Thượng đỉnh Biden-Putin ‘phá băng’ quan hệ cựu thù Mỹ-Nga?

Hoàng Bách ((Thực hiện))

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
(Baonghean.vn) - Cuộc gặp giữa 2 nguyên thủ của Mỹ và Nga theo kế hoạch sẽ diễn ra ngày hôm nay (16/6) tại Geneva, Thụy Sĩ. Không ít người kỳ vọng trao đổi giữa 2 nhà lãnh đạo Joe Biden và Vladimir Putin sẽ tạo bước ngoặt, thậm chí cài đặt lại quan hệ đang ở mức thấp nhất hàng chục năm qua giữa 2 bên.

 Để có cái nhìn sâu sắc hơn, Báo Nghệ An phỏng vấn PGS, TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học, Bộ Công an về nội dung này.

P.V: Thưa Thiếu tướng, được biết cách đây khoảng gần 3 tháng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất tổ chức cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo ông vì sao ông Biden đưa ra đề nghị này?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Sau khi nhậm chức 1 tháng, Tổng thống Joe Biden đã đề xuất có cuộc gặp với Tổng thống Putin, tạo ra dư luận nhiều chiều. Ngay cả ở Mỹ, nhiều quan chức, học giả cho rằng cuộc gặp lúc này là không thích hợp, thậm chí là bị động. Ngược lại cũng có quan điểm cho rằng cuộc gặp là cần thiết. Theo tôi tổ chức thượng đỉnh là việc hệ trọng, nên khi ông Biden đưa ra đề nghị thì đồng nghĩa đã tính toán rất cẩn thận. Có lẽ vấn đề xuất phát ở chỗ quan hệ Mỹ-Nga xấu đi từ năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea và sau đó là một loạt vấn đề khác như cuộc xung đột tại Donbass ở miền Đông Ukraine, hàng loạt xích mích giữa Nga với các láng giềng xung quanh thuộc đồng minh của Mỹ, làm Mỹ rất bất bình với Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Axios
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Axios

Quan hệ Mỹ-Nga ổn định sẽ giúp ông Biden triển khai chiến lược, chính sách trong và ngoài nước.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Điểm nhấn tạo nút thắt trong quan hệ với Nga là khi tháng 3 vừa qua, khi trả lời phỏng vấn, ông Biden đã gọi ông Putin là “kẻ giết người”. Sau sự cố này, ông Putin đã triệu hồi Đại sứ Nga tại Washington về tham vấn, Nhà Trắng cũng có động thái tương tự. Nên quan hệ Mỹ-Nga trong những tháng qua có thể nói đã xuống đến tận đáy. Có lẽ Joe Biden nghĩ, nếu tiếp tục chiều hướng này, hoàn toàn bất lợi cho Mỹ, đồng minh châu Âu và cộng đồng quốc tế; không có lợi cho chiến lược “Nước Mỹ đã trở lại” của ông Biden; đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến việc khôi phục quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ với EU. Tôi cho có lẽ đó là động lực để ông Biden dù muốn hay không cũng phải gặp ông Putin để định hình lại quan hệ, không để xấu hơn nữa. Việc quan hệ Mỹ-Nga ổn định sẽ giúp ông Biden triển khai chiến lược, chính sách trong và ngoài nước, đặc biệt là đối với châu Âu, các đồng minh và hàng loạt vấn đề khác.

P.V: Đề nghị ông làm rõ hơn bối cảnh trong nước Mỹ và quốc tế của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Thực ra thời điểm tổ chức cuộc gặp cũng được chính quyền Biden tính toán, lựa chọn rất cẩn thận. Tình hình quốc tế hiện nay, bối cảnh chung các nước đang đối diện song song 2 vấn đề: chống đại dịch Covid-19 và từng bước khôi phục hậu quả kinh tế do đại dịch để lại. Với Mỹ, sau 5 tháng tại nhiệm, khách quan mà nói, ông Biden đã có những thành tựu nhất định, tập trung chống dịch Covid-19 và thu được kết quả khả quan, cơ bản giải quyết được thảm họa, được 328 triệu người Mỹ ghi nhận. Nhờ đó, kinh tế Mỹ cũng bắt đầu thoát đáy khủng hoảng, xã hội có bước tiến triển tích cực, vẫn còn chia rẽ chính trị nhưng những vấn đề nóng bỏng, gay góc nhất của xã hội Mỹ tạm yên ổn.

Tổng thống Biden cùng phu nhân trong chuyến công du châu Âu vừa qua. Ảnh: Getty
Tổng thống Biden cùng phu nhân trong chuyến công du châu Âu vừa qua. Ảnh: Getty

Về quốc tế, trước khi gặp ông Putin, ông Biden đã cẩn thận tính toán phải làm việc với bạn bè, đồng minh trước. Tháng 3, ông đã gặp những người đồng cấp tại các đồng minh thân cận nhất của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương như Thủ tướng Nhật Bản, Tổng thống Hàn Quốc, tổ chức các cuộc gặp trực tuyến thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Australia. Ông Biden đã hàn gắn lại những mối quan hệ mà dưới thời ông Trump đã bị rạn nứt. Sau đó, ông Biden đã có cuộc công du 8 ngày tại châu Âu, làm 3 việc: Họp Hội nghị G7 tại Anh, dự thượng đỉnh NATO tại Brussels và gặp lãnh đạo Ủy ban, Hội đồng châu Âu để bàn các vấn đề song phương, đa phương và toàn cầu như chống đại dịch, biến đổi khí hậu, thương mại, đầu tư, các thách thức mới của an ninh truyền thống, phi truyền thống...

P.V: Thiếu tướng có đồng ý với quan điểm của một số người hy vọng cuộc gặp Biden-Putin sẽ cài đặt lại, hay sẽ “phá băng”, tạo bước ngoặt trong quan hệ Mỹ-Nga?

Mục tiêu tối thượng của Biden là kéo quan hệ Washington-Moskva ra khỏi đáy khủng hoảng hiện nay, chứ không có chuyện cài đặt lại quan hệ.

Thiếu tướng Lê Văn Cương

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Mục tiêu của Tổng thống Biden khi gặp Tổng thống Putin lần này thực ra cũng chỉ khiêm tốn thôi. Trong điều kiện quan hệ song phương đã chạm đáy, mục tiêu bao trùm của ông Biden sẽ là thúc đẩy lợi ích của Mỹ và giảm nguy cơ nảy sinh tính toán sai lầm từ 2 phía, bước đầu khôi phục lại, làm cho mối quan hệ Mỹ-Nga ổn định và dễ đoán định hơn. Tức là, mục tiêu tối thượng của Biden là kéo quan hệ Washington-Moskva ra khỏi đáy khủng hoảng hiện nay, ví như chèo lái con thuyền ra khỏi mắt bão, tránh tính toán sai lầm gây ra thảm họa, chứ không có chuyện cài đặt lại quan hệ.

P.V: Vậy theo ông, những nội dung gì sẽ được đề cập trong cuộc trao đổi giữa 2 nhà lãnh đạo của 2 siêu cường?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nội dung chương trình nghị sự được giữ bí mật đến tận giờ chót. Dựa trên nhiều nguồn tin, chúng ta có thể hình dung được những vấn đề mà ông Biden và ông Putin sẽ bàn bạc tại Geneva. Trên phương diện những vấn đề chung toàn cầu, theo phương thức “dễ trước, khó sau”, chắc chắn 2 vị tổng thống sẽ đề cập đến hợp tác chống đại dịch Covid-19, tiếp đến là chống biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí giết người hàng loạt, nguy cơ khủng bố sở hữu vũ khí này... là những vấn đề dễ thảo luận, dễ hợp tác, thống nhất.

Năm 2011, Joe Biden, Phó Tổng thống Mỹ đã gặp Vladimir Putin, Thủ tướng Nga vào thời điểm đó, tại Moscow. Ảnh: AP
Năm 2011, Joe Biden, Phó Tổng thống Mỹ đã gặp Vladimir Putin, Thủ tướng Nga vào thời điểm đó, tại Moscow. Ảnh: AP

Gai góc sẽ nằm ở những vấn đề song phương, như vấn đề Ukraine, bán đảo Crimea, vấn đề tin tặc, thái độ của Nga đối với các nhân vật đối lập... Ngoài ra, tôi cho rằng Mỹ sẽ đề cập thêm các vấn đề khác như việc Nga ủng hộ các chế độ mà Mỹ cho là “độc tài” như chính quyền Assad ở Syria, Lukashenko ở Belarus...

Ngược lại, phía Nga cũng sẽ đặt ra những vấn đề gai góc không kém đối với ông Biden: Vấn đề NATO bành trướng về phía Đông, Mỹ bố trí các vũ khí hiện đại tại các nước Baltic, các nước giáp giới Đông Âu, vi phạm cam kết của Mỹ với Liên Xô trước đây, phản bác những nội dung mà Nga khẳng định Mỹ vu cáo như can thiệp bầu cử, tin tặc... Nhưng tôi cho rằng, ông Joe Biden - một chính khách lão luyện với 40 năm kinh nghiệm trên chính trường, với đặc trưng là sự bình tĩnh, tự tin, sẽ không bao giờ vượt quá giới hạn, không tỏ thái độ dữ dằn, làm xấu quan hệ ngoại giao.  

Ngoài ra, những vấn đề quan hệ đến lợi ích của cả 2 nước, tức Mỹ cần Nga mà Nga cũng cần Mỹ, như vấn đề chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, chương trình hạt nhân Iran, điểm nóng Syria ở Trung Đông... cũng sẽ nằm trong danh sách tiếp tục thảo luận của 2 nhà lãnh đạo, trong không khí thẳng thắn, tự tin nhưng kiềm chế, tôn trọng lẫn nhau.

P.V: Ông có dự báo gì về kết quả cuộc gặp cấp cao này cũng như tác động của nó đối với toàn thế giới, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Như đã nói ở trên, tôi nhận định không có cài đặt lại quan hệ Mỹ-Nga sau cuộc gặp, nhưng việc 2 nhà lãnh đạo sẽ cùng kéo quan hệ ra khỏi đáy khủng hoảng, trở về đúng quỹ đạo ổn định, tạo tiền đề duy trì “ngọn lửa” đối thoại song phương ở các cấp đã là thành tựu lớn. Cụ thể, có thể 2 bên trong thời gian tới sẽ bố trí lại đại sứ tại thủ đô của nhau, có thêm trao đổi, đối thoại ở các cấp thấp hơn.

Ảnh minh họa: Reuters
Ảnh minh họa: Reuters

Xét trên mọi phương diện, tôi cho cuộc gặp sẽ thành công với cả 2 bên. Đối với Mỹ, kết quả lớn nhất thu được là ổn định quan hệ với Nga, phù hợp mục tiêu củng cố liên minh Mỹ-EU, chính quyền Biden có điều kiện dồn sức giải quyết những thách thức khác. Còn tại Nga, ông Putin cũng sẽ có điều kiện để giải quyết những vấn đề trong nước như về kinh tế...

Ở cấp độ toàn cầu, cuộc gặp Putin-Biden là hết sức tích cực, góp phần thúc đẩy xu thế chủ đạo hiện nay là hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển. Các nước châu Âu theo dõi sát cuộc gặp này vì nó liên quan trực tiếp đến lợi ích và an ninh của họ, và tôi nghĩ cuộc gặp này cũng đem lại cho châu Âu cái thở phào nhẹ nhàng. Trung Quốc cũng đặc biệt quan tâm quan hệ Mỹ-Nga, khi quan hệ Bắc Kinh với Washington hết sức căng thẳng, Moskva đóng vai trò quan trọng, thậm chí quyết định cán cân quan hệ Mỹ-Trung. Những nước khác chắc chắn cũng sẽ theo dõi, như Syria, các nước Đông Âu, Baltic…

P.V: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.