Thông điệp từ kế hoạch quản chế công nghệ của Trung Quốc

Thanh Huyền 09/06/2019 20:23

(Baonghean) - Trung Quốc bắt đầu tính đến hàng loạt biện pháp trả đũa vì Mỹ áp lệnh cấm vận đối với tập đoàn công nghệ Huawei. Một trong số đó là kế hoạch “quản lý an toàn công nghệ quốc gia”. Thông điệp từ kế hoạch này là gì, phải chẳng một cuộc đấu “tay đôi” trong lĩnh vực công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang bắt đầu?

“Ăn miếng trả miếng”

Công nghệ đang là trọng tâm chính trong cuộc chiến thương mại Mỹ Trung. Sau khi Mỹ áp lệnh cấm vận đối với tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc hồi tháng 5/2019, Bắc Kinh chưa tung ra biện pháp trả đũa mạnh mẽ nào.

Tuy nhiên, nhiều phương án đã được nước này tính đến, chủ yếu đang trong quá trình hoàn thiện chính sách.

Cách đây hơn 1 tuần, giới chức Trung Quốc tuyên bố sẽ lập danh sách các công ty nước ngoài “không đáng tin cậy” nhằm trả đũa việc Mỹ đưa Tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei của Trung Quốc và 68 thực thể khác vào một “danh sách đen” cấm mua các bộ phận và công nghệ từ các công ty Mỹ.

Trung Quốc nghiên cứu thiết lập cơ chế “quản lý an toàn công nghệ quốc gia” nhằm đáp trả Mỹ “cấm vận” Huawei. Ảnh: WSJ

Mới đây nhất, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc tuyên bố đang nghiên cứu thiết lập cơ chế “Danh sách quản lý an toàn công nghệ quốc gia”, một hình thức quản chế về mặt công nghệ.

Theo báo chí Trung Quốc, việc quản chế công nghệ là nhằm ngăn ngừa và hạn chế những rủi ro liên quan đến an ninh quốc gia, tương tự như thiết lập “bức tường lửa” bảo vệ an ninh kinh tế kỹ thuật, cũng như các công nghệ cốt lõi mà Trung Quốc hiện đã gặt hái thành quả như hàng không vũ trụ, thiết bị tàu cao tốc, thanh toán điện tử bằng thiết bị di động, 5G hay công nghệ sản xuất đất hiếm.

Trung Quốc hiện coi đất hiếm là một trong những “vũ khí” có thể được tung ra để đáp trả Mỹ.

Đây là loại khoáng sản được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho nhiều sản phẩm tiêu dùng khác nhau, từ điện thoại iPhone cho tới xe điện, cũng như động cơ máy bay phản lực, vệ tinh và máy phát tia laser được các công ty Mỹ rất cần.

Mặc dù đất hiếm được tìm thấy ở nhiều nơi trên thế giới song có rất ít quốc gia khai thác hoặc sản xuất chúng. Trong khi đó, Trung Quốc lại đang thống trị mảng khai thác đất hiếm với việc cung cấp hơn 70% sản lượng toàn cầu.

Riêng với Mỹ, có khoảng 80% đất hiếm nhập khẩu vào nước này là từ Trung Quốc. Mặc dù Estonia, Pháp và Nhật Bản cũng cung cấp đất hiếm đã qua xử lý cho Mỹ, nhưng quặng gốc vẫn đến từ Trung Quốc. Trong một tuyên bố gần đây, chính quyền Trung Quốc để ngỏ khả năng hạn chế cung cấp đất hiếm cho Mỹ.

Một khi cơ chế “Danh sách quản lý an toàn công nghệ quốc gia” được thiết lập, Trung Quốc có thể sẽ ngay lập tức siết chặt việc xuất khẩu đất hiếm cho Mỹ. Xa hơn nữa, Bắc Kinh có thể chặn các công nghệ không mong muốn của Mỹ khỏi thị trường nước này.

Nhìn vào cách Trung Quốc dự tính đáp trả Mỹ, có thể thấy, nước này đang cố gắng “ăn miếng trả miếng” theo đúng cách Washington đã làm. Nói cách khác, Trung Quốc muốn đấu theo kiểu “tay đôi” với Mỹ: Washington “ra đòn” ở đâu thì Bắc Kinh cũng đáp trả ở đó.

Trung Quốc cung cấp hơn 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Ảnh: AP

“Giấc mộng” của Trung Quốc

“Giấc mộng” về vị trí cường quốc công nghệ số một thế giới là điều Trung Quốc không hề giấu giếm, đặc biệt trong Kế hoạch Made in China 2025.

Thông điệp từ việc Trung Quốc dự định thiết lập cơ chế “quản lý an toàn công nghệ quốc gia” không đơn thuần chỉ là chuyện đáp trả Mỹ mà sâu xa hơn là lời khẳng định, Trung Quốc sẽ tự chủ về công nghệ để tạo thế “ngang bằng” trong cuộc đấu với Mỹ.

Hiện nay, quốc gia này vẫn đang phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ từ nước ngoài, chưa thể “tự sản tự cung” những công nghệ trọng yếu. Chip điện tử - loại công nghệ cốt lõi trong mọi thứ từ điện thoại thông minh đến ô tô - là một ví dụ điển hình.

Hiện tại Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào chip của các công ty nước ngoài. Nước này đã và đang đầu tư hàng chục tỉ USD vào một số công ty trong nước trong vài năm qua với kỳ vọng sẽ tự sản xuất các loại chip thay vì sử dụng công nghệ bên ngoài.

Theo một số chuyên gia, mặc dù có các khoản trợ cấp của chính phủ, nhưng vẫn còn chặng đường rất xa để Trung Quốc thực sự trở thành thế lực công nghệ dẫn đầu thế giới.

Không chỉ là do xuất phát điểm muộn hơn, nguyên nhân trọng yếu hơn là Trung Quốc mới đang ứng dụng công nghệ thay vì nghiên cứu từ đầu. Nhiều câu chuyện thành công của các công ty công nghệ tại quốc gia này trong những năm qua đều đi theo công thức kết hợp công nghệ phương Tây với một mô hình kinh doanh sáng tạo để tạo ra sự bùng nổ.

Công nhân kiểm tra cánh tay Robot tại một nhà máy ở Nam Ninh, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: AP

Kể từ khi Mỹ tung đòn trừng phạt vào công ty viễn thông ZTE lớn thứ 2 của Trung Quốc hồi năm ngoái và những “đòn” liên tiếp nhằm vào Huawei năm nay, Bắc Kinh dường như nhận ra, tự chủ công nghệ là cách để “mặc cả” trước những thách thức từ bên ngoài.

Một bài viết mới đây trên Bloomberg nhận định, “chiến tranh lạnh” trong làng công nghệ đã bắt đầu. Trung Quốc không còn lựa chọn nào ngoài việc theo đuổi sự độc lập về công nghệ và họ sẽ “đốt tiền” để đạt được điều đó. Họ sẽ nỗ lực cho ra đời một hệ điều hành smartphone riêng, công nghệ bán dẫn riêng và những chuẩn công nghệ riêng.

Trường hợp của Trung Quốc hiện nay giống với Mỹ cách đây hơn 60 năm khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo Trái đất mở ra kỷ nguyên chinh phục không gian vào năm 1957 khiến Mỹ choáng váng và phải đầu tư tài chính cho các nghiên cứu về công nghệ vũ trụ mới.

Trong cuộc ganh đua công nghệ cao này, Mỹ và Trung Quốc sẽ khó chung sống hòa bình. Cạnh tranh và mâu thuẫn đôi bên chắc chắn sẽ ngày càng nhiều thêm.

Thế giới có thể đi theo con đường của hai “hệ công nghệ” riêng biệt, trong đó Trung Quốc “loại bỏ” các công ty Mỹ và Mỹ cũng “loại bỏ” các công ty Trung Quốc. Nghĩa là công nghệ đôi bên ở trạng thái “đường ai nấy đi”. /.

Mới nhất

x
Thông điệp từ kế hoạch quản chế công nghệ của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO