Liên quan đến trận lũ lụt lịch sử ở huyện núi Quỳ Châu, vào ngày 12/10/2023, Báo Nghệ An đăng tải bài viết 2 kỳ “Lũ lụt Quỳ Châu: Những điều cần nói”. Trong bài viết đưa thông tin Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh có đánh giá Công ty CP Prime Quế Phong thông báo vận hành xả lũ hồ chứa thủy điện Châu Thắng chưa đảm bảo đúng quy định, và đã có văn bản chấn chỉnh công tác vận hành xả lũ gửi đến các chủ sở hữu thủy điện.
Mới đây, chúng tôi được tiếp cận văn bản của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh. Đó là Công văn số 479/VPTT-PCTT ngày 3/10/2023, do ông Nguyễn Trường Thành – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh ký, gửi các chủ sở hữu đập và hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh. Tại đây có nội dung: “Từ ngày 25/9 đến sáng ngày 29/9, thời gian trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 250 + 400mm, cục bộ có nơi trên 400mm. Cụ thể, tại một số trạm như sau: KT Quỳ Châu: 431 mm; TV Dừa (Anh Sơn): 416 mm, KT Đô Lương: 463 mm; TV Yên Thượng (Thanh Chương): 437 mm… Trong thời gian mưa lũ trên, các chủ hồ chứa nước thủy điện trên địa bàn tỉnh đã tiến hành vận hành điều tiết. Tuy nhiên, qua theo dõi cho thấy một số chủ hồ chứa nước thủy điện chưa thực hiện đúng về việc thông báo điều tiết theo đúng thời gian quy định tại quy trình vận hành”.
Vì vậy, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đề nghị các chủ đập, hồ chứa thủy điện: “Thực hiện nghiêm các quy định trong Quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ chứa. Chủ động quan trắc, dự báo và phối hợp với các hồ chứa trên cùng lưu vực để ban hành các lệnh vận hành theo đúng quy định. Thực hiện công tác dự báo khí tượng thủy văn theo đúng quy định tại Điều 25 của Luật Khí tượng Thủy văn và các quy định trong quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ; cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu quan trắc, dự báo cho các cơ quan chức năng theo đúng quy định. Bên cạnh đó, thực hiện việc thông báo, cảnh báo theo đúng các quy định, đảm bảo an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan trên sông, suối ở khu vực hạ du đập, nhà máy trước khi vận hành xả lũ qua tràn, bắt đầu xả nước phát điện hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả về hạ du…”.
Nhìn nhận các thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc đã bị động trước diễn biến thời tiết, phải ra thông báo xả lũ giữa đêm khuya và 2 – 3 giờ sáng. Vì vậy chúng tôi đề nghị Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh có ý kiến về công tác dự báo của 2 đơn vị thủy điện này. Theo vị đại diện, hiện nay Sở Công thương đã thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện Quy trình vận hành liên hồ, quy trình vận hành đơn hồ đối với các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc, vì vậy, nên chờ báo cáo kiểm tra của Đoàn.
Tuy nhiên, vị đại diện cũng “lưu ý” rằng tại Công văn số 479/VPTT-PCTT đã nhắc các chủ hồ đập thủy điện thực hiện công tác dự báo khí tượng thủy văn theo đúng quy định tại Điều 25 của Luật Khí tượng Thủy văn. Đồng thời cho biết, ở các cuộc họp liên quan, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh đều khuyến cáo các chủ sở hữu hồ, đập thủy điện quan tâm lắp đặt hệ thống camera, trạm quan trắc để công tác dự báo được kịp thời, tránh tình huống bị động. Cụ thể như ngày 25/7/2023, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN và PTDS tỉnh có Văn bản số 101/VPTT.PCTT yêu cầu các chủ đập, hồ chứa thuỷ điện nghiêm túc thực hiện Quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ chứa, các nội dung trong các phương án đã được phê duyệt (phương án ứng phó thiên tai, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du…); cung cấp đầy đủ, kịp thời số liệu quan trắc, dự báo cho các cơ quan chức năng; thực hiện việc thông báo, cảnh báo theo đúng các quy định, đảm bảo an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan trên sông, suối ở khu vực hạ du đập, nhà máy trước khi vận hành xả lũ…
Vào ngày 4/10, UBND huyện Quỳ Châu có báo cáo tình hình thiệt hại do trận lũ ngày 26, 27/9 lên UBND tỉnh; trong đó có đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ, đánh giá nguyên nhân gây lũ lụt, xem xét quy trình xả lũ của các nhà máy thủy điện. Trao đổi với PV Báo Nghệ An, ông Lê Hải Lý – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu bày tỏ băn khoăn, mong muốn làm rõ thêm 2 vấn đề. Thứ nhất, việc thủy điện thông báo xả lũ với lưu lượng 1.000m3, 2.000m3, 3.000m3…/s thì đơn vị nào có thể giám sát chính xác? Thứ hai, thủy điện căn cứ vào đâu để đưa ra thông tin đến giờ A, giờ B thì xả lũ? Ông Lê Hải Lý nói: “Nhiều bản dân cư huyện Quỳ Châu nằm bên sông, có bản chỉ cách nhà máy chỉ dăm trăm mét. Việc xả lũ đột ngột, lưu lượng xả lớn, tốc độ dòng chảy như lũ quét thì người dân làm sao đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản…”.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, các nhà máy thủy điện Châu Thắng, Nhạn Hạc đều nằm trên địa bàn huyện Quế Phong, huyện Quỳ Châu thuộc vùng hạ du nên lâu nay gần như không có sự gắn kết. Cụ thể, hai thủy điện này chưa có quy chế phối hợp; chưa gửi phương án phòng chống thiên tai của từng thủy điện đến UBND huyện Quỳ Châu. “Huyện Quỳ Châu chỉ được thủy điện gửi Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Cả được phê duyệt tại Quyết định 1605/QĐ-TT-BCT; thời điểm vận hành xả lũ thì gửi thông báo… Vì thủy điện thiếu sự phối hợp, nên chúng tôi rất bị động” – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu Lê Hải Lý nói thêm.
Nghiên cứu Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Cả (ban hành kèm theo Quyết định số 1605/QĐ-TTg, ngày 13/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ), tại Khoản 2, Điều 5. Nguyên tắc các hồ giảm lũ cho hạ du (Chương II. Vận hành các hồ chứa trong mùa lũ) nêu rõ: “Việc vận hành giảm lũ cho hạ du bảo đảm không được gây đột biến dòng chảy, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân ở khu vực ven sông ở hạ du các hồ chứa; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Trách nhiệm của chủ hồ trong việc tổ chức vận hành hồ chứa và cung cấp thông tin, báo cáo của chủ hồ được quy định tại các Khoản 2, 3, 5 của Điều 32, đó là: “Theo dõi tình hình khí tượng, thủy văn; thực hiện chế độ quan trắc, dự báo và cung cấp thông tin, số liệu và chế độ báo cáo theo quy định của Quy trình này”; “Lắp đặt camera, thiết bị quan trắc, giám sát tự động, trực tuyến việc vận hành xả nước của hồ chứa”; “Thực hiện việc thông báo, cảnh báo để bảo đảm an toàn cho người dân và các hoạt động có liên quan trên sông suối ở khu vực hạ lưu đập, nhà máy trước khi vận hành xả lũ qua tràn, bắt đầu xả nước phát điện hoặc các trường hợp gia tăng đột ngột lưu lượng xả về hạ du”.
Điều 36, Điều 37 thì quy định khi dự báo có mưa, lũ hoặc xuất hiện lũ, chủ hồ phải tổ chức quan trắc lượng mưa theo quy định; quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, qua nhà máy ít nhất 15 phút một lần; Thực hiện bản tin dự báo lũ đến hồ định kỳ 3 giờ 1 lần. Nội dung bản tin dự báo gồm mực nước hồ, lưu lượng đến hồ thời điểm hiện tại và các thời điểm 06 giờ, 12 giờ, 18 giờ, 24 giờ tới, trong đó phải dự báo thời gian xuất hiện đỉnh lũ đến hồ; dự kiến tổng lưu lượng xả tại các thời điểm 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ, 24 giờ tới. Đồng thời, phải cung cấp ngay bản tin dự báo cho Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh…
Trao đổi với một nhà khoa học hiện đang tham gia Đề án “Điều tra, đánh giá những tác động tiêu cực của hệ thống các công trình thủy điện ở Nghệ An đến môi trường và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động”, ông nhìn nhận trong trận lũ lụt ngày 26, 27/9, những thủy điện liên quan chưa tuân thủ đúng quy trình vận hành xả lũ, và chưa thực sự trách nhiệm. Về nguyên nhân, theo ông là bởi cơ sở hạ tầng khoa học công nghệ yếu kém, dẫn đến không thể có dự báo sớm. “Việc lắp đặt thiết bị quan trắc, đo mưa để có dự báo, cảnh báo sớm thuộc trách nhiệm của chủ hồ đập. Điều này đã có quy định…” – ông trao đổi.
Nhà khoa học cũng nhìn nhận hầu hết các thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đang trong thực trạng này. Vì vậy ở Đề án mà ông tham gia đã đề ra một bộ giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của hệ thống các công trình thủy điện. Trong đó, có các giải pháp nâng cao chất lượng dự báo khí tượng, thủy văn; giải pháp nâng cao chất lượng tính toán, dự báo lũ đến hồ chứa; giải pháp vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp… “Để nâng cao được chất lượng dự báo khí tượng, thủy văn, trước hết cần bổ sung đầy đủ số lượng trạm quan trắc, trạm thủy văn, bố trí đầy đủ điểm đo mưa. Về giải pháp vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp là cần xây dựng biểu đồ xả lũ khẩn cấp cho từng công trình. Đây là một nội dung rất cần thiết. Vì dự báo có thể có sai số, lũ dự báo có thể nhỏ hơn lũ đến hồ, đẩy hồ chứa vào tình huống phải xả lũ khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho công trình, nhưng dẫn đến ảnh hưởng vùng hạ du…”./.