Xã hội

Thu hút lao động cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Nghệ An - Bài cuối

Diệp Thanh, Minh Quân 04/10/2024 10:10

Tháo gỡ khó khăn, thu hút lao động cho các doanh nghiệp, dự án FDI trên địa bàn tỉnh là việc làm thường xuyên, liên tục để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư. Điều này cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các ngành liên quan và cả các cơ sở đào tạo nhân lực...

COVER TUYỂN DỤNG FDI

Bài cuối:
Cần giải pháp đồng bộ

Tháo gỡ khó khăn, thu hút lao động cho các doanh nghiệp, dự án FDI trên địa bàn tỉnh là việc làm thường xuyên, liên tục để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư. Điều này cần sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các ngành liên quan và cả các cơ sở đào tạo nhân lực...

Tạo sự an tâm, gắn bó cho người lao động

Tại Hội nghị về tình hình cung - cầu lao động cho các doanh nghiệp, Dự án FDI trên địa bàn tỉnh Nghệ An được tổ chức vào tháng 7 vừa qua, ý kiến của đại diện các ban, ngành, các địa phương nhấn mạnh rằng, việc các doanh nghiệp khó tuyển dụng cũng như giữ chân lao động, chủ yếu do tiền lương, thu nhập các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chi trả cho người lao động còn thấp so với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và phía Nam; do điều kiện ăn, ở, môi trường làm việc chưa đảm bảo. Do đó, các doanh nghiệp cần có kế hoạch thu hút, giữ chân người lao động bằng việc cải thiện chế độ tiền lương, môi trường làm việc và điều kiện sinh hoạt.

Hoạt động thể thao cho công nhân tại một doanh nghiệp FDI trên địa bàn huyện Nam Đàn. Ảnh: Minh Quân
Hoạt động thể thao cho công nhân tại một doanh nghiệp FDI trên địa bàn huyện Nam Đàn. Ảnh: Minh Quân

Thời gian qua, để tăng tính cạnh tranh trong tuyển dụng lao động, đáp ứng số lượng công nhân cần có, một số doanh nghiệp đã nỗ lực cải thiện chính sách tiền lương. Ví như Công ty TNHH Everwin Precision Việt Nam đã điều chỉnh mức lương và phúc lợi của mình nhỉnh hơn với các công ty khác trong Khu công nghiệp VSIP, có chế độ đãi ngộ, khích lệ cho người có hiệu suất cao hơn. Còn với Công ty TNHH VietGlory, sau vụ đình công xảy ra vào tháng 10 năm 2023, Ban lãnh đạo công ty đã có những nỗ lực cải thiện thu nhập cho hơn 8.300 công nhân.

Trong cuộc làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An vào cuối tháng 7 vừa qua, Tổng Giám đốc Công ty TNHH VietGlory – ông Yao Xiao Quan đã thông tin: “Vừa qua, dù Chính phủ bắt đầu áp dụng mức lương mới từ tháng 7 nhưng công ty chúng tôi đã điều chỉnh và áp dụng từ tháng 4, điều này khiến người lao động rất phấn khởi”.

liên đoàn lao động tỉnh thăm công nhân VietGlory Ảnh Diệp Thanh00018
Đoàn công tác Liên đoàn Lao động tỉnh và các ban, ngành thăm nhà xưởng Công ty TNHH Viet Glory (Diễn Châu). Ảnh: Diệp Thanh
Quan hệ lao động hài hoà, tình hình sản xuất ổn định đã trở lại với Công ty TNHH VietGlory. Ảnh: Diệp Thanh
Trao quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty TNHH VietGlory. Ảnh: Diệp Thanh

Tuy vậy, đại diện các doanh nghiệp này cho rằng, tỉnh cần có các giải pháp căn cơ là ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông thiết yếu; hạ tầng xã hội đồng bộ nhằm giảm chi phí logistics và các chi phí khác cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có điều kiện tăng thêm chi phí thuê nhân công lao động, đảm bảo thu nhập của người lao động làm việc trong tỉnh gần bằng hoặc bằng các các tỉnh, thành phố khác trên cả nước; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các chuyên gia nước ngoài, người lao động ngoại tỉnh đến làm việc, sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh vấn đề tiền lương, ông Vi Ngọc Quỳnh - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: Để thu hút cũng như giữ chân lao động tại các doanh nghiệp và thu hút lao động từ các khu công nghiệp ngoại tỉnh về, tỉnh cần quyết liệt, dồn sức đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng xã hội, chăm sóc an sinh xã hội cho người lao động như chính sách nhà ở xã hội, điều kiện thăm khám sức khỏe, nhà trẻ cho con em lao động tại các khu công nghiệp tập trung; nhà ở cho các chuyên gia… (giảm chi phí đi lại, thuê trọ, gửi con, đảm bảo an toàn giao thông)...

Một buổi tuyển dụng của Công ty LUXSHARE-ICT Nghệ An. Ảnh: Minh Quân
Một buổi tuyển dụng của Công ty LUXSHARE-ICT Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Trong danh sách các kiến nghị gửi UBND tỉnh, một doanh nghiệp từng thẳng thắn: “Trừ một vài nơi trong tỉnh, hầu hết các khu công nghiệp đều không có khu dân cư gần kề, hơn nữa, các nhà máy (cách xa khu vực cộng đồng dân cư) đều không có ký túc xá (nhà ở xã hội) gần đó. Nếu một doanh nghiệp cần 5.000 lao động trở lên, nhu cầu nhân sự sẽ rất lớn, gây ra nhiều khó khăn trong khâu tuyển dụng. Người thân, gia đình của người lao động vì vậy cũng khó có thể chuyển đến sống cùng vì thiếu trường học, bệnh viện… Các nhà đầu tư sẽ đối mặt với thách thức như thế nào để có thể tuyển dụng lao động số lượng lớn và lâu dài? Do đó, kiến nghị chính quyền nghiên cứu và thúc đẩy xây dựng tích hợp các khu công nghiệp gắn liền với khu dân cư”.

Đây cũng là điều được nhắc đến rất nhiều trong các cuộc làm việc giữa lãnh đạo các doanh nghiệp FDI, tổ chức công đoàn và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, những vướng mắc chủ quan lẫn khách quan khiến kiến nghị này vẫn nằm trên giấy, khi mà công trình thiết chế công đoàn và nhà ở xã hội dành cho công nhân từng rất được kỳ vọng nhiều năm nay vẫn chưa thể hoàn thành.

Bên cạnh bài toán tuyển dụng, việc giữ chân công nhân lao động sau tuyển dụng cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Xây dựng một môi trường làm việc lành mạnh, ổn định, mối quan hệ lao động hài hòa là câu trả lời ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm được. Tại Công ty TNHH Wooin Vina Nghệ An (Diễn Châu), có nhiều lao động gắn bó với công ty trên 15 năm. Những năm gần đây, doanh nghiệp này nổi tiếng vì nhiều chương trình ý nghĩa dành cho công nhân, điển hình là duy trì nghi thức chào cờ đầu tuần trong màu áo cờ đỏ sao vàng nhiều năm nay.

Hình ảnh chào cờ đầu tuần của công nhân, lao động được chia sẻ, lan tỏa rầm rộ trong Tháng Công nhân năm 2024 tại Nghệ An. Ảnh tư liệu: CSCC
Lễ chào cờ đầu tuần của công nhân, lao động Công ty TNHH Wooin Vina Nghệ An (Diễn Châu). Ảnh tư liệu: CSCC

Tại Công ty TNHH Kido Vinh (Đô Lương), lãnh đạo công ty không chỉ đồng ý thành lập chi bộ Đảng mà còn muốn công nhân lao động xem doanh nghiệp như một gia đình lớn… Tất cả những doanh nghiệp kể trên không phải là những doanh nghiệp FDI trả lương cao nhất, nhưng chắc chắn là những doanh nghiệp nỗ lực chăm lo, quan tâm người lao động nhất, thấu hiểu lòng tự tôn, tự trọng, thẳng thắn - đặc thù của công nhân Nghệ An. Vấn đề nhân lực và kinh doanh, sản xuất ở những doanh nghiệp này cũng được đánh giá là ổn định dù xung quanh có rất nhiều công ty, nhà máy mới mọc lên với chế độ thu hút hấp dẫn hơn.

Tăng cường hợp tác, kết nối tạo nguồn lao động

Tại Hội nghị về tình hình cung - cầu lao động cho các doanh nghiệp, Dự án FDI trên địa bàn tỉnh diễn ra tháng 7 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đề nghị các ngành liên quan và các địa phương cần tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm nhằm kết nối cung - cầu lao động phù hợp với từng địa bàn để tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, lao động khu vực nông thôn, lao động các xã biên giới được tiếp cận nắm bắt thông tin về việc làm, thị trường lao động, từ đó có định hướng nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và nguyện vọng.

Học sinh Trường THPT Hoàng Mai 2 tìm hiểu về thông tin tuyển sinh của các trường nghề.
Học sinh Trường THPT Hoàng Mai 2 tìm hiểu về thông tin tuyển sinh của các trường nghề. Ảnh tư liệu: CSCC

Cùng với đó, tăng cường công tác đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng gắn với ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh và tiếng Trung nhằm hỗ trợ người lao động có việc làm bền vững. Thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo, nâng cao hiệu quả đào tạo, giải quyết việc làm, đảm bảo lợi ích chặt chẽ của cả 3 bên: Doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người lao động.

Thực tế, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực kết nối với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm nguồn nhân lực. Ví như Công ty Everwin Precision Việt Nam, bên cạnh việc tranh thủ mạng lưới tuyển dụng của Nhà nước, doanh nghiệp này còn sử dụng rộng rãi mạng lưới của riêng mình là hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để thông tin tuyển dụng tiếp cận được với nguồn nhân lực một cách dễ dàng hơn. Trung bình, công ty có thể tuyển trên 10 công nhân mỗi ngày. Tuy nhiên, so với tuyển dụng công nhân phổ thông thì tuyển dụng, tìm kiếm kỹ thuật viên khó khăn hơn rất nhiều.

Ông Xie Jin Qiang – Giám đốc nhân sự Công ty Luxshare ICT cho rằng, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn nên đào tạo tay nghề cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, vừa đào tạo chuyên môn, vừa đào tạo tiếng Trung Quốc, đào tạo theo đúng chuyên môn doanh nghiệp cần, tăng cường hợp tác giữa nhà đầu tư và nhà trường trong việc đào tạo lao động như thực tập, tiếp xúc với trang thiết bị, máy móc để khi ra trường có thể thành thục với công việc.

bna_Hội nghị NLĐ, đối thoại tại Công ty TNHH Luxshare-ICT Nghệ An. Ảnh CĐ KKT Đông Nam.png

Theo ông Hoàng Sỹ Tuyến – Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, những năm qua, trước làn sóng thu hút FDI của tỉnh, các cơ sở giáo dục, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đã bắt đầu đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng mục tiêu, nội dung chương trình đào tạo nghề sát với yêu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp và theo nhu cầu của thị trường lao động. Điển hình là Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, công tác liên kết, hợp tác đào tạo, giải quyết việc làm với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh luôn được nhà trường chú trọng. Những năm qua, trường đã kết nối với hơn 50 doanh nghiệp để gửi sinh viên đến thực tập, giới thiệu và bố trí việc làm. Thậm chí trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh còn đến tận trường đặt vấn đề tuyển dụng sinh viên sắp tốt nghiệp và đặc biệt là “đặt hàng” đào tạo công nhân kỹ thuật cao.

Tuy nhiên, chỉ có số ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có được sự liên kết hiệu quả như vậy. Với đa số các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc liên kết với doanh nghiệp mới chỉ dừng ở việc tổ chức cho học sinh, sinh viên thực tập, cung cấp lao động sau khi tốt nghiệp chứ chưa có sự phối hợp trong việc biên soạn giáo trình, nội dung và phương pháp giảng dạy... để chương trình đào tạo ăn khớp với nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đòi hỏi nguồn lao động chất lượng cao.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Tiến Trị - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho rằng: “Chu kỳ đào tạo lao động nhân lực chất lượng cao tương đương với thời gian thực hiện đầu tư, xây dựng dự án. Nếu ngay từ khi bắt đầu thực hiện đầu tư xây dựng dự án, sự phối hợp giữa nhà trường với nhà đầu tư kịp thời để cùng hợp tác, lập kế hoạch đào tạo nhân lực đáp ứng đúng, sát nhu cầu thực tiễn của dự án ngay khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì việc thiếu nguồn nhân lực không còn là vấn đề khó khăn của các doanh nghiệp FDI”.

Ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo lao động giữa Trường trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật huyện Nghi Lộc và Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An. Ảnh: Diệp Thanh
Ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo lao động giữa Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật huyện Nghi Lộc và Công ty CP WHA Industrial Zone Nghệ An. Ảnh: Diệp Thanh

Ông Lê Tiến Trị cũng cho rằng, hiện nay, việc thiếu nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng trên chỉ diễn ra trong một thời điểm nhất định do nhu cầu tăng đột biến. “Khi nhận thức, quan điểm của người dân dần thay đổi từ "ly nông ắt ly hương" sang "ly nông bất ly hương", các cơ sở đào tạo nghề kịp thay đổi để thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động, cùng với sự phối hợp, đồng hành hỗ trợ từ chính quyền tỉnh thì vấn đề thiếu nguồn lao động cả số lượng và chất lượng sẽ không còn là khó khăn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI đã và đang đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, ông Trị nhấn mạnh.

Mới nhất
x
Thu hút lao động cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn Nghệ An - Bài cuối
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO