Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

29/01/2017 16:28

(Baonghean) - Báo Nghệ An giới thiệu bài viết của đống chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An về phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn mới.

Nhận thức sâu sắc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp là yếu tố quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người, bảo đảm nông nghiệp phát triển bền vững. Thời gian qua, Nghệ An đã quán triệt sự chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều giải pháp, đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT kiểm tra cơ sở sản xuất giống bằng công nghệ nuôi cấy mô của Công ty Thanh Thành Đạt tại xã Thanh Hà (Thanh Chương).Ảnh: Văn Đoàn
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Giám đốc Sở NN&PTNT kiểm tra cơ sở sản xuất giống bằng công nghệ nuôi cấy mô của Công ty Thanh Thành Đạt tại xã Thanh Hà (Thanh Chương).
Ảnh: Văn Đoàn

Có thể nói, một kết quả nổi bật là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao và được Chính phủ cho phép xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Nghĩa Đàn. Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu HĐND tỉnh ban hành chính sách ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, tạo đà thu hút được một số doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông nghiệp cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh sản xuất và chế biến sữa. Đặc biệt, Nghệ An cũng là một trong những tỉnh, thành đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu và du nhập các công nghệ mới của thế giới vào áp dụng đạt kết quả đáng ghi nhận.

Trước hết, về công nghệ sinh học, Nghệ An là một trong những tỉnh đi đầu trong áp dụng các tiến bộ về giống; xác định bộ giống ngô, lúa, cây ăn quả phù hợp với vùng sinh thái, cho năng suất, chất lượng tốt. Trong đó, lúa là cây chủ lực đã chuyển từ năng suất cao sang chất lượng cao theo hướng giảm lúa lai chất lượng kém, tăng nhanh diện tích lúa thuần chất lượng tốt. Đã du nhập giống chanh leo Đài Loan, khôi phục giống cây đặc sản có múi như cam Xã Đoài, bưởi hồng Quang Tiến. Về chăn nuôi, ngoài chương trình cải tạo đàn bò, đàn lợn đã du nhập giống bò thịt Úc, Nhật Bản, một số giống lợn và gia cầm mới đều có năng suất, chất lượng cao và sinh sản tốt như bò 3 bê do doanh nghiệp Kiều Phương du nhập đưa về. Hoặc giống bò sữa Úc do Tập đoàn TH, Vinamilk nhập vào đều có sản lượng sữa đạt bình quân 40 - 45 lít sữa/con/ngày, gấp 1,5 - 2 lần so với bò sữa giống cũ.

Cùng với đó, công nghệ sản xuất được cải tiến ứng dụng nhanh như: 100% giống chanh leo ứng dụng công nghệ ghép của Đài Loan, 100% giống chè công nghiệp và giống cây lâm nghiệp nguyên liệu phục vụ sản xuất sử dụng phương pháp dâm cành; ứng dụng và nhân nhanh quy trình thâm canh cải tiến SRI, IPM trong sản xuất lúa; áp dụng sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) tại các vùng chuyên canh rau; sản xuất dưa lưới, rau xanh trong nhà kính, nhà lưới. Ứng dụng tưới tiêu nhỏ giọt công nghệ kiểu Israel cho một số cây trồng trên đồi như: mía, cam ở vùng chuyên canh mía, cây ăn quả Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp. Các doanh nghiệp chăn nuôi đã tiếp nhận, thực hiện quy trình chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh các nước tiên tiến (Úc, New ZaeLand), du nhập và áp dụng một số công nghệ chế biến tiên tiến thế giới như công nghệ chế biến sữa tại Tập đoàn TH và Công ty CP sữa Vinamilk, chế biến gỗ MDF công nghệ châu Âu của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm, chế biến chanh leo và một số hoa quả của Công ty CP Thực phẩm Na Foods; công nghệ sản xuất đường ở Công ty Mía đường Nghệ An…

Kỹ sư trẻ Hà Thị Nga miệt mài với công trình nhân giống lâm nghiệp bằng phương pháp cấy mô(Tại trung tâm sản xuất giống thuộc Công ty TNHH Thanh thành Đạt).
Kỹ sư trẻ Hà Thị Nga miệt mài với công trình nhân giống lâm nghiệp bằng phương pháp cấy mô(Tại trung tâm sản xuất giống thuộc Công ty TNHH Thanh thành Đạt).

Tuy nhiên, kết quả đó vẫn rất khiêm tốn và còn nhiều hạn chế. Trong đó hạn chế lớn nhất là việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn ít, lại chưa đồng bộ từ sản xuất đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ (trừ Tập đoàn TH, Vinamilk). Hầu hết mới ứng dụng công nghệ cao ở từng khâu, do đó hiệu quả mang lại chưa cao. Chẳng hạn, chè Nghệ An về năng suất đứng vào tốp đầu của cả nước, nhưng công nghệ chế biến chưa phải cao, dẫn tới sản phẩm chủ yếu xuất thô giá trị hiệu quả thấp. Hoặc trong chăn nuôi đã du nhập được giống mới bò Úc, Nhật Bản, giống gia cầm năng suất cao nhưng lại chưa có cơ sở chế biến công nghiệp công nghệ cao, tiêu thụ khó. Mặt khác, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất các sản phẩm phân tán, nhỏ lẻ, một số đang dừng lại ở dạng đầu tư mô hình. Những vấn đề trên dẫn tới sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn trong tình trạng manh mún, chất lượng thấp, chưa tạo nông sản hàng hóa lớn tập trung, chưa đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm…

Do vậy, để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, vấn đề cần được quan tâm giải quyết là sớm khắc phục những yếu kém, hạn chế đó. Muốn vậy, thời gian tới Nghệ An cần thực hiện tốt 4 vấn đề:

Thứ nhất, rà soát bổ sung hoàn thiện quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng cao cho từng nông sản phẩm, tạo tiền đề cho thu hút đầu tư, tạo bước đi vững chắc.

Thứ hai, tiếp tục quan tâm ứng dụng công nghệ sinh học, gắn du nhập giống mới với công nghệ mới hiện đại, mang tính toàn cầu để bổ sung thường xuyên.

Thứ ba, ứng dụng đồng bộ công nghệ cao từ sản xuất, chăm sóc, quản lý dịch bệnh đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ.

Thứ tư, phải phân kỳ lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh để đầu tư, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, cái gì cũng làm nhưng chẳng có cái gì “ra tấm, ra miếng”. Trong trồng trọt tập trung vào sản xuất chế biến chè, nâng cao chất lượng lạc Nghệ An; ứng dụng đồng bộ các công nghệ kỹ thuật vào vùng rau, vùng cây ăn quả (cam, chanh leo, bưởi) an toàn. Đối với cây ăn quả tập trung đầu tư vào quy trình sản xuất, quản lý chăm sóc đặc biệt phòng trừ dịch bệnh, bảo quản chế biến. Trong chăn nuôi quan tâm các vấn đề: Nhập giống mới, công nghệ chăn nuôi, quản lý dịch bệnh tiên tiến và thu hút đầu tư để có nhà đầu tư mạnh đầu tư vào chế biến và tiêu thụ.

Thứ năm, sớm rà soát, bổ sung, hoàn thiện và ban hành chính sách đủ mạnh, làm đòn bẩy tích tụ đất đai, hỗ trợ thu hút các doanh nghiệp mạnh, tâm huyết vào đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp du nhập công nghệ mới, giống mới…

Sử dụng công nghệ tự động hóa vào vắt sữa bò ở Trang trại bò sữa TH (Nghĩa Đàn). Ảnh: P.V
Sử dụng công nghệ tự động hóa vào vắt sữa bò ở Trang trại bò sữa TH (Nghĩa Đàn). Ảnh: P.V

Với nhận thức nông nghiệp công nghệ cao vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển ngành Nông nghiệp, cùng với những thành công ban đầu trong thực hiện đồng bộ công nghệ cao tại các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là việc ứng dụng công nghệ cao để chăn nuôi bò, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sữa của Tập đoàn TH và Vinamilk và sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc của các ban ngành liên quan, chắc chắn Nghệ An sẽ thực hiện tốt các giải pháp nêu trên để đưa công nghệ cao vào sản xuất, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, góp phần khai thác tốt tiềm năng lợi thế, thực hiện thành công đề án tái cơ cấu trong nông nghiệp.

Hoàng Nghĩa Hiếu

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO