Đầu năm 2019, chúng tôi bắt đầu biết đến thác Liếp, xã biên giới Thanh Sơn (Thanh Chương) qua mạng xã hội facebook. Thác Liếp được mô tả có phong cảnh đẹp tự nhiên, có làn nước xanh trong, mát rượi… Cũng qua facebook, biết một vài cán bộ, người dân Thanh Sơn ấp ủ khát vọng đưa thác Liếp trở thành một điểm du lịch sinh thái, từ đó, tạo thêm sinh kế cho người dân nơi đây.
Để khát vọng trở thành hiện thực, qua thông tin hình ảnh quảng bá trên facebook, thấy cách làm của họ giản đơn là phát quang cây leo, cỏ bụi, trồng một số cây hoa, dựng lên vài lán trại tạm bợ để lấy chỗ phục vụ thức uống, đồ ăn cho những người đến thác thưởng lãm cảnh quan thác Liếp khi có nhu cầu. Chỉ thế thôi nhưng nhiều hình ảnh cho thấy vào những ngày hè nóng bức, thác Liếp đông kín khách; và còn có cả khách ngoại quốc. Thế rồi đến khoảng đầu tháng 9/2022, lại nghe tin những hoạt động kinh doanh du lịch “khảo nghiệm” ở thác Liếp đã phải dừng lại. Lý do, vì chính quyền không cho phép.
Băn khoăn hỏi người thường quảng bá thác Liếp (chủ tài khoản facebook Hoa Xương Rồng), được biết do có một vài ý kiến trên mạng xã hội cho rằng ở thác Liếp có việc dựng nhà kinh doanh trái phép trên đất rừng phòng hộ. Theo chị, người loan tải thông tin đã hiểu lầm, nhưng “vì chính quyền đã có ý kiến thì phải chấp hành”. Ít ngày sau, facebook Hoa Xương Rồng chuyển cho chúng tôi một bản tường trình xung quanh phản ánh “lấn chiếm đất rừng phòng hộ để làm du lịch trái phép tại thác Liếp” gửi UBND huyện Thanh Chương, Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch huyện Thanh Chương.
Người đứng tên trong bản tường trình là chị Lô Thị Thêu – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh Sơn, đồng thời là chủ cơ sở bán hàng điểm thác Liếp. Tại đây khẳng định thông tin trên mạng xã hội về tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ ở thác Liếp để mở nhà hàng trái phép là không đúng sự thật. Theo chị Thêu, vào năm 2019, thời điểm còn là Phó Bí thư Đoàn xã Thanh Sơn thường cùng các đoàn viên vào thác Liếp thu dọn rác thải do dân trong xã vào thác tắm thải ra. Nhận thấy ở đây có tiềm năng du lịch nên có ý tưởng vào thác Liếp chăn nuôi và mở quán ăn phục vụ khách trong vùng. Ở gần thác, có đất lâm nghiệp của các hộ dân Thanh Sơn được Nhà nước giao đang trồng keo. Vì vậy, chị thuê đất trồng trọt, chăn nuôi, góp tiền mở rộng đường vào khe Liếp, đồng thời khai hoang, phát sẻ cây bụi ven khe. Đến đầu năm 2020, thì cùng các chị Lô Thị Thìn, chị Lương Thị Canh Ngọ (đều trú tại bản Thanh Dương) xin lãnh đạo UBND xã Thanh Sơn, Ban Quản lý bản Thanh Dương, Đồn Biên Phòng Ngọc Lâm cho làm lán trại thử nghiệm dịch vụ du lịch cộng đồng.
Lán trại đã được dựng nhưng đến tháng 6/2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên họ chỉ bám trụ để bảo vệ tài sản. Tháng 3/2022, khi dịch bệnh Covid lắng xuống, chị được Phòng VH-TT huyện động viên, cử đi tập huấn du lịch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Sau đó, cùng các thành viên Lô Thị Thìn, Lương Thị Canh Ngọ tu sửa, nâng cấp lán trại, quảng bá hình ảnh thác Liếp, xây dựng hình ảnh văn hóa ẩm thực, văn hóa con người vùng đất Thanh Sơn. Với những hoạt động cụ thể này, thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực Thác Liếp đã được biết đến nhiều hơn, như một điểm du lịch sinh thái của huyện Thanh Chương.
Về ranh giới đất rừng phòng hộ nằm phía trong, có mốc giới cách lán trại dịch vụ đến khoảng 50m. Vì vậy tại bản tường trình, chị Lô Thị Thìn khẳng định phản ánh việc lấn chiếm đất rừng phòng hộ để làm nhà hàng là chưa khách quan, chưa đúng bản chất sự việc. Chị viết “Chúng tôi đang ở giai đoạn đầu trải nghiệm, rất mới mẻ và có phần chủ quan, chưa xin làm giấy phép kinh doanh, cũng chưa đăng ký làm du lịch vì chưa thấy chưa đủ điều kiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ đi kèm. Chúng tôi làm với mong muốn lan tỏa một điểm du lịch hấp dẫn. 3 năm nay tôi chưa hề nhận được sự phản ánh nào từ người dân về ô nhiễm môi trường hay làm biến dạng không gian thác Liếp. Tôi cam kết những điều mình viết là đúng sự thật. Để có thể tiếp tục phát triển đúng theo định hướng và tuân thủ pháp luật, tôi rất cầu thị và kính mong lãnh đạo chính quyền các cấp, các ban ngành liên quan tạo điều kiện và quan tâm giúp đỡ”.
Với những thông tin trên, chúng tôi đã liên hệ ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương. Qua điện thoại, ông Nhã cho biết một số cán bộ thực thi công vụ đã có sự cứng nhắc, thiếu tìm hiểu thực tiễn của cơ sở khi dừng các hoạt động dịch vụ tại thác Liếp. Với ông, dù những hoạt động dịch vụ tại thác Liếp còn mang tính tự phát, khảo nghiệm nhưng cần ghi nhận, bởi đã góp phần lan tỏa một địa danh có tiềm năng du lịch của huyện, và ít nhiều thay đổi tư duy đồng bào vùng tái định cư. Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương trao đổi: “Huyện đã xây dựng Đề án phát triển du lịch. Thác Liếp được xác định sẽ có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng để trở thành một trong những điểm du lịch trọng tâm của Thanh Chương, và có những định hướng khai thác bài bản trong tương lai gần để giúp vùng đất khó Thanh Sơn phát triển…”.
Gần 3 tháng sau, trong ngày cuối năm ngược Thanh Sơn tìm hiểu việc xử lý tồn đọng trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư thủy điện Bản Vẽ, chúng tôi được các cán bộ xã Thanh Sơn là Bí thư Đảng ủy Lô Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Đức Thông dẫn vào thăm thác Liếp. Từ trụ sở xã vào thác chỉ khoảng 3km, đã có con đường bê tông phẳng, khá rộng dẫn đến tận nơi.
Thác Liếp không có độ cao của thác Kèm (Con Cuông), không lớn như thác Bảy Tầng (Quế Phong)…, nhưng tự nhiên, hoang sơ, và có nét đẹp riêng. Thác kéo dài chừng hơn 100m, là một phần của khe Lý, có những khối đá bàn có xoáy vân màu gan gà đẹp mắt, phẳng, lớn, xếp chồng lớp lên nhau tạo thành những hình thù đẹp, lạ. Những dòng nước trong vắt xuyên qua khe đá, tràn trên bề mặt đá, tạo thành những dòng thác, tung bọt nước trắng xóa. Dưới những thác nước, có những vùng trũng tạo thành những hồ nước trong thấu đáy. Dọc theo thác, là vùng rừng sản xuất nối với rừng phòng hộ, có nhiều cây cối xanh tươi, tạo thêm cho thác Liếp cảnh đẹp tự nhiên luôn có không gian mát lành…
Gần với thác Liếp, những lán trại dịch vụ vẫn còn, nhưng tạm bợ, đúng với tính chất tự phát, thử nghiệm. Quan sát vị trí đặt hệ thống lán trại, cách khá xa mốc giới rừng phòng hộ nhưng không phù hợp vì chắn mất tầm nhìn vào thác. Nói với các anh Lô Văn Nguyên, Lương Đức Thông điều này, họ nhìn nhận, và bày tỏ mong muốn được huyện và các cơ quan chức năng giúp đỡ để thác Liếp trở thành điểm du lịch. Bí thư Đảng ủy Lô Văn Nguyên trao đổi: “Anh Nhã Chủ tịch huyện cũng nói với tôi, Thanh Sơn có tiềm năng như thế thì mình phải khai thác, xã phải cố gắng để thác Liếp trở thành điểm du lịch đúng như đề án của huyện, để bà con nơi đây được phát triển. Về phía xã sẽ nỗ lực. Nhưng mong cấp trên hướng dẫn, giúp đỡ, nhất là về quy trình để làm cho đúng…”.
Bên thác Liếp, chúng tôi được gặp hai chị Lô Thị Thêu, Lô Thị Thìn. Đây là những phụ nữ dân tộc Thái, cũng như hầu hết đồng bào Thanh Sơn, đều từ những bản làng xa xôi xã Kim Đa, huyện Tương Dương về đây tái định cư. Nhắc lại chuyện không vui hồi tháng 9, họ cho biết trước đây hai bên thác Liếp chỉ là đất rừng sình lầy ven khe, vực sâu. Do người dân không trồng được cây keo nên đồng ý cho mượn làm lán quán. Quá trình hoạt động dịch vụ, họ đảm bảo vệ sinh khu vực bãi tắm, vệ sinh kín, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn khi có yêu cầu; và còn ký cam kết với UBND xã đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như chấp hành các quy định, quy ước của địa phương. Vì vậy “khi nghe tin bị đình chỉ hoạt động dịch vụ, bọn em rơi nước mắt mà không biết làm sao”.
Thuật lại những trao đổi của ông Trình Văn Nhã – Chủ tịch UBND huyện hồi tháng 9, chị Thêu cho biết cách đây một tuần, chị đã nộp hồ sơ xin thành lập Hợp tác xã Thương mại du lịch nông nghiệp thác Liếp. Đồng thời, cũng đã gọi điện xin ý kiến Chủ tịch huyện và được ủng hộ. Hỏi về những dự định trong tương lai của Hợp tác xã, chị Lô Thị Thêu nói: “Hợp tác xã sẽ được xây dựng theo 3 xu hướng, gồm hệ thống phục vụ ăn uống tại chỗ và lưu động; hệ thống homestay bản làng ngoài thác và famstay; hệ thống gian hàng bán và cho thuê các dịch vụ + thương mại nông nghiệp…”.
Làm nghề báo, chúng tôi đã đến nhiều vùng cao có hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái. Như ở Hạnh Dịch (Quế Phong), nơi có bản Thái cổ Mường Đán gắn với thác Bảy Tầng và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, người dân tổ chức hoạt động dịch vụ du lịch rất bài bản, hiệu quả. Vùng ngoài thác Bảy Tầng, có khá nhiều lán trại được làm theo thiết kế mẫu, sử dụng vật liệu tre, mét, tranh rất thân thiện môi trường; hai bên và phía trong thác, có những tuyến đường đi bộ ngắm cảnh được tạo bằng hệ thống thang sắt có lan can để tránh tác động đến hệ sinh thái rừng… Nói ra niềm mong của cán bộ nhân dân Thanh Sơn, kể về những điều đã thấy ở thác Bảy Tầng với lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Chương. Các anh cho biết, đơn vị cũng có chức năng trong lĩnh vực du lịch, nên sẵn sàng giúp đỡ Thanh Sơn nếu huyện cùng vào cuộc…
Chúng tôi cũng đã liên hệ huyện Thanh Chương để được tiếp cận Đề án Phát triển du lịch huyện Thanh Chương giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo. Tại đây, huyện Thanh Chương xác định vùng tái định cư hai xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của cácđồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, trong đề án thì đã chỉ đạo UBND hai xã Thanh Sơn, Ngọc Lâm xây dựng không gian văn hóa cộng đồng và du lịch cộng đồng thác Liếp, thác Mưa. Riêng với Thanh Sơn, đã giao các đơn vị liên quan rà soát, quy hoạch tuyến “Du lịch trải nghiệm văn hóa dân tộc thiểu số khu vực thác Liếp tại xã Thanh Sơn” để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch… Và năm nay, huyện Thanh Chương đã đầu tư tuyến đường bê tông mới dẫn vào thác Liếp.
Chuyển những thông tin này đến lãnh đạo xã Thanh Sơn cùng các chị Lô Thị Thêu, Lô Thị Thìn. Họ rất vui, và nói rằng sẽ tổ chức một chuyến lên Hạnh Dịch để “học tập xã bạn”. Như chị Lô Thị Thêu, còn tâm sự: “Duy trì được hoạt động dịch vụ du lịch, chúng tôi sẽ có cơ hội tạo ra thu nhập, góp phần tiêu thụ sản phẩm của địa phương, lan tỏa hình ảnh du lịch của huyện Thanh Chương, và giúp đồng bào tái định cư có thêm sinh kế, để vùng biên cương thêm an toàn, ổn định…”./.