Kinh tế

Thị trường điện thoại 4G sôi động sau khi chính thức cắt sóng 2G

Quang An 17/10/2024 11:17

Sau khi công nghệ 2G chính thức bị cắt sóng từ ngày 15/10 thì thị trường điện thoại 4G trở nên sôi động hơn khi sức mua của người dân tăng cao.

Hơn 5 năm nay, ông Ngô Đức Trí ở xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu sử dụng điện thoại 2G có phím bấm của thương hiệu Nokia. Tuy nhiên, sau khi biết được thông tin dòng điện thoại này sẽ không thể sử dụng nghe, gọi được nữa từ ngày 15/10, ông đã đến cửa hàng điện thoại để mua cho mình một chiếc điện thoại mới có công nghệ 4G để tiếp tục liên lạc với mọi người.

bna_3(3).jpg
Các cửa hàng điện thoại ghi nhận lượng khách tăng lên sau khi công nghệ 2G bị cắt sóng. Ảnh: Q.A

Ông Trí cho biết: Dòng điện thoại Nokia phím bấm trước kia được nhiều người dùng, đặc biệt là những người lớn tuổi như tôi vì dễ dùng, nghe, gọi rõ ràng, pin dùng được lâu. Tuy nhiên, xã hội càng phát triển, công nghệ số ngày càng đến gần với người dân, việc chuyển đổi lên 4G là hoàn toàn hợp xu thế. Dù phải mua điện thoại mới và học cách sử dụng, chúng tôi vẫn chấp nhận để đồng hành với chủ trương của Nhà nước.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi công nghệ 2G bị cắt sóng, các cửa hàng điện thoại di động trên địa bàn Nghệ An đã có lượng khách hàng tăng lên do người dân có nhu cầu mua điện thoại mới, đặc biệt là dòng điện thoại giá rẻ nhưng có công nghệ 4G.

bna_4(3).jpg
Đa dạng các dòng điện thoại phím bấm 4G cho người dân lựa chọn với giá phải chăng. Ảnh: Q.A

Chị Nguyễn Phương Thúy - đại diện một cửa hàng bán điện thoại trên địa bàn TP. Vinh cho biết: Từ đầu tháng 10, sức mua của các dòng điện thoại 4G tăng hơn so với những tháng trước đây. Khách hàng đa số là lứa tuổi trung niên và người già, không thuần thục về công nghệ. Trong đó các mẫu điện thoại phím bấm cơ bản (điện thoại phổ thông) có lượng tiêu thụ mạnh nhất với giá thành rất dễ tiếp cận.

“Những chiếc điện thoại này với thiết kế đơn giản, rất giống với các dòng điện thoại “cục gạch” trước đây, nhưng lại được trang bị công nghệ 4G và giá cả phải chăng, dao động từ 400.000 – 1 triệu đồng, phù hợp với những người có các nhu cầu cơ bản như nghe gọi, nhắn tin”, chị Thúy chia sẻ thêm.

bna_5(3).jpg
Khách hàng chuyển đổi sang điện thoại 4G đa số là người trung niên, người già. Ảnh: Q.A

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu cơ bản, điện thoại phím bấm 4G còn được người dân ưa chuộng nhờ độ bền, pin lâu và thiết kế quen thuộc, không khó để người mới học cách sử dụng.

Bên cạnh dòng điện thoại phím bấm 4G có giá dưới 1 triệu đồng thì phân khúc Smartphone giá rẻ từ 2 – 5 triệu đồng cũng ghi nhận có doanh số tăng vọt sau khi người dân lên đời điện thoại. Các thương hiệu như OPPO, Xiaomi, Huawei, Vivo… đều có các sản phẩm ở phân khúc này. Đặc điểm của dòng máy này là có sẵn công nghệ 4G, đồng thời giá cả “mềm” hơn so với những dòng điện thoại cao cấp của các hãng Apple hay Samsung, người dùng dễ tiếp cận.

Trước đó, từ 15/10/2024, các nhà mạng chính thức dừng công nghệ 2G trên toàn quốc theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng nghĩa với việc các thuê bao đang sử dụng thiết bị công nghệ 2G sẽ bị khóa 2 chiều. Các dòng máy điện thoại đời cũ cũng không thể thực hiện các chức năng nghe, gọi, nhắn tin như trước đây. Việc chuyển đổi sang các dòng điện thoại công nghệ 4G là điều bắt buộc để người dân duy trì liên lạc.

a5-685435.png
Các nhà mạng tăng cường tuyên truyền người dân nâng cấp sang điện thoại 4G. Ảnh: P.V

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 370.080 thuê bao di động 2G. Viettel là nhà mạng có số lượng thuê bao 2G lớn nhất, với 300.000 thuê bao; Vinaphone: 49.000 thuê bao; MobiFone: 15.048 thuê bao; Vietnamobile: 6.032 thuê bao... đây cũng là những người sử dụng điện thoại 2G Only hay còn gọi là điện thoại “cục gạch”. Đến nay, các nhà mạng tại Nghệ An đã cơ bản hoàn tất việc nâng cấp sim 2G lên 4G cho người dân. Số ít khách hàng còn lại sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới.

Mặc dù vậy, thực tế để chuyển đổi sang công nghệ 4G hiện vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Đa số những người dân còn dùng sim và máy 2G là những người già, người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đây là những đối tượng khả năng tiếp cận thông tin thấp hơn, gặp rào cản về thu nhập nên khó khăn khi thay thế điện thoại “cục gạch”.

bna_2(4).jpg
Các nhà mạng hỗ trợ nâng cấp điện thoại 4G cho người dân. Ảnh: Q.A

Hiện nay, bên cạnh việc người dân chủ động mua sắm điện thoại 4G thì các nhà mạng cũng đưa ra các chương trình hỗ trợ khách hàng như tặng điện thoại 4G cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hỗ trợ giá mua máy mới cho các khách hàng có mức tiêu dùng cao. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, các cửa hàng điện thoại di động hiện nay cũng đang đưa ra các chương trình giảm giá, khuyến mại để tăng lượng tiêu thụ sản phẩm điện thoại 4G.

Mới nhất
x
Thị trường điện thoại 4G sôi động sau khi chính thức cắt sóng 2G
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO