Thủ tướng Chính phủ: 'Đóng cửa siêu thị nếu tiêu thụ sản phẩm không an toàn
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng khi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.
Sáng 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện Chỉ thị 13 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các bộ ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo Hà Nội. |
Sau hơn 3 tháng triển khai Chỉ thị 13 của Thủ tướng, Hà Nội đã kiểm tra đột xuất gần 700 cơ sở, phát hiện 176 cơ sở vi phạm và xử lý 170 cơ sở, phạt tiền trên 1 tỷ 438 triệu đồng. Hà Nội đã xây dựng danh mục 225 cơ sở rau, thịt an toàn có giấy chứng nhận đủ điều kiện toàn thực phẩm trên trang web của sở. Hà Nội cũng đang tiến hành tiếp nhận 5 xe chuyên dụng để xét nghiệm nhanh định tính thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ nông sản, nhằm phát hiện và cảnh báo thực phẩm không đảm bảo.
Theo đại diện các Bộ, Hà Nội đã thực hiện khá tốt Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ như xây dựng và duy trì 60 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm; triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tại 5 quận huyện và 10 xã phường theo Quyết định số 38 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên, Hà Nội vẫn còn 1.047 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ nên cần tổ chức lại các cơ sở này để quản lý hiệu quả hơn. Trên địa bàn Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng sử dụng chất phụ gia và chất cấm trong chế biến, bảo quản thực phẩm; tình trạng buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, chất cấm trong chăn nuôi còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, tình trạng giết mổ gia súc gia cầm ngay tại chợ, thức ăn đường phố vẫn là vấn đề nhức nhối, mất vệ sinh và mỹ quan.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng đánh giá, Hà Nội đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ và Chỉ thị số 13 của Thủ tướng, thể hiện là nhận thức của chính quyền cơ sở nâng lên, là cơ sở giúp nhận thức của người dân nâng lên. Hà Nội đã bố trí bộ máy cán bộ để thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm, trong đó có việc thành lập Ban chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm các cấp; đã tuyên truyền vận động đến chính quyền và người dân về an toàn thực phẩm dưới nhiều hình thức.
Thủ tướng đánh giá cao mô hình lãnh đạo quận, huyện, xã trực tiếp kiểm tra về an toàn thực phẩm tại địa bàn quản lý.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, những kết quả Hà Nội đạt được mới chỉ là bước đầu. Về tổng thể, người dân thành phố vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với chất lượng thực phẩm hiện nay. Thủ tướng lưu ý Hà Nội phải quan tâm hơn đến các làng nghề, lò mổ nhỏ, nguồn gốc thực phẩm, trong đó có thực phẩm chức năng vốn chưa có quy chuẩn.
“Các chế tài của chúng ta chưa rõ ràng, khó trong xử lý và thực thi công vụ. Công tác kiểm nghiệm chưa theo kịp thực tế, vấn đề công bố quy trình sản xuất an toàn chưa làm tốt, cơ quan kiểm tra an toàn thực phẩm một đầu mối chưa làm tốt; cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn nhiều; xử phạt chưa nghiêm. Do đó, các đồng chí phải cố gắng khắc phục những bất cập tồn tại này. Từ đó nâng lên một bước nữa là nhận thức trong toàn thành phố, hành động trong toàn thành phố và tiêu dùng trong toàn thành phố là thực phẩm sạch, tạo được niềm tin cho nhân dân Thủ đô”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội tiếp tục triển khai các nội dung của Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ, quy rõ trách nhiệm cá nhân đối với từng cán bộ chính quyền địa phương. Cùng với đó là quản lý chặt chẽ các lò giết mổ gia cầm, gia súc; tăng cường quản lý thức ăn đường phố.
Thủ tướng đề nghị:“Phải chỉ đạo quyết liệt việc quản lý thức ăn đường phố, phân cấp và giao trách nhiệm cho UBND các phường để quản lý thức ăn đường phố tốt hơn. Việc quản lý thức ăn đường phố Hà Nội phải vào nề nếp, có quy trình, được công khai, sạch sẽ, để giới thiệu ẩm thực Việt Nam thông qua Thành phố Hà Nội. Cho nên phải điều tra xử lý nghiêm một số bữa tiệc, đám cưới, bữa ăn mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Một số cửa hàng bánh mì cũng phải được quản lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân. Nếu người dân ăn bánh mì của cửa hàng A, hiệu B mà đau bụng gây ngộ độc thì phải điều tra xử lý chủ cửa hàng bánh mì đó. Phải làm rõ trách nhiệm như vậy, không để tình trạng vô trách nhiệm với nhân dân”.
Cùng với việc làm tốt công tác thanh kiểm tra, Thủ tướng chỉ đạo Lãnh đạo Thành phố Hà Nội cần thông tin kịp thời đến người tiêu dùng các cơ sở cung cấp thực phẩm an toàn và mất an toàn; tiếp tục xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm sạch cho thành phố với nhiều mô hình giống như xã chuyên canh rau Văn Đức. Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra kiểm tra các cơ sở nóng về an toàn thực phẩm.
“Các đồng chí phải mở các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm cao điểm ở các chợ, siêu thị trong thời gian tới. Cần thiết có thể đóng cửa siêu thị nếu siêu thị tiêu thụ các sản phẩm không an toàn, làm rõ trách nhiệm của các chủ siêu thị. Hà Nội cũng phải tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm tại các làng nghề sản xuất bánh mứt kẹo, giò, chả, miến tại các nơi như Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Thanh Trì”, Thủ tướng đề nghị.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng đã đồng ý để Hà Nội mở rộng thí điểm mô hình thanh tra chuyên ngành ra tất cả các huyện, xã, phường để đảm bảo đồng bộ việc kiểm tra thanh tra và xử lý vi phạm an toàn thực phẩm. Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng tổng kết mô hình thanh tra chuyên ngành Hà Nội để nhân rộng ra cả nước.
Thủ tướng giao Thành phố Hà Nội nghiên cứu mô hình lực lượng phản ứng nhanh để phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|