Thổ Nhĩ Kỳ và “cơn đau đầu” mang tên Idlib

Hùng Cường 01/08/2018 19:39

Giới quan sát cho rằng, khả năng xảy ra xung đột quy mô lớn ở tỉnh Idlib của Syria thực sự khiến giới chức Thổ Nhĩ Kỳ phải đau đầu.

Ankara đang cùng lúc tập trung giải quyết nhiều vấn đề tại Syria nhất là trong bối cảnh có những sự kiện không diễn ra "như Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn", nói theo lời Tổng thống Erdogan. Một trong những vấn đề mà Ankara hết sức quan tâm là Idlib - nơi mà "bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra và vào bất kỳ lúc nào", vẫn theo lời ông Erdogan.

Các binh sỹ Quân đội Syria. Ảnh minh họa: AP.

Tuần trước, Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đã một lần nữa lên tiếng nói rằng tỉnh Idlib - khu vực lớn cuối cùng hiện do lực lượng đối lập kiểm soát sẽ là mục tiêu tiếp theo của quân đội Syria.

“Bây giờ Idlib là mục tiêu của chúng tôi, nhưng không chỉ có Idlib”, ông Assad nói với các phương tiện truyền thông Nga. Tuyên bố của ông Assad được cho là ám chỉ các khu vực hiện do phiến quân nổi dậy kiểm soát ở miền đông Syria nhưng rõ ràng Idlib vẫn là một ưu tiên của chính quyền Assad.

Ông Assad nhấn mạnh: “Quân đội sẽ tính toán để đưa ra các quyết định, các ưu tiên của họ và Idlib là một trong những ưu tiên này”.

Trước khi lên đường tới Nam Phi để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS hồi tuần trước, ông Erdogan nói với các phóng viên tại Ankara rằng ông sẽ thảo luận vấn đề nêu trên với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Johannesburg.

Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các đơn vị làm nhiệm vụ giám sát ở khu vực giảm theo thang căng thẳng tại Idlib hồi đầu năm nay theo một thỏa thuận đạt được giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran hồi năm ngoái ở Astana, Kazakhstan. Nhiệm vụ của các đơn vị này, theo thỏa thuận Astana là ngăn chặn các cuộc đụng độ giữa lực lượng đối lập và quân đội Syria.

Nhiều người tin rằng việc triển khai nói trên cũng là một phần trong những nỗ lực của Ankara để giành được chỗ đứng quân sự trong khu vực, nhằm đảm bảo khu vực phía Bắc Syria sạch bóng lực lượng Các đơn vị bảo vệ người Kurd (YPG) vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.

Ankara cũng đang theo dõi chặt chẽ những động thái được cho là chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào Idlib trong những tuần tới. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng cảnh báo một chiến dịch quân sự như vậy có thể “phá hủy hoàn toàn hiệp ước Astana”.

Điều gì khiến Thổ Nhĩ Kỳ lo lắng?

Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại một cuộc tấn công vào Idlib sẽ kích động dòng chảy mới của người tị nạn trong bối cảnh nước này đang trông chờ sự ổn định trong khu vực để có thể bắt đầu hồi hương một phần trong tổng số 3,5 triệu người tị nạn Syria đang có mặt trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.

Ankara đang muốn tìm đến Moscow để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Idlib. Tuy nhiên, điều này được cho là không đơn giản bởi Nga lại coi Idlib như điểm nóng khủng bố.

“Tình hình ở Idlib rất phức tạp, đó là nơi tập trung lớn nhất của các tay súng phiến quân và khủng bố”, ông Alexander Kinshchak, Đại sứ Nga tại Damascus nói với các phóng viên gần đây.

Ông Kinshchak nói thêm: “Chính xác từ khu vực này [Idlib – ND], những thiết bị bay không người lái đã cất cánh bay về phía Khmeimim [căn cứ không quân Nga gần Latakia] và gây ra mối nguy hiểm thực sự cho chúng tôi”.

Sedat Ergin, nhà bình luận chính sách đối ngoại hàng đầu của tờ Hurriyet hàng ngày thừa nhận rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang trong thế khó ở Idlib nhưng cho rằng vị trí của Nga phức tạp không kém.

“Tổng thống Putin không thể bỏ qua những yêu cầu của Ankara vì lợi ích chính trị và kinh tế sâu rộng của Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nga không muốn mất đà trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng không muốn quân đội của ông Assad bị chậm bước tiến trên chiến trường. Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua cuộc chia tay lịch sử với phương Tây. Ông Putin cũng muốn tránh các bước đi để đẩy Ankara trở lại vòng tay của phương Tây”, ông Ergin nói.

Theo ông Ergin, Moscow đang tìm kiếm một sự cân bằng tinh tế giữa Ankara và Damascus để giải quyết sự bế tắc này. Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng tăng của các nhóm cực đoan ở Idlib, đáng chú ý nhất là tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) - một nhóm phiến quân có phần lớn thành viên từng thuộc Mặt trận Al-Nusra có khả năng gây ra sự xung đột giữa Ankara và Moscow.

Ercan Citlioglu, một trong những chuyên gia chống khủng bố hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ vài tháng trước đã chỉ ra tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” của nước này khi bắt đầu triển khai lực lượng tại khu vực giảm căng thẳng ở tỉnh Idlib.

“Khi Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ của mình theo Hiệp ước Astana để ngăn chặn xung đột giữa quân đội Syria và lực lượng nổi dậy, điều này cũng gián tiếp dẫn đến những tình huống mâu thuẫn khiến HTS ‘đắc lợi’”, Citlioglu bình luận.

Muharrem Sarikaya, một nhà bình luận của cổng thông tin Haberturk tuần trước nhận định, HTS “đã bắt đầu trở thành vấn đề một lần nữa đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây”.

Ông Sarikaya chỉ ra rằng, nhóm HTS đã tấn công các căn cứ của Syria và Nga với rocket được bắn đi từ những khu vực gần nơi các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ được triển khai. Sarikaya cho biết đạn pháo trả đũa từ các vị trí của Nga và Syria rơi gần lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.

Với những diễn biến khó lường ở Syria, chắc chắn những gì xảy ra ở Idlib sẽ khiến giới chức Thổ Nhĩ Kỳ phải đau đầu. Ankara không muốn phải vướng vào thêm khó khăn trong bối cảnh họ còn nhiều mối lo khác ở Syria mà cụ thể ở đây là đường lối chính trị của người Kurd trong các cuộc đàm phán về tương lai của đất nước với chế độ Assad./.

Theo vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Thổ Nhĩ Kỳ và “cơn đau đầu” mang tên Idlib
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO