'Tiền mất tật mang" khi uống thuốc giảm cân

14/11/2017 10:31

(Baonghean) - Giảm cân để giữ sức khoẻ và vóc dáng là điều cần thiết, tuy nhiên thời gian gần đây rất nhiều người ưa dùng những loại thực phẩm chức năng có tác dụng giảm béo thần tốc. Điều này không chỉ có tác dụng ngược mà còn gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.

Nguy cơ từ viên uống giảm cân

Thời gian gần đây cư dân mạng xôn xao khi trên mạng xã hội facebook, một người dùng có tên Nguyễn H.A chia sẻ dòng trạng thái “đang cảm thấy hoang mang khi phải nhập viện với bệnh lý men gan tăng gấp 200 lần”. Lý do mà H.A trình bày là bởi cô thường xuyên sử dụng viên giảm béo mua qua mạng từ một người quen.

Thuốc giảm béo và TPCN hỗ trợ giảm béo chiếm thị phần lớn trong các nhà thuốc. Ảnh: T.N
Thuốc giảm béo và TPCN hỗ trợ giảm béo chiếm thị phần lớn trong các nhà thuốc. Ảnh: T.N

Trong hơn hai năm nay cô thường xuyên dùng viên giảm cân này như là “thần dược”. H.A tiếp tục chia sẻ: “Hôm trước đang đi bộ bỗng thấy bủn rủn chân tay rồi ngã xuống sân trường ngất xỉu, khi tỉnh lại thấy mình đang ở trong bệnh viện. Sau khi làm các xét nghiệm, tôi được chẩn đoán là viêm gan cấp khi chỉ số GOP (chỉ số men gan) tăng quá ngưỡng cho phép, gấp nhiều lần, giờ mắt và da tôi chuyển sang màu vàng nhạt, đúng là “hoạ vô đơn chí”.

Viên giảm béo đang được nhiều người ưa chuộng bày bán ở tất cả các quầy thuốc. Ảnh: Thanh Nga
Viên giảm béo đang được nhiều người ưa chuộng bày bán ở tất cả các quầy thuốc. Ảnh: Thanh Nga

Đó là một trong những trường hợp có biến chứng rõ do uống thuốc giảm béo dài ngày, tuy nhiên đa số nhiều người thường ngưng thuốc sau thời gian ngắn thực hiện lộ trình “không cần giảm ăn, không cần tập thể dục”, bởi cảm thấy rất mệt mỏi, chán ăn và sút cân nhanh. Chị Lâm Oanh ở xã Hưng Lộc (TP. Vinh) cho biết: “Tôi chỉ uống 3 viên mà không thể làm việc được, cảm thấy vô cùng mệt mỏi”. Dù chỉ một tuần mà Lâm Oanh đã giảm được 3 kg nhưng sau khi ngưng thuốc cô lại ăn bù, vì luôn cảm thấy chóng mặt, hạ huyết áp.

Vậy là sau hai tuần ngưng thuốc giảm béo chỉ số cân nặng của cô lại có xu hướng tăng so với khi chưa uống. Vậy là tiền mất tật mang, vì một lọ thuốc giảm béo mà Lâm Oanh được người bạn rỉ tai khuyên dùng có giá lên tới 800 ngàn đồng.

Khác với những trường hợp thực hiện phương pháp giảm cân siêu tốc nêu trên, hiện nay rất nhiều người dùng thực phẩm chức năng (TPCN) để giảm cân, với công thức thay thế bữa ăn hoặc ăn kèm với bữa ăn chính. Theo cách thức này nhiều người đã giảm từ 8 – 10 kg chỉ trong vòng 1 năm.

Chị Trần Thị Hải Yến (phường Hồng Sơn, TP. Vinh) cho biết: “Tôi và bạn bè tôi đã thực hiện phương pháp này nhiều tháng và thấy hiệu quả, tuy nhiên còn băn khoăn nếu khi mình không dùng sản phẩm này nữa thì có duy trì được cân nặng như đã giảm không, vì loại TPCN này có giá thành không hề rẻ”.

Nhưng điều mà chị Hải Yến và nhiều người băn khoăn là TPCN được quảng cáo có thành phần chính là ngũ cốc biến đổi gen này có thực sự tốt cho sức khoẻ không, nếu sử dụng lâu dài có gây tác hại cho cơ thể không.

Chưa thể kiểm định chất lượng

Theo chủ một nhà thuốc trên đường Nguyễn Phong Sắc (TP. Vinh), tất cả các loại thuốc giảm béo được bày bán tại nhà thuốc đều có nguồn gốc rõ ràng, và được nhập khẩu từ Đài Loan, có nhiều loại được sản xuất trong nước. Chủ cửa hàng cho biết: “Hiện nay có rất nhiều người hỏi mua thuốc lishou, là loại giảm béo cho hiệu quả thấy rõ sau 3 ngày uống. “Tuy nhiên, người dùng cảm thấy mệt mỏi lắm”.

Thế nhưng, khi được hỏi vậy tại sao vẫn bán chạy và vẫn được lưu hành thì chủ hiệu thuốc cho hay: “Bởi nó vẫn có hồ sơ rõ ràng nên không thể nói đây là loại thuốc trôi nổi. Chỉ có điều nó có tác dụng phụ là gây chán ăn, mệt mỏi và tiêu chảy”. Và chủ cửa hàng cho biết thêm: “Không nên dùng viên giảm béo nào cả, bởi chẳng có thuốc nào ở đây giảm béo từ từ. Mà chỉ có loại giảm nhanh, 1 tuần gầy 3 - 4 kg là dễ ợt”.

Khác với các viên uống giảm béo bán nhan nhản tại các hiệu thuốc, TPCN được bán theo hệ thống bán hàng riêng, và được quảng bá hết sức khoa học, vì thế ngày càng nhiều người tin dùng. Có mặt trong một buổi bán hàng của một nhãn hàng TPCN, nghe nhân viên ở đây hướng dẫn cách dùng TPCN để đưa cơ thể về cân nặng lý tưởng, nghe rất “lọt tai”, tuy nhiên khi truy xuất nguồn gốc mặt hàng thì nhân viên chỉ nói “có hệ thống bán hàng duy nhất ở TP. Hồ Chí Minh và được nhập khẩu từ Mỹ”.

Bác sỹ Trịnh Xuân Nam - Trưởng khoa Nội A – Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An: “Giảm béo chủ yếu vẫn là từ cơ chế thải calorin trong cơ thể, việc tập thể dục kết hợp ăn uống thì mới giảm đươc cân mà giữ sức khoẻ. Vì thế chẳng có thuốc nào gọi là thuốc giảm béo mà không gây mệt mỏi”.

Hiện nay, một số loại TPCN gọi là trà hay cà phê thực tế nếu có thể giảm béo nhanh đều phải ngâm tẩm một số hoạt chất gây tê niêm mạc dạ dày, khiến mất cảm giác thèm ăn, gây tiêu chảy mất nước. Điều này tăng sinh các vi khuẩn có hại trong cơ thể như vi khuẩn PH hay các virút gây viêm gan... ”.

Bác sỹ Hoàng Quốc Sơn – Quyền Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết: “Chúng tôi không thể kết luận những TPCN đang lưu hành tại các quầy thuốc là không đạt chất lượng, vì thực tế cũng chưa có cuộc kiểm tra nào về mặt hàng này tại các nhà thuốc, hay các quầy hàng thực phẩm nhỏ lẻ chuyên kinh doanh TPCN”.

“Sắp tới chúng tôi sẽ tham mưu với thanh tra Sở Y tế để có cơ chế thanh kiểm tra chặt chẽ hơn việc tiêu thụ, quảng bá TPCN trên địa bàn tỉnh” – ông Sơn cho biết.

Thanh Nga

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
'Tiền mất tật mang" khi uống thuốc giảm cân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO