Thi năng lực đầu vào lớp 6: Có tiếp tay cho dạy thêm, học thêm?

Mỹ Hà 10/01/2018 08:22

(Baonghean) - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.

Trong đó, đáng chú ý dự kiến cho phép một số trường THCS tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức như hiện nay. Đây cũng là vấn đề đang được các trường và các phụ huynh quan tâm.

Giờ học của học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà
Giờ học của học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP. Vinh). Ảnh: Mỹ Hà

Gỡ “khó” cho nhiều trường?

Cụ thể, nếu như Thông tư 11 hiện hành quy định: "Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển", thì dự thảo mới bổ sung: "Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh".
Đón nhận thông tin này, có nhiều ý kiến trái chiều. Tại Trường THCS Lý Nhật Quang, huyện Đô Lương, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Kiên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau 3 năm thực hiện xét tuyển thay vì thi tuyển, chúng tôi thấy khá nhiều bất cập và ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào. Lý do chính bởi khi xét tuyển, chúng tôi chỉ căn cứ vào hồ sơ và kết quả thi lớp 5 của học sinh và một số tiêu chí phụ. Thế nhưng, việc đánh giá ở bậc tiểu học hiện nay khó phân định và còn mang tính chủ quan theo từng trường. Vì vậy, trong số 160 chỉ tiêu hàng năm thì chỉ khoảng 100 học sinh ở tốp đầu là khá chính xác. Số còn lại, chúng tôi chấp nhận phải chọn cả những học sinh chưa thực sự đủ năng lực và phải phụ đạo thêm sau khi vào nhập học”.
Trường THCS Cao Xuân Huy cũng được coi là trường điểm của huyện Diễn Châu. Hằng năm, số lượng hồ sơ đăng ký vào trường cao gấp đôi chỉ tiêu được tuyển. Theo thầy Phạm Quang Thăng - Hiệu trưởng nhà trường: “Khi tuyển đầu vào bằng hình thức xét tuyển, nhà trường rất vất vả để lọc hồ sơ vì hầu như hồ sơ của em nào nộp vào trường cũng có sự chuẩn bị kỹ càng và rất “tròn trĩnh”. Cũng có không ít trường hợp năng lực vừa phải nhưng lại trúng tuyển”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Quang Long - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu cho rằng, việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh để tuyển đầu vào đối với một số trường đặc thù là cần thiết và tạo sự công bằng, khách quan cho học sinh. Thực tế, những năm qua, nhiều trường khi tuyển sinh đầu vào đều căn cứ vào tiêu chí phụ như các cuộc thi Olympic Tiếng Anh qua mạng, Olympic Toán học qua mạng. Nhưng, các cuộc thi này chủ yếu chỉ con em các gia đình khá giả, có điều kiện hoặc ở vùng thuận lợi tham gia.
Tránh chạy đua vào trường chuyên, lớp chọn
Thông tư 11/2014/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh THCS và THPT được đưa ra vào năm 2014 trong đó yêu cầu các trường xét tuyển đầu vào đối với học sinh lớp 6 nhằm mục đích chính là giảm thiểu tình trạng dạy thêm, học thêm. Qua 3 năm thực hiện, mặc dù việc dạy thêm, học thêm vẫn chưa chấm dứt nhưng tình trạng chạy đua đầu vào ở các trường điểm đã cơ bản giảm và hạn chế được áp lực thi cử.
Tuy nhiên, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm “thi tuyển” nhưng lại cấm không triệt để và vẫn cho phép các trường chất lượng cao tồn tại lại nảy sinh nhiều bất cập và gây ra lộn xộn trong việc thi tuyển đầu vào. Đơn cử như tại thành phố Vinh, nhiều năm nay Trường THCS Đặng Thai Mai được xem như là trường “chuyên” ở bậc THCS.

Thế nên, dù không thi tuyển đầu vào nhưng thành phố lại có nhiều giải pháp khác để “xét tuyển” khiến người dân chưa đồng tình. Gần đây nhất là năm học 2016 - 2017, thành phố tổ chức kỳ thi khảo sát đại trà cho học sinh lớp 5 nhưng lại ra đề thi quá khó khiến cho toàn thành phố không có một học sinh nào đạt điểm 10.

Hay việc thành phố tổ chức một sân chơi trí tuệ dành cho học sinh lớp 5 nhưng mục đích chính để lấy tiêu chí xét tuyển vào Trường THCS Đặng Thai Mai cũng không đúng với chủ trương của ngành giáo dục.

Cô giáo Trần Thị Mận - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 chia sẻ: “Nếu chúng ta vẫn duy trì trường chuyên thì nên có một kỳ thi riêng khách quan, rõ ràng và dành cho những học sinh có năng lực thực sự. Không nên căn cứ vào kỳ thi khảo sát cuối năm để tuyển chọn học sinh vì điều đó sẽ tạo áp lực cho học sinh”.

Từ thực tế này, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép tổ chức lại các kỳ thi đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào thì việc tái diễn tình trạng “dạy thêm, học thêm” là điều khó tránh khỏi. Để hạn chế tình trạng này, cô giáo Trần Thị Phương Anh - Chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 cho rằng: “Lâu nay, việc đua nhau vào trường chuyên lớp chọn, một phần là do tâm lý của phụ huynh và chính phụ huynh tạo cho các em áp lực phải học nhiều. Theo tôi, việc duy trì trường chuyên là đúng vì sẽ tạo nguồn cho địa phương. Nhưng phụ huynh cần cân nhắc và chỉ khuyến khích các cháu thi vào nếu các cháu có năng lực thực sự. Ngược lại, nếu các cháu chỉ ở mức khá thì cứ để các cháu phát triển trong môi trường bình thường”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Kiên - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Nhật Quang bày tỏ nguyện vọng: “Tôi cũng không đồng tình với việc dạy thêm, học thêm tràn lan. Vì vậy, nếu được thi tuyển thì nên tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực tổng hợp theo như hình thức của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội cộng với xét tuyển. Điều đó, vừa giúp phát hiện được những học sinh có tố chất, vừa không tạo áp lực cho phụ huynh và học sinh”.

Xung quanh vấn đề này, ông Mai Xuân Vinh - Phó trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng: “Để áp dụng được dự thảo này thì Phòng Giáo dục và Đào tạo tại địa phương phải hết sức nghiêm túc, chặt chẽ trong quản lý, cấm tuyệt đối không dạy thêm, học thêm. Đối với bậc tiểu học, tăng cường dạy học 2 buổi/ngày, để có đủ thời gian trang bị các kỹ năng, kiến thức cho học sinh. Trong trường hợp ra đề, thì cần phải triển khai linh hoạt, mục đích chính là kiểm tra toàn diện học sinh nhưng trong phạm vi chuẩn kiến thức kỹ năng mà khung chương trình giáo dục của Bộ quy định”.


Mới nhất

x
Thi năng lực đầu vào lớp 6: Có tiếp tay cho dạy thêm, học thêm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO