Kinh tế

Thuốc 'chữa khỏi ung thư' tràn lan trên mạng xã hội

Văn Trường 18/04/2025 08:23

Thực phẩm chức năng và thuốc đặc trị giả đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Nhiều sản phẩm được quảng cáo với công dụng "thần kỳ", thậm chí chữa khỏi ung thư...

van truong 1
Sản phẩm có tên Tiêu ung Minh Khang được quảng cáo rầm rộ với công dụng “giúp teo các loại u bướu, ung thư không cần mổ". Ảnh: P.V

Quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội

Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube, tình trạng quảng cáo mạo danh "lương y gia truyền" để bán các loại thuốc Đông y đang diễn ra tràn lan. Những lời quảng bá được thổi phồng như “chữa dứt điểm tiểu đường”, “điều trị khỏi ung thư không cần mổ”, hay “không khỏi không lấy tiền” xuất hiện với tần suất dày đặc, đánh vào tâm lý người bệnh.

van truong 3
Thuốc tiêu ung Minh Khang sau khi pha với nước. Ảnh: P.V

Điển hình là tại một trang Facebook, thuốc Đông y tiêu ung Minh Khang cũng được quảng cáo rầm rộ với công dụng “giúp teo các loại u bướu, ung thư không cần mổ”.

Trong vai một bệnh nhân bị u tuyến giáp, khi chúng tôi liên hệ đến số điện thoại được đăng trên trang, một phụ nữ tự nhận là chủ cơ sở cho biết: “Các loại u bướu và ung thư dùng thuốc Tây có thể không khỏi, nhưng tôi chữa là khỏi. U tuyến giáp là loại đơn giản, chỉ cần uống 1 liệu trình gồm 6 lọ thuốc, mỗi lọ giá 320.000 đồng, tổng cộng gần 2 triệu đồng là sẽ teo u”.

Theo lời người này, sản phẩm là thuốc lá Nam được nấu thành cao. Người phụ nữ này cho biết, mình đang sinh sống tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Trang Facebook này còn quảng cáo nhiều sản phẩm khác như: thuốc chữa xơ gan với cam kết “giảm 80% sau một liệu trình”…

Đặc biệt là trường hợp gần đây trên Facebook có tên “Nhà thuốc xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội)” đăng tải video một người mặc áo bluose trắng đứng ra cam kết chữa khỏi bệnh tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 bằng thực phẩm chức năng chỉ sau 1 liệu trình với mức giá gần 2 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, sản phẩm này còn gắn mác "phát sóng trên VTV1" nhằm tạo niềm tin giả tạo cho người mua. Tuy nhiên, theo xác minh từ Đài Truyền hình Việt Nam, đây là hành vi quảng cáo giả mạo, sai sự thật, không được cấp phép.

van truong 2
“Nhà thuốc xã Ba Trại, huyện Ba Vì (Hà Nội)” gắn mác "phát sóng trên VTV1" để lừa đảo. Ảnh: P.V

Không chỉ thuốc trị bệnh, các sản phẩm như bổ gan, bổ thận, trị xương khớp, làm đẹp da, đen tóc... cũng được quảng cáo rầm rộ, có khi kèm theo hình ảnh người nổi tiếng nhằm đánh vào tâm lý “mua vì thần tượng”. Kết quả là không ít người tiêu dùng "tiền mất tật mang".

van truong mửt
Bà Nguyễn Thị L. ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành bị phù chân, suy tuyến thượng thận do sử dụng thuốc chữa khớp mua trên mạng. Ảnh: P.V

Theo các chuyên gia, nhiều loại thuốc Đông y trôi nổi hiện nay bị tẩm ướp chất bảo quản, chì độc hại, có thể gây suy gan, suy thận nếu sử dụng lâu dài.

Mới đây, bà Nguyễn Thị L. (75 tuổi) ở xã Nam Thành, huyện Yên Thành phải nhập viện điều trị vì bị suy thận. Trước đó, khi xem quảng cáo trên YouTube đã mua thuốc Đông y trị xương khớp từ một cơ sở ở Thanh Hóa với chi phí hơn 9 triệu đồng cho 1 liệu trình kéo dài 1 năm. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm, ngược lại bà bị phù nề, đi khám bệnh viện được các bác sĩ chẩn đoán suy tuyến thượng thận do sử dụng thuốc trôi nổi.

Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhấn mạnh rằng, hiện nay, trên các trang mạng xã hội đang tràn lan các nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng, đặc biệt phổ biến trên các nền tảng như Facebook, TikTok, Shopee... bằng những lời lẽ hoa mỹ, thiếu kiểm chứng.

Trước thực trạng đó, thời gian vừa qua, Bộ Công an khuyến cáo nhân dân nâng cao cảnh giác khi mua và sử dụng các sản phẩm thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại sản phẩm mang các nhãn hiệu như: “Cao viên khớp Bách Thảo”, “Cao bôi An trĩ vương”, “Cao bôi tiêu trĩ vương”, “An Khớp đan”, “Phục cốt thanh”, “Viên xương khớp ĐB”… đã bị ngành chức năng xử lý.

Cần tăng cường công tác quản lý

Ông Nguyễn Hồng Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh, người tiêu dùng có xu hướng mua sắm online nhiều hơn. Tuy nhiên, không ít website, ứng dụng, mạng xã hội đang trở thành nơi bày bán hàng giả, hàng nhập lậu, gây thiệt hại lớn cho người mua và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

van truong 356
Một loại thực phẩm chức năng quảng cáo chữa được ung thư. Ảnh: P.V

Nghệ An - một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh doanh thương mại điện tử khá nhanh, hiện đứng thứ 14/63 tỉnh, thành trong cả nước. Toàn tỉnh hiện có 534 website bán hàng, 4 sàn giao dịch và 2 ứng dụng di động của các tổ chức, cá nhân đã thực hiện thông báo và đăng ký với Bộ Công Thương.

Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống gian lận thương mại điện tử, vẫn còn nhiều khó khăn. Phần lớn người tiêu dùng vẫn mua hàng qua các nền tảng chưa được Bộ Công Thương xác nhận. Các giao dịch thường diễn ra qua tin nhắn, không có hóa đơn, hợp đồng minh bạch, đây chính là kẽ hở để hàng giả len lỏi vào thị trường.

Ngoài ra, các group Facebook, Zalo, Telegram, TikTok, YouTube đang trở thành “chợ đen” buôn bán thuốc giả, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Nhiều người bán mạo danh bác sĩ, chuyên gia, thậm chí cả cơ quan truyền thông lớn để quảng bá sản phẩm. Điều này khiến người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi và bệnh nhân dễ bị lừa đảo. Thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp người dân Nghệ An là nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo này.

van truong m
Thuốc Đông y quảng cáo trên mạng 5 ngày chữa khỏi viêm da. Ảnh: P.V

Việc đăng ký mở website và mua tên miền nước ngoài hiện nay cũng rất dễ dàng. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, các cá nhân, tổ chức đã có thể lập một trang bán hàng "ảo" mà không cần thông qua sự kiểm duyệt từ cơ quan chức năng. Khi bị phản ánh, họ lập tức xóa bỏ dấu vết hoặc chuyển sang địa điểm mới để tiếp tục hoạt động, khiến công tác quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.

Tại Nghệ An, trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử phạt nhiều website bán hàng vi phạm. Theo báo cáo, từ đầu năm 2024 đến nay, Cục Quản lý thị trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý 28 vụ việc liên quan đến thương mại điện tử, với số tiền xử phạt hành chính lên đến hơn 623 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm: buôn bán hàng giả mạo nhãn hiệu, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên Internet.

bna_van-truong-3-5dfaaaeaad6b310ccdd9d98380228f0b.jpg
Lực lượng chức năng bắt một vụ buôn bán thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc ở huyện Diễn Châu. Ảnh: P.V

Để phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng vi phạm, Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã triển khai nhiều giải pháp: Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ phân biệt hàng thật, hàng giả cho cán bộ, phân công kiểm soát viên có chuyên môn về công nghệ thông tin để theo dõi, lập danh sách tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng khác để giám sát, truy tìm đường dây, ổ nhóm, kho hàng phục vụ cho hoạt động bán hàng online, livestream trên mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube…

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm trong thương mại điện tử, cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành và chính quyền địa phương. Đồng thời, cần xử lý cả các tổ chức phát hành quảng cáo khi nội dung chưa được thẩm định.

van truongm
Đồ họa: Hữu Quân

Các cơ quan chức năng khác cũng cần tích cực truy vết các đối tượng đứng sau các website giả mạo, xử lý nghiêm những hành vi gian dối để làm gương răn đe. Đặc biệt, các trường hợp quảng cáo sai sự thật, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cần được xử lý hình sự.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Thuốc 'chữa khỏi ung thư' tràn lan trên mạng xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO