Thu hút nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Hoàng Vĩnh 29/08/2023 16:09

(Baonghean.vn) - Việc thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và PTNT ở Nghệ An theo hướng phát triển đa chức năng...

Điểm nhấn đầu tư

Thực hiện chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An và ngành Nông nghiệp và PTNT về ưu tiên vào lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, Tập đoàn Biomass Fuel Nhật Bản đã tiên phong đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất viên nén Biomass Fuel Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An.

bna_ Nhà máy sản xuất viên nén Bosmass Fuel Việt Nam tại KCN VSIP.png
Nhà máy sản xuất viên nén Biomass Fuel Việt Nam tại KCN VSIP. Ảnh: PV

Sau một thời gian ngắn chuẩn bị các thủ tục đầu tư, năm 2018, nhà đầu tư Nhật Bản tiến hành khởi công dự án và 2 năm sau (2020) nhà máy hoàn thành đi vào hoạt động. Tuy nhiên, giai đoạn này do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên nhà máy bị gián đoạn sản xuất và đến năm 2022 bắt đầu hoạt động trở lại.

Chủ trương thu hút đầu tư của Nghệ An là luôn ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao, vì vậy, Nhà máy sản xuất viên nén Biomass Fuel Việt Nam đầu tư công nghệ hiện đại (dây chuyền nhập khẩu từ châu Âu, lắp ráp và xây dựng bởi Nhật Bản) có công suất 160.000 tấn sản phẩm/năm. Sản phẩm đều được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và châu Âu. Do sản xuất trên công nghệ hiện đại và chế biến vật lý không sử dụng hóa học, nên nhà máy thực hiện nghiêm quy trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến công đoạn băm, sấy, ép viên, làm lạnh để ra thành phẩm viên nén gỗ. Viên nén gỗ này được xuất để phục vụ nhiều mục đích khác nhau như: Sưởi ấm, làm nguyên liệu đốt trong các nhà máy chế biến và một khối lượng lớn để dùng làm nguyên liệu đầu vào ở các nhà máy nhiệt điện. Viên nén gỗ được coi là nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường.

bna_ đây là ảnh cán bộ công ty Biomass phối hợp với kiểm lâm và dự án Phát triển rừng bền vững hỗ trợ cây giống chất lượng cao và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng rừng ở huyện Anh sơn (2).jpg
Cán bộ Công ty Biomass Fuel Việt Nam phối hợp với Kiểm lâm và dự án Phát triển rừng bền vững hỗ trợ cây giống chất lượng cao và hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trồng rừng ở huyện Anh Sơn. Ảnh: PV

Nhà máy sản xuất viên nén Biomass Fuel Việt Nam đi vào hoạt động đã tạo việc làm trực tiếp cho gần 80 cán bộ, công nhân viên và gián tiếp hàng ngàn hộ dân trồng rừng, khai thác rừng tại Nghệ An, góp phần cùng tỉnh nhà gia tăng giá trị rừng trồng, từng bước tạo thêm cơ hội thị trường, tăng sinh kế cho các hộ dân trồng rừng, nâng cao nhận thức về sản xuất và quản lý rừng bền vững cho lâm dân ở các huyện lân cận trong tỉnh.

Ông Eisuke Nomura - Giám đốc Điều hành Công ty Biomass Fuel Việt Nam cho hay: “Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương, cũng như các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, đặc biệt là ngành Nông nghiệp và PTNT, công ty đã quyết định đầu tư ở Nghệ An, với cam kết sẽ xây dựng chiến lược phát triển kinh doanh bền vững, gắn với lợi ích của người dân địa phương, góp phần tăng thu nhập cho người dân trồng rừng bằng việc tạo thêm cơ hội thị trường và gia tăng giá trị rừng trồng.

Năm 2022, công ty đã phối hợp với Dự án Quản lý rừng bền vững (SFM) của Hoa Kỳ đầu tư xây dựng nhóm chứng chỉ và đánh giá thành công 2.823 ha rừng trồng đạt chứng chỉ kép FSC FM và PEFC FM. Năm 2023, công ty tiếp tục đầu tư mở rộng vùng thực hiện quản lý rừng bền vững có chứng chỉ với diện tích dự kiến là 4.500 ha trên địa bàn 3 huyện Anh Sơn, Đô Lương và Tân Kỳ, nhằm xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững, ổn định cho công ty cũng như là một cam kết về thị trường với người dân và chính quyền địa phương”.

Tạo động lực phát triển sản xuất nông nghiệp

Một trong những động lực quan trọng tạo đà cho phát triển sản xuất nông nghiệp là thực hiện tốt công tác thu hút đầu tư. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã tham mưu, xử lý kịp thời có hiệu quả các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của sở trong quá trình tham mưu thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ, Quyết định số 13/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh và Nghị quyết 14/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

bna_ Bud Hill Farm - Trang trại Đồi Chồi úng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Đô Lương.JPG
Bud Hill Farm - Trang trại Đồi Chồi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tại Đô Lương. Ảnh: Hoàng Vĩnh

Sở Nông nghiệp và PTNT đã tập trung thu hút các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục triển khai các dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Công ty CP Thực phẩm sữa TH, Vinamilk; các dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao tại các huyện: Nghĩa Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Nghi Lộc và thành phố Vinh..., trồng cam, dược liệu ở các huyện: Yên Thành, Kỳ Sơn...

Thời gian qua, trong lĩnh vực thu hút đầu tư ngành Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều dự án đầu tư với quy mô lớn như: Dự án chăn nuôi lợn của Tập đoàn Đông Bắc (dự kiến đến năm 2025, tập đoàn này sẽ có khoảng 12-15 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, với tổng số đàn lợn 200.000-250.000 con); Công ty Nông nghiệp 3AF (đang đầu tư 2 trang trại nuôi lợn công nghiệp theo công nghệ lạnh khép kín tại huyện Tân Kỳ, với quy mô 5.000 lợn nái và 120.000 lợn thịt) và một số doanh nghiệp khác như: Công ty Tân Thắng, Công ty Greenfoods Tân Kỳ, Công ty Nhật Bản, Công ty Thành Đô... Nhà máy sản xuất viên nén Biomass Fuel Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An; Nhà máy sản xuất viên nén Thanh Chương (BVN Thanh Hương), Hợp tác xã Lâm nghiệp An Việt Phát, Công ty TNHH Thanh Hoa, Nhà máy gỗ MDF Nghệ An của Công ty Thanh Thành Đạt... Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023, tỉnh đã thu hút được 39 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, với tổng mức đầu tư gần 3.300 tỷ đồng.

bna_ Áp dụng quản lý vận hành sản xuất công nghệ hiện đại tại Nhà máy  sản xuất viên nén Bosmass Fuel Việt Nam..jpg
Vận hành dây chuyền hiện đại tại Nhà máy sản xuất viên nén Bosmass Fuel Việt Nam.

Cùng với đó, ngành tập trung phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, như tham gia và tổ chức thành công các sự kiện: Diễn đàn kết nối tiêu thụ cam Vinh; Tuần lễ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Nghệ An tại Hà Nội; Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh khu vực miền Trung tại Nghệ An; Làm việc với Công ty Wincommerce kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản Nghệ An; Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản.

Kết nối với hơn 70 cơ sở sản xuất các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An tham gia tại các hội chợ, với gần 100 gian hàng; Phối hợp với Sàn Thương mại điện tử VOSO để giới thiệu, bán nông sản Nghệ An trên sàn; Đưa các sản phẩm nông, lâm, thủy sản Nghệ An vào các siêu thị lớn như Lotte, Winmart... góp phần đưa các sản phẩm nông, lâm, thủy sản Nghệ An đến tay người tiêu dùng trên toàn quốc cũng như quốc tế; hỗ trợ thiết kế và cung cấp 36 mã Qrcode cho 36 sản phẩm nông, lâm, thủy sản (đưa số sản phẩm được cấp mã Qrcode lên 115 sản phẩm); hỗ trợ 128.000 tem, nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản.

bna_ Nhà máy sản xuất đường lỏng Glucose.jpg
Nhà máy sản xuất đường lỏng Glucose tại huyện Anh Sơn. Ảnh:TL

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An đề xuất một số dự án thu hút đầu tư với đoàn công tác JICA tại Việt Nam đồng ý xem xét lên kế hoạch đầu tư một số dự án trọng điểm như: Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống Thủy lợi Nam Nghệ An, dự kiến tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, vào giai đoạn 2023-2027; Dự án khảo sát xác minh kinh doanh SDGs với khu vực tư nhân để phát triển chuỗi giá trị cho tỏi Sanuki tại tỉnh Nghệ An (Công ty Farmer Cooperative Nhật Bản đã được phê duyệt thực hiện dự án); Hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đến Nghệ An tìm hiểu, hợp tác đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp.

Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An cho biết: “Thời gian tới, ngành tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ngành liên quan thực hiện các hoạt động xúc tiến, thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời là hạt nhân cho liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn. Tổ chức thực hiện tốt cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Vận động, tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, các tổ chức quốc tế (WB, ADB, JICA,...) để tăng cường nguồn lực đầu tư cho các dự án trọng điểm của ngành. Tăng cường tham mưu công tác quản lý Nhà nước về các dự án đầu tư, giám sát chặt chẽ quy trình thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư công, nhằm tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư...”.

Mới nhất

x
Thu hút nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO