Thứ trưởng Công Thương: 'Xử lý Liên kết Việt không hề chậm trễ'

02/03/2016 09:34

Kiểm tra, xử phạt 570 triệu đồng sau 7 tháng công ty này hoạt động, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng cơ quan quản lý không chậm trễ trong việc phát hiện, xử lý vi phạm tại hệ thống kinh doanh đa cấp Liên kết Việt.

Lãnh đạo hệ thống kinh doanh đa cấp Liên kết Việt vừa bị cơ quan công an khởi tố với cáo buộc giả danh công ty thuộc Bộ Quốc phòng, lôi kéo, lừa đảo 45.000 người tham gia kinh doanh đa cấp thực phẩm chức năng và máy chăm sóc sức khỏe. Sự kiện diễn ra sau khoảng 2 năm doanh nghiệp này được cấp phép hoạt động một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi về vai trò của cơ quan quản lý (Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương) đối với hoạt động bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải cho biết cơ quan quản lý đã chủ động trong việc kiểm tra với doanh nghiệp và không chậm trễ trong khâu xử lý, phối hợp với cơ quan công an sau này.

thu-truong-cong-thuong-xu-ly-lien-ket-viet-khong-he-cham-tre

Thứ trưởng Công Thương - Đỗ Thắng Hải. Ảnh: PV

- Là cơ quan quản lý ngành về hoạt động kinh doanh đa cấp, ông đánh giá như thế nào về việc hàng chục nghìn người có thể đã bị Công ty Liên kết Việt lừa đảo mới đây?

- Bán hàng, kinh doanh đa cấp là hoạt động phổ biến trên thế giới. Ví dụ Malaysia đã cấp giấy phép cho hơn 1000 công ty kinh doanh đa cấp, Thái Lan là hơn 500 còn Việt Nam chỉ có 65. Về số lượng, chúng ta siết chặt từ khi ban hành Nghị định 42/2014, trao quyền cấp phép về Cục Quản lý cạnh tranh, thay vì các địa phương như trước.

Đây là hoạt động được pháp luật thừa nhận. Khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một trong những điều khoản mà các nước yêu cầu Việt Nam phải chấp hành là chấp thuận các hoạt động, trong đó có kinh doanh đa cấp.

7 tháng sau khi Cục Quản lý cạnh tranh là đầu mối cấp lại giấy phép cho Liên kết Việt, Cục đã trực tiếp kiểm tra, phát hiện một số nội dung vi phạm. Bộ Công Thương đã xử phạt vi phạm hành chính này 570 triệu đồng. Sau đó, Bộ cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Công an lập đoàn kiểm tra, phát hiện ra những vi phạm khác.

Dù kinh doanh đa cấp là hoạt động hợp pháp, song sự kết hợp giữa Bộ Công Thương, Cục Quản lý cạnh tranh và chính quyền địa phương vẫn còn chưa chặt chẽ. Cục cũng chỉ có 50-60 cán bộ, còn theo chức năng phân cấp thì tại địa phương cũng có đủ cơ quan quản lý, như quản lý thị trường... nhưng cũng không phát hiện được sự việc.

- Dù vậy, rất lâu sau khi báo chí phát giác hành vi lừa đảo của Liên kết Việt, cơ quan quản lý mới ra quyết định xử phạt. Ông nói sao về sự chậm trễ này?

- Theo Nghị định 42, Cục Quản lý Cạnh tranh cấp lại giấy phép cho Công ty Liên kết Việt. Tới tháng 7/2015 thì Cục đã vào cuộc kiểm tra hoạt động của công ty này. Như vậy, chỉ sau 7 tháng Liên kết Việt hoạt động, chúng tôi đã phát hiện và có cuộc kiểm tra, điều tra hoạt động của công ty. Không thể nói là chúng tôi đã chậm trễ.

Qua kiểm tra, điều tra, Cục đã xử phạt vi phạm hành chính như đã nói ở trên. Còn việc công ty này tiếp tục có hành vi vi phạm, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với Bộ Công an điều tra xử lý. Với chức năng và quyền hạn của mình, Bộ Công an sẽ đưa ra kết luận điều tra cuối cùng về vụ việc.

- Vậy Bộ Công Thương sẽ có hành động gì để những trường hợp tương tự không tái diễn?

- Tới đây, chúng tôi sẽ rà soát lại, xem còn khe hở nào của pháp luật không, cụ thể là trong Nghị định 42, có quy định nào mà doanh nghiệp kinh doanh đa cấp có thể vin vào để lách hay không. Với trường hợp Công ty Liên kết Việt, tôi khẳng định có hành vi lừa đảo chứ không phải đơn thuần là hoạt động kinh doanh đa cấp. Đây cũng chính là tội danh mà Bộ Công an đã khởi tố.

Chúng tôi cũng hết sức chia sẻ và lo lắng cho quyền lợi của những người đã bị công ty này lừa đảo. Tuy nhiên, chính xác số tiền mà Liên kết Việt lừa là bao nhiêu, có bao nhiêu người đã bị tác động... thì phải chờ kết luận chính thức từ cơ quan điều tra Bộ Công an.

Qua sự việc này, chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng tại mỗi địa phương phải nâng cao hơn nữa vai trò, nhiệm vụ quản lý của mình trong việc phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo các hành vi lừa đảo xảy ra trên địa bàn.

Thậm chí, ngay cả những người khi tham gia vào hoạt động kinh doanh này cũng phải tìm hiểu thật kỹ, đánh giá xem các mặt hàng đa cấp đó đem lại lợi ích gì cho mình, có xâm phạm quyền lợi của mình hay không. Hành vi kinh doanh nào chưa đúng quy định pháp luật thì đề nghị, thông báo cho chính quyền địa phương, hoặc Bộ Công Thương để ngăn chặn.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Thứ trưởng Công Thương: 'Xử lý Liên kết Việt không hề chậm trễ'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO