Thực hiện thỏa thuận tài nguyên Mỹ-Ukraine đối mặt thách thức lớn
Theo các chuyên gia, thỏa thuận khai thác tài nguyên khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine khó có thể nhanh chóng mang lại kết quả.

Theo hãng TASS ngày 4/5, các rào cản về hậu cần và kinh tế sẽ khiến việc thực hiện thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine trở nên khó khăn. Đây là nội dung được tờ Washington Post đề cập trong cuộc trò chuyện với các chuyên gia người Mỹ.
Như đã lưu ý, thỏa thuận này khó có thể thành hiện thực nhanh chóng: nguồn cung titan, than chì và lithium thực sự sẽ chỉ bắt đầu trong tương lai xa, và triển vọng cho ngành dầu khí còn hạn chế.
"Có nhiều yếu tố có thể khiến các công ty Mỹ cảnh giác với dầu khí ở Ukraine. Tôi không nghĩ rằng, các công ty lớn có khả năng hoạt động trên toàn thế giới sẽ thấy Ukraine có tính cạnh tranh về mặt đầu tư. Có lẽ các công ty độc lập nhỏ hơn sẽ muốn chấp nhận rủi ro", Ben Cahill, một chuyên gia năng lượng tại Đại học Texas cho biết.
Ashley Zumwalt-Forbes, cựu quan chức Bộ Năng lượng Mỹ, nói với Washington Post rằng: "Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc tìm kinh phí để khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Mỹ, Canada và Australia. Hãy tưởng tượng xem sẽ khó khăn đến mức nào để tìm tiền để làm điều tương tự ở Ukraine".
Việc ký kết thỏa thuận giữa Ukraine và Hoa Kỳ về tài nguyên khoáng sản đất hiếm đã được công bố vào ngày 1/5. Dự kiến Quốc hội Ukraine sẽ bỏ phiếu về văn kiện này vào ngày 8/5. Theo báo cáo của Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko, theo thỏa thuận, Kiev đóng góp 50% toàn bộ thu nhập từ tiền thuê đất mới và giấy phép mới để khai thác khoáng sản tại các khu vực mới vào quỹ đầu tư song phương – hay còn gọi là “Quỹ Tái thiết Ukraine”, đang được thành lập. Mỹ và Ukraine sẽ có quyền như nhau trong việc quản lý quỹ.
Thỏa thuận không quy định về nghĩa vụ nợ trực tiếp của Ukraine đối với Mỹ, cũng không bao gồm bất kỳ đảm bảo an ninh nào từ Washington.