Thủy điện Chi Khê không làm đúng cam kết, hàng trăm hộ dân chịu thiệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn)- Do chủ đầu tư đánh giá mức độ ảnh hưởng của dự án đến các đối tượng sử dụng đất không chính xác nên khi thủy điện Chi Khê tích nước lên cao trình cho phép, đất sản xuất, nhà ở của hàng trăm hộ dân cùng nhiều công trình giao thông, mồ mả… đã bị chìm dưới lòng hồ thủy điện dù không thuộc diện giải phóng mặt bằng.

Người dân phải tự di dời nhà cửa

Nhiều tháng nay, bà Ngân Thị Chuyên (70 tuổi, bản Liên Hồng, xã Cam Lâm, Con Cuông, Nghệ An), phải thường xuyên vào rẫy ở cùng cậu con trai. Căn nhà sàn bề thế nằm ven sông Lam của bà vì thế gần như bỏ không. “Cực chẳng đã tôi mới dám ngủ lại nhà mình, chứ không sợ lắm. Đặc biệt là mùa mưa”, bà Chuyên nói.

Cũng như nhiều hộ dân Liên Hồng, gia đình bà Chuyên dựng nhà, sinh sống lâu đời ở đây. Tuy nhiên, kể từ khi thủy điện Chi Khê bắt đầu tích nước, ngôi nhà của bà Chuyên bị đe dọa, có nguy cơ trôi tuột xuống lòng hồ thủy điện. Trước đây, ngôi nhà cách bờ sông Lam đến hàng trăm mét, nhưng gần đây, mực nước chỉ cách móng nhà chừng vài mét. Căn nhà sàn cũng đã xiêu vẹo, nghiêng hẳn về phía sông.

Ngôi nhà bà Chuyên nguy cơ trôi tuột xuống lòng hồ thủy điện Chi Khê. Ảnh: Tiến Hùng

Ngôi nhà bà Chuyên nguy cơ trôi tuột xuống lòng hồ thủy điện Chi Khê. Ảnh: Tiến Hùng

Bà Chuyên là 1 trong 18 hộ dân trên địa bàn xã Cam Lâm có nhà ở sát mép nước lòng hồ thủy điện Chi Khê đang bị sạt lở, có nguy cơ gây mất an toàn, đe dọa tính mạng, tài sản. Trong đó có 4 hộ thuộc diện nguy hiểm nhất, không chịu được cảnh sống trong thấp thỏm, đã phải tự di dời nhà cửa. Gia đình ông Viền Văn Tiện (62 tuổi), là 1 trong 4 hộ đó. Ngôi nhà bằng gỗ của ông Tiện nằm ngay cạnh nhà bà Chuyên. Tuy nhiên, hơn một năm trước, ông Tiện đã phải bỏ tiền thuê người tháo dỡ, di dời toàn bộ lên vị trí cao hơn. Vị trí cũ hiện nay đã chìm dưới lòng hồ thủy điện.

Không chỉ đe dọa nhà ở, hàng chục hecta đất sản xuất ở xã Cam Lâm cũng đã chìm dưới lòng hồ thủy điện, nhưng đến nay vẫn không được đo đạc, kiểm đếm để lập hồ sơ đền bù cho người dân. Dẫn phóng viên ra bãi bồi ven sông Lam, ông Lô Văn Hiền – Chủ tịch UBND xã Cam Lâm cho biết, kể từ khi thủy điện Chi Khê tích nước lên cao trình 38m vào năm 2019, đến nay đã có 84 hộ dân có đơn phản ánh đất nông nghiệp của họ bị ngập úng, chìm dưới lòng hồ thủy điện khiến không thể sản xuất. Trong đó chủ yếu là đất của người dân các bản như Liên Hồng, bản Cống.

“Ngay cả gia đình tôi, chỉ có vỏn vẹn 2 sào đất nông nghiệp được chia theo Nghị định 64, nhưng cũng đã chìm dưới lòng hồ thủy điện Chi Khê hơn 2 năm nay. Địa phương đã rất nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn không đo đạc, kiểm đếm để đền bù bổ sung. Do chưa được đo đạc, kiểm đếm nên chưa rõ chính xác có bao nhiêu hecta đã bị ngập thêm kể từ khi thủy điện Chi Khê tích nước lên cao trình 38m, nhưng ước tính không dưới 30 hecta đất nông nghiệp”, ông Lô Văn Hiền nói.

Gia đình Chủ tịch UBND xã Cam Lâm chỉ có vỏn vẹn 2 sào đất nông nghiệp thì tất cả đã chìm xuống lòng hồ, nhưng chưa được đo đạc, kiểm đếm để lập hồ sơ đền bù. Ảnh: Tiến Hùng

Gia đình Chủ tịch UBND xã Cam Lâm chỉ có vỏn vẹn 2 sào đất nông nghiệp thì tất cả đã chìm xuống lòng hồ, nhưng chưa được đo đạc, kiểm đếm để lập hồ sơ đền bù. Ảnh: Tiến Hùng

Không riêng Cam Lâm, tại xã Châu Khê cũng có hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh tương tự kể từ khi thủy điện tích nước lên cao trình 38m. Một lãnh đạo xã Châu Khê cho biết, liên quan đến đất sản xuất, có 121 đơn kiến nghị của người dân về việc đất sản xuất của họ nằm ngoài mốc chỉ giới 38m nhưng vẫn bị ngập. Trong đó, có 63 trường hợp đã được kiểm tra, đo đạc từ tháng 8/2019 nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được câu trả lời. 58 trường hợp còn lại chưa được kiểm tra, đo đạc.

“Nguy hiểm hơn, có 20 nhà dân có hiện tượng sụt lún, nứt nẻ tường, nền nhà, chuồng trại và công trình phụ khác…. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị kiểm tra đánh giá và có phương án hỗ trợ để người dân an tâm sinh hoạt, ổn định cuộc sống nhưng đến nay vẫn chưa được tiến hành”, vị lãnh đạo xã Châu Khê nói. Tương tự, tại xã Lạng Khê cũng có đến 123 hộ dân kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra phần sạt lở, ngập ngoài mốc chỉ giới 38m. Ngoài nhà ở, đất sản xuất, nhiều công trình giao thông cũng bị ngập gây khó khăn cho việc đi lại. Thậm chí, hàng loạt mồ mả nằm ngoài mốc chỉ giới cũng bị ngập dưới lòng hồ thủy điện.

Nhà ông Tiện đã phải tự di dời lên vị trí cao hơn. Ảnh: Tiến Hùng

Nhà ông Tiện đã phải tự di dời lên vị trí cao hơn. Ảnh: Tiến Hùng

Thủy điện không làm đúng cam kết

Nhà máy Thủy điện Chi Khê có tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng, cao trình thiết kế đập thủy điện là 38m, công suất 2 tổ máy là 40 MW, được khởi công từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay thủy điện này đã phải xin điều chỉnh quy hoạch bổ sung vùng bị ảnh hưởng 2 lần nhưng vẫn chưa xong.

Năm 2017, khi thủy điện tích nước thử, mới chỉ đến cao trình 36,5m đã ngập hơn 100 ha đất của người dân nằm ngoài quy hoạch lòng hồ. Sau đó, huyện Con Cuông phải khẩn cấp phát văn bản yêu cầu phía thủy điện dừng tích nước để đảm bảo an toàn cho người dân đồng thời để điều chỉnh quy hoạch. Sau khi điều chỉnh bổ sung diện tích khu vực bị ảnh hưởng xong, thủy điện tích nước đến cao trình 38m thì lại tiếp tục phát sinh thêm nhiều diện tích khác.

Ban đầu, theo đánh giá của chủ đầu tư lòng hồ thủy điện Chi Khê sẽ không ảnh hưởng đến Tương Dương, tuy nhiên sau đó hàng chục hecta đất ở xã Tam Quang cũng đã bị thu hồi. Chưa hết, nhiều diện tích đất sau đó tiếp tục bị sạt lở. Lãnh đạo huyện Tương Dương cho biết, từ đầu năm 2022, UBND huyện đã có các công văn về việc yêu cầu đo đạc, xác định lại cao trình, tăng dày mốc đường viền lòng hồ và cung cấp hồ sơ địa chính dự án thủy điện Chi Khê. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư thủy điện Chi Khê vẫn chưa thực hiện và vẫn chưa có văn bản trả lời.

Sau khi tích nước, nhiều dịch tích đất nằm ngoài mốc chỉ giới cũng đã bị chìm xuống lòng hồ thủy điện Chi Khê. Ảnh: Tiến Hùng

Sau khi tích nước, nhiều dịch tích đất nằm ngoài mốc chỉ giới cũng đã bị chìm xuống lòng hồ thủy điện Chi Khê. Ảnh: Tiến Hùng

Trong khi đó, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Nghệ An, trước khi tích nước, năm 2017, chủ đầu tư của thủy điện Chi Khê là Công ty Cổ phần năng lượng Agrita – Nghệ Tĩnh đã có văn bản cam kết: “Đối với những hộ gia đình nằm trong diện nghi ngập diện tích đất đai, hoa màu, nhà cửa,…, chủ đầu tư cam kết sau khi tích nước lên cao trình 38m, chủ đầu tư sẽ thực hiện đo vẽ lại hoàn công tổng thể diện tích toàn bộ khu vực lòng hồ để xác định chỉ giới thu hồi, diện tích bị ngập của từng hộ gia đình theo đúng hiện trạng và lập hồ sơ đền bù bổ sung cho người dân nếu có diện tích thiếu sót, đúng, đủ theo quy định”.

“Đối với những hộ gia đình có khả năng bị sạt lở do tích nước phát điện: chủ đầu tư cam kết, nếu hộ gia đình nào bị sạt lở do thủy điện tích nước gây ảnh hưởng đến đất đai và tài sản…, sau khi tích nước, chủ đầu tư và Hội đồng đền bù sẽ kiểm tra, lập hồ sơ và đền bù bổ sung thỏa đáng cho người dân”, Bản cam kết do Tổng Giám đốc Phạm Ngọc Thành ký có đoạn nêu.

Tuy nhiên, đến nay bất chấp hàng trăm hộ dân ở các xã Cam Lâm, Châu Khê, Lạng Khê…, cũng như chính quyền địa phương nhiều lần kiến nghị, phía chủ đầu tư vẫn không thực hiện đúng như cam kết của mình.

Một ngôi nhà trên lòng hồ thủy điện Chi Khê. Ảnh: Tiến Hùng

Một ngôi nhà trên lòng hồ thủy điện Chi Khê. Ảnh: Tiến Hùng

Ông Hoàng Sỹ Kiện – Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án thủy điện Chi Khê là chủ đầu tư đánh giá mức độ ảnh hưởng của dự án đến các đối tượng sử dụng đất không chính xác. Quy hoạch phạm vi giải phóng mặt bằng thay đổi nhiều lần, dẫn đến phải xin điều chỉnh lại nhiều lần; trích lục, trích đo bản đồ địa chính của chủ đầu tư có nhiều nơi không đúng với thực tế sử dụng đất của người dân, dẫn đến phải đo đạc lại…

Mới đây, huyện Con Cuông đã tiếp tục đề nghị chủ đầu tư dự án Nhà máy Thủy điện Chi Khê phối hợp thực hiện kịp thời các nội dung có liên quan đến quyền lợi chính đáng của người dân, trong đó đề nghị tập trung thực hiện ngay một số nội dung. Cụ thể là phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương phê duyệt diện tích phát sinh ngoài chỉ giới giải phóng mặt bằng sau khi tích nước lên cao trình 38 m, để thực hiện công tác bồi thường bổ sung; hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng có diện tích còn lại dưới 100 m2 khi có phương án phê duyệt của UBND huyện…

Ông Phạm Trung Kiên – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần năng lượng Agrita – Nghệ Tĩnh thừa nhận, ban đầu dự kiến công tác giải phóng mặt bằng thủy điện Chi Khê chỉ tốn khoảng 40 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay dự án đã bồi thường hơn 300 tỷ đồng nhưng vẫn chưa xong. Về việc nhiều nhà dân nằm ngoài chỉ mốc 38m vẫn bị ảnh hưởng, phải tự di dời, ông Kiên cho biết phía công ty chưa nhận được kiến nghị. “Chúng tôi sẽ kiểm tra lại”, ông Kiên nói.

tin mới

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.

Thăm hỏi, động viên người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh kỷ niệm 10 năm thành lập

(Baonghean.vn) - Cùng với việc tạo ra hàng trăm nghìn cơ hội kinh doanh và trị giá doanh số giao dịch, kinh doanh lên tới hàng nghìn tỷ đồng, BNI vùng Thanh Nghệ Tĩnh còn tích cực tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, an sinh xã hội trên địa bàn.

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

Ca sỹ Đinh Hiền Anh ra mắt bộ đôi album Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ

(Baonghean.vn) - Chiều 20/4, tại TP Vinh, ca sỹ Đinh Hiền Anh tổ chức buổi họp báo ra mắt 2 CD phòng thu Lời ca đất nước và Dòng chảy miền thương nhớ. Bộ đôi CD ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước sau chiến tranh, hướng tới kỷ niệm 49 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4).

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

[Infographics] Chiến thắng Điện Biên Phủ - Cột mốc vàng của lịch sử dân tộc Việt Nam

(Baonghean.vn) - Cách đây 70 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cánh đồng Mường Thanh, quân và dân ta đã lập nên một trong những chiến công hiển hách, vang dội nhất trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc - Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Khai mạc triển lãm 'Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất'

Thiết thực chào mừng kỷ niệm 1085 năm Ngô Quyền xưng Vương và định đô tại Cổ Loa (939 - 2024), sáng 19/4, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội), Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã khai mạc triển lãm, chuyên đề “Ngô Quyền - Anh hùng dân tộc kiệt xuất”.