Thoát nghèo từ trồng ớt cay xuất khẩu
(Baonghean) - Với chủ trương đẩy mạnh sản xuất hàng hóa nâng cao đời sống nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, mô hình trồng cây ớt cay xuất khẩu trên đất Anh Sơn bước đầu khẳng định hiệu quả kinh tế rõ nét.
Thời điểm này, bà con nông dân xã Tường Sơn, đang trong mùa thu hoạch ớt cay xuất khẩu. Đây là vụ sản xuất thứ 2 bà con nông dân nơi đây bội mùa thu hoạch cây ớt cay xuất khẩu trên đất lúa chuyển đổi. Chị Bùi Thị Minh - Thôn 4 xã Tường Sơn trồng 1 sào ớt trên đất lúa không chủ động nước thuộc vùng đồng Thôn 4, nhờ được chăm sóc đúng quy trình, đầu tư thâm canh tốt, sau hơn 2 tháng trồng, năng suất ớt đạt 2,2 tấn/sào, tăng 0,2 tấn/sào so với mùa ớt vụ Đông năm 2014. Sản phẩm được Công ty thu mua với giá 5.900 đồng/kg, chị thu về lãi ròng gần 10 triệu đồng/sào, tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa và ngô.
Mô hình ớt cay xuất khẩu tại thôn 4, xã Tường Sơn (Anh Sơn). |
Từ hiệu quả 3 ha mô hình trồng ớt cay xuất khẩu của vụ Đông năm 2014, vụ Đông năm nay, xã Tường Sơn chuyển đổi 10 ha lúa không chủ động nước sang trồng ớt cay tại vùng ruộng Thôn 4 và Thôn 5, tăng 7 ha, thu hút 47 người dân tham gia trồng.
Bà Phạm Thị Lan - Cán bộ địa chính - Nông nghiệp (UBND xã Tường Sơn), cho biết: Để triển khai sản xuất ớt trên vùng đất kém hiệu quả, xã có chủ trương hỗ trợ 30 triệu đồng, huy động bà con đóng góp gần 100 triệu đồng để đầu tư hệ thống mương dẫn, ao giữ trử nước để chăm sóc cho cây ớt. Đến nay, bà con trong xã đã thu hoạch 18 lứa hái với sản lượng 51 tấn ớt quả, dự kiến đầu tháng 2 dương lịch kết thúc toàn vụ, thu hoạch đạt khoảng 300 tấn ớt quả, thu nhập lãi ròng đạt hàng trăm triệu đồng, bình quân gần 180 triệu đồng/ha.
Cùng với xã Tường Sơn, vụ Đông năm nay, xã Hội Sơn đưa vào trồng 2 ha ớt cay trên vùng đất bãi vệ Xóm 2 (do trước đây trồng ngô không hiệu quả) thu hút 20 hộ dân tham gia. Hiện mô hình ớt đạt năng suất 1,5 tấn/sào, thu nhập đạt 7 - 8 triệu đồng/sào.
Ông Bùi Công Điệp - Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn, cho biết: Hội Sơn thuộc vùng khó khăn của huyện, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Trồng ớt giúp bà con năng động trong luân canh sản xuất. Từ mỗi năm trồng 2 vụ ngô và đậu hè thu sang trồng 3 vụ gồm ớt cay vụ Đông, ngô Xuân, đậu Hè thu. Xã có chủ trương hỗ trợ 50% giá giống, 50% chi phí phân bón để bà con triển khai mô hình. Nhờ hiệu quả cao nên xã tiếp tục quy hoạch và triển khai nhân rộng 10 ha ớt cay tại vùng bãi một số xóm còn lại. Nhờ quy hoạch chi tiết được vùng đất, quá trình đầu tư thâm canh đúng quy trình nên dù mới chỉ bước vào vụ sản xuất thứ 2 song toàn huyện đã cơ cấu được trên 31 ha ớt cay xuất khẩu, tăng 16 ha so với năm 2014.
Bên cạnh Tường Sơn, Hội Sơn, cây ớt còn được cơ cấu trên vùng đất bãi kém hiệu quả tại 4 xã Hoa Sơn, Đức Sơn, Long Sơn và Đỉnh Sơn. Sau dồn điền đổi thửa, với mục tiêu chuyển đổi cây trồng, phát huy hiệu quả quỹ đất nâng cao thu nhập cho nhân dân, huyện Anh Sơn chú trọng kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà đầu tư đầu tư nhiều mô hình mới. Mô hình trồng ớt cay xuất khẩu là một trong những mô hình cây trồng hàng hóa mới, được huyện đưa vào cơ cấu muộn hơn các cây trồng khác song lại phát huy được hiệu quả trong nhân dân.
Cây ớt cay được Công ty CP nông nghiệp và xuất khẩu nông, lâm sản Thanh Hóa đầu tư theo cơ chế cho dân tạm ứng 10 triệu đồng/kg giống ớt số 20 và 15 triệu đồng/kg giống ớt số 07, trong đó Công ty hỗ trợ 500 ngàn đồng/kg giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường cán bộ kỹ thuật đầu tư xây dựng vườn ươm giống tại các khu đất sản xuất. Giá ớt được thu mua theo cam kết hợp đồng kinh tế ban đầu là 5.900 đồng/kg (loại 1) và 4.500 đồng/kg (loại 2).
Chị Nguyễn Thị Quế thu hoạch ớt cay. |
Ông Hoàng Văn Đăng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn, cho biết: Hiệu quả cây ớt cay tại các địa phương đã được khẳng định rõ, tương lai nếu duy trì, phát triển tốt có thể mở rộng thành vùng nguyên liệu. Hiện toàn huyện có khoảng 200 ha đất đồng vệ sản xuất và đất lúa hiệu quả thấp, dự tính có thể đưa vào cơ cấu cây ớt cay để phục vụ xuất khẩu.
Tuy nhiên, cũng qua tìm hiểu thực tiễn trồng ớt cho thấy tác phong công nghiệp của người dân trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong đầu tư thâm canh còn hạn chế. Để làm tốt điều này rất cần sự phối hợp giữa các tổ chức hội phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân...trong việc tuyên truyền, đánh giá, tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm.
Và một vấn đề người dân quan tâm là làm thế nào để cây ớt có thể phát triển bền vững. Bởi cách đây không lâu, tại một số huyện đồng bằng trong tỉnh ta từng xẩy ra thực tế ớt cay bà con đến ngày thu hoạch đã không được thu mua dẫn đến thất bại.
Bởi vậy, theo ông Hoàng Văn Đăng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn thì giữa người trồng và đơn vị bao tiêu sản phẩm cần xác định trách nhiệm với nhau cụ thể, rõ ràng, doanh nghiệp cần thực hiện đúng hợp đồng với dân, tránh bỏ cuộc để tạo niềm tin cho nhân dân yên tâm sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Hùng Việt - Trưởng phòng kỹ thuật - Công ty CP nông nghiệp và xuất khẩu lâm sản - Chi nhánh Nghệ An, cho biết: Kế hoạch đầu tư vùng trồng ớt cay nguyên liệu ở Nghệ An đã được Công ty chủ động khá chi tiết, góp phần chuyển đổi cây trồng hàng hóa có hiệu quả. Tại Anh Sơn, qua thực tiễn đầu tư cho thấy mọi điều kiện sản xuất ớt cay có nhiều ưu thế, thâm canh tốt có thể đạt năng suất 2-2,5 tấn/sào. Quan điểm của Công ty là thu mua kịp thời, thu mua hết sản phẩm cho dân theo giá cam kết hợp đồng kinh tế ban đầu. Thời gian tới, Công ty tiếp tục tạo mối liên kết tốt với chính quyền và người dân để tiến tới quy hoạch vùng nguyên liệu ớt hướng ra xuất khẩu.
Lương Mai
TIN LIÊN QUAN |
---|