Xã hội

Thương binh chiến sĩ Thành cổ hết lòng vì đồng đội

Huy Thư 24/07/2024 18:37

Không chỉ dũng cảm, xuất sắc trong chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, Đại tá thương binh Nguyễn Hữu Ất ở xã Thanh Hòa (Thanh Chương) còn là cựu chiến binh sống giản dị, nghĩa tình, hết lòng vì đồng đội.

Kết nạp Đảng giữa chiến trường

Trong dòng hồi ức về chiến trường Quảng Trị, ông Nguyễn Hữu Ất cho biết, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt, tháng 5/1972, ông nhập ngũ, huấn luyện tân binh tại Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn). Một tháng sau thì có lệnh lên đường chiến đấu. Trên đường hành quân vào Quảng Trị, ông được đề bạt làm Tiểu đội trưởng.

bna_1(3).jpg
Đại tá thương binh Nguyễn Hữu Ất. Ảnh: Huy Thư

9 tháng chiến đấu cùng đồng đội ở mặt trận Hải Lăng với ông là những năm tháng không thể nào quên của đời lính. Từ chiến sĩ trinh sát ông được chuyển sang đơn vị chủ công thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 và được đề bạt lên làm Trung đội phó.

Theo ông Ất, chiến sự ở Quảng Trị năm 1972, đầu năm 1973 vô cùng ác liệt. Địch câu pháo, tập kích, bắn phá trận địa suốt ngày đêm. Ông và đồng đội có lúc phải chiến đấu trong hầm hào đầy nước mưa và máu, trước đạn, sau bom, sống và chết chỉ trong gang tấc, nhưng tinh thần chiến đấu thì rất kiên cường.

Cầm chiếc ăng - gô, kỷ vật người đồng đội quê Hải Phòng khắc tặng trước lúc hy sinh, ông Ất nói “Ngày đó ở mặt trận Quảng Trị, tôi cũng như anh em trong đơn vị đã chiến đấu quên mình, không ai nghĩ đến cái chết, không hẹn ngày về, chỉ biết chiến đấu để chiến thắng”.

bna_4(2).jpg
Thương binh Nguyễn Hữu Ất còn lưu giữ nhiều kỷ vật chiến trường. Ảnh: Huy Thư

Nửa thế kỷ đã trôi qua, những địa danh ở Hải Lăng như Tích Tường, Như Lệ, đồi Cối, cao điểm 52... trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị vẫn còn in sâu trong tâm trí người cựu chiến binh. Ông bị thương ở đầu, tay, chân, những vết sẹo còn nguyên trên cơ thể.

Chiến đấu dũng cảm, lập được nhiều thành tích xuất sắc, ông vinh dự được đơn vị kết nạp Đảng giữa chiến trường. Lễ kết nạp Đảng diễn ra trong hầm chỉ huy đại đội bên bờ sông Thạch Hãn. Ông Ất nhớ lại: “Tôi khá bất ngờ, chỉ khi đứng trong hầm chỉ huy có treo cờ Tổ quốc, tôi mới biết mình được kết nạp Đảng”.

Một kỷ niệm xúc động mà ông nhớ mãi, năm đó, ở quê nhà, địa phương tổ chức Đại hội Thi đua Quyết thắng, bố mẹ ông được xã mời lên nhận Huân chương Chiến công, ai cũng nghĩ ông đã hy sinh.

Hiệp định Paris ký kết, ông được về thăm quê (tháng 3/1973), khi mang ba lô về đến nhà, người thân không ai nhận ra. Lúc biết ông bằng xương, bằng thịt còn sống trở về thật sự, đứng trước mặt con, mẹ ông đã lịm đi.

Nặng lòng vì đồng đội

Sau đó, ông được cử đi học ở Trường Lục quân 1 (Sơn Tây), rồi công tác ở Trường Lục quân 2 (Đồng Nai), Lục quân 3 (Nha Trang), Quân khu 4, Huyện đội Yên Thành, Huyện đội Anh Sơn… Dù ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ông về hưu năm 2009 với quân hàm Đại tá.

bna_3(2).jpg
Thương binh Nguyễn Hữu Ất sống giản dị, mộc mạc như bản chất của người lính. Ảnh: Huy Thư

Sống giữa quê hương, người cựu chiến binh, đại tá, thương binh (4/4) Nguyễn Hữu Ất vẫn luôn giữ lối sống giản dị, ấm áp, nghĩa tình với người thân, bà con xóm giềng, đồng đội. Vợ chồng ông có 3 người con, trong đó, 2 người con trai đang công tác trong lực lượng vũ trang.

Có mặt tại nhà ông ở xóm Thuận Hòa, xã Thanh Hòa vào một sáng tháng 7. Trong khu vườn cuối làng xanh tươi, đẹp như công viên với đủ loại cây ăn quả, người cựu chiến binh 70 tuổi đang chăm chút làm vườn. Được biết, từ ngày về hưu, ông vẫn tích cực lao động, sản xuất, chăn nuôi như một lão nông thực thụ. Theo ông, lao động vừa rèn luyện sức khỏe, vừa tạo ra sản phẩm sạch phục vụ gia đình…

bna_2(2).jpg
Thương binh Nguyễn Hữu Ất chăm sóc cây cảnh tại nhà. Ảnh: Huy Thư

Không chỉ “thả tay mặt, bắt tay trái” với công việc tại gia, ông còn là người cán bộ hội gương mẫu, tích cực ở địa phương. Ông được đồng đội tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ huyện Thanh Chương từ ngày đầu thành lập, Ủy viên Thường vụ Hội Chiến sĩ Thành cổ tỉnh Nghệ An.

Ông Ất chia sẻ: “Trở về từ chiến trường ác liệt, mình còn sống đến hôm nay là sự may mắn. Do đó, cần phải sống cho tương xứng với sự hy sinh của đồng đội, của các Anh hùng liệt sĩ”.

Những năm qua, ông đã đồng hành với Hội Chiến sĩ Thành cổ huyện Thanh Chương tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, như giúp nhau phát triển kinh tế; tổ chức gặp mặt hàng năm; tổ chức cho đồng đội thăm chiến trường xưa; thăm hỏi đồng đội lúc ốm đau, tặng quà cho các gia đình hoàn cảnh, chính sách khi lễ, tết; cung cấp thông tin về liệt sĩ; tham gia, phối hợp với các gia đình liệt sĩ, các lực lượng chức năng đưa hài cốt liệt sĩ về quê.

Đặc biệt, hội đã vận động các doanh nhân, các nhà hảo tâm xây dựng được 5 ngôi nhà tình nghĩa cho các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn trong huyện, với kinh phí 250 triệu đồng.

bna_5(2).jpg
Thương binh Nguyễn Hữu Ất đại diện Hội Chiến sĩ thành cổ trao tiền hỗ trợ kinh phí xây nhà tình nghĩa cho đồng đội ở xã Thanh Lâm (Thanh Chương). Ảnh: NVCC

Ông Ất chia sẻ, Hội Chiến sĩ Thành cổ gặp nhiều khó khăn trong hoạt động, như các hội viên tuổi đã cao, không có quỹ, anh em nòng cốt phải năng động, sáng tạo, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân… giúp đỡ.

Hiện nay, trăn trở của ông là mong muốn xây thêm được một số nhà tình nghĩa, góp phần cải thiện đời sống của gia đình các cựu chiến binh Thành cổ.

Ông Nguyễn Xuân Cận - Chủ tịch Hội Chiến sĩ Thành cổ tỉnh Nghệ An cho biết: Đại tá thương binh Nguyễn Hữu Ất luôn giữ vững phẩm chất của anh bộ đội Cụ Hồ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức, tác phong giản dị, là cán bộ hội tích cực, gương mẫu, tiêu biểu, được đồng đội tin yêu, người dân mến phục. Những năm qua, Hội Chiến sĩ Thành cổ huyện Thanh Chương luôn đứng tốp đầu của tỉnh.

Mới nhất
x
x
Thương binh chiến sĩ Thành cổ hết lòng vì đồng đội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO