũng đến từ Trung Quốc, đừng tin Trung Quốc!" là một phần nội dung trong một bài đăng điển hình do nhóm chiến dịch tâm lý trên tạo ra. Hoặc bài đăng khác có đoạn: "Từ Trung Quốc - PPE, Khẩu trang, Vắc-xin: GIẢ. Nhưng Virus Corona là thật".

Một sĩ quan cấp cao nói với Reuters, các quan chức quân đội tham gia vào chiến dịch biết rằng mục tiêu của họ không phải là bảo vệ người Philippines trước vắc-xin không an toàn, mà là "kéo Trung Quốc xuống bùn”.

Theo nguồn tin này, chiến dịch tuyên truyền đã sớm lan rộng ra ngoài Philippines. Công chúng Hồi giáo trên khắp Trung Á và Trung Đông đã được thông tin rằng Sinovac có chứa gelatin từ thịt lợn và do đó là "haram", tức bị cấm theo luật Hồi giáo. Chiến dịch này buộc Sinovac phải đưa ra tuyên bố khẳng định rằng mũi tiêm "được sản xuất không chứa nguyên vật liệu từ lợn".

Lầu Năm Góc chưa công khai thừa nhận bức thư gửi quân đội Philippines, và các chính phủ Mỹ cùng Philippines đã từ chối bình luận về vấn đề này với Reuters.

Tuy nhiên, theo RT, vào tháng trước, một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc đã nói với hãng thông tấn trên rằng quân đội Mỹ "sử dụng nhiều nền tảng khác nhau, bao gồm cả mạng xã hội, để chống lại những cuộc tấn công gây ảnh hưởng xấu nhằm vào Mỹ, các đồng minh và đối tác", đồng thời tuyên bố rằng Washington chỉ đang phản ứng trước "chiến dịch thông tin sai lệch của Trung Quốc nhằm đổ lỗi sai sự thật cho Mỹ về sự lây lan của Covid-19".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với Reuters rằng, họ lâu nay vẫn khẳng định rằng Mỹ phát tán thông tin sai lệch về Trung Quốc.

RT cũng cho hay, tại Philippines, thông tin của Reuters đã thúc đẩy Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nước này tiến hành một cuộc điều tra. Trong phiên điều trần vào tháng trước, Thượng nghị sĩ Imee Marcos, người đứng đầu ủy ban nói trên, đã gọi chiến dịch của Lầu Năm Góc là "xấu xa, độc ác, nguy hiểm [và] phi đạo đức", đề xuất Manila điều tra xem họ có thể có hành động pháp lý đối với Washington hay không.

Theo RT
Copy Link
Mới nhất
x
x
Reuters: Mỹ thừa nhận đã phát tán thông tin sai lệch về vắc-xin Covid của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO