Trong buổi sáng mai mùa hạ, cổng đền Trìa cổ kính mở rộng đón những người con Hưng Lộc và du khách gần xa đến thắp hương, thăm viếng. Sau tuần hương, chúng tôi được ông Hoàng Văn Nhu, người canh giữ đền Trìa giới thiệu về lá cờ đỏ sao vàng, về những hiện vật được lưu giữ tại đền. Giọng người thủ từ già trầm mặc, run run xúc động xen lẫn niềm tự hào: “Ngày 1/5/1930, đền Trìa, chợ Cọi là nơi xuất phát của cuộc biểu tình 30-31. Đồng chí Hoàng Trọng Trì đã chỉ huy 1.200 quần chúng Lộc Đa và các vùng lân cận kéo xuống Bến Thuỷ biểu tình. Đêm 26/10/1930, tại đền Trìa diễn ra cuộc mít tinh lớn mà sau đó, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhắc đến trong thư gửi Quốc tế cộng sản ngày 19/2/1931”…
Trên con đường mang tên nhà cách mạng Hoàng Trọng Trì, chúng tôi được ông Hoàng Thái Hữu, Bí thư Chi bộ xóm Mẫu Đơn dẫn đến bia dẫn tích, tham quan và giới thiệu những hiện vật còn lưu giữ tại nhà thờ họ Hoàng – Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia. Trên tấm bia dẫn tích đã nhuốm màu thời gian, những dòng chữ khắc vào đá vẫn rõ nét: “Tại nhà thờ họ Hoàng, từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1930 là trụ sở làm việc của Xứ ủy Trung kỳ, Tỉnh ủy Vinh – Bến Thủy. Trong thời kỳ Xô viết Nghệ Tĩnh, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng đã từng về đây hoạt động và được nhân dân chở che, đùm bọc”.
Những địa danh như: Đền Trìa, đền thờ và mộ Vua Trần Quý Khoáng, đền Ngũ Lộc, đền Mẫu Đơn, đền Mẫu Lâm, đền Làng Thạch, đền Làng Chay, nhà thờ họ Hoàng, nhà thờ họ Uông,… đều thắm truyền thống cách mạng, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, bồi đắp lòng tự hào về quê hương Lộc Đa, Đức Thịnh xưa, Hưng Lộc nay.
Trải qua hai cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại, nhân dân Hưng Lộc đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của, góp phần làm nên chiến thắng oanh liệt cho đất nước. Hiện, toàn xã có 188 liệt sĩ hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, 497 thương binh, bệnh binh, 21 gia đình có công với nước, 19 cán bộ lão thành cách mạng, 5 người được Chính phủ tặng Bằng có công với nước, 9 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 Anh hùng Lao động.
Truyền thống cách mạng đã trở thành mạch nguồn nội lực, thành niềm tự hào của bao thế hệ người dân Hưng Lộc. Dịp này, chúng tôi được cùng cán bộ xã Hưng Lộc đến thăm cụ Hà Văn Tải, đảng viên lão thành 94 năm tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng. Được con trai dìu từ buồng ra, ngồi trò chuyện cùng chúng tôi với giọng nói đứt quãng, dù phải nghỉ giữa chừng để lấy sức nhưng khi nhắc đến truyền thống của mảnh đất Hưng Lộc, nơi mà cụ xem là quê hương thứ hai của mình thì giọng cụ bỗng trở nên hào sảng, hứng thú, mắt ngời lên niềm tự hào. Vì thế, cuộc nói chuyện kéo dài gấp nhiều lần dự kiến…
Ông Võ Hợi, người có thời gian tham gia công tác chính quyền, đoàn thể ở xã Hưng Lộc trên 55 năm, gắn bó máu thịt với mảnh đất này, hàng ngày chứng kiến sự đổi thay của quê hương nhưng như ông chia sẻ: “Nhiều khi vẫn thấy ngỡ ngàng trước bức tranh nông thôn đổi mới văn minh, hiện đại, thân thiện và đầy tiềm năng phát triển của Hưng Lộc.”. Mọi nếp nhà, tuyến ngõ đều đổi thay nhanh chóng, 100% hộ dân có nhà ở kiên cố, tường bao, cây xanh phủ kín. Trong các khu dân cư, dọc các tuyến đường từ trục chính đến xóm, làng, cảnh quan phong quang, sạch sẽ, vệ sinh môi trường luôn được đảm bảo.
Giai đoạn 2015-2022 xã đã xây dựng và đưa vào sử dụng trên 70 công trình với tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng. Ngoài ra, các xóm còn huy động sự hỗ trợ, ủng hộ của các mạnh thường quân để nâng cấp thiết chế văn hoá, thể thao với số tiền trên 5 tỷ đồng. Điển hình như xóm Tiến Lộc đã huy động gần 2,3 tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, ngõ phố văn minh, sáng – xanh – sạch – đẹp.
Ông Phạm Xuân Hợi – Bí thư Chi bộ xóm Tiến Lộc cho biết: “Nhà văn hóa của xóm với hội trường gần 300 chỗ ngồi, đầy đủ tiện nghi như: phông màn, điều hòa, máy chiếu; sân thể thao có mái che, 3 sân bóng chuyền; 1 sân bóng đá mini; trang bị 200 thùng rác công cộng. Đặc biệt, đã trồng 100 cây hoa ban, 100 chậu hoa giấy, trang bị đèn led, cụm đèn chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời; 300m tường rào bích hoạ… tạo không gian xanh mát, thân thiện; cảnh quan sạch đẹp cho người dân sinh sống, vui chơi, giải trí”.
Một trong những tiêu chí “xương sống” của chương trình nông thôn mới nâng cao là thu nhập của người dân được đặc biệt chú trọng. Theo đó, địa phương đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi các mô hình sản xuất cây, con truyền thống sang các loại cây, con đặc sản, năng suất chất lượng cao với giá trị kinh tế vượt trội. Đặc biệt, chú trọng phát triển thương mại dịch vụ. Nhờ đó đến nay, tỷ lệ thương mại, dịch vụ chiếm 57,6%, Công nghiệp – Xây dựng chiếm 38%, Nông nghiệp chiếm 3,8%. Nhịp độ tăng trưởng bình quân 8,7%/năm; Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2022 là 55 triệu đồng/năm.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, Hưng Lộc đặc biệt quan tâm phát triển văn hóa xã hội, chăm lo cho sự học của con em. Bằng nguồn lực của địa phương, sự chung tay góp sức của nhân dân trên tinh thần xã hội hóa, các công trình đầu tư cho giáo dục có trọng điểm và đạt hiệu quả cao. Đến nay, 100% các trường học đều đạt chuẩn quốc gia các mức độ, chuẩn xanh – sạch – đẹp – an toàn. Với việc hoàn thành đầy đủ, chất lượng toàn bộ các tiêu chí, xã Hưng Lộc được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Những ngày này, ngoài sự hân hoan, niềm phấn khởi của không khí chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập xã và đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thì mỗi người dân Hưng Lộc lại rộn ràng câu chuyện từ làng lên phố, xã lên phường. Không chỉ là sự đổi thay ở diện mạo bên ngoài mà đã trăn trở thành suy nghĩ, hành động của mỗi người dân nơi đây hướng tới xây dựng cuộc sống mới. Anh Vương Bằng, một người dân ở xóm Mẫu Đơn phấn chấn: “Hành trình từ xã lên phường là bước chuyển vượt bậc của địa phương, mở ra cơ hội mới để Hưng Lộc phát triển toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đô thị hóa đòi hỏi người dân cũng phải chuyển động song hành, phải tự trang bị cho mình một lối sống, cách ứng xử văn minh, hiện đại”.
Theo Quyết định 2572 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt “Đề cương xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh” thì sẽ thành lập 4 phường thuộc thành phố Vinh trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã: Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Phú, Nghi Đức.
Ông Hoàng Ngọc Căn, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Lộc cho biết: “Đón nhận thời cơ đó, hiện chính quyền xã Hưng Lộc đã tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp; đẩy nhanh quá trình đô thị hóa và thu hút đầu tư. Đồng thời, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Xây dựng và bố trí đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực và phẩm chất đạo đức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác quy hoạch bảo đảm khoa học, hiện đại và lâu dài; phát triển kinh tế đô thị với các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ có chiều sâu, mang tính liên kết; huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn của nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, công trình phúc lợi xã hội”.
Trên con đường phát triển từ làng lên phố, Hưng Lộc đang dần hoàn thiện hạ tầng đô thị đồng bộ, tạo thuận lợi để chuyển dịch lao động nông nghiệp sang làm việc ở lĩnh vực công nghiệp, thương mại – dịch vụ; các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường… cũng được đầu tư đáp ứng yêu cầu xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Trở thành phường không chỉ là sự đổi thay ở diện mạo bên ngoài mà còn tác động đến suy nghĩ, hành động của mỗi người dân, hướng tới xây dựng cuộc sống mới tốt đẹp hơn.