Pháp luật

Việc trồng dược liệu của Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh tác động tiêu cực đến rừng phòng hộ đầu nguồn Puxailaileng?

Nhóm PV Pháp luật - Bạn đọc 30/10/2024 13:06

Bắt đầu từ tháng 10/2023, Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh triển khai trồng cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn) – lõi vùng bảo tồn đa dạng sinh học Puxailaileng; vậy nhưng, thời gian thực hiện mới hơn 1 năm đã có đơn của công dân “tố” hành vi xâm hại rừng phòng hộ đầu nguồn.

Đơn tố giác hành vi xâm hại rừng đầu nguồn

Trung tuần tháng 10/2024, Báo Nghệ An tiếp nhận đơn kiến nghị của công dân về một số nội dung liên quan việc triển khai dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng của Công ty CP Tập đoàn y dược sâm Ngọc Linh tại khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Theo đơn, từ ngày 24/10/2023, Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh tổ chức thuê khoán người dân phát dọn thực bì, xới đất lên luống để trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu khác dưới tán rừng.

z5929174679486_8482c52a215c19c1e013e4231121f1c3.jpg
Hành vi phát rừng để tạo mặt bằng trồng cây sâm Ngọc Linh (ảnh công dân có đơn cung cấp)
z5929174614940_310a1585fec8af307bf9c4f3304e70b3.jpg
Hành vi phát rừng để tạo mặt bằng trồng cây sâm Ngọc Linh (ảnh công dân có đơn cung cấp)

Về khu vực trồng sâm Ngọc Linh là rừng phòng hộ đầu nguồn do Ban quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn quản lý. Nơi đây, là vùng núi có độ dốc cao, phương án và hồ sơ thiết kế yêu cầu trồng dược liệu phải gắn với bảo vệ rừng, không được chặt cây to; không được đào, chặt rễ cây; không được tác động tiêu cực đến hệ sinh thái rừng… Vậy nhưng, để triển khai trồng cây sâm Ngọc Linh, Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh chỉ đạo chặt cây gỗ rừng để làm lán cho công nhân ở, khu vực làm lán đã chặt cây gỗ và dọn sạch các loại tre, nứa.

Đồng thời, Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh đã yêu cầu công nhân chặt cây gỗ, chặt rễ cây, đào gốc nứa, đào cuốc đất để tạo mặt bằng trồng sâm Ngọc Linh, quá trình làm luống trồng sâm, còn chỉ đạo chặt tỉa cây gỗ xung quanh lấy làm cọc vỉa luống. Những hành vi này ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái rừng, gây xói mòn đất, thậm chí bị sạt lở đất trong mùa mưa.

z5973309326113_fcd7656a2046ce8d3e8c08f94c2f5c56.jpg
Hình ảnh tạo mặt bằng, làm luống trồng cây sâm Ngọc Linh (ảnh công dân có đơn cung cấp)

Vào ngày 6/11/2023, đoàn kiểm tra UBND xã Na Ngoi cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn, Trạm quản lý rừng phòng hộ Na Ngoi đã lên kiểm tra đột xuất tại hiện trường, nơi Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh thực hiện trồng sâm. Thời điểm này, cán bộ kiểm lâm địa bàn đã yêu cầu cung cấp các loại hồ sơ trồng cây dược liệu dưới tán rừng, nhưng Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh không xuất trình được hồ sơ.

Sau khi kiểm tra hiện trạng rừng, cán bộ kiểm lâm địa bàn đã thông báo vùng trồng sâm Ngọc Linh là rừng phòng hộ đầu nguồn, hiện trạng rừng là rừng hỗn giao gỗ tre nứa; đồng thời kết luận hành vi của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh thực hiện là đã xâm hại rừng phòng hộ đầu nguồn.

“Sau đó, đoàn kiểm tra UBND xã Na Ngoi đình chỉ mọi hoạt động, yêu cầu đại diện phía Cong ty về trụ sở UBND xã lập biên bản. Vậy nhưng từ đó đến nay, Công ty CP tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh vẫn tiếp tục mở rộng quy mô diện tích, gây thêm những tác hại xấu đến rừng phòng hộ đầu nguồn…” – công dân phản ánh tại đơn.

z5929094357431_39018bb0f5eebdcfe8304e953214e050.jpg
Hình ảnh đoàn kiểm tra UBND xã Na Ngoi cùng kiểm lâm địa bàn kiểm tra vùng trồng sâm Ngọc Linh (ảnh công dân có đơn cung cấp)

Cùng với đơn kiến nghị, công dân còn gửi đến Báo Nghệ An một số hình ảnh, băng ghi âm, clip. Các hình ảnh, clip thể hiện có một số người đang có những hoạt động chặt phát tre, nứa, cây bụi, đào xới, đánh luống đất rừng tự nhiên; sử dụng cành cây gỗ để vỉa luống, lán trại trong rừng. Còn băng ghi âm, có những thông tin thể hiện một cuộc kiểm tra của lực lượng chức năng địa phương, khẳng định hành vi phát trắng nứa để trồng cây sâm Ngọc Linh là khai thác rừng trái pháp luật, là xâm hại rừng.

Căn cứ phản ánh của công dân, thực hiện xác minh ban đầu cho thấy, tại tiểu khu 490, bản Buộc Mú, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn có dự án trồng dược liệu dưới tán rừng của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh.

Từ tháng 11 đến tháng 12/2023, đoàn kiểm tra UBND xã Na Ngoi cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn đã 2 lần kiểm tra hoạt động trồng dược liệu dưới tán rừng của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh. Và vì cả hai lần đều phát hiện hoạt động trồng dược liệu dưới tán rừng gây ảnh hưởng tiêu cực đến rừng phòng hộ đầu nguồn nên đoàn kiểm tra UBND xã Na Ngoi cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn đã lập biên bản, yêu cầu dừng các hoạt động liên quan.

Xác thực rừng đầu nguồn bị “rỗng ruột”

Để vào khu vực trồng sâm Ngọc Linh của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh, trên dãy Puxailaileng, xã Na Ngoi là rất khó khăn.

z5973031052928_7e5ffc6df1c1bb3a7c02c25625ecb5ab.jpg
Đường vào vùng trồng sâm Ngọc Linh trong rừng phòng hộ xã Na Ngoi.

Từ thị trấn Mường Xén, xuôi về xã Chiêu Lưu rẽ theo hướng Tây Nam đoạn Khe Nằn, từ đây xuyên qua tuyến đường dốc cao một bên lởm chởm vách đá, một bên thăm thẳm vực sâu với chiều dài khoảng 20 km để vào ngã ba Phù Khả, là trung tâm xã Na Ngoi. Sau đó, thêm dăm chục phút vượt dốc Phuxailaileng, mới đến được khu vực trồng sâm Ngọc Linh được rào lưới B40 có khóa chắn lối vào.

z5960727950686_79b42d3268a034a33d00f88880b077fb.jpg
Khu vực lán trại của những người trồng sâm Ngọc Linh sát đường tuần tra biên giới.

Là ngọn núi cao nhất của dãy Trường Sơn Bắc, Puxailaileng quanh năm mây mù bao phủ, bởi vậy, khi chúng tôi đến đây là đúng 15h chiều, nhưng nhiệt độ đã xuống thấp, cảm nhận được cái lạnh se sắt. Nhờ có sự hợp tác của cán bộ Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn, kiểm lâm địa bàn xã Na Ngoi Hờ Bá Xểnh cùng nhân viên Trạm Quản lý rừng phòng hộ Na Ngoi, lối vào khu vực trồng sâm Ngọc Linh được mở.

Khu vực lán trại của những người trồng sâm Ngọc Linh nằm trên một khoảnh đất khá rộng, bằng phẳng sát kề đường tuần tra biên giới. Với 2 dãy lán, đây vừa là nơi sinh hoạt của các lao động trồng sâm Ngọc Linh, cũng là nơi cất giữ các loại vật liệu. Một dãy là nơi nấu ăn, cất trữ củi, các vật dụng; một dãy được thưng, lợp tôn khá kiên cố, để làm nơi ở. Từ đây, theo lối xuống dốc cắt qua rừng cây gỗ khoảng vài chục mét, là đến khu vực trồng sâm Ngọc Linh.

z5960700659745_475dd559ff2d3ca371120d0352c79f4b.jpg
Một khu vực lán trồng sâm Ngọc Linh tại khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi

Nhìn tổng quan ở khu vực này, mật độ lán trồng sâm đã dựng lên khá dày. Có những vị trí, lán nối lán san sát, lòng rừng trắng xóa màu bạt ni lông. Các lán trồng sâm Ngọc Linh có chiều rộng bình quân khoảng 2,5 - 3m; chiều dài tùy thuộc vào khoảng trống được tạo ra dưới cây gỗ rừng, có lán dài 8m – 10m, có những lán kéo dài đến 40 – 50m.

z5973309337645_4a97b7025b573c5424e7bbfc1ba7c936.jpg
Vùng rừng phòng hộ khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi trắng xóa màu bạt ni lông của các lán trồng sâm Ngọc Linh.

Quan sát chi tiết trong các lán, nhiều lán được dựng bằng khung sắt, nhưng cũng có không ít lán sử dụng vật liệu tre, mét. Mỗi lán như vậy, cùng có hai luống đất trồng cây sâm Ngọc Linh, xen giữa hai luống là lối đi chừng 35 – 40cm. Bao quanh các luống đất là giá đỡ bằng lưới, được đỡ bởi nhiều đoạn gỗ tròn dài chừng 50cm, đường kính 4 -5cm.

z5973030957577_852d265401218a07996657e647be748b.jpg
z5973309300992_e57bcdbc5e12b6c183c38fb5af76d732.jpg
Trong rừng phòng hộ tại khoảnh 8, tiểu khu 490, nhiều những bụi tre, nứa bị chặt phát, bị xô nghiêng; và ở nhiều vị trí, còn vương vãi những gốc luồng, gốc tre nứa đã bị đào xới, lật tung.

Ở xung quanh các lán trồng sâm Ngọc Linh, dễ dàng thấy có không ít những bụi tre, nứa bị chặt phát, hoặc bị xô nghiêng; nhiều vị trí còn vương vãi những gốc luồng, gốc tre nứa đã bị đào xới, lật tung trên bề mặt đất. Tại một số điểm, còn bắt gặp ngổn ngang một số cây gỗ bị cắt sát gốc cùng một số thân gỗ đang trong thời gian phân hủy, hoai mục lớp vỏ.

z5970537142625_a1d299fb4466eef3ed2ea9ea924abcd0.jpg
z5973309311813_da938a4f623f36e9ad6ce4b6f06c941f.jpg
Trong rừng phòng hộ khoảnh 8, tiểu khu 490, có một số cây gỗ bị cắt sát gốc cùng một số thân gỗ đang trong thời gian phân hủy, hoai mục.

Xen trong hệ thống lán trồng sâm Ngọc Linh, còn có một lều bạt dựng trên khoảnh đất khá rộng, làm nơi nghỉ cho người trồng sâm. Ở đây, cũng có những dấu hiệu của việc chặt phát, tác động đến cây rừng để tạo mặt bằng; việc sử dụng các vật liệu từ rừng tự nhiên như gỗ, tre, mét… Hỏi chuyện một lao động, được người này cho biết đến nay vùng trồng sâm của Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh tại xã Na Ngoi đã triển khai trên khoảng diện tích 5 – 6 ha, với khoảng hơn 130 lán.

Thông tin lại những gì đã thấy, đã nghe từ vùng trồng sâm Ngọc Linh ở Na Ngoi với đại diện lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn, được trao đổi rằng, UBND xã Na Ngoi cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn đã đã 2 lần kiểm tra, vào các ngày 6/11/2023, và ngày 5/12/2023. Ở cả 2 lần kiểm tra đều phát hiện tác động tiêu cực đến rừng phòng hộ đầu nguồn, đã lập biên bản nhắc nhở, yêu cầu Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh phải thực hiện đúng thiết kế được cấp thẩm quyền phê duyệt, dừng các hành vi làm ảnh hưởng đến rừng.

z5966210288374_4565fa221cabe9961e2e857a09d665d2.jpg
Lều bạt của người trồng sâm Ngọc Linh trong rừng phòng hộ tại khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi.

Tiếp cận 2 biên bản kiểm tra của UBND xã Na Ngoi, cả 2 lần kiểm tra đều phát hiện hành vi “Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh cho người cào một số khóm nứa để trồng sâm”. Đáng nói ở lần kiểm tra ngày 5/12/2023, còn phát hiện Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh trồng sâm ra ngoài khu vực được cấp thẩm quyền cho phép, lấn sang khoảnh 5 của tiểu khu 490; và thiết kế luống trồng sâm còn sai khác với thực tế. Trước những hành vi này, tại 2 biên bản đã lập, UBND xã Na Ngoi yêu cầu: “Dừng ngay việc cho người cào nứa tép để trồng sâm tại khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi”; “Từ nay trở đi thực hiện việc trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng tại khoảnh 8, tiểu khu 490 đúng với hồ sơ thiết kế ban đầu…”.

Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế!

Theo các tài liệu chúng tôi cập nhật được, vào ngày 10/8/2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt phương án hợp tác, liên kết trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn tại Quyết định số 512/QĐ-SNN-QLKTKHCN. Về đối tượng hợp tác, chủ đầu tư là Công ty CP Tập đoàn Y dược Sâm Ngọc Linh, còn Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn là bên tham gia liên kết. Phương án liên kết được thực hiện trên diện tích 19,83ha rừng phòng hộ (diện tích thi công 16ha) được Nhà nước giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Kỳ Sơn, thuộc khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn.

z5973225553926_1c4c89a2c239381ccca588ac7d950863.jpg
Bản đồ hiện trạng rừng vùng trồng cây dược liệu dưới tán rừng tại khoảnh 8, tiểu khu 490, xã Na Ngoi.

Về hiện trạng rừng, cũng được nêu rõ tại Quyết định số 512/QĐ-SNN-QLKTKHCN. Cụ thể, trong 19,83ha, có đến 17,94ha có rừng tự nhiên, gồm các loại rừng hỗn giao gỗ nứa, rừng phục hồi, rừng trung bình; chỉ 0,57ha đất trống có cây gỗ tái sinh rải rác và 1,32ha đất khác.

Vùng núi Puxailaileng của huyện biên giới Kỳ Sơn, cùng với các khu vực Pù Hoạt, Pù Mát, Pù Huống và núi Chung của tỉnh, đều có tên trong quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014. Trong đó, Puxailaileng được xác định là khu “dự trữ thiên nhiên” với diện tích quy hoạch 50.000ha.

z5960728073149_119844e90424368c21d2af353f04c185.jpg
Hai bên đường tuần tra biên giới xã Na Ngoi, rừng đậm đặc màu xanh các loại cây rừng.

Thế nên tại Quyết định số 512/QĐ-SNN-QLKTKHCN, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An thông tin rất rõ nội dung này; bên cạnh đó, còn khẳng định xã Na Ngoi là vùng lõi Puxailaileng với tính đa dạng sinh học xếp ở mức độ giàu so với 182 xã trong toàn bộ Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.

Trong các nghĩa vụ Công ty CP Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh phải thực hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An yêu cầu thực hiện nghĩa vụ “Tổ chức các phương án bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng theo đúng quy định của pháp luật”.

z5980198155813_2694ea3d43cb07fac05d3a1793f361e3-557425eefdf69a3b7afd182b27dc2a7a.jpg
Quyết định số 512/QĐ-SNN-QLKTKHCN ngày 10/8/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An.

Với huyện biên giới Kỳ Sơn, cùng các vùng núi của tỉnh, những năm qua luôn phải gánh chịu những tác động xấu từ thiên tai bão lũ. Đã có những trận lũ, lụt, sạt lở đất, sạt lở núi gây thiệt hại rất nặng nề, cùng với mất mát tài sản còn an nguy đến cả tính mạng của người dân. Chỉ tính riêng trận lũ ống lũ quét ngày 2/10/2022, huyện Kỳ Sơn bị ảnh hưởng xấu đến 621 ngôi nhà, trong đó có 55 ngôi nhà ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén bị sập đổ hoàn toàn…; tổng thiệt hại toàn huyện lên đến 215 tỷ đồng.

Thiên tai bão lũ là hiểm họa khó lường. Tuy nhiên, nếu thực hiện nghiêm những biện pháp phòng chống thiên tai, rủi ro thiệt hại chắc chắn sẽ được giảm thiểu. Và một trong những biện pháp phòng chống thiên tai quan trọng hàng đầu được chỉ ra từ nhiều năm, là bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là với những vùng rừng phòng hộ đầu nguồn biên giới.

Đưa ra một số thông tin như trên, để khẳng định, ở bất kỳ phương diện nào thì vùng rừng phòng hộ đầu nguồn biên giới Puxaillaileng cũng đặc biệt quý.

z5980185157219_a50eec7ca7703eee75694860c4f9525c.jpg
Một số hình ảnh thảm họa lũ lụt ở huyện Kỳ Sơn ngày 2/10/2023.

Về quy định của pháp luật, Điểm b, Điều 19-Bảo vệ rừng phòng hộ, Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ nghiêm cấm các hoạt động làm thay đổi cảnh quan tự nhiên của khu rừng; khai thác trái phép tài nguyên sinh vật và các tài nguyên thiên nhiên khác. Đối với tỉnh Nghệ An, nhiều năm qua luôn nhất quán với quan điểm “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Quan điểm này, đã được những người có trách nhiệm cao nhất của tỉnh khẳng định tại rất nhiều diễn đàn.

Bởi vậy, rừng phòng hộ đầu nguồn biên giới ở Puxaillaileng nhất thiết phải được bảo vệ nghiêm ngặt, ngăn chặn tuyệt đối những tác động tiêu cực. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm những tác động tiêu cực lên rừng phòng hộ đầu nguồn biên giới tại khoảnh 8, tiểu khu 490 xã Na Ngoi như đã nói trên.

Mới nhất
x
Việc trồng dược liệu của Tập đoàn Y dược sâm Ngọc Linh tác động tiêu cực đến rừng phòng hộ đầu nguồn Puxailaileng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO