Thế khó khi kết bạn trên thế giới của Trung Quốc

Vũ Hoàng 09/06/2019 10:18

Nếu chọn thể hiện lập trường mềm mỏng để kết thêm bạn bè quốc tế, chính quyền Trung Quốc có thể bị phản ứng từ chủ nghĩa dân tộc trong nước.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: WSJ

Tuần trước, một quan chức Trung Quốc nêu lên câu hỏi khiến các đồng nghiệp của ông cũng không khỏi băn khoăn: "Trung Quốc đang trỗi dậy, vậy tại sao chúng ta không thể kết thêm nhiều bạn mới và tại sao tiếng nói của chúng ta không được lắng nghe?"

Câu hỏi trên càng trở nên có sức nặng khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang và nhà chức trách Trung Quốc nỗ lực thu phục ủng hộ cả ở trong và ngoài nước.

Câu hỏi này tiếp tục xuất hiện tại diễn đàn an ninh thường niên Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi cuối tuần trước, khi các quan chức Trung Quốc phải tìm cách để cân bằng giữa yêu cầu thể hiện sự cứng rắn để trấn an người dân trong nước và nhiệm vụ truyền đi thông điệp hòa giải với khán giả quốc tế, những người đang rất cảnh giác trước các chính sách quốc phòng, đối ngoại của Bắc Kinh.

Đại tá Zhao Xiaozhuo, chuyên gia cao cấp tại Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, cho rằng đây là những kỳ vọng đối lập nhau tại Singapore.

"Dư luận hiện nay đang tồn tại 2 thế giới song song, 1 ở trong nước và 1 ở nước ngoài. Về cơ bản, chúng như 2 thái cực không có điểm chung", ông nói. "Đối thoại Shangri-La là nơi hai thế giới đó xung đột. Với tư cách đại biểu Trung Quốc tại diễn đàn, chúng ta cần thể hiện vị thế của mình nhưng việc cân bằng kỳ vọng ở cả hai phía đang ngày càng trở nên khó khăn hơn".

"Nếu bạn tỏ ra cứng rắn, dư luận trong nước sẽ thỏa mãn nhưng sẽ khiến khán giả quốc tế phật lòng. Nhưng nếu bạn tỏ ra mềm mỏng, chúng ta sẽ trở thành mục tiêu chỉ trích của dư luận trong nước", Zhao nhấn mạnh.

Theo ông, đây là thách thức chưa từng có đối với các quan chức Trung Quốc khi họ vừa phải đảm bảo giữ cân bằng trong phát ngôn vừa phải làm hài lòng giới lãnh đạo.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là ngoại giao và kết bạn. Nhưng với vị thế khó khăn như hiện nay, bạn không thể có thêm bạn bè mà thậm chí còn có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng", ông nói.

Áp lực là rất lớn đối với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa khi ông phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 2/6. Trong bài phát biểu, ông thể hiện một giọng điệu thách thức, tuyên bố rằng quân đội Trung Quốc sẽ "chiến đấu bằng mọi giá" để "tái thống nhất" Đài Loan và rằng Trung Quốc đã sẵn sàng chiến đấu tới cùng với Mỹ trên mặt trận thương mại.

Thiếu tướng Jin Yinan từ Đại học Quốc phòng Trung Quốc, thành viên phái đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La, nhận định phát biểu của Bộ trưởng Ngụy đã dập tắt những kỳ vọng cho rằng Trung Quốc sẽ cho thấy thái độ kiềm chế trước Mỹ, đồng thời làm bật lên sự tự tin của Bắc Kinh trên sân khấu quốc tế.

Phản ứng từ công chúng ở trong nước khá tích cực. Hàng nghìn người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ với những phát ngôn cứng rắn của Ngụy. "Đây là thái độ mà quân đội Trung Quốc nên cho thế giới thấy", một người dùng mạng xã hội bình luận. "Tôi tự hào vì đất nước mình thật mạnh mẽ và quyền lực", một người khác viết.

Một năm qua, Bắc Kinh đã kiểm soát khá chặt chẽ những thông tin về chiến tranh thương mại trên truyền thông và mạng xã hội trong nước nhằm hạn chế làm gia tăng căng thẳng. Song kể từ khi đàm phán thương mại sụp đổ hồi đầu tháng 5, chính quyền nước này đã tập trung thúc đẩy tư tưởng dân tộc trong công chúng thông qua báo chí và truyền hình.

Trung Quốc cũng thẳng thắn thể hiện lập trường của mình với thế giới bằng sách trắng thương mại được công bố cùng ngày với phát biểu của Bộ trưởng Ngụy ở Singapore. Sách trắng khẳng định Mỹ phải chịu trách nhiệm vì đàm phán thương mại giữa hai bên đổ vỡ.

Một đại biểu Trung Quốc tham dự diễn đàn cho hay, Bắc Kinh cảm thấy Washington từ lâu đã có lợi thế trong việc định hình dư luận toàn cầu và Trung Quốc giờ đây phải tìm mọi cách để tiếng nói của mình được lắng nghe.

"Chúng tôi cần làm quen với việc nói lên quan điểm của bản thân thông qua các diễn đàn phương Tây. Mỹ đã chỉ trích chúng tôi về rất nhiều vấn đề. Nhưng tại sao Mỹ lại độc chiếm mọi diễn đàn và có tiếng nói cuối cùng trước mọi vấn đề?", đại biểu Trung Quốc đặt câu hỏi.

Trước Bộ trưởng Ngụy, Trung Quốc trong 8 năm liên tiếp không cử bất kỳ quan chức cấp cao nào tới dự Đối thoại Shangri-La. Bắc Kinh liên tục tìm cách hạ thấp tầm quan trọng của diễn đàn, cho rằng đây không khác gì một công cụ để Mỹ và các đồng minh phương Tây công kích Trung Quốc.

Năm 2002, Trung Quốc tự tổ chức Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh để làm đối trọng với Đối thoại Shangri-La và phát đi rộng rãi tiếng nói của mình về các vấn đề an ninh.

Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc đều hiểu rõ rằng Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh không thể có tác động và uy tín ngang tầm với Đối thoại Shangri-La, Collin Koh, chuyên gia tại Trường S. Rajaratnam về nghiên cứu quốc tế thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, nhận định.

Theo Andrea Thompson, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, sự hiện diện của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tại Singapore là một "dấu hiệu tích cực". Bà hy vọng Bắc Kinh sẽ cởi mở và minh bạch hơn trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế như kiểm soát vũ khí hay an ninh mạng.

"Tôi đánh giá cáo việc ông ấy xuất hiện tại đây. Tôi nghĩ đối thoại là một việc làm quan trọng... Sẽ có những lĩnh vực chúng ta có thể thống nhất hoặc bất đồng, nhưng bạn phải đối thoại", bà nói.

Theo vnexpress.net
Copy Link
Mới nhất
x
Thế khó khi kết bạn trên thế giới của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO