Thưởng Tết không như kỳ vọng!
(Baonghean.vn) - Hầu hết người lao động khi được hỏi về thưởng Tết Nguyên đán 2024 đã cho hay, không hy vọng nhiều về mức thưởng.
Thấp thỏm chờ thưởng
Gọi điện thoại về cho gia đình ở phường Hà Huy Tập (TP. Vinh), anh Bùi Anh Thắng – công nhân một công ty sản xuất giày da tại tỉnh Bắc Giang nói: “Công ty vẫn chưa chốt được thưởng Tết, mà xác định nếu có cũng không ăn thua vì năm vừa rồi thua lỗ, ít đơn quá. Nếu không có thưởng Tết thì xem như năm nay không có Tết, có lẽ cũng sẽ không về quê được”.
Nhiều tháng liên tục, anh Thắng phải nghỉ luân phiên vì không có đơn hàng để làm, thu nhập chỉ còn được 2/3 so với trước đây. Không ít đồng nghiệp của anh Thắng đã lựa chọn rút bảo hiểm xã hội 1 lần để có khoản tiền về quê tiêu Tết.
Tương tự, chị Lê Thị Thuý – công nhân thuê trọ trên đường Đặng Thai Mai (Khu công nghiệp Bắc Vinh - TP. Vinh) cũng cho hay, không kỳ vọng vào mức thưởng Tết Âm lịch vì tình hình kinh doanh sản xuất của công ty sụt giảm nghiêm trọng. “Nếu như mọi năm, tầm này chúng tôi phải tăng ca nhiều để hoàn thành đơn hàng trước khi nghỉ Tết, thì năm nay sản xuất chỉ cầm chừng. Đồng nghĩa với việc năm nay chúng tôi sẽ không có thêm khoản tiền tăng ca, làm thêm ngoài giờ. Công ty vẫn chưa thông báo mức thưởng Tết chính thức nhưng ai cũng hiểu rằng doanh nghiệp đang rất khó khăn nên cũng không kỳ vọng, chỉ mong còn có việc mà làm, có đơn hàng mà sản xuất”.
Chị Vy Thị Xuân - công nhân Công ty Woosin Vina tại Khu công nghiệp VSIP (Nghệ An) cho biết, năm ngoái, thưởng Tết của Công ty là 1 triệu đồng tiền mặt và 2 lít dầu ăn. Ngoài ra, còn có hỗ trợ từ tổ chức công đoàn. “Cả 2 vợ chồng đều là công nhân, thêm 2 con nhỏ ở cùng, nếu không có tiền thưởng Tết, gia đình sẽ rất chật vật, cũng không biết lấy đâu ra để trả khoản nợ đang vay” - chị Xuân tâm tư.
Mặc dù tình hình doanh nghiệp khá ảm đạm nhưng anh Thắng, chị Thúy, chị Xuân đều cho rằng, như thế vẫn còn tốt hơn nhiều so với những doanh nghiệp “đuổi khéo” người lao động trước Tết để “trốn thưởng” – cách làm “quá đáng” mà một số doanh nghiệp khó khăn đang áp dụng.
“Nghe trên ti vi, báo, đài thông báo về mức thưởng Tết tiền tỷ, tiền trăm triệu mà thấy chạnh lòng cho công nhân. Ở công ty chúng tôi, có việc mà làm đã là tốt lắm rồi” – Anh Trần Đình Hào - chủ một công ty xây dựng trên địa bàn TP. Vinh chia sẻ. Cũng theo anh Hào, mặc dù những tháng cuối năm, giá vật liệu xây dựng đã giảm nhưng công trình vẫn rất ít, nhiều công nhân thông cảm, chủ động xin nghỉ thời vụ để làm một công việc khác.
Nỗ lực để “có Tết”
Không thụ động trông chờ thưởng Tết từ công ty, anh Đậu Đức Anh (xã Hưng Lộc, TP. Vinh) chủ động xoay xở để có thêm tiền Tết chăm lo cho gia đình.
“Nếu như những năm trước tôi chủ động xin tăng ca, làm ngoài giờ để có thêm tiền, thì năm nay tôi lại chủ động xin nghỉ không lương. Công ty tôi sản xuất bao bì, từ đầu năm đến nay đơn hàng rất ít, công nhân nghỉ luân phiên nên thu nhập rất thấp. Trong lúc chờ đợi công ty phục hồi trở lại, tôi tranh thủ làm thêm công việc giao hàng trong nội thành Vinh” – anh Đức Anh chia sẻ.
Từ sự linh hoạt này, tháng 12 vừa rồi anh có thêm khoản thu nhập hơn 10 triệu đồng. Với nhu cầu vận chuyển hàng hoá dịp trước Tết, anh Đức Anh tin rằng từ giờ đến Tết anh sẽ tích lũy thêm được một khoản kha khá nữa.
Cũng với sự năng động đó, chị Lê Thị Thuý tranh thủ bán thêm một số mặt hàng nhu yếu phẩm để có thêm thu nhập. Chị thổ lộ: “Quê tôi ở Quỳ Châu nên tôi bán một đặc sản của quê mình như măng khô, nếp nương, hương trầm… Cũng may sản phẩm được bạn bè, người quen ủng hộ nên có thêm tiền để chuẩn bị cho Tết”.
Nỗ lực để có Tết không chỉ đến từ người lao động. Bà Trần Thị Nguyệt – Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, chia sẻ: “Mặc dù khó khăn vì tình hình kinh doanh sản xuất sụt giảm, thiếu đơn hàng, nhưng các doanh nghiệp đã rất nỗ lực để có được mức thưởng Tết phù hợp cho công nhân lao động. Tại Khu Kinh tế Đông Nam, 100% doanh nghiệp có thưởng và hầu hết mức thưởng tương đương 1 tháng lương cơ bản, khoảng 4,2 triệu đồng”.
Cũng với tinh thần đó, anh Trần Đình Hào thổ lộ: “Dù rất khó khăn nhưng công ty vẫn cố gắng thu xếp để người lao động có một khoản thưởng Tết nhằm động viên tinh thần, giữ chân người lao động”.
Với nỗ lực chăm lo cho người lao động, các cấp Công đoàn cũng đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Tại Nghệ An, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ 1 tỷ 550 triệu đồng để chăm lo Tết. Trong đó, hỗ trợ cho Liên đoàn Lao động tỉnh 500 suất quà trị giá 650 triệu đồng; hỗ trợ 3.000 thẻ mua hàng miễn phí (mỗi thẻ 300.000 đồng), với tổng trị giá 900 triệu đồng cho công nhân, người lao động Nghệ An tham gia Chương trình “Chợ Tết Công đoàn” năm 2024.
Liên đoàn Lao động tỉnh cũng sẽ trích từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên để hỗ trợ cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn 644 triệu đồng. Trong đó, Liên đoàn Lao động tỉnh trợ cấp cho 858 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, mỗi người 500.000 đồng, với số tiền 429 triệu đồng. Tổ chức Chương trình "Tết sum vầy – Xuân chia sẻ" cho 250 công nhân, lao động với số tiền 125 triệu đồng…
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động các huyện, thành, thị và các công đoàn ngành sẽ dự kiến chi là 4 tỷ 941 triệu đồng để hỗ trợ cho 6.682 công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, số tiền chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân, người lao động là 3 tỷ 341 triệu đồng, tổ chức 48 chương trình “Tết sum vầy – Xuân chia sẻ” với 1 tỷ 600 triệu đồng.
Theo khảo sát, các công đoàn cơ sở toàn tỉnh dự kiến hỗ trợ chăm lo, hỗ trợ cho hơn 15.000 đoàn viên, công nhân, lao động. Số tiền dự kiến là gần 12 tỷ đồng từ kinh phí công đoàn cơ sở, các nguồn xã hội hóa, hỗ trợ của doanh nghiệp…/.