Thông tin về quyền của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông

Thành Nguyễn 20/07/2019 20:25

Là quốc gia ven biển, Việt Nam có quyền chủ quyền trong khai thác dầu khí, khoáng sản trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Các vùng biển của quốc gia ven biển được quy định theo UNCLOS. Trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, Việt Nam có quyền chủ quyền với việc thăm dò, khai thác khoáng sản, dầu khí, tôm cá... theo quy định của UNCLOS. Đồ họa: ttbiendao.hcmussh.edu.vn.

Trong những ngày qua, trả lời câu hỏi của một số phóng viên trong và ngoài nước liên quan đến diễn biến gần đây trên Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng liên tiếp đưa ra các tuyên bố khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Trong thông điệp mạnh mẽ tối qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã lên án việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, đồng thời tái khẳng định đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của UNCLOS mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Vậy theo UNCLOS, các quốc gia ven biển có những quyền gì đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình?

Với đường bờ biển dài 3.260 km cùng nhiều đảo và quần đảo, Việt Nam là một quốc gia ven biển có đầy đủ các quyền và tuân thủ các nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS. Theo Công ước, mỗi quốc gia ven biển có 5 vùng biển gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam tuyên bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Đây cũng là căn cứ để Việt Nam xác định phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia theo khung pháp lý được UNCLOS đề ra.

Vùng nước nằm trong đường cơ sở gọi là "vùng nước nội thủy", được đặt dưới chủ quyền toàn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối của quốc gia ven biển. Tàu thuyền nước ngoài muốn vào ra nội thủy phải xin phép nước ven biển và phải tuân theo luật lệ của nước đó.

Điều 3 Công ước quy định chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình đến một vùng biển tiếp liền kéo dài 12 hải lý tính từ đường cơ sở, được gọi là lãnh hải. Trong lãnh hải, quốc gia ven biển cũng có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ, song không tuyệt đối như nội thủy.

Quốc gia ven biển được công nhận các quyền về lập pháp, hành pháp và tư pháp trên lãnh hải, nhưng tàu thuyền nước ngoài có quyền đi qua lãnh hải của nước đó mà không phải xin phép trước nếu họ không tiến hành bất kỳ hoạt động gây hại nào.

Vùng biển tiếp giáp với lãnh hải gọi là vùng tiếp giáp lãnh hải, có chiều rộng 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Điều 33 của UNCLOS quy định vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia, bao gồm quyền tài phán nhằm ngăn ngừa và quyền tài phán trừng trị những vi phạm trong các lĩnh vực về hải quan, thuế khóa, y tế, nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.

Vùng đặc quyền kinh tế nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, có chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế và quyền tài phán.

Điều 62 của UNCLOS quy định quyền chủ quyền về kinh tế bao gồm các quyền đối với khai thác tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.

Theo Điều 58 của Công ước, các quốc gia được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không... Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, các quốc gia phải tôn trọng luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của UNCLOS.

Công ước còn quy định thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến mép ngoài của rìa lục địa nhưng không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở.

Trong trường hợp mép ngoài rìa lục địa có khoảng cách chưa đến 200 hải lý, thềm lục địa của quốc gia được tính là vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, theo điều 76 của UNCLOS.

Các vùng biển của Việt Nam theo quy định của UNCLOS. Đồ họa: Camau.gov.vn.
Các vùng biển của Việt Nam theo quy định của UNCLOS. Đồ họa: Camau.gov.vn.

UNCLOS quy định trong thềm lục địa, quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, dầu khí, tôm cá... của mình.

"Việt Nam có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong đó quan trọng nhất là quyền thăm dò, khai thác các tài nguyên nằm trong khu vực đó", chuyên gia luật biển Hoàng Việt thuộc Đại học TP HCM nói.

Vì đây là đặc quyền của quốc gia ven biển nên "nếu các quốc gia khác muốn khai thác phải có sự đồng ý bằng văn bản của quốc gia ven biển đó", ông Hoàng Việt nói.

Trong một bài viết trên blog cá nhân ngày 6/5/2014, Lý Lệnh Hoa, nhà nghiên cứu nổi tiếng về Luật Biển của Trung Quốc, cho rằng "Trung Quốc là quốc gia tham gia ký kết UNCLOS, nên cần tuân thủ điều 74 và điều 83 của Công ước, cần tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các quốc gia ven biển".

Theo điều 279, 280 của UNCLOS, mọi tranh chấp giữa các quốc gia thành viên về việc giải thích hay áp dụng Công ước đều được giải quyết bằng các phương pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: Phạm Ngọc.
Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: Phạm Ngọc.

Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng hôm qua 19/7 khẳng định các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.

"Duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Do đó, Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này", bà Hằng nói.

Theo vnexpress.net
Copy Link

Mới nhất

x
Thông tin về quyền của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO