Thủ tướng Phạm Minh Chính: Xây dựng 'nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh'
Nhấn mạnh xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” là khát vọng rất lớn, phải thực hiện bằng được, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi nông dân phát huy tính tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất trong toàn giai cấp nông dân, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại để phát triển đất nước.
Sáng 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới".
Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.
Hơn 3.000 kiến nghị người nông dân gửi lên Thủ tướng
Phát biểu khai mạc, đồng chí Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên. Đây là Diễn đàn để Thủ tướng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương trực tiếp lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp về các vấn đề còn tồn tại, khó khăn, vướng mắc và những bất cập trong thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 được tổ chức với nhiều nét mới. Để tổng hợp các ý kiến của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thì ngoài các kênh truyền thống như: chuyên mục "Lắng nghe nông dân", qua báo cáo của các tỉnh, thành hội… thì trước đó, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức 2 Diễn đàn "Lắng nghe nông dân nói" vào tháng 10 và tháng 11 vừa qua để lắng nghe ý kiến trực tiếp của hội viên, nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên cả nước.
Thông qua các kênh khác nhau, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tiếp nhận được gần 3.000 ý kiến, kiến nghị; trong đó, tập trung vào 6 nhóm vấn đề chính.
Đó là, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách mạnh mẽ hơn để thúc đẩy và phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Chính phủ cần sớm ban hành giải pháp, chính sách đồng bộ nhằm đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024. Trong đó, đặc biệt là các giải pháp về tập trung, tích tụ đất đai nhằm khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đồng thời, Chính phủ quan tâm, nghiên cứu ban hành các giải pháp, chính sách nhằm sớm phát huy hiệu quả chương trình xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu tập trung, tiến tới tiếp tục mở rộng các vùng nguyên liệu khác, từ đó, hình thành các khu sản xuất tập trung theo hướng chất lượng cao, giảm phát thải và bảo vệ môi trường.
Gắn với đó là ban hành cơ chế, chính sách đủ mạnh để khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ khôi phục, phục hồi sản xuất nông nghiệp do tác động tiêu cực từ thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu; triển khai, mở rộng hiệu quả chính sách về bảo hiểm nông nghiệp.
Có các giải pháp, biện pháp cụ thể nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về trình độ, chất lượng của lao động nông thôn, thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị về đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của hội.
Xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết, cuộc đối thoại chủ yếu nhằm tri ân nông dân, hợp tác xã, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã đóng góp rất quan trọng trong năm 2024 để cả nước cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nhất là lĩnh vực nông nghiệp có thành tích rất ấn tượng, xuất, nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỷ USD, cao hơn mục tiêu 55 tỷ USD mà Thủ tướng giao; khẳng định vị thế, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước.
Đánh giá cao cuộc đối thoại diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, hiệu quả, đề cập tới nhiều vấn đề khác nhau, góp phần giải quyết được một số vướng mắc, ách tắc với tinh thần xuất phát từ thực tiễn.
Thủ tướng nhấn mạnh xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” là khát vọng rất lớn, phải thực hiện bằng được.
Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay Đảng, Nhà nước, Chính phủ định hướng 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đối với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Theo đó, về thể chế, cơ chế, chính sách, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hiện nay Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang tích cực tháo gỡ khó khăn về thể chế. Từ thực tiễn trong hoạt động hiện nay, đề nghị các cấp chính quyền và người dân tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, ưu tiên phát triển; việc tháo gỡ nút thắt phải xuất phát từ thực tiễn. Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng giáo dục, y tế.
Về công tác quy hoạch, các cấp chính quyền phải quan tâm đến xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Rà soát lại Luật Đất đai để phát huy tối đa hiệu quả trong việc sử dụng đất. Thực hiện liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường. Khai thác hiệu quả không gian biển, không gian vũ trụ, không gian ngầm trong phát triển nông nghiệp.
Liên quan đến vốn và bảo hiểm nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xây dựng các gói tín dụng ưu đãi để khuyến khích người nông dân; khuyến khích người dân đóng bảo hiểm. Bên cạnh đó, phải phát triển doanh nghiệp để tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Liên kết giữa doanh nghiệp - nông thôn và người nông dân chặt chẽ.
Bên cạnh đó, phải phát triển thị trường các sản phẩm nông nghiệp; mở rộng các thị trường xuất khẩu. Người nông dân sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm “sạch - đẹp - bắt mắt - thuận tiện cho người sử dụng”.
Các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà khoa học cùng chung tay nghiên cứu, hướng dẫn người dân trong xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm. Phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong sản xuất nông nghiệp.
Cùng đó, xây dựng nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp có chất lượng cao; thực hiện chuyển đổi hóa nguồn nhân lực nông nghiệp tại chỗ “ly nông nhưng không ly hương”; thực hiện công nghiệp hóa, nông nghiệp hóa. Khai thác sức mạnh của văn hóa trong phát triển nông nghiệp; kêu gọi thu hút các nhà đầu tư trong phát triển văn hóa nông nghiệp, gắn với phát triển du lịch.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hệ thống chính trị ở cơ sở phải luôn nắm bắt tư tưởng của người nông dân; tích cực tuyên truyền các cơ chế, chính sách mới đến người nông dân; đồng thời, đề xuất cơ chế, chính sách xuất phát từ thực tiễn…
Thủ tướng Chính phủ kêu gọi tính tự lực, tự cường, đoàn kết, thống nhất trong toàn giai cấp nông dân, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại để phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành, cơ quan tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện, trình ban hành sản phẩm cụ thể, phù hợp sau Hội nghị để tổ chức triển khai hiệu quả, đồng bộ.