'Thòng lọng' mới đe dọa cá tra Việt

11/12/2015 09:26

Cho rằng sẽ bị kiểm tra khắt khe hơn khi chịu sự giám sát của Bộ Nông nghiệp Mỹ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lo ngại thời gian tới xuất khẩu cá tra sang thị trường này sẽ giảm mạnh.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Mỹ (FSIS) đã chính thức thông báo về việc quyết định triển khai Chương trình Giám sát cá da trơn đối với cá tra nhập khẩu vào Mỹ. Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3/2016.

Theo đó, từ tháng 3/2016, tất cả các loài cá thuộc họ Siluriformes, bao gồm cá da trơn và cá tra của Việt Nam sẽ thuộc thẩm quyền giám sát của FSIS và không còn chịu quy định của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) như trước đây. Cũng từ đây, toàn hộ quy trình kiểm soát nghiêm ngặt sẽ triển khai theo yêu cầu của Luật Nông nghiệp 2014.

Cá tra Việt có nguy cơ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới tại Mỹ. Ảnh: MH.
Cá tra Việt có nguy cơ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới tại Mỹ. Ảnh: MH.

Trong suốt khoảng thời gian chuyển đổi 18 tháng, FSIS sẽ tiến hành tái giám sát và lấy mẫu ngẫu nhiên ít nhất một lần một quý tại cơ sở nhập khẩu của Mỹ để giám định về chủng loại cá cũng như dư lượng hóa chất có trong các lô hàng cá nhập khẩu thuộc họ Siluriformes. Cũng trong suốt thời gian chuyển đổi này, các nước có mong muốn tiếp tục xuất các sản phẩm này vào Mỹ sau khi kết thúc thời gian chuyển đổi cần phải nộp hồ sơ để xem xét tiêu chuẩn tương đồng. FSIS sẽ hỗ trợ các nước trong việc làm đơn xem xét tiêu chuẩn tương đồng.

Những nước nộp đầy đủ hồ sơ chứng minh tiêu chuẩn tương đồng đúng hạn 18 tháng sẽ được tiếp tục xuất vào Mỹ, trong khi FSIS tiến hành đánh giá một cách đầy đủ, bao gồm cả kiểm tra thực tế tại nơi nuôi trồng và sản xuất tại nước đó. Nếu cần thêm bất kỳ thông tin gì, FSIS sẽ yêu cầu nước đó phải phản hồi hoặc nộp lại tài liệu tiêu chuẩn tương đồng hoàn chỉnh trong vòng 90 ngày kể từ khi FSIS yêu cầu.

Như vậy, với quy định mới này, theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian tới nhiều doanh nghiệp cá tra của Việt Nam sẽ khó khăn khi vào thị trường Mỹ.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho hay, việc giám sát không chỉ ở doanh nghiệp mà FSIS còn kiểm soát theo chuỗi từ con giống, thức ăn, vận chuyển, nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu nhập khẩu. Điều này sẽ gây khó với từng cá thể trong chuỗi.

Ông đưa ra dẫn chứng, giả sử Việt Nam chưa có chương trình quản lý tốt, một khâu trong chuỗi có vấn đề thì hàng Việt sẽ không được vào Mỹ. Đặc biệt, thời gian tới, khi thay đổi hệ thống giám sát thì các chương trình kiểm soát của Mỹ cũng sẽ thay đổi. Hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có thông tin cụ thể về việc phía Mỹ sẽ khắt khe như thế nào trong quy định với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Cho nên, điều cần thiết nhất là Việt Nam phải được công nhận là tương đồng với quy định giám sát của Mỹ thì mới có cơ hội vào thị trường này.

Cũng tỏ ra khá lo lắng, ông Trần Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp thủy sản miền Nam lo ngại sản phẩm xuất khẩu sẽ giảm mạnh. Bởi theo ông, Bộ Nông nghiệp Mỹ còn khắt khe hơn cả FDA.

“Hai năm trở lại đây, sản lượng xuất khẩu cá tra của chúng tôi sang thị trường này giảm 20-40% vì sản phẩm bị áp thuế chống bán phá giá quá cao. Thời gian tới, nếu thị trường này đưa ra nhiều quy trình giám sát khắt khe hơn thì lượng hàng xuất sẽ tiếp tục giảm”, ông Quang nói và cho biết thêm, chỉ mới biết thông tin hơn tuần nay nên các doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng đang họp lại để nghiên cứu và bàn giải pháp.

Còn tại doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Đồng Tháp, lãnh đạo đơn vị này cho rằng đang rà soát lại chuỗi sản phẩm từ khâu nuôi trồng đến chế biến.

“Thời gian đầu quy định có hiệu lực, chúng tôi chắc chắn sẽ chịu thiệt hại. Tuy nhiên, nếu tạo được sự tương đồng trong khâu quản lý doanh nghiệp sẽ tạo được sự cạnh tranh hơn ở thị trường này vì thị trường được sàng lọc”, đại diện doanh nghiệp nói.

Thống kê của VASEP cho thấy, 10 tháng đầu năm xuất khẩu cá tra giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt 2 thị trường lớn là châu Âu và Mỹ cùng đi xuống khi hàng sang Mỹ đạt trên 260 triệu đôla Mỹ, giảm 4,6% và sang EU đạt gần 246 triệu đôla, giảm 15% so với cùng kỳ.

Theo ông Hòe, với thách thức trên, các doanh nghiệp Việt nên có sự phân tích và xem xét cẩn trọng luật lệ mới này, để soi lại xem mình đáp ứng đến mức nào.

"Thực ra sản phẩm của Việt Nam cũng đã đi được nhiều nước, kể cả những thị trường khó tính như châu Âu. Riêng đối với quy định mới này, nhiều ý kiến cho rằng chúng chưa chuẩn và thiếu phù hợp với cam kết WTO. Vì vậy, có thể Việt Nam sẽ theo đuổi để giải quyết tranh chấp. Từ đó, doanh nghiệp Việt mới có được sự công bằng khi vào các thị trường khó tính", ông Hòe nói thêm.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
'Thòng lọng' mới đe dọa cá tra Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO