Sức khỏe

Thử thách khả năng giữ thăng bằng, tập trung của bạn với tư thế cái cây

Hà An 09/08/2024 11:35

Tư thế cái cây thường là tư thế đứng giữ thăng bằng đầu tiên được dạy cho người mới tập yoga. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng mới đầu nó có vẻ khó với nhiều người, dù vậy chăm chỉ luyện tập bạn sẽ tiến bộ.

Nếu từng trượt chân, bạn có thể hiểu được lợi ích của việc có được cảm giác thăng bằng tốt. Thực hành các tư thế giữ thăng bằng trong yoga, chẳng hạn như tư thế cái cây, sẽ giúp bạn có được sự ổn định cả về thể chất lẫn tinh thần.

Tư thế này cải thiện sự tập trung và khả năng giữ thăng bằng trong khi làm dịu tâm trí của bạn.

Theo VeryWell Fit, tư thế cái cây (Vrksasana) thường là tư thế đứng giữ thăng bằng đơn giản nhất trong yoga. Dù vậy, mới đầu nó có vẻ khó với nhiều người, tuy nhiên chăm chỉ luyện tập bạn sẽ tiến bộ rất nhanh. Vì thế, đừng nản lòng nếu lúc đầu bạn loạng choạng hoặc thậm chí ngã.

Những lợi ích của tư thế cái cây

Tư thế cái cây giúp tăng cường sức mạnh cho chân và cơ thể trong khi mở hông và kéo căng cơ đùi trong và cơ háng. Nói chung, một trong những lợi ích lớn nhất của yoga là giúp xây dựng khả năng giữ thăng bằng tốt hơn, giúp ích cho bất kỳ hoạt động thể chất nào khác.

Theo tuổi tác, khả năng giữ thăng bằng của bạn càng kém. Vì thế, đây là một tư thế tốt giúp bạn giữ thăng bằng tốt hơn. Giữ thăng bằng tốt và cơ lõi khỏe mạnh có thể giúp bạn luôn năng động và khỏe mạnh.

Theo Everyday Yoga, tư thế cái cây giúp kéo dài đùi, háng, thân và vai. Nó xây dựng sức mạnh ở mắt cá chân và bắp chân, đồng thời làm săn chắc cơ bụng. Nó cũng giúp khắc phục tình trạng bàn chân bẹt và điều trị chứng đau thần kinh tọa.

Đáng chú ý nhất là tư thế này cải thiện cảm giác cân bằng và phối hợp. Luyện tập thường xuyên sẽ cải thiện khả năng tập trung, đặc biệt là trong những thời điểm mà bạn thường cảm thấy mất cân bằng.

Thử thách khả năng giữ thăng bằng, tập trung của bạn với tư thế cái cây - 1

Để thực hiện tư thế cái cây, bạn cần sự thăng bằng và tập trung. Ảnh: Firixyoga

Cách thức thực hiện tư thế cái cây

- Đầu tiên, bạn hãy đứng trong tư thế trái núi (Tadasana) với hai tay chắp trước ngực ở trung tâm trái tim.

- Hãy dành một chút thời gian để cảm thấy cả hai bàn chân bám chặt vào sàn, trọng lượng cơ thể được phân bổ đều trên cả bốn góc của mỗi bàn chân.

- Bắt đầu chuyển trọng lượng vào chân phải, nhấc chân trái lên khỏi sàn, giữ chân phải thẳng nhưng không khóa đầu gối.

- Cong đầu gối trái và đưa lòng bàn chân trái cao lên phía trong đùi phải.

- Nhấn bàn chân vào đùi và đùi tác động trở lại bàn chân với áp lực bằng nhau. Điều này sẽ giúp bạn giữ cả hai hông vuông góc về phía trước để hông phải không nhô ra ngoài.

- Tập trung ánh nhìn của bạn vào vật gì đó không chuyển động để giúp bạn giữ thăng bằng.

- Hít thở từ 5 đến 10 nhịp, sau đó hạ chân trái xuống sàn và thực hiện với bên còn lại.

Lỗi thường gặp

Hãy ghi nhớ những điều này để đảm bảo bạn tận dụng tối đa tư thế cái cây và không ảnh hưởng đến các khớp của bạn.

Vị trí hông

Điều quan trọng nhất cần thực hiện trong tư thế cái cây là đảm bảo rằng áp lực của bàn chân đặt lên chân đứng - chân trụ - không làm cho hông của bên đó nhô ra ngoài. Hông phải vuông góc nhất có thể, giống như thể bạn vẫn đặt cả hai chân trên sàn trong tư thế trái núi.

Vị trí chân

Bạn hãy cẩn thận để tránh đặt bàn chân trái trực tiếp lên phía đầu gối phải vì điều đó sẽ khiến khớp rơi vào tình thế dễ bị tổn thương.

Tư thế đầu gối

Bạn cần đảm bảo rằng đầu gối trái hướng về bên trái, thay vì hướng về phía trước.

Sửa đổi và các biến thể

Mặc dù tư thế cái cây được coi là khá đơn giản, nhưng hãy lắng nghe cơ thể bạn và sửa đổi nó nếu cần. Sau đó, khi bạn đã thành thạo nó, hãy thực hiện một số thay đổi để có thêm thử thách.

Nếu bàn chân trái của bạn không dễ dàng chạm tới đùi trên bên phải, hãy hạ nó xuống bên chân phải. Bắp chân phải là một lựa chọn tốt. Bạn thậm chí có thể đặt bàn chân trái lên mắt cá chân phải và giữ ngón chân trái trên sàn (như một chân đế nhỏ) nếu điều đó phù hợp nhất với bạn.

Bạn có thể sử dụng bức tường để giữ thăng bằng nếu cần thiết. Bạn có thể tựa mông vào tường hoặc xoay người để đầu gối trái tiếp xúc với tường ở tư thế nâng lên.

Nâng cao hơn, bạn có thể nâng cánh tay lên về phía trần nhà, chắp hai tay vào với nhau hoặc tách hai tay ra. Tạo hình chữ "V" bằng cánh tay là một lựa chọn khác.

Nếu bạn cảm thấy khá thoải mái trong tư thế này, hãy thử nhắm mắt lại và xem liệu bạn có thể giữ thăng bằng không. Bạn có thể bị ngã nhưng hãy kiên trì.

An toàn và phòng ngừa

Nếu bạn gặp vấn đề về thăng bằng, hãy thận trọng với tư thế này và thực hiện nó gần một bức tường nơi bạn có thể hỗ trợ bản thân khi cần thiết. Nó không được khuyến khích nếu bạn bị chấn thương đầu gối hoặc hông.

Do tính chất cân bằng của tư thế này, không thực hành nó nếu bạn đang bị đau đầu, mất ngủ, huyết áp thấp hoặc nếu bạn bị choáng váng, chóng mặt.

Những người bị huyết áp cao không nên giơ tay qua đầu trong tư thế này. Bạn hãy luôn làm mọi việc trong phạm vi giới hạn và khả năng của riêng bạn. Nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào về y tế, hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi tập yoga./.

Theo dantri.com.vn
https://dantri.com.vn/suc-khoe/thu-thach-kha-nang-giu-thang-bang-tap-trung-cua-ban-voi-tu-the-cai-cay-20240725154813602.htm
Copy Link
https://dantri.com.vn/suc-khoe/thu-thach-kha-nang-giu-thang-bang-tap-trung-cua-ban-voi-tu-the-cai-cay-20240725154813602.htm

Mới nhất

x
Thử thách khả năng giữ thăng bằng, tập trung của bạn với tư thế cái cây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO