Tiếng khóc xé lòng trong ngôi nhà nam sinh viên Nghệ An bị sóng cuốn ở Huế

(Baonghean.vn)- Mẹ đang làm osin ở Hà Nội để có tiền nuôi 2 con học đại học. Khi nghe tin em trai bị sóng cuốn trôi ở Huế, người anh tức tốc đưa mẹ về quê với lí do 'bố bệnh nặng'. Về đến nhà, người mẹ khóc ngất khi nghe tin dữ.

» Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

Đã 6 ngày kể từ khi nam sinh viên Nguyễn Văn Đạt (19 tuổi, quê Thanh Chương, Nghệ An) bị sóng biển cuốn trôi, bố mẹ và người thân đang đau đớn, trông mong từng giờ, từng phút sớm tìm được thi thể của Đạt.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Công ở xóm 7, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, Nghệ An bao trùm không khí tang thương. Anh em bà con lối xóm đến chia buồn, động viên gia đình. Nghe tiếng khóc xé lòng của bà Nguyễn Thị Thái (44 tuổi) - mẹ của Đạt, mọi người có mặt không cầm nổi nước mắt, tiếc thương cho số phận của một sinh viên ngoan hiền, chăm chỉ.

Bà Nguyễn Thị Thái ở quê, khóc ngất khi biết tin con bị sóng cuốn trôi. Ảnh: Huy Thư
Bà Nguyễn Thị Thái khóc ngất khi biết tin con bị sóng cuốn trôi. Ảnh: Huy Thư

Đạt là con thứ 2 trong nhà, đang học năm nhất ngành Chăn nuôi, Trường Đại học Nông Lâm Huế. Anh trai đang học năm 4 Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Gia đình nông dân nghèo có 2 đứa con đi học xa nên cuộc sống khá chật vật. Ông Công bị bệnh viêm đa khớp, ngoài 3 sào ruộng cũng phải đi phụ hồ kiếm thêm tiền. 3 năm nay, bà Thái phải ra Hà Nội đi giúp việc, vừa nuôi thân, vừa nuôi các con ăn học.

Ông Công kể trong nước mắt, khoảng 10 giờ rưỡi ngày chủ nhật 5/3, Đạt và 2 người bạn cùng rủ nhau ra biển Phú Thuận, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) để chơi. Người bạn gái ngồi trên bờ, còn Đạt và một bạn trai tên Linh thì xuống biển tắm. Khoảng 11h hơn, trong lúc sa sẩy, Đạt đã bị sóng cuốn trôi, các bạn đi cùng gọi người ứng cứu nhưng không kịp.

Nhận được tin em trai bị đuối nước, Nguyễn Văn Tiến tức tốc đưa mẹ về quê với lý do “bố đau nặng phải về đưa bố đi viện”. Lúc về tới nhà, thấy dân làng tập trung đông, bà Thái mới biết được sự thật con trai bị đuối nước. Vốn đã yếu nay gặp chuyện sốc, bà liệt giường từ mấy ngày nay, lúc mê sảng, lúc kêu khóc thảm thiết. Trưa hôm nhận được hung tin, anh em nội ngoại gia đình ông Công đã lên xe đi Huế mong tìm được thi thể của Đạt. 

Bàn thờ em Nguyễn Văn Đạt tại biển Phú Thuận, Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Đào Viên
Bàn thờ em Nguyễn Văn Đạt tại biển Phú Thuận, Phú Vang (Thừa Thiên Huế). Ảnh: Đào Viên

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, 2 anh em Đạt đi học đều phải kiếm việc ngoài giờ, làm thêm như: rửa bát, bưng bê ở quán cà phê… để đỡ đần cho cha mẹ. Tiền bà Thái kiếm được mỗi tháng, chia đôi, nửa để lại cho con đầu ở Hà Nội, nửa gửi vô Huế cho con thứ 2.  Đêm ngày 4/3, Đạt còn điện về hỏi thăm sức khỏe của bố và nói với ông Công là “con đang đi học quân sự và đã nhận được tiền của bố gửi vô”. Nói đến đây, ông Công ôm mặt khóc: “Tết mới về đông đủ, bạn bè đến đầy nhà, mà dừ như ri, thương cho con lắm”.

Những ngày qua, khi biết tin con trai ông Công bị đuối nước ở biển Thừa Thiên Huế, anh em bà con láng giếng xóm 7, cán bộ và người dân xã Thanh Liên liên tục đến thăm hỏi, chia buồn, động viên gia đình nạn nhân. Có mặt tại nhà ông Công, bà Nguyễn Thị Toàn, nói trong tiếng nấc nghẹn lòng: “Thương con, thương cháu quá chừng. Cả làng, ai cũng đau xót mà không biết mần răng”.

Từ bãi biển Phú Thuận, huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế), ông Nguyễn Văn Mai (46 tuổi) người thân của nạn nhân cho biết: Ngay sau khi nhận được tin cháu Đạt bị sóng cuốn trôi, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ phối hợp với người dân, bộ đội Biên phòng Cảng Thuận An và sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Huế tổ chức tìm kiếm (giăng lưới, lặn mò) nhưng vẫn chưa tìm thấy thi thể Đạt. 

Người thân và người dân xã  Phú Thuận đang tổ chức tìm kiếm thi thể em Đạt. Ảnh: Đào Viên
Người thân và người dân xã Phú Thuận đang tổ chức tìm kiếm thi thể em Đạt. Ảnh: Đào Viên

Những ngày tiếp đó, mọi người đã mở rộng không gian tìm kiếm, lặn ra ngoài khơi, người dân và sinh viên chia nhau đến các bãi biển lân cận để thăm dò... mà vẫn vô vọng.

Trong đau thương hoạn nạn, chính quyền và người dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang đã hỗ trợ gia đình nạn nhân dựng lều bạt trên biển, ủng hộ cơm ăn, nước uống cho 10 người thân và hàng chục bạn sinh viên tham gia tìm kiếm cứu nạn gần một tuần nay. Sáng 10/3, bằng nhiều nguồn giúp đỡ, gia đình đã thuê 3 thợ lặn và buổi chiều cùng ngày lại thuê thêm một số thợ lặn nữa, hi vọng sẽ tìm kiếm được thi thể em Đạt.

Nắm bắt được hoàn cảnh gia đình, những ngày qua, trên mạng xã hội, nhiều hội, nhóm từ thiện, hội đồng hương Nghệ An… đã tổ chức kêu gọi, quyên góp để giúp đỡ gia đình nạn nhân, nhằm có thêm kinh phí thuê thợ lặn, mong sớm tìm kiếm được nạn nhân, nhiều bạn đã đến trực tiếp tại bãi biển Phú Thuận để chia sẻ, đông viên với gia đình.

                                            Huy Thư

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.